28/01/2025

Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế Giới Người nghèo lần thứ 3, ngày 17/11/2019

“Kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19). Những lời của Thánh vịnh biểu lộ một chủ đề đáng kinh ngạc: đức tin nền tảng của những người nghèo trong việc khôi phục lại niềm hy vọng đã mất trước những bất công, đau khổ và những bấp bênh của cuộc sống.

 Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế Giới Người nghèo lần thứ 3, ngày 17/11/2019

 

 

ĐTC thăm người nghèo (@VaticanMedia)

Chúa Nhật 17/11/2019, Chúa Nhật 33 Thường Niên, lần thứ 3 Ngày Thế giới Người nghèo được cử hành. Nhân dịp này, ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp có tựa đề “Hy vọng của người nghèo sẽ không bị thất vọng”, trích từ Thánh vịnh số 9 câu 18.

Nội dung chính của sứ điệp:

Người nghèo trong Thánh Kinh

“Kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19). Những lời của Thánh vịnh biểu lộ một chủ đề đáng kinh ngạc: đức tin nền tảng của những người nghèo trong việc khôi phục lại niềm hy vọng đã mất trước những bất công, đau khổ và những bấp bênh của cuộc sống.
 
Thánh vịnh số 10 mô tả tình trạng của người nghèo và sự kiêu ngạo của những người ức hiếp họ (Tv 10,1-10). Thánh vịnh cầu xin Thiên Chúa phán xét, khôi phục lại công lý và vượt qua sự gian ác (Tv 10,14-15). Dường như lời Thánh vịnh, câu hỏi kéo dài hàng thế kỷ ngày nay trở lại: làm thế nào Thiên Chúa có thể dung thứ sự chênh lệch này? Làm sao Ngài có thể cho phép người nghèo bị sỉ nhục, không được giúp đỡ? Tại sao Thiên Chúa cho phép những người ức hiếp có một cuộc sống hạnh phúc trong khi hành vi của họ phải bị lên án trước đau khổ của người nghèo?

Từ người nghèo trong Kinh Thánh đến người nghèo ngày nay


Ngày nay, điều này không khác lắm. Khủng hoảng kinh tế đã không ngăn cản nhiều nhóm người làm giàu thường xuất hiện bất thường, và gia tăng nhiều người nghèo thiếu những nhu cầu thiết yếu và đôi khi bị áp bức và khai thác. Hàng thế kỷ trôi qua, nhưng tình trạng người giàu và người nghèo vẫn không thay đổi, như thể kinh nghiệm lịch sử chẳng dạy được gì. Như vậy, những lời của Thánh vịnh không nói đến quá khứ, nhưng là hiện tại trước sự phán xét của Thiên Chúa.

Hậu quả: mỗi ngày chúng ta gặp các gia đình buộc phải rời khỏi vùng đất của họ để tìm kiếm các hình thức sống ở nơi khác; những trẻ mồ côi đã mất cha mẹ hoặc bị tách ra khỏi cha mẹ một cách bạo lực; những người trẻ cố gắng học một công việc, nhưng lại bị ngăn cản, từ chối do chính sách kinh tế thiển cận; các nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực, từ mại dâm đến ma túy. Hơn nữa, làm thế nào chúng ta có thể quên hàng triệu người nhập cư là nạn nhân của rất nhiều lợi ích che dấu, thường bị lợi dụng cho mục đích chính trị, những người bị từ chối liên đới và bình đẳng? Và rất nhiều người vô gia cư và những người bị gạt ra bên lề đi lang thang trên đường phố?

Người nghèo sống nhờ các khu đổ rác


Bao nhiêu lần chúng ta thấy những người nghèo tại các khu phế thải, bới rác để tìm kiếm những đồ bị loại đi hoặc dư thừa, để nuôi sống bản thân hoặc tìm kiếm áo quần để mặc. Chính họ trở nên thành phần của nhân loại bị đối xử như rác rưởi, mà những người đồng loã với tình trạng này không hề cảm thấy mặc cảm tội lỗi nào.

Thánh vịnh mô tả thái độ của những người giàu cướp bóc người nghèo: “Chẳng khác nào sư tử phục sẵn ở trong hang, nó phục nơi ẩn khuất rình bắt người nghèo khổ, lừa vào lưới nó giăng.” (Tv 10,9). Bối cảnh mà Thánh vịnh mô tả mang màu sắc buồn, vì sự bất công, đau khổ và cay đắng mà người nghèo phải gánh chịu. Mặc dù vậy, Thánh vịnh cũng cung cấp một định nghĩa đẹp về người nghèo. Người nghèo là người “tin cậy vào Chúa” (câu 11), “biết Chúa của họ”, và trong ngôn ngữ Kinh Thánh, “biết” này chỉ mối quan hệ cá nhân tình yêu.

Ảo tưởng an ninh từ các tường thành và hàng rào


Người ta có thể xây bao nhiêu bức tường và chặn các lối vào để có ảo tưởng mình được an ninh với những giàu sang của mình, gây thiệt hại cho những người bị bỏ ở ngoài. Nhưng sẽ không mãi mãi như thế. “Ngày của Chúa”, như được các ngôn sứ mô tả (x. Am 5,18; Is 2-5; Gl 1-3), sẽ phá hủy các hàng rào được dựng lên giữa các nước và thay thế sự kiêu hãnh của một thiểu số bằng tình liên đới của bao nhiêu người. Tình trạng bị gạt ra ngoài lề của hàng triệu người không thể kéo dài nữa. Tiếng kêu của họ gia tăng và bao trùm cả trái đất. Như Cha Primo Mazzolari đã viết, “người nghèo là một sự phản đối liên tục chống lại những bất công của chúng ta. Người nghèo là thùng thuốc súng. Nếu lửa được dí vào, thì cả thế giới sẽ nổ tung”.

Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo

Trong các Mối Phúc Chúa Giêsu đã chỉ ra: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó.” (Lc 6,20). Ý nghĩa của lời loan báo nghịch lý này là Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo, bởi vì họ có điều kiện lãnh nhận. Nhiều thế kỷ trôi qua, Bát Phúc Tin Mừng ngày càng trở nên nghịch lý hơn bao giờ hết; người nghèo lại càng nghèo hơn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khai mạc Vương quốc, đặt người nghèo ở trung tâm, muốn nói với chúng ta điều này: Ngài đã khai mạc, nhưng giao cho chúng ta, các môn đệ của Ngài, nhiệm vụ đưa nó tiến về phía trước, với trách nhiệm mang lại hy vọng cho người nghèo, đặc biệt trong thời đại chúng ta, cần làm sống lại niềm hy vọng và tin tưởng. Đó là một chương trình mà cộng đoàn Kitô không thể đánh giá thấp.

Sứ mạng của Giáo Hội và mỗi tín hữu đối với người nghèo


Trong sự gần gũi với người nghèo, Giáo Hội khám phá thấy mình là một dân tộc, rải rác trong các dân nước, có một ơn gọi làm sao để không một ai bị cảm thấy là xa lạ hoặc bị loại trừ, vì Giáo Hội liên kết tất cả mọi người trong một hành trình cứu độ chung. Thân phận người nghèo bó buộc chúng ta không được xa cách Thân Mình của Chúa đang đau khổ trong người nghèo. Đúng hơn, chúng ta được kêu gọi động chạm đến thân mình của Chúa, để đích thân tham gia vào một việc phục vụ cũng là một công cuộc loan báo Tin Mừng thực sự.
 
Thăng tiến về mặt xã hội cho người nghèo không phải là một dấn thân ở bên ngoài việc loan báo Tin Mừng, ngược lại nó cho thấy một đức tin Kitô và giá trị lịch sử của nó là một thực tế. Tình yêu mang lại sức sống cho đức tin vào Chúa Giêsu không cho phép các môn đệ co mình lại, không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến đời sống xã hội.

Các tình nguyện viên


Các tình nguyện viên hãy nhìn vào mỗi người nghèo để biết những gì họ thực sự cần; không chỉ dừng lại ở nhu cầu vật chất. Tất nhiên, người nghèo đến với chúng ta vì họ cần thức ăn, nhưng những gì họ thực sự cần vượt xa những nhu cầu vật chất chúng ta cung cấp cho họ. Người nghèo cần đôi tay của chúng ta để nâng họ lên; cần con tim của chúng ta để một lần nữa cảm nhận sự ấm áp của tình thân thương, cần sự hiện diện của chúng ta để vượt qua nỗi cô đơn. Đơn giản họ cần tình yêu.

Thiên Chúa không bỏ rơi những ai tìm kiếm và kêu cầu Ngài


“Thiên Chúa không quên tiếng kêu của người nghèo.” (Tv 9,13). Tình trạng nghèo khó của người nghèo không làm cho họ bị mất phẩm giá mà họ nhận được từ Đấng Tạo Hoá. Người nghèo tin rằng họ sẽ được chính Thiên Chúa phục hồi. Thiên Chúa thấy những lo lắng và đau đớn của người nghèo, Ngài ôm lấy, cho họ sức mạnh và can đảm (TV 10,14).

Đối với tất cả các cộng đồng Kitô giáo và những người cảm thấy cần phải mang lại hy vọng và an ủi cho người nghèo, hãy làm việc để Ngày Thế giới Người nghèo có thể làm gia tăng ý chí hợp tác hiệu quả để không ai cảm thấy thiếu sự gần gũi và liên đới. Những lời của ngôn sứ tuyên bố một tương lai khác đi: “Đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên.” (Ml 3,20).
 
 

Ngọc Yến