16/01/2025

Hoá giải bí ẩn ‘lời nguyền’ Babylon

Cách đây khoảng 2.700 năm, các đám mây đỏ rực một cách kỳ lạ đã bao phủ bầu trời vùng Lưỡng Hà, gợi sự liên tưởng về điềm báo chết chóc trong giới tiên tri thời cổ đại.

 

Hoá giải bí ẩn ‘lời nguyền’ Babylon

Cách đây khoảng 2.700 năm, các đám mây đỏ rực một cách kỳ lạ đã bao phủ bầu trời vùng Lưỡng Hà, gợi sự liên tưởng về điềm báo chết chóc trong giới tiên tri thời cổ đại.


 
 
 
Hiện tượng cực quang /// ShutterStock

Hiện tượng cực quang  ShutterStock

 

Tuy nhiên, người xưa vẫn không giải thích được lý do đột nhiên khiến bầu trời “đỏ như máu”. Nhưng dựa trên các tài liệu được truyền lại đến ngày nay, giới nghiên cứu đã có thể phần nào giải mã hiện tượng trên, vốn có thể liên quan đến những cơn bão khủng khiếp từ mặt trời.

Thẻ chiêm tinh cổ

Dựa trên kết quả đồng vị carbon bên trong các vòng gỗ của hóa thạch vào thời đó, giới thiên văn học nghi ngờ đã xảy ra một hoạt động mãnh liệt của mặt trời vào giữa thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Và dường như nó đã tạo ra tác động trên diện rộng và lan tỏa khắp ngóc ngách của địa cầu, sau khi các nhà địa chất hồi đầu năm cũng ghi nhận manh mối về bão mặt trời trong mẫu vật lấy từ băng tầng Greenland. Để bổ sung chi tiết và tìm cách xác nhận ngày bão ập đến, đội ngũ các nhà nghiên cứu Nhật Bản lục tung các tài liệu có thể ghi lại sự kiện trên.
 
Kể từ đầu thế kỷ 17, giới thiên văn học đã dựa vào kính viễn vọng để ghi chép hoạt động của mặt trời bằng cách vẽ bản đồ các đốm đen trên bề mặt của ngôi sao trung tâm này. Từ đó, họ có thể xác định các mô hình hoạt động trên dài hạn của chu kỳ mặt trời. Thế nhưng, trước thời gian này, các chuyên gia chỉ có thể dựa vào các tài liệu ghi chép của người xưa về hiện tượng cực quang nếu muốn biết có bão mặt trời hay không.
 
May mắn là trong trường hợp trên, các vương quốc cổ xưa Assyria và Babylon là quê hương của các chiêm tinh gia theo dõi điềm báo từ trời cao, theo báo cáo trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters. Nhờ đó, khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên bầu trời, các chiêm tinh gia cổ đại dùng chữ hình nêm ghi lại mọi chi tiết lên các thẻ đất sét có kích thước cỡ lòng bàn tay, trước khi ký tên và đôi khi còn ghi rõ ngày tháng. Cuối cùng, tài liệu được chuyển cho giới hữu trách để đưa ra các quyết định liên quan.
 
Sau thời gian nỗ lực dịch một loạt thẻ chiêm tinh cổ, đội ngũ chuyên gia Nhật Bản đã tìm được 3 manh mối, đề cập đến những đám mây đỏ rực bao phủ bầu trời. Không thẻ nào đề thời gian, nhưng có tên của các chiêm tinh gia vốn lần lượt trình báo điềm lạ lên vua Babylon.

Dự báo bão mặt trời

“Dù không rõ ngày tháng chính xác, chúng tôi đã có thể thu hẹp thời điểm xảy ra bão mặt trời, dựa trên thời gian làm việc của 3 vị chiêm tinh gia, từ năm 679 đến 655 trước Công nguyên”, theo trưởng nhóm nghiên cứu Yasuyuki Mitsuma của Đại học Tsukuba. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia cũng dựa vào thông tin thu được từ các vòng gỗ để tái tạo lịch sử hoạt động của mặt trời khi ấy.
 
“Cuộc nghiên cứu này hứa hẹn góp phần tăng cường năng lực dự đoán các cơn bão mặt trời trong tương lai”, ông Mitsuma cho biết, và cho phép di dời các vệ tinh cũng như những tài sản khác trên không gian khỏi đường đi phá hoại của bão.
 
 
 
HẠO NHIÊN