22/01/2025

Làm tốt cho đời

Rất nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, nghĩ rằng lao động chỉ xứng đáng nếu nó làm ra được nhiều tiền của vật chất, chỉ có ý nghĩa khi dùng tiền của ấy sắm sửa cho mình nhiều tiện nghi: quần áo, xe cộ, nhà cửa…

Bài 18

Làm tốt cho đời

 

Lời mở

Rất nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, nghĩ rằng lao động chỉ xứng đáng nếu nó làm ra được nhiều tiền của vật chất, chỉ có ý nghĩa khi dùng tiền của ấy sắm sửa cho mình nhiều tiện nghi: quần áo, xe cộ, nhà cửa… Người ta đã hiểu lầm lao động khi thấy những cầu thủ bóng đá: chỉ chơi vài trận, đã kiếm được hàng tỉ đồng và được báo đài ca tụng như anh hùng của đất nước. Người ta coi thường lao động tay chân hay trí óc khi nhìn những ca sĩ, diễn viên biến hình thành thần tượng dưới ánh đèn sân khấu đủ màu. Họ chỉ cần hát một bài, diễn một tiết mục ngắn, cũng nhận được cả trăm triệu đồng! Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng đó mới là những ngành nghề đáng theo đuổi và đó mới là cuộc đời đáng sống! Nhiều người quả thật đã không hiểu được ý nghĩa của lao động.

Vậy lao động là gì? Làm thế nào tìm được nguồn lực để ta làm việc luôn mãi và làm tốt cho đời? Đây mới thật sự là những câu hỏi đáng ta quan tâm.

1. Lao động là gì?

Lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội[chuthich]x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, 2013, mục từ Lao động, tr.702.[/chuthich] [1]. Lao động còn được hiểu là việc làm cụ thể hoặc sức người bỏ ra để tạo ra sản phẩm, như khi ta nói: “trả lương theo lao động”, hoặc “nâng cao năng suất lao động”.

Người ta còn phân biệt Người lao động là người thợ hay nhân công, là người làm công ăn lương, đóng góp lao động và chuyên môn để nỗ lực tạo ra sản phẩm cho người chủ. Người lao động (ở Việt Nam, theo khoản 1 điều 3 Bộ luật Lao động 2012) là người đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Người lao động có thể là người:

– Lao động phổ thông, lao động chân tay như công nhân, thợ, nông dân làm thuê, người giúp việc.

– Lao động trí óc hoặc lao động văn phòng: nhân viên (công chức, tư chức), cán bộ, chuyên gia.

Đối với chính công việc phải làm: người ta cũng phân biệt các loại như lao động giản đơn, lao động phức tạp, lao động lành nghề, lao động cụ thể, lao động trừu tượng, lao động làm thuê, lao động nông nghiệp, lao động thặng dư, lao động theo mùa, lao động quá khứ, lao động xã hội cần thiết, lao động xã hội trực tiếp,[chuthich] x. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 2002, mục từ Lao động, tr.642-645.[/chuthich] [2]… Những từ chuyên môn này nói lên tính cách phong phú và đa dạng của lao động con người.

2. Lao động trong đời sống hiện nay

Ngay từ lúc xuất hiện trên mặt đất, lao động là định luật bắt buộc để bảo tồn sự sống cho muôn loài. Những cây cối, dù to hay nhỏ, đều cố gắng vươn những cành lá ra chỗ có ánh sáng để biến dòng nhựa nguyên, do những chiếc rễ con con mỗi ngày cắm sâu vào lòng đất rút ra, thành dòng nhựa luyện nuôi sống toàn thân để đến mùa mới nở hoa thơm, sinh trái ngọt cho đời. Những con ong, con kiến cần cù làm việc từng ngày mới có thể tồn tại và phát triển bầy đàn. Dù trái đất có cung cấp cho chúng đủ loại nguyên vật liệu nhưng nếu không lao động cần cù, chúng sẽ chết khô, chết đói như những chú ve ca hát suốt cả mùa hè [chuthich]x. Jean de la Fontaine (1621-1695), nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp. Truyện ngụ ngôn con ve và con kiến.[/chuthich] [3].

Con người thời sơ khai sống theo bộ lạc cũng lao động không ngừng để bảo tồn sự sống. Công việc được phân chia cho mọi người một cách đồng đều để cùng làm cùng hưởng. Ai không làm thì cũng không đáng ăn, đáng sống, đúng như cha ông ta có câu tục ngữ: “Tay làm hàm nhai, tay quay miệng trễ”. Nhờ lao động, con người tách khỏi giới động vật, thực vật, có thể chế ngự được những sức mạnh của thiên nhiên như lấp sông, phá núi, lấn biển, thuần hoá gia súc để phục vụ mình. Nhờ lao động, con người biết chế tạo ra các công cụ, phát huy khả năng và kiến thức của mình để làm cho đời sống cá nhân được no đủ và xã hội phát triển.

Nhưng khi con người sản xuất ra nhiều hàng hoá dùng không hết, con người bắt đầu trao đổi và có những mối quan hệ sản xuất với nhau, phân chia công việc để có những loại lao động khác nhau. Con người vượt qua xã hội nguyên thuỷ cùng làm cùng hưởng, sở hữu chung tư liệu sản xuất và sản phẩm để chuyển thành xã hội có sự đối kháng giữa các giai cấp. Giai cấp nào chiếm hữu được nhiều tư liệu sản xuất, có nhiều đất đai, dụng cụ sản xuất thì sẽ sản xuất được nhiều hàng hoá, trở thành giai cấp hùng mạnh và bóc lột giai cấp yếu kém hơn.

Từ đó những loại lao động cần nhiều sức lực thể chất của con người như làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi gia súc và những thợ thủ công như thợ may, thợ rèn, thợ mộc… bị đánh giá thấp so với những loại lao động trí óc của những người lãnh đạo, quản lý, dạy học, chữa bệnh, làm các nghi thức tôn giáo… Những người làm việc tinh thần sống nhàn nhã và được trả lương cao hơn, nên người ta coi trọng lao động trí óc hơn lao động chân tay, dù rằng theo sự phân công trong xã hội cả hai đều cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng con người và đáng lý phải được coi trọng như nhau. Con người dần dần thích nhàn nhã, “ăn trắng”, “mặc trơn” và coi thường những người phải làm các ngành nghề vất vả, bẩn thỉu, nguy hiểm như nghề thợ mỏ, nghề quét dọn vệ sinh. Đôi khi do ảnh hưởng của tôn giáo, người ta còn coi thường một số nghề như giết mổ động vật, phối giống động vật, diệt trừ sâu bọ… vì giới luật cấm sát sinh, phải thánh thiện.

Trong một số xã hội không coi trọng con người, không nhận ra mọi người là anh em của nhau, dù khác biệt về màu da, về tín ngưỡng, về tôn giáo, về giai cấp xã hội, về ngôn ngữ dân tộc… thì người lao động, hay sức lao động, trở thành một thứ hàng hoá để trao đổi, bán buôn. Con người bây giờ chỉ còn là một công cụ để sản xuất ra hàng hoá và những con người có chức quyền, có tiền của thường bóc lột sức lao động ấy để tạo ra đủ loại chế độ nô lệ và hình thức buôn người.

Dù chế độ nô lệ trực tiếp trong những đế quốc như Hy Lạp, La Mã và nhiều đế quốc châu Âu thời Trung cổ đã chấm dứt, nhưng những hình thức buôn người mới vẫn đang tồn tại giữa lòng xã hội văn minh hiện nay. Người ta buôn bán nội tạng như quả tim, quả thận với giá vài trăm triệu đồng, mà đôi khi những người nghèo khổ liều mình bán đi để cứu gia đình. Người ta buôn bán thân xác để thoả mãn những bản năng thấp kém của con người bằng cách lừa dối những cô gái, chàng trai nghèo túng bán mình để làm việc trong những nhà hàng, quán bar, quán massage trá hình, hộp đêm… Người ta lừa dối những con người muốn mau chóng làm giàu bằng cách lén lút đưa họ qua những nước Âu, Mỹ giàu có để làm những công việc tay chân vất vả hay những ngành nghề nguy hiểm, phạm pháp như trồng cần sa, buôn bán ma tuý… khiến nhiều người phải chết oan như 39 thi thể của người Việt chết tức tưởi trong một container để nhập lậu vào Anh quốc ngày 23/10/2019, ở hạt Essex.

Chủ nghĩa Cộng sản và Tư bản đã cố gắng đi tìm ý nghĩa của lao động để giới thiệu những loại hình xã hội không còn cảnh người bóc lột người, hay người buôn người, mà ai nấy đều làm việc với tinh thần tự giác, sáng tạo để cùng xây dựng một cộng đồng xã hội trong đó mọi người đều coi nhau là anh chị em của đại gia đình nhân loại. Tuy nhiên, cả hai chủ nghĩa này đều nhận ra rằng không thể nào xây dựng một xã hội lý tưởng nếu không giáo dục hay đào tạo được những con người hiểu rõ về giá trị lao động, làm chủ được những tham vọng, dục vọng của mình để nhận ra mọi người đều là con cái của Người Cha Tạo Hoá luôn làm việc không ngừng.

3. Vượt qua những lao động bất chính

Khi chúng ta hiểu lao động là định luật cần thiết để sống còn của con người, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi được làm chung với mọi người để thăng tiến sự sống của cá nhân mình và sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội. Do những áp lực của xã hội và thiếu hiểu biết về ý nghĩa của lao động nên nhiều người đã không muốn làm việc hay chỉ làm việc cầm chừng. Chúng ta đã biết đến cuộc hội nhập văn hoá của dân tộc Việt Nam hơn 10 thể kỷ khi bị người Trung Quốc đô hộ, đã làm cho người Việt hiểu lầm lao động là một hình thức khổ sai triền miên và chỉ làm việc cầm chừng dưới ánh mắt của người khác, cũng như sẵn sàng ngưng làm việc nếu không bị ai theo dõi hay bắt buộc. Hơn nữa, đời sống khó khăn thiếu thốn đã làm cho người ta tìm hết cách để thu lợi từ lao động của mình chứ không thật tâm làm việc vì công ích, vì liên đới với người khác. Kết quả là “trước khi làm việc, ai cũng ngại khó; khi đang làm việc, ai cũng sợ khổ; khi làm xong việc, ai cũng kể công”.

Vì không coi chủ thể và đối tượng lao động là những con người có phẩm giá cao quý, là anh em trong cùng một gia đình nhân loại, nên khi lao động, người ta chỉ coi nhau như những món hàng để mua bán hay như những phương tiện sản xuất ra hàng hoá để thu lợi cho mình. Từ đó chúng ta thấy có nhiều người lao động bất chính, nhiều nghề bất công, sản xuất ra những hàng hoá độc hại gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội.

* Người Việt Nam thường quan niệm: “một người làm quan cả họ được nhờ”, nên những ai tham gia vào chính quyền, trở thành công chức là nghề béo bở nhất. Vì thế chúng ta thấy nạn tham nhũng xảy ra khắp nơi, trở thành một quốc nạn, có thể dẫn dân tộc chúng ta đến chỗ diệt vong. Người ta lợi dụng những chức vụ trong chính quyền, trong đảng phái để thu lợi cho cá nhân, cho phe nhóm, mà không quan tâm đến công ích và vận mệnh dân tộc. Xã hội vẫn thường nói “nhất thân, nhì thế” nên người ta dùng chức vụ mình đang có để chiếm những nguồn lợi kinh tế lớn lao của đất nước, chiếm độc quyền trong một số ngành nghề, chiếm những tài nguyên thiên nhiên như đất cát, rừng núi, sông biển… để xây dựng cho cá nhân mình, cho gia đình mình, thậm chí bán cả đất đai cho kẻ xâm lăng.

