10/01/2025

Mở ‘nhạc’ dưới biển để hồi sinh san hô

Được nghe ‘nhạc’ gồm tiếng quẫy đuôi của đàn cá, tiếng tôm búng đuôi lách tách… cá và nhiều sinh vật khác bơi tới chỗ san hô chết và giúp nó hồi sinh.

 

Mở ‘nhạc’ dưới biển để hồi sinh san hô

Được nghe ‘nhạc’ gồm tiếng quẫy đuôi của đàn cá, tiếng tôm búng đuôi lách tách… cá và nhiều sinh vật khác bơi tới chỗ san hô chết và giúp nó hồi sinh.


 

Mở nhạc dưới biển để hồi sinh san hô - Ảnh 1.

Những chiếc loa phát thanh được đặt ở các mảng san hô đã chết – Ảnh: University of Bristol

 

Âm nhạc ở đây không phải của Mozart, Beethoven hay bất cứ nhà soạn nhạc thiên tài nào mà là âm thanh thu được của một rạn san hô khỏe mạnh qua loa phóng thanh để thu hút cá con trở về rạn san hô. 

Những con cá này giúp làm sạch rạn san hô, thúc đẩy san hô phát triển, bắt đầu quá trình phục hồi hệ sinh thái.

Trong nhiều năm qua, theo báo Daily Mail, các đợt sóng nhiệt ngày càng thường xuyên cùng nhiều tác nhân khác từ con người đã khiến nhiều mảng san hô bị tẩy trắng. Các loài tảo cộng sinh trên san hô cũng biến mất.

Nhà sinh vật học Tim Gordon (Đại học Exeter) và các đồng nghiệp đã đặt các máy phát loa phóng thanh trong những mảng san hô chết xung quanh đảo Lizard, thuộc rạn san hô Great Barrier của Úc. 

Những chiếc loa này phát bản ghi âm của một rạn san hô khỏe mạnh, bao gồm cả những tiếng quẫy đuôi, nhả bong bóng của đàn cá; tiếng tôm búng đuôi lách tách và âm thanh phong phú của những sinh vật khác sống trong rạn san hô. 

Họ phát hiện ra rằng số lượng cá bơi đến các mảng san hô đã chết này tăng gấp đôi so với những nơi không có âm thanh phát ra, con số sinh vật khác cũng tăng 50%.

Mở nhạc dưới biển để hồi sinh san hô - Ảnh 2.

Cá và nhiều sinh vật khác đóng vai trò quan trọng để phục hồi rạn san hô – Ảnh: University of Bristol

 

Theo nhà sinh vật Tim Gordon, kết quả này thực sự là tín hiệu đáng mừng. Cá đóng vai trò rất quan trọng để các rạn san hô hoạt động như một hệ sinh thái khỏe mạnh. Tăng cường quần thể cá theo cách thức này có thể giúp khởi động quá trình phục hồi tự nhiên, giảm thiểu tình trạng bị tẩy trắng của nhiều rạn san hô trên khắp thế giới.

Cá, tôm và các sinh vật khác sẽ bị âm thanh này thu hút. Chúng bị “đánh lừa” rằng nơi đó vẫn là “môi trường tốt” và sẽ bơi đến gần, làm tổ trên các mảng san hô này và tạo ra sự đa dạng sinh học tại nơi ấy. Sự đa dạng bao gồm cả loài ăn thực vật, ăn sinh vật phù du, động vật ăn thịt và sinh vật ăn xác và ăn chất thải.

 

Mở nhạc dưới biển để hồi sinh san hô - Ảnh 3.

Rất nhiều yếu tố khiến rạn san hô bị tẩy trắng – Ảnh: Tim Gordon/University of Exter

 

Các loài khác nhau cung cấp các chức năng khác nhau trên rạn san hô. Có nghĩa là một quần thể cá phong phú và đa dạng rất quan trọng để duy trì một hệ sinh thái khỏe mạnh.

Hiện các nhà khoa học rất vui mừng và đặt hi vọng cao vào phương pháp này. Sử dụng âm thanh là một kỹ thuật đầy hứa hẹn để phục hồi rạn san hô và có thể quản lý trên cơ sở địa phương. Nếu kết hợp với các biện pháp bảo tồn khác thì việc phục hồi và bảo tồn rạn san hô sẽ mang lại hiệu quả lớn lao.

Tuy nhiên, vẫn cần phải giải quyết một loạt các mối đe dọa khác bao gồm biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm nước để bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô.

Mở nhạc dưới biển để hồi sinh san hô - Ảnh 4.

Rạn san hô là nơi sinh sống của hàng ngàn sinh vật biển, từ loài ăn thực vật, ăn sinh vật phù du, động vật ăn thịt và sinh vật ăn xác và ăn chất thải – Ảnh: University of Bristol

Mở nhạc dưới biển để hồi sinh san hô - Ảnh 5.

Khi san hô bị tẩy trắng, những sinh vật này không còn môi trường sống – Ảnh: University of Exter

Mở nhạc dưới biển để hồi sinh san hô - Ảnh 6.

Các nhà khoa học hiện đặt niềm hi vọng lớn vào phương pháp dùng âm thanh thu hút cá về để phục hồi rạn san hô – Ảnh: University of Exter

 

 

MINH HẢI