11/01/2025

Người mẹ không tóc của những hài nhi xấu số

9 năm qua, một người phụ nữ nghèo tại xã Thuỷ Bằng (thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế) lặng lẽ gom nhặt từng thai nhi vô thừa nhận bị vứt bỏ đưa về chôn cất trong phần đất nhà mình.

 

Người mẹ không tóc của những hài nhi xấu số

9 năm qua, một người phụ nữ nghèo tại xã Thuỷ Bằng (thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế) lặng lẽ gom nhặt từng thai nhi vô thừa nhận bị vứt bỏ đưa về chôn cất trong phần đất nhà mình.

 

 

Người mẹ không tóc của những hài nhi xấu số - Ảnh 1.

Nụ cười hiền lành của bà Sâu – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Bà là Nguyễn Thị Sâu, 54 tuổi. Căn nhà vợ chồng bà nằm cheo leo bên sườn núi Tứ Tượng.

Từ giọt máu… đến thai nhi thành hình

Tờ mờ sáng một ngày cách đây nhiều năm, khi đang ngồi dưới chân tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát (núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng), bà Sâu nhìn thấy một con chó gặm lấy túi nilông đầy máu chạy ngang qua. 

Lấy hết sức bình sinh đuổi theo, bà phát hiện bên trong túi là một cục máu còn đỏ hỏn cùng mảnh giấy ghi nhận ngày tháng bỏ thai nhi. Thương tâm, bà Sâu dùng số tiền ít ỏi của hai vợ chồng mua ximăng về đắp thành nấm mồ cho hài nhi ngay dưới chân tượng Phật.

Cách vài ngày sau đó, bà lại thấy một hộp giấy được đặt nửa kín nửa hở bên bờ rào. Vẫn cảm giác có chuyện chẳng lành, bà liền đến xem rồi khựng lại trong vài giây. 

“Thai đã thành hình. Chắc cũng tầm gần 7 tháng. Con được gói trong một cái khăn, rồi cho vào thùng lạnh tanh giữa rừng thông” – bà xót xa kể.

Từ đó, nhiều nấm mồ của những hài nhi xấu số bị bỏ lại dưới chân tượng Phật ngày một nhiều lên. Lo sợ khi người dân ghé rừng thông thắp hương ngày một nhiều sẽ gây cháy, nên bà Sâu sau khi làm xong thủ tục thì đưa các hài nhi về chôn cất trong một khu đất của gia đình.

Từ khi xây dựng cho đến nay đã có 28 thai nhi về yên nghỉ tại khuôn viên này. Bà chia khu đất thành nhiều ô nhỏ theo hình chữ nhật nằm sát nhau. 

Mỗi ô đều được đánh số thứ tự, đánh dấu theo ngày tháng năm cùng đặc điểm nhận biết để phân biệt. Theo bà Sâu, đây là cách để bà ghi nhớ, lỡ sau này người thân của các thai nhi muốn nhận lại thì còn biết đường tìm.

Đặc biệt, có một phần mộ tấm bia có ghi tên của cả cha và mẹ. Sau hơn một năm chôn cất thai nhi này thì có đôi bạn trẻ tìm đến bà. Họ tả đúng các đặc điểm nhận dạng và xin phép được để tên lên bia của con. 

“Thắt cả lòng. Đưa các hài nhi về cạnh nhà, việc hương khói được đầy đủ, ấm áp hơn. Có chỗ, có phần đàng hoàng thì các con mới nhanh chóng yên nghỉ được” – bà Sâu nói.

Ấm áp giữa núi rừng

Vào các ngày rằm hằng tháng hay ngày lễ Vu lan của năm, bà Sâu cùng chồng là ông Hồ Sơn (57 tuổi) tất bật từ sáng đến tối. Khi mà việc ở nhà nấu chè, nấu xôi đơm ra ly, đĩa tươm tất do bà đảm nhận thì việc mua bánh trái cùng một bó cúc to rồi chuẩn bị hướng lên khuôn viên các thai nhi là phần việc của ông.

Cho đến khi trời dần tối, vợ chồng bà Sâu vẫn đứng bần thần trước dãy mộ, ông và bà đều muốn khu khuôn viên này có thêm chút hơi ấm. 9 năm kể từ khi hình thành khuôn viên này, vợ chồng bà Sâu vẫn đều đặn hương khói cho các thai nhi theo cách như thế. 

“Ngày rằm, 30, mùng 1 hay kỵ giỗ thì chúng ta vẫn thường thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Nhưng các con thì đâu có được diễm phúc nhìn thấy mặt bố, mặt mẹ của mình. Về đây gần chục năm trời mà đâu có mấy ai viếng thăm” – bà Sâu ngậm ngùi nói.

Vợ chồng bà Sâu có ba người con đều đã vào Nam lập nghiệp. Bị tai nạn khi đang đi rừng lấy củi khiến ông Sơn mất khả năng lao động từ nhiều năm. Mắc bệnh hiểm nghèo nên tóc của bà Sâu đã rụng hết từ lâu, vì thế người ta đặt cho bà là “người mẹ không tóc của những hài nhi xấu số”. Nhiều gia đình, hàng xóm của bà cũng thường xuyên lên đây thắp hương cho các hài nhi.

Ông Lê Quốc Hùng – 51 tuổi, trưởng thôn Bằng Lãng, nơi bà Sâu đang cư trú – cho biết tấm lòng của vợ chồng bà Sâu thật hiếm và làm ấm áp giữa núi rừng.

Sẻ chia từ nhiều người

Bà Sâu kể từ khi vợ chồng bà xây dựng khuôn viên chôn cất thai nhi, có nhiều người biết tin đã đến gửi ông bà chút tiền mua hương hoa thắp cho những sinh linh ở đây. Mới đây, một người bạn của vợ chồng bà đã tình nguyện đóng góp một ít gạch đá cùng nhiều ngày công để làm lại bờ kè cho khuôn viên. Một số người thì đều đặn phụ giúp cùng bà trong việc dọn dẹp khuôn viên.

“Vợ chồng tui thấy vui và xúc động lắm. Ít ra thì việc mình làm cũng có người đồng cảm và sẻ chia. Các cháu dưới suối vàng có lẽ cũng bớt chạnh lòng” – bà Sâu nói.

CÔNG TRIỆU