* Rất nhiều nghề ở Việt Nam hiện nay không còn mang tính cao thượng, tốt đẹp như trước đây, do cơn lốc của chủ nghĩa hưởng thụ vật chất, kiếm tìm danh lợi bằng bất cứ giá nào. Không ít những bác sĩ khai thác bệnh nhân bằng những yêu cầu xét nghiệm, siêu âm, giải phẫu dù không cần thiết. Không ít những dược sĩ cố tình bán những loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Không thiếu những giáo sư, giảng viên mua học vị tiến sĩ, thạc sĩ bằng tiền hay chép lại những luận văn của người khác để biến thành luận án của mình. Không thiếu những thầy giáo, cô giáo cho điểm học trò theo những quà cáp hay bó buộc học thêm trong những lớp dạy kèm ở nhà mình. Không thiếu những người tốt nghiệp với những bằng cấp mua được từ những trường đại học, học viện, cao đẳng bằng những đồng tiền bất chính hay bằng uy thế của cha mẹ là những người có chức quyền. Không thiếu những sinh viên, học sinh chỉ lười biếng, kém cỏi, nhưng vẫn nhận được điểm xuất sắc nhờ quà cáp hay chiều chuộng đủ kiểu để lấy lòng thầy cô. Như thế, nhiều ngành nghề cao quý trước đây đã bị bôi bẩn chỉ vì lòng tham và lòng dục của con người.

* Cũng từ lòng tham và lòng dục này, nhiều ngành nghề đã trở thành phương tiện để thu lợi bất chính khiến người dân Việt không biết tin vào ai, dùng hàng hoá nào để cuộc sống an lành. Những nông dân dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón độc hại khiến cho nông sản không còn an toàn; những người chăn nuôi dùng hoá chất tăng trọng, thuốc kháng sinh quá lượng, những ngư dân dùng hoá chất ướp cho thuỷ sản được lâu bền, dù biết rõ những hoá chất này rất nguy hiểm cho sự sống con người và sự phát triển của dân tộc.

Những ngành nghề này trước đây rất cao quý, bây giờ lại trở thành những cơ hội, tạo nên bất công và tội ác, nhưng xã hội hiện nay hầu như vẫn im lặng để mặc cho con người hành động. Nếu không có một sự giáo dục lương tâm nhạy bén nhờ sự giúp đỡ của các tôn giáo, thì những người làm các ngành nghề này vẫn coi hoạt động sai trái của họ là chuyện đương nhiên cần phải làm để sản xuất ra hàng hoá.

* Một số ngành nghề mới trong lĩnh vực thông tin đại chúng cũng là dịp gây hại cho con người, vì làm vẩn đục tinh thần của những người thụ hưởng. Việt Nam hiện nay có hơn 96 triệu dân và hơn 60 triệu người đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như truyền thanh, truyền hình, báo chí, internet và các mạng xã hội. Rất nhiều người đang hành động gian dối, lừa bịp trong lĩnh vực này khi họ loan báo những tin tức sai lạc, cố ý lèo lái quần chúng theo ý đồ nào đó của chính quyền hay của các công ty thương mại, khi đưa ra những sản phẩm dối trá, kém chất lượng, cổ vũ bạo lực, những trò chơi trực tuyến lồng ghép những cảnh dâm ô, những phim ảnh đồi truỵ, những kiểu hài hước tục tĩu, thấp hèn.

* Khi con người tôn thờ tiền bạc như ông chủ của đời mình, như vị thần quyền năng có thể làm được hầu như mọi chuyện, thì sẽ có nhiều ngành nghề bất lương và nhiều người lao động trong lĩnh vực xấu xa này để kiếm thật nhiều tiền. Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta thấy không thiếu những nghề bất chính như mãi dâm, buôn bán ma tuý, bảo kê của xã hội đen, môi giới đủ loại như chạy án giảm thuế, cho vay nóng, buôn bán hàng trộm cắp, in ấn sách báo lậu, làm bằng cấp giả, đòi nợ thuê… Không ít người sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời, dám mất hết danh dự và làm ô nhục gia đình để theo đuổi những ngành nghề bất lương đó.

4. Giáo huấn Xã hội của Công giáo về lao động con người

Cuộc xung đột về ý nghĩa của lao động giữa chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản kéo dài hơn một thế kỷ, kể từ khi Karl Marx (1818-1883) viết cuốn Tư bản[chuthich]x. Das Kapital – Kritik der politischen Oekonomie (Tư bản – chỉ trích về kinh tế chính trị) do K.Marx viết cuốn I, xuất bản ngày 14/9/1867. Bản thảo của ông được Friedrich Engels sử dụng để xuất bản cuốn thứ 2 (1885) và thứ 3 (1894).[/chuthich] [4]. Nhưng cuộc xung đột này tự nó kết thúc vào cuôi thế kỷ 20 khi các dân tộc nhận ra rằng chủ nghĩa nào cũng cực đoan và sai lầm khi chỉ phân tích và nghiên cứu con người lao động theo khía cạnh riêng lẻ chứ không tổng hợp, phiến diện chứ không toàn diện. Cuối cùng các nước theo hai chủ nghĩa đó đã đề cao nền kinh tế thị trường như ta thấy hiện nay.

Trong thực tế, không có một nền kinh tế thị trường nào hoàn toàn tự phát vận hành theo đúng luật thị trường, cũng như không có nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung hoàn toàn. Thay vào đó, hầu hết các nước có nền kinh tế hỗn hợp. Tuỳ ở mỗi nước mà các yếu tố thị trường và yếu tố can thiệp của Nhà nước có nhiều hay ít. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra cho mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam và gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển chủ nghĩa xã hội. Nhưng cho đến nay, chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ ràng, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [chuthich]x. Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải đáp, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/5/2014; Kinh tế Việt Nam: mất 15 năm chỉ để dò đá qua sông; báo điện tử VTC News, 29/8/2015.[/chuthich] [5]. Đảng Cộng sản Việt Nam ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/1/2008 về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế này. Theo chính phủ Việt Nam, nguyên nhân tình trạng này là do hệ thống kinh tế đó hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử [chuthich]x. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Wikipedia.[/chuthich][6].

Khi lao động, con người trước hết làm việc cho mình hay cho gia đình mình với tất cả những cố gắng sáng tạo, để có những sở hữu bảo đảm cho cuộc sống và tương lai như chủ nghĩa Tư bản bảo vệ. Tuy nhiên, con người luôn liên đới với xã hội, với cả cộng đồng nhân loại nên cũng cần phải điều hoà các quyền lợi cá nhân để tất cả cùng phát triển như chủ nghĩa Cộng sản đề cao. Chối bỏ một yếu tố nào của con người toàn diện đều làm cho nền kinh tế bị sụp đổ như thực tế lịch sử đã minh chứng đối với cả hai chủ nghĩa trên.

Giáo hội Công giáo đã trình bày học thuyết của mình về lao động con người ở chương 6 của cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004 (x. tr.191-230) và trình bày đặc biệt dễ hiểu cho giới trẻ trong chương 6 của cuốn Docat, xuất bản năm 2016 (x. tr.136-157, từ câu số 134-157) với tựa đề Nghề nghiệp và ơn gọi. Chúng ta có thể tóm tắt một số điểm cơ bản sau đây:

4.1. Bốn nguyên tắc hướng dẫn hành động

Lao động trước tiên là hành động có chủ ý của con người nên phải tuân theo 4 nguyên tắc hướng dẫn hành động mà chúng ta đã tìm hiểu trước đây:

– Nguyên tắc Nhân vị [chuthich]x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 105-159; Docat, số 47-83.[/chuthich][7]: Chủ thể hành động và đối tượng của hành động là những con người có phẩm giá cao quý vì là con cái Thiên Chúa nên phải hành động đúng đắn, không được xúc phạm hoặc làm hại con người.

– Nguyên tắc Công ích [chuthich]x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 164-184; Docat, số 87-94.[/chuthich][8]: chủ thể hành động phải nhắm đến ích lợi chung nghĩa là hướng đến thiện ích để giúp cho mình và cho mọi người được phát triển toàn diện và mỹ mãn.

– Nguyên tắc Bổ trợ [chuthich]x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 185-188; Docat, số 95-98.[/chuthich][9]: hành động của chủ thể nhằm trợ giúp cho đối tượng phát triển để họ tự hành động chứ không làm thay họ.

– Nguyên tắc Liên đới [chuthich]x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 192-196; Docat, số 100-103.[/chuthich][10]: hành động của chủ thể liên đới và nối kết với muôn người, muôn vật nên cần phải cẩn trọng và khôn ngoan cũng như dám hy sinh quyền lợi cá nhân để liên kết với người khác.

4.2. Vài nguyên tắc hướng dẫn lao động

Tuy  nhiên, lao động còn là một hành động xã hội cụ thể tạo ra sản phẩm vật chất hay tinh thần cho cộng đồng nên nó còn được quy định bởi một vài nguyên tắc căn bản sau đây:

+ Lao động là lời mời gọi của Thiên Chúa Tạo Hoá cho con người tham gia vào công trình sáng tạo của Ngài (x. St 2.2; G 38-41; Tv 104; Tv 147). Ngài đã tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người theo hình ảnh Ngài và kêu mời con người lao động trên đất đai (x. St 2,5-6), canh tác và chăm sóc vườn Eđen mà Thiên Chúa đặt con người vào trong đó (x. St 2,15) để con người lao động như chính Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Như thế, lao động là một phần trong tình trạng nguyên thuỷ của con người và đã có trước khi con người phạm tội. Do đó, lao động không phải là một hình phạt hay một sự chúc dữ. Lao động chỉ trở thành vất vả và cực nhọc khi con người (qua Ađam – Eva) phá vỡ mối quan hệ tin tưởng và hoà thuận với Thiên Chúa (x. St 3,6-8), cắt đứt nguồn sức mạnh, sự khôn ngoan và tình yêu là Thiên Chúa. Vì thế, con người không còn đủ sức khoẻ để làm việc, không còn khôn ngoan để làm việc cho có hiệu quả tốt và không còn tình yêu để thấy lao động là nguồn của hạnh phúc vì làm được một điều gì đó cho người mình yêu thương. Người đó là chính Thiên Chúa và cũng là những con người mình sống với. Như thế lợi nhuận hay tiền của kiếm được từ lao động không phải là mục tiêu số 1 của lao động, nhưng mục tiêu đó là để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người.

+ Lao động là dịp may để thăng tiến con người và phát triển xã hội [chuthich]x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 256.[/chuthich][11]. Thiên Chúa dựng nên con người giống Ngài và từng giây phút Ngài ban cho con người sức lực, tài năng, ân sủng và tình yêu. Khi lao động, con người phát huy những ơn lành ấy để thăng tiến bản thân, cải tạo trái đất cho xanh tươi tốt đẹp, phát triển cộng đồng cho giàu mạnh, an lành. Tuy nhiên, khi lao động con người phải luôn biết tự chủ: để không bị lao động cuốn hút mình đến độ chỉ biết công việc, làm nô lệ cho công việc. Vì thế, luật nghỉ ngơi ngày Chủ Nhật giúp cho con người được tự do đầy đủ hơn để không trở thành nô lệ cho lao động, dù là nô lệ tự nguyện hay bị cưỡng bức, cũng như không bị bóc lột, dù là bóc lột kín đáo hay công khai.

+ Lao động với Chúa Giêsu và như Chúa Giêsu là tham gia vào công trình cứu độ của Người. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa. “Bản thân Người sau khi trở nên giống chúng ta mọi sự, đã dành phần lớn năm tháng sống trên đời này để lao động tay chân trên bàn thợ mộc” [chuthich]x. ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Labor exercens (Lao động con người), số 6, 1981.[/chuthich][12], tại xưởng của Thánh Giuse (x. Mt 13,55; Mc 6,3). Trong nhiều dụ ngôn, Đức Giêsu dạy chúng ta phải trân trọng lao động (x. Mt 9,37-38; 25,14-30), Người nói đến việc người thợ đáng hưởng lương (Lc 10,7). Chính trong lao động, chúng ta bắt chước Chúa Giêsu mang lấy thập giá hằng ngày của mình và bước theo Người trên con đường sự thật và sự sống để cứu rỗi con người và cứu độ vạn vật [chuthich]x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 263.[/chuthich][13].

Trong những năm tháng sống trên trần thế, Đức Giêsu làm việc không ngừng, làm nhiều việc lớn lao để giải thoát con người khỏi bệnh tật, đau khổ và chết chóc[chuthich]x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 261. [/chuthich] [14]. Ngài lao động cả ngày “sabat”, không phải vì nô lệ cho công việc nhưng muốn xác định lại ý nghĩa nguyên thuỷ của ngày sabat: “được lập ra cho con người chứ con người không được dựng nên cho ngày sabat” (Mc 2,27). Điều đó muốn nói rằng sabat là ngày giải phóng con người khỏi nô lệ cho công việc, tìm được sự nghỉ ngơi, tìm về nguồn của sức lực lao động là Thiên Chúa và mục đích của lao động là tận hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó cũng là lý do tại sao người tín hữu đến nhà thờ tham dự thánh lễ và nhất là rước Mình Máu Chúa Giêsu Kitô để có sức lao động trong tuần sống.

+ Lao động theo những ngành nghề khác nhau nhưng chung một tình yêu. Đức Giêsu dạy chúng ta điều đó qua dụ ngôn “Những nén bạc” (x. Mt 25,14-30). Chúa giao cho mỗi người những nén bạc khác nhau: người 5, người 2, người 1. Nghĩa là từng người, theo ơn gọi khác nhau, Ngài trao phó những điều kiện vật chất, tài năng tinh thần và ân sủng khác nhau. Ngài mời gọi chúng ta lao động giống như Chúa Giêsu và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta làm cho những nén bạc ấy sinh lời cho Chúa, đồng thời tạo nên hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài.

Những ngành nghề chính đáng, dù là lao động tay chân hay trí óc, chỉ là sự phân công trong xã hội để mỗi người mỗi việc, nhưng mọi người đều có chung một bổn phận là làm phát triển chính mình và xã hội, có chung một mục đích là cứu độ thế giới và có chung một phương tiện là tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Dù ta chỉ là một người phụ nữ lo việc nội trợ trong gia đình, một công nhân làm những công việc giản đơn trong công ty, xí nghiệp, hay một người thất nghiệp đi bán vé số ngoài đường, thậm chí đi nhặt rác…nhưng nếu ta làm với tất cả tình yêu dành cho Chúa và cho anh chị em mình, như vậy là đã đủ rồi. Đó là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Trong sự phân công xã hội, không thể tất cả đều làm giám đốc hay người quản lý. Mỗi người, qua ơn gọi lao động và tài năng Chúa ban, chúng ta đóng góp vào kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là đem tình yêu cứu độ thế giới.

