24/01/2025

Chúa Nhật XXXIII TN C – Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô

Hôm nay toàn thể Giáo hội Việt Nam long trọng kỷ niệm ngày 117 vị tử đạo được tuyên thánh. Chúng ta hãy ôn lại những giá trị cao quý mà những tín hữu Công giáo thời các ngài làm chứng và trao lại cho dân tộc Việt Nam khi theo Chúa Giêsu Kitô. Từ đó chúng ta sẽ nhận ra mình cần phải làm gì để tiếp tục làm chứng cho Người.

 

Chúa Nhật XXXIII TN C – Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Hôm nay toàn thể Giáo hội Việt Nam long trọng kỷ niệm ngày 117 vị tử đạo được tuyên thánh. Chúng ta hãy ôn lại những giá trị cao quý mà những tín hữu Công giáo thời các ngài làm chứng và trao lại cho dân tộc Việt Nam khi theo Chúa Giêsu Kitô. Từ đó chúng ta sẽ nhận ra mình cần phải làm gì để tiếp tục làm chứng cho Người.

1. Bản sắc dân tộc Việt Nam và nền văn hoá Trung Quốc

Sau hơn 1000 năm bị người Trung Quốc đô hộ, từ năm 111 TCN đến năm 938, dân tộc của chúng ta đã đạt được độc lập sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Nhưng từ năm đó đến năm 1945, người dân vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Trung Quốc. Nền quân chủ chuyên chế của các đời vua Việt lấy Khổng giáo làm nền tảng để nắm giữ vương quyền đã kiềm hãm sự phát triển của dân tộc suốt cả ngàn năm qua.

Ngoại trừ tiếng Việt và niềm tin vào Trời còn giữ được như bản sắc dân tộc, người Việt hầu như sống theo những giá trị văn hoá Trung Quốc. Người Việt dùng chữ Hán trong việc học hành, thi cử. Sau này với tinh thần phản kháng, người Việt phát minh ra chữ Nôm, nhưng căn bản vẫn là những chữ Hán được thêm vào ít nét để tạo thành chữ riêng cho dân tộc. Những phong tục cưới xin, cúng giỗ, lễ tết, ma chay, cấy cày, hay nghề nghiệp hầu như đều là sản phẩm từ Trung Quốc nhập vào.

Luân lý xã hội đặt nền tảng trên 3 mối tương quan chính: vua tôi, cha con, chồng vợ, gọi là tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ), và thêm 2 mối tương quan khác là anh em, bạn hữu, gọi là ngũ luân (huynh đệ, bằng hữu). Vua là thiên tử, là con Trời, thay Trời trị dân, nên vua có toàn quyền sinh sát trong tay. Vua bảo chết mà bầy tôi không chết thì bị coi là bất trung. Xã hội coi trọng người đàn ông, tạo nên sự bất bình đẳng nam nữ, cho phép người đàn ông có nhiều vợ. Còn người phụ nữ phải giữ tam tòng, tứ đức: “ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con”, nên suốt đời sống lệ thuộc vào người khác[1].

Cách học từ chương của người Trung Quốc lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh làm nền tảng, chỉ quanh quẩn với những bài văn, bài thơ xoay quanh vài ba chủ đề hẹp hòi, ca tụng chế độ, không dám đi sâu vào bất cứ điều gì, vì nếu lỡ lời, dùng chữ không đúng, là có thể bị ghép vào tội phản loạn, khi quân và bị giết cả dòng họ. Xã hội chẳng biết gì đến khoa học, kỹ thuật, đến những giá trị mới mẻ, tiến bộ của loài người.

2. Những giá trị cao quý và mới mẻ

Chỉ từ khi những nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam từ thế kỷ XVI, nhất là các linh mục dòng Tên, từ năm 1615-1665, dân tộc ta mới biết đến những giá trị mới mẻ và cao quý vượt lên trên nền văn hoá Trung Quốc. Đó là những giá trị về dân chủ, về hôn nhân một vợ một chồng, về bình đẳng nam nữ, về khoa học kỹ thuật, về chữ viết căn cứ vào âm vị học thay cho thứ chữ tượng thanh, tượng hình của người Tàu. Nhưng, thay vì cả dân tộc đón nhận những giá trị mới, lại chỉ có một số ít người tin vào lời rao giảng của các nhà truyền giáo mà đi theo Đức Giêsu Kitô và họ đã phải trả giá rất đắt cho các giá trị này.

Ý niệm dân chủ bắt nguồn từ việc nhận biết có một Đức Chúa Trời là cha chung của muôn loài, nên tất cả đều là anh em với nhau. Vì thế, không ai có quyền sinh sát trên người khác. Hơn nữa, Đức Giêsu là Con Một Chúa Trời, là Thiên Tử, mà còn chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho mọi người, thì mọi người đều phải thương yêu nhau và dám chết cho nhau. Nhưng ý niệm người dân làm chủ đất nước này không được các vua chúa chấp nhận vì nó đi ngược với chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài.

Trong đại gia đình Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng với nhau về giá trị con người, dù họ là nam hay nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, là vua hay bầy tôi. Ai nấy đều được tôn trọng, được học hành, làm việc như nhau. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn giữ tôn ti trật tự trong xã hội.

Gia đình Công giáo chỉ có một vợ một chồng, không có cảnh “chồng chúa, vợ tôi”, “vợ cả, vợ lẽ”, “con bà, con tôi” nên trong nhà luôn an vui hạnh phúc và đấy ắp tiếng cười.

Dân Việt thời đó do không hiểu biết nhiều về khoa học, chưa biết giữ vệ sinh, nên nhiều trẻ thơ bị chết yểu, nhiều sản phụ bị chết khi sinh con do bị nhiễm trùng. Hằng ngày người ta dùng nước ao tù để tắm rửa, ăn uống nên dễ bị các bệnh toét mắt, ghẻ lở, giun sán, đường ruột. Còn người Công giáo, nhờ các giáo sĩ Tây Phương dạy các khoa học thường thức nên biết lọc nước bằng than cát sỏi để dùng, biết nấu nước chín để uống, biết giữ vệ sinh nên trở thành những người khoẻ mạnh, xinh đẹp, thông minh, tài giỏi.

Tuy nhiên, các tín hữu Công giáo thời đó, ngay từ thế kỷ XVIII, đã phải trả giá rất đắt cho những giá trị mới mẻ này. Vua chúa thù ghét họ về ý niệm dân chủ. Quan lại và những người trí thức được đào tạo theo Khổng giáo thù ghét họ vì thứ chữ viết gọi là chữ Quốc ngữ mà cả dân tộc ta đang dùng. Những đám dân nghèo ghen tức, chỉ muốn cướp phá các làng trù phú của người Công giáo, vì các tín hữu giàu có nhờ biết dạy nghề cho nhau, buôn bán thật thà. Hàng chục ngàn người đã bị giết trong thế kỷ XVIII. Nhất là từ khi người Pháp xâm lăng nước ta, hàng trăm ngàn người đã bị giết từ năm 1840-1886 do Phong trào Văn Thân lấy lý do là người Công giáo cộng tác với người Pháp để bán nước. Với số dân đông đúc và sự giàu mạnh, người Công giáo thời đó đủ sức nhờ người Pháp mua tàu chiến, súng đạn để chống lại kẻ giết hại mình. Nhưng họ đã cam lòng chịu chết mà không oán hận để noi gương Chúa Giêsu làm chứng cho lòng mình yêu mến quê hương[2].

3. Những giá trị mới cần người Công giáo thời nay làm chứng

Công trình làm chứng cho Đức Giêