22/01/2025

Cuộc hội nhập văn hoá của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Nhân dịp lễ Các thánh Tử đạo Việt Nam, xin giới thiệu với Quý độc giả bài Cuộc hội nhập văn hoá của Giáo hội Công giáo Việt Nam với phần đính chính: “năm 1583, các cha dòng Phanxicô (chứ không phải Đa Minh như đã ghi trong Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016, trang 175) đã đến Việt Nam….”. Xin cáo lỗi với Quý độc giả, Quý dòng Đa Minh và Phanxicô.

 

 Bài 11

CUỘC HỘI NHẬP VĂN HOÁ

CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

(1533-2019)

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Nhập đề

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khái quát về cuộc hội nhập văn hoá của dân tộc Việt Nam trong dòng lịch sử để nhận ra những giá trị nào đang tồn tại nơi dân tộc Việt Nam. Trong phạm vi bài này, chúng ta muốn nhìn rõ hơn cuộc hội nhập văn hoá của những tín hữu Công giáo từ năm 1533 đến nay để thấy họ đã đem đến những giá trị nào cho dân tộc và nhận được những điểm tốt đẹp nào từ quê hương Việt Nam[1].  Tìm lại dòng lịch sử không phải là chúng ta muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn, những mối bất hoà, xung đột, nhưng là để giúp nhau nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong mọi biến cố thăng trầm, tạo nên sự cảm thông giữa mọi thành phần dân tộc và xây dựng nền văn hoá Công giáo Việt Nam (GHVN) theo đường hướng hiệp thông và đối thoại của Công Đồng (CĐ) Vaticanô II đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần nhắc đến.

  1. Con đường Nhập Thể – Cứu Độ

Mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể đã dạy cho người tín hữu Việt Nam khám phá ra giá trị của bối cảnh lịch sử trong cuộc đời và sứ mạng của từng người cũng như của GHVN. Thật vậy, “nơi Đức Giêsu, người Nazareth, Thiên Chúa đã nhận lấy những yếu tố đặc thù của bản tính nhân loại, kể cả việc thuộc về một dân tộc nhất định và một xứ sở nhất định… Nét đặc thù vật lý của xứ sở và những yếu tố địa lý của miền đất ấy là điều không thể tách rời được với sự thật là Ngôi Lời đã nhận lấy thân xác con người[2]. Trong tinh thần nhập thể và nhập thế đó, người tín hữu Việt Nam gắn bó với đất nước và dân tộc mình.

Đất nước thân yêu này là chốn nương thân của nhiều dân tộc với những nền văn hoá khác nhau trong suốt dòng lịch sử. Trong quá trình xây dựng đất nước, tất cả các dân tộc ấy đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt trên mảnh đất quê hương để khai hoang, phục hoá, phá rừng làm rẫy, đắp đê chống lũ, ngăn mặn lấn biển… Chúng ta phải thành thật nhìn nhận rằng các dân tộc đều nhân danh giang sơn gấm vóc để đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, hay nhân danh dân tộc mình để mở rộng biên cương. Cuối cùng, đất nước, núi sông vẫn còn đó, không phải dành riêng cho ai, nhưng cho tất cả mọi người.

Tất cả các dân tộc ấy tạo thành cộng đồng người Việt hiện nay với 54 thành phần dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 85% dân số cả nước. Tuy nhiên, không giọt mồ hôi nào vì yêu thương đồng bào đổ xuống trên mặt đất này lại trở thành vô nghĩa, không giọt máu hồng nào vì chính nghĩa thấm vào lòng đất này lại không có giá trị vô song. Mọi sự đều được biến đổi trong Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Người đã đưa thần tính vô hạn, vĩnh hằng của Thiên Chúa vào trong thế giới vật chất hữu hạn, nhất thời của con người để biến đổi và thăng hoa tất cả trong cuộc Phục Sinh của Người.

Tin vào Đức Giêsu Kitô, người dân Việt Nam sẽ nhìn đất nước mình bằng một ánh mắt mới. Người dân Việt hôm nay, dù là người Kinh hay dân tộc thiểu số, sẽ nhìn nhau với ánh mắt đầy tin tưởng và hy vọng, bao dung và nhân ái, vì sự sống bất diệt trong mình được khởi đầu từ chính đất nước này. Thật vậy, những cây lúa, ngọn rau rút tinh hoa từ lòng đất nước đã ngấm bao mồ hôi, xương máu của cả người Việt, người Hoa lẫn người Chăm, người Khơ Me,… trong suốt dòng lịch sử đang nuôi sống tất cả… Do đó, ta có thể nói rằng, tất cả đều cùng chung một huyết thống, đều là anh em ruột thịt của nhau. Sự sống tự nhiên này, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, sẽ biến đổi thành sự sống siêu nhiên.

Những nét khác biệt của mỗi dân tộc trong dòng lịch sử chỉ biểu lộ những giới hạn  của vật chất và con người. Chính Đức Giêsu Cứu Thế sẽ quy tụ và biến đổi mọi người để không còn là Kinh hay Hoa, Chăm hay Thượng, “Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô” (x. Gl 3,28). Điều này Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong ngày Ngài hiện xuống để quy tụ tất cả những con người thuộc các ngôn ngữ khác nhau làm thành Giáo Hội của Đức Giêsu (x. Cv 2,1-12).

Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước… Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ…[3]. Người tín hữu Việt Nam luôn gắn bó với quê hương, dân tộc và liên kết sâu xa với Giáo hội Mẹ Việt Nam, vì chính người mẹ này đã sinh ra mình trong đức tin và biến đổi mình từ con người thành con Chúa.

Với tâm tình con cái, trong ít trang sau đây, chúng ta cùng ôn lại một vài đoạn đời của Mẹ từ lúc khai sinh, tăng trưởng, cho đến khi phát triển, trưởng thành. Nhiều người đã từng kể lại đời Mẹ, kẻ ít người nhiều, điều đúng điều sai. Nhưng nếu không nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng, đời Mẹ vẫn chỉ là những biến cố rời rạc, những con số vô hồn, những năm tháng tủi nhục vô nghĩa, như nhìn những giọt nước rơi từ đôi mắt của một người xa lạ. Chỉ có những người con gần gũi thân thương mới hiểu được ý nghĩa và cảm nhận được niềm vui hay nỗi khổ từ những giọt nước mắt này. Trong tâm tình ấy, chúng tôi kể lại đời Mẹ, để mọi người cảm thông với chúng tôi và đồng cảm với Mẹ GHVN qua các thời kỳ:

– Khai sinh (1533 – 1659)

– Tăng trưởng (1659 – 1802)

– Phát triển (1802 – 1960)

– Trưởng thành (1960 đến nay)

Chúng tôi chọn cách phân chia các thời kỳ như trên dựa theo mốc thời gian với những biến cố quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn lao của cơ cấu GHVN.

  1. Thời kỳ khai sinh (1533-1659)

2.1. Giai đoạn dò dẫm đầu tiên (1533-1615)

Từ cuối thế kỷ XVI, nhất là từ thế kỷ XVII, quan hệ thương mại của nước ta với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và cả Nhật Bản ở phương Đông phát triển. Các chúa Trịnh, Nguyễn muốn giao hảo với người nước ngoài để bán hàng hoá trong nước và nhất là để mua được nhiều súng đạn, tàu chiến. Trong khi đó, Giáo hội Công giáo (GHCG) toàn cầu lại phát động công cuộc truyền giáo và gửi các nhà thừa sai đi khắp nơi, nhất là đến Ấn Độ và Trung Quốc như Thánh Phanxicô Xaviê (1541), cha Matteo Ricci. Nhiều vị thừa sai đi theo các đoàn tàu buôn đến truyền giáo tại các miền Á Châu và Viễn Đông, trong đó có Việt Nam.

Nhiều nhà sử học Công giáo Việt Nam đã chọn năm 1533 như khởi đầu cho đạo tại Việt Nam vì trong bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục[4] có nói đến “tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người Tây dương tên I-Nê-Khu, lén đến truyền đạo Giatô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ” (thuộc tỉnh Nam Định, Gp. Bùi Chu hiện nay).

Năm 1550, linh mục Gaspar da Santa Cruz, O.P., đến giảng đạo tại Hà Tiên. Năm 1558, đời vua Lê Thế Tông, hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là Alonso da Costa và Gonsalves đến giảng đạo ở vùng Vạn Lại, thủ đô của Nam Triều. Tiếp theo là các linh mục dòng Đa Minh người Bồ Đào Nha khác như: Luis da Fonseca, Grégoire de la Motte đến truyền giáo ở Đàng Trong (1580) và bị vua Chiêm Thành hãm hại tại Quảng Nam. Năm 1583, các linh mục dòng Phanxicô[5] từ Philippines đã đến truyền giáo như Diego Doropesa, Bartolomeo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montilla tại An Quảng (Quảng Yên), Đàng Ngoài. Năm 1591 tại Thanh Hoá, linh mục Pedro Ordoñez de Cevallos, người Tây Ban Nha, bị bão, đã đến An Trường, kinh đô nhà Lê lúc bấy giờ và rửa tội cho công chúa Mai Hoa (Maria Flora) cùng khoảng 100 người khác. Công chúa là chị của vua Lê Thế Tông. Hiện nay, ở làng Vạn Lại vẫn còn nền nhà thờ và giếng Giatô của công chúa[6].

2.2. Giai đoạn mở đạo chính thức (1615-1659)

Giai đoạn này kéo dài từ năm 1615-1665 với các vị thừa sai Dòng Tên, ở cả hai miền Nam Bắc, lấy sông Gianh làm ranh giới. Phía Nam gọi là Đàng Trong, do các chúa Nguyễn cai quản. Phía Bắc gọi là Đàng Ngoài do vua Lê, chúa Trịnh nắm quyền. Nhờ kinh nghiệm hội nhập văn hoá của linh mục Matteo Ricci (1582) ở Trung Quốc và Valignano ở Nhật Bản, các thừa sai quan tâm đến việc học ngôn ngữ, phong tục dân Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt.

Công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong bắt đầu năm 1615 với linh mục Francesco Buzomi, Lm. Diego Carvalho và các trợ sĩ  Dòng Tên ở Cửa Hàn, Đà Nẵng. Tiếp theo là các Lm. Francesco de Pina, Cristoforo Borri, nhất là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ).