10/01/2025

Thảm nạn núi lửa phun trào ở New Zealand

Tính đến rạng sáng nay (10.12), ít nhất 5 người đã thiệt mạng, 18 người bị thương và một số khác vẫn còn mất tích sau khi ngọn núi lửa bất ngờ phun trào ở bờ biển phía đông White Island, vịnh Plenty, New Zealand.

 

Thảm nạn núi lửa phun trào ở New Zealand

Tính đến rạng sáng nay (10.12), ít nhất 5 người đã thiệt mạng, 18 người bị thương và một số khác vẫn còn mất tích sau khi ngọn núi lửa bất ngờ phun trào ở bờ biển phía đông White Island, vịnh Plenty, New Zealand.
 
 
 
 
 
 
Nhiều du khách đã có mặt ngay lúc núi lửa trên Đảo Trắng /// Reuters

Nhiều du khách đã có mặt ngay lúc núi lửa trên Đảo Trắng   Reuters

 

 

Ít nhất 50 du khách có mặt tại hiện trường

Rạng sáng 10.12 giờ địa phương, cảnh sát New Zealand cho biết có ít nhất 50 du khách đã có mặt gần khu vực núi lửa phun trào và chỉ mới giải cứu được 23 người. Phía cảnh sát cũng cho hay hiện “chưa phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống” từ những người còn kẹt lại và ngay khi trời sáng, máy bay không người lái sẽ được điều động để quan sát tình hình.
 
 
Trước đó, Reuters đưa tin vào khoảng 14 giờ 11 phút ngày 9.12 (giờ địa phương), một ngọn núi lửa ở bờ biển phía đông White Island (Đảo Trắng), New Zealand đột ngột phun trào khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, 18 người bị thương và nhiều người khác được báo cáo vẫn còn mất tích.
 
Theo thông báo của cơ quan địa chất New Zealand, đợt phun trào này đã tạo ra một cột tro bụi cao khoảng 3.658 m. Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp nước này cho biết bụi tro ngay lập tức bao trùm toàn bộ White Island và dự báo có thể ảnh hưởng đến một số khu vực lân cận.
 
Phát biểu trong buổi họp báo ngay sau khi thảm hoạ xảy ra, bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand, cho biết: “Một số khách du lịch đã ở White Island vào thời điểm núi lửa phun trào, trong số đó có cả người New Zealand lẫn nước ngoài”.
Thảm nạn núi lửa phun trào ở New Zealand1

Núi lửa trên Đảo Trắng phun trào vào ngày 9.12   Ảnh: Reuters

 

Trả lời Thanh Niên, Đại sứ New Zealand tại VN Wendy Matthews cho biết tính đến chiều 9.12, chưa có nạn nhân Việt Nam nào được ghi nhận trong vụ núi lửa phun trào tại White Island.
 
Từ thủ đô Wellington, chị Đặng Ngọc Vy Anh, du học sinh Việt Nam tại New Zealand, cho biết: “Tôi ở khá xa khu vực White Island, nên hiện chưa có ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, tôi nghe được từ truyền thông là tình hình ở đấy đang khá tệ, hy vọng là vài ngày tới các khu vực xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”.
 
 
Anh Lữ Triều Việt, sinh viên Trường Victoria University of Wellington, cho biết: “White Island là một hòn đảo khá xa đất liền và ít người sinh sống. Một người bạn của tôi ở TP.Tauranga gần đó cũng báo bình an và cho biết chưa nghe được thông tin gì về việc có thể bị ảnh hưởng”.

Bất chấp cảnh báo

Theo trang Stuff, Đảo Trắng (Whakaari) thuộc cấu trúc núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất ở New Zealand. Hòn đảo thực chất được hình thành do hoạt động liên tục của núi lửa trong 150.000 năm qua và hầu như liên tục phun ra khí núi lửa ít nhất từ năm 1769. Hòn đảo khá tròn với đường kính khoảng 2 km và cao 321 m so với mực nước biển. Thực chất phần nổi chỉ là chóp của một núi lửa ngầm trong lòng biển có chiều cao đến 1.600 m.
 
Theo các tài liệu, vào khoảng năm 1880, một số người đàn ông ở lại đảo để khai thác lưu huỳnh, nguyên liệu chế tạo thuốc súng và phân bón. Tuy nhiên, đến tháng 10.1885, họ từng dùng thuyền tháo chạy khỏi đảo do núi lửa phun trào khủng khiếp. Hoạt động khai khoáng tạm dừng vào năm 1914 khi một phần phía tây của núi lửa sụp đổ khiến tất cả 10 công nhân tại đây thiệt mạng.
 
Giai đoạn từ năm 1975 – 2000 là thời gian núi lửa hoạt động kéo dài nhất, với lần phun trào lớn vào tháng 7.2000 khiến núi lửa hình thành nên một miệng núi lửa mới gần vị trí cũ. Những lần phun trào đáng chú ý khác xảy ra vào các năm 2012, 2013 và 2016.
 
Hòn đảo được công nhận là khu bảo tồn cảnh quan vào năm 1953, trước khi trở thành khu vực áp dụng Đạo luật Bảo tồn 1977. Du khách không được tự ý lên đảo nếu không tham gia các tour du lịch có đăng ký.
 
Theo tờ Daily Mail, từ năm 2011 – 2016, các nhà khoa học từng nhiều lần cảnh báo núi lửa trên Đảo Trắng quá nguy hiểm và không nên phục vụ du lịch. Thậm chí các chuyên gia núi lửa không dám đặt chân lên đảo và chỉ quan sát bằng máy bay hoặc thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên, hằng ngày vẫn có nhiều chuyến thuyền chở đầy du khách đến đảo, bất chấp cảnh báo. Vào tháng 11, Viện Nghiên cứu GNS Science nâng mức cảnh báo núi lửa tại Đảo Trắng sau khi phát hiện hoạt động gia tăng.
 
 
 
THANH LƯƠNG – KHÁNH AN