Chúa Nhật IV Mùa Vọng – A: Emmanuel – Một Thiên Chúa chia sẻ phận người
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – A
(Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)
EMMANUEL – MỘT THIÊN CHÚA CHIA SẺ PHẬN NGƯỜI
“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7,14; Lc 1,23)
- CÁC BÀI ĐỌC
- Bài đọc I (Is 7,10-14)
Khoảng cuối thế kỷ VIII TCN, vương quốc Giuđa bị đe doạ bởi quân ngoại bang. Trị vì vương quốc lúc bấy giờ là vua Achaz, ông không làm điều ngay chính trước mắt Đức Chúa, thậm chí còn đi theo lề thói ngoại bang mà làm lễ thiêu con trai mình (x. 2V 16,2-3). Vì thế, tiên tri Isaia đã xuất hiện đúng lúc để can thiệp, và mong muốn Achaz phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Và vì thế, sấm ngôn của tiên tri Isaia đã loan báo về một Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Người đến để cứu thoát dân Người.
Ở đây, chúng ta thấy trước bối cảnh nguy khốn, vua Achaz đã không kêu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa; chính Thiên Chúa mới là Đấng khởi sự sáng kiến cứu dân Người. Và vì thế, chúng ta thấy sự sinh hạ Đức Giêsu sau này ứng nghiệm dấu chỉ này, đó là thánh ý cứu độ của Thiên Chúa cách tự do và nhưng không trong việc cứu thoát dân Người.
- Bài đọc II (Rm 1,1-7)
Bài đọc II trích từ thư của thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Rôma. Đây là phần mở đầu của bức thư. Và thông thường theo phong cách văn chương lúc bấy giờ, thánh Phaolô đã gởi lời chào thăm các tín hữu và giới thiệu về mình cho một cộng đoàn vốn chưa biết ngài. Ngài khẳng định mình là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được gọi làm Tông đồ để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
Trọng tâm bức thư là Đức Kitô, Đấng đã được các ngôn sứ loan báo xưa kia, và chính Người là Con Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi thuộc về Đức Kitô, làm dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa. Chính Người sẽ ban ân sủng và mang lại bình an cho con người chúng ta.
- Bài Tin Mừng (Mt 1,18-24)
Tin Mừng về thời thơ ấu của Chúa Giêsu (Matthêu và Luca) đều cho thấy rằng Đức Giêsu là Đấng Messia được loan báo; Người là niềm hy vọng của dân Israel. Tin Mừng Matthêu đặt thánh Giuse làm trung tâm; trong khi đó, nơi Tin Mừng thánh Luca, Đức Maria là vai trò trung tâm. Vì thế, ở đây, thánh Giuse đã hội tụ tất cả những di sản mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham. Bản gia phả ở trước đã thể hiện rõ điều này khi khởi đi từ Abraham và kết thúc ở Giuse, chồng Maria. Và như thế, theo Tin Mừng Matthêu, thánh Giuse, con vua Đavit, không phải là một hình ảnh bên lề trong nhiệm cục cứu độ, nhưng ngài đã thừa kế tất cả các sứ mệnh của các tổ phụ và các vua.
Đoạn Tin Mừng hôm nay bày tỏ niềm tin của cộng đoàn Kitô sơ khai về sự sinh hạ hài nhi Giêsu cách đồng trinh. Theo ý nghĩa này, giải thích ý nghĩa về lời sấm Đấng Emmanuel đã được bày tỏ. Thánh Giuse đã đảm nhận trọn vẹn vai trò người cha mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho ngài và chính ngài sẽ là người đặt tên cho hài nhi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ.
- GỢI Ý MỤC VỤ
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông thư “Dấu chỉ tuyệt vời” mới đây, đã nêu bật ý nghĩa của hang đá, nơi bộc lộ tất cả tình yêu của Thiên Chúa cho con người, nơi thể hiện toàn vẹn một Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta:
- “Hang đá khơi dậy rất nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động, bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với sự nhỏ bé của chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó để mời gọi chúng ta đi theo con đường khiêm nhường để gặp và phục vụ Người với lòng thương xót dành cho những anh chị em nghèo khổ nhất”.
Là Kitô hữu, tôi đã thể hiện hình ảnh dịu dàng, nhỏ bé của Thiên Chúa nơi hang đá đời tôi?
- “Đêm đen đôi khi bao quanh cuộc sống của chúng ta. Dù vậy, ngay cả trong những khoảnh khắc đó, Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, mà Người hiện diện và mang ánh sáng đến nơi chìm trong bóng tối và chiếu sáng những người vượt qua bóng tối của đau khổ. Được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu cuộc cách mạng thực sự và duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng. Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để nói với chúng ta rằng Người gần gũi với con người, dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Trong những khoảnh khắc đêm đen cuộc sống của tôi hay của mọi người quanh tôi, tôi có cảm nghiệm được sự hiện diện đầy cảm thông và yêu thương của Đấng Emmanuel?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô – Đấng Emmanuel, Thiên Chúa đã đến và ở với nhân loại để thực hiện kế hoạch yêu thương của Người. Tin tưởng vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết sẵn sàng đón nhận ơn thánh:
- “Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội thánh biết mở lòng đón nhận ơn Chúa và cộng tác với Chúa Thánh Thần, tích cực đem Tin mừng cứu độ cho con người trong thế giới hôm nay.
- “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những dân tộc chưa nhận biết Chúa, được nghe loan báo Tin mừng nước trời và khám phá nguồn hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa.
- “Chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang lầm đường lạc lối, biết ý thức tình trạng tội lỗi của bản thân, nhận ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa, và thành tâm quay về với Người để sống trong ân sủng và bình an.
- “Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết tìm kiếm và thực hiện ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày, qua việc tận tâm chu toàn mọi bổn phận mà Chúa đã trao phó.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã yêu thương và ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết dấn thân cộng tác vào công trình yêu thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Nguồn: Ban MVPT TGP