10/01/2025

WWF: 30% hộ gia đình ở Việt Nam đã phân loại rác, hộ kinh doanh làm ngơ

Nghiên cứu của WWF về khảo sát chất thải rắn và rác thải nhựa ở Việt Nam cho thấy khoảng 30% hộ dân đã thực hiện phân loại rác và cảm thấy không ổn về tình hình rác thải xung quanh, nhưng các hộ kinh doanh còn thờ ơ.

 

WWF: 30% hộ gia đình ở Việt Nam đã phân loại rác, hộ kinh doanh làm ngơ

Nghiên cứu của WWF về khảo sát chất thải rắn và rác thải nhựa ở Việt Nam cho thấy khoảng 30% hộ dân đã thực hiện phân loại rác và cảm thấy không ổn về tình hình rác thải xung quanh, nhưng các hộ kinh doanh còn thờ ơ.



WWF: 30% hộ gia đình ở Việt Nam đã phân loại rác, hộ kinh doanh làm ngơ - Ảnh 1.

Tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn xảy ra ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

 

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 80 đại diện cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp có liên quan; khảo sát 394 hộ gia đình, 319 hộ kinh doanh, 322 người thu gom rác thải, 20 điểm (gồm 12 bãi chôn lấp) và phân tích thành phần gần 200 mẫu rác thải rắn.

Kết quả cho thấy trung bình mỗi hộ gia đình làm phát sinh khoảng 120-150 túi nilông/ngày. 46% hộ thải từ 2-4 chai nhựa, hộp xốp/ngày, tương đương 60-120 chai nhựa, hộp xốp/tháng.

Vẫn còn khoảng 5-9% các hộ dân đổ thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến tỉ lệ rác nhựa thất thoát ra môi trường tại các tỉnh thành ước tính trung bình là từ 8,3-13%, tương đương 0,4-0,7 triệu tấn vào năm 2019.

Tại TP.HCM, ước tính tỉ lệ rác nhựa thất thoát ra môi trường là 11,3%, tương đương 200 tấn/ngày hoặc 73.000 tấn/năm.

Rác thất thoát là rác không được đưa đến bãi đổ, nhà máy đốt rác, bãi chôn lấp hoặc được tái chế.

Nghiên cứu cho thấy hơn 50% hộ kinh doanh quy mô nhỏ thiếu hiểu biết về bản chất, tác động của rác thải nhựa và tình trạng rò rỉ rác nhựa ra môi trường; 63% hộ kinh doanh không nắm được bất cứ quy định pháp lý nào về quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường. Họ cũng thờ ơ với vấn đề rác thải nhựa xung quanh mình.

 

Trong khi đó, 34% hộ gia đình cảm thấy không ổn về tình hình phát sinh rác thải nhựa xung quanh. Trên 31% hộ gia đình đã thực hiện phân loại rác tại nhà.

Theo tính toán của WWF, tỉ lệ thu gom rác hiện nay là 91-95%. Tỉ lệ rác nhựa quay lại thị trường tái chế theo đường phi chính thức (người thu mua ve chai, đồng nát) là 13-27%.

Theo bà Trần Thị Hương – cán bộ kỹ thuật cao cấp, điều phối thực hiện nghiên cứu, “dù tỉ lệ tái chế qua đường phi chính thức từ 13-27%, chúng ta không biết chắc chắn rác được tái chế như thế nào. Công nghệ tái chế rất quan trọng vì nếu việc tái chế của các vựa ve chai không được kiểm soát, hoạt động này cũng có thể gây ô nhiễm môi trường. 

Nếu các công ty đã sản xuất ra hàng hóa dịch vụ có thể thu gom chai, lọ, bao bì của mình hoặc rác nhựa được các công ty có năng lực tái chế đạt chuẩn xử lý thì vấn đề rác thải nhựa sẽ chuẩn hơn, có lợi cho thị trường và môi trường hơn”.

Chương trình đô thị giảm nhựa là sáng kiến của WWF hướng đến xây dựng một mạng lưới đô thị giảm nhựa trên toàn cầu, thí điểm ở Đông Nam Á. Các thành phố tham gia bằng cách đưa ra cam kết giảm thiểu nhựa. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1.000 đô thị tham gia.

 

 

HỒNG VÂN