10/01/2025

Tàu Parker áp sát Mặt trời, phát hiện bất ngờ: từ trường đảo ngược kỳ lạ

Các nhà khoa học của NASA vừa công bố những dữ liệu khoa học đầu tiên khi tàu thăm dò Mặt trời Parker tiến gần đến Mặt trời hơn bao giờ hết, mang lại một cái nhìn mới mẻ về gió mặt trời và thời tiết vũ trụ nói chung.

 Các nhà khoa học của NASA vừa công bố những dữ liệu khoa học đầu tiên khi tàu thăm dò Mặt trời Parker tiến gần đến Mặt trời hơn bao giờ hết, mang lại một cái nhìn mới mẻ về gió mặt trời và thời tiết vũ trụ nói chung.

 

Tàu Parker áp sát Mặt trời, phát hiện bất ngờ: từ trường đảo ngược kỳ lạ - Ảnh 1.

Tàu thăm dò Mặt trời Parker chỉ cách bề mặt Mặt trời 24 triệu km – Ảnh: NASA

Các nhà nghiên cứu ngày 4-12 cho biết các phát hiện đầu tiên từ tàu thăm dò Mặt trời Parker, được phóng vào ngày 12-8-2018 với sứ mệnh “chạm” vào Mặt trời, đã cung cấp những chi tiết mới về gió Mặt trời, các cơn bão từ và cách Mặt trời tạo nên thời tiết trong vũ trụ.

Hiện con tàu chỉ cách Mặt trời khoảng 24 triệu km và trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên đến gần bề mặt của Mặt trời nhất từ trước đến nay. Mục tiêu cuối cùng của Parker là tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách 6 triệu km. Để so sánh, Trái đất cách Mặt trời 150 triệu km.

Reuters cho biết phát hiện mới giúp các nhà thiên văn học định hình lại những kiến thức về gió mặt trời – một luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt trời – và các cơn bão từ vốn có thể gây ảnh hưởng đến các vệ tinh và thiết bị điện tử trên Trái đất.

Tàu thăm dò Parker đã chịu nhiệt độ cực cao khi bay qua vùng thượng quyển của Mặt trời, hay còn gọi là vành corona (vành nhật hoa). Đây là khu vực tạo ra gió Mặt trời, từ sự kết hợp các hạt điện tích vô cùng nóng phát ra từ Mặt trời.

Trước đây, giới khoa học cho rằng càng tới gần thì từ trường của Mặt trời sẽ hút gió theo hướng mà nó di chuyển và hiệu ứng này sẽ yếu dần khi càng ra xa. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất từ tàu Parker cho thấy gió mặt trời gần Mặt trời hoạt động kỳ lạ do sự đảo ngược của từ trường. 

Trong quá trình đảo ngược này, vận tốc gió Mặt trời dường như tăng đột biến và các hạt điện tích phát ra theo đường cong giống chữ S khi chúng di chuyển ra xa Mặt trời.

“Gió mặt trời mang một lượng năng lượng rất lớn. Điều này sẽ thay đổi đáng kể lý thuyết của chúng tôi về cách vành corona và gió Mặt trời trở nên nóng hơn” – giáo sư chuyên ngành khoa học vũ trụ, khí hậu và kỹ sư Justin Kasper của ĐH Michigan nói.

Điều này hoàn toàn ngược với nghiên cứu trước đó của ĐH Michigan khi cho rằng những dao động trong từ trường của Mặt trời có thể là nhân tố giúp vành corona nóng lên. Trong khi đó, phát hiện từ dữ liệu của tàu Parker chỉ ra rằng các sóng từ trường thực tế mạnh hơn rất nhiều, mạnh tới mức đảo hướng của từ trường và tạo ra năng lượng cho vành corona.

ANH THƯ