11/01/2025

Ép người khác uống rượu bia từ 1.1.2020, coi chừng vi phạm luật

Từ 1.1.2020, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là vi phạm pháp luật.

 

Ép người khác uống rượu bia từ 1.1.2020, coi chừng vi phạm luật

Từ 1.1.2020, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là vi phạm pháp luật.



 
 
 

Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia
Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia

 
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14.6.2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Đây là một trong những luật chứa những quy định tác động mạnh tới đông đảo người dân Việt Nam.

Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống bia, rượu

Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, đặc biệt cấm xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia; Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Và cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
 
Ngoài ra, cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
 
Liên quan đến việc rủ rê, mời người khác uống rượu, bia, theo Điều 34 của Luật này về trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, thì các gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia.
 
Đồng thời, cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỷ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Siết tuổi người mua rượu, bia

Luật cũng yêu cầu phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, đây là yêu cầu đối với tất cả cơ sở bán rượu, bia. Cụ thể, khoản 5 Điều 32 ghi rõ: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh‘.
 

Điều 32, khoản 6 có quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”.
 
Không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện. Ở khoản 7, Điều 32, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
 
Đối với việc quảng cáo rượu, bia, khoản 3, Điều 12 của Luật này không cho thực hiện quảng cáo ở sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; Phương tiện giao thông. ‘Khung giờ vàng’ là thời gian cấm quảng cáo rượu, bia. Cụ thể, “báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Sức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam

– Báo cáo của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cho thấy năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân VN uống gần 43 lít bia/năm.
 
– Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore. 
 
 
 
LAM NGUYÊN