Chúng ta đưa tình yêu vào trong từng công việc, qua từng nồi cơm ta nấu, từng chậu quần áo ta giặt, từng công việc học hành mà mỗi học sinh thực hiện hằng ngày. Thánh Thần Tình Yêu sẽ thánh hoá mọi việc ta làm, làm cho chúng trở thành thánh thiện vì được kết hợp với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ của Người.

Hơn nữa, qua dụ ngôn “Người thợ làm vườn nho” (x. Mt 20, 1-16), Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa là người chủ rất cảm thông những nỗi khó nhọc, vất vả của ta trong vườn nho cuộc đời. Do tính chất công việc, hoàn cảnh xã hội, điều kiện vật chất và tinh thần mỗi người khác nhau, nên công việc có thể nhàn nhã với người này, nhưng lại nặng nhọc với người kia. Vào ngày cuối cuộc đời, tất cả đều lãnh một quan tiền như nhau. Có thể khi so sánh nỗi cực khổ bên ngoài, có người thấy Chúa hình như đối xử bất công với mình vì họ phải chịu đựng gian nan khốn khó hơn nhiều người khác. Tuy nhiên tất cả chúng ta được mời gọi bỏ đi ánh mắt ghen tị đối với anh chị em để nhận ra tình yêu của Cha Trên Trời từng giây phút ban cho ta muôn ơn lành hồn xác và cả trái đất này làm sản nghiệp chung, ban cho ta Người Con Một yêu quý để chết thay cho ta và sống lại vì ta, ban cho ta cả Thánh Thần Tình Yêu tràn ngập trong trái tim ta để ta thấy rằng những nỗi cực khổ ở đời này sánh sao được với phần thưởng là đời sống vĩnh hằng của Cha Trên Trời ban đồng đều cho mọi người con của mình như quan tiền trao cho tất cả. Vì thế chúng ta hãy cố gắng làm tốt cho đời!

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa những công việc sẽ làm trong năm nay và trong suốt cuộc đời để xin Chúa thánh hoá, chúc lành. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn tình yêu vào lòng ta, để mỗi giây phút lao động trên đời, ta đều có ý nghĩ trong sáng, lời nói chân thành, hành động chính đáng mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người.

 

Câu hỏi gợi ý

1. Trong các loại hình lao động, loại hình nào cao quý hơn cả?

2. Ngành nghề nào ở Việt Nam hiện nay đang được giới trẻ quan tâm học và hành trong đời sống?

3. Bạn hãy liệt kê những nghề bất chính, bất lương mà bạn biết.

4. Nguyên tắc nào là nền tảng và căn bản trong hành động và lao động của con người?


[1] x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, 2013, mục từ Lao động, tr.702.

[2] x. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 2002, mục từ Lao động, tr.642-645.

[3] x. Jean de la Fontaine (1621-1695), nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp. Truyện ngụ ngôn con ve và con kiến.

[4] x. Das KapitalKritik der politischen Oekonomie (Tư bản – chỉ trích về kinh tế chính trị) do K.Marx viết cuốn I, xuất bản ngày 14/9/1867. Bản thảo của ông được Friedrich Engels sử dụng để xuất bản cuốn thứ 2 (1885) và thứ 3 (1894).

[5] x. Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải đáp, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/5/2014; Kinh tế Việt Nam: mất 15 năm chỉ để dò đá qua sông; báo điện tử VTC News, 29/8/2015.

[6] x. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Wikipedia.

[7] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 105-159; Docat, số 47-83.

[8] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 164-184; Docat, số 87-94.

[9] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 185-188; Docat, số 95-98.

[10] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 192-196; Docat, số 100-103.

[11] x. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 256.

[12] x. ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Labor exercens (Lao động con người), số 6, 1981.

[13] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 263.

[14] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 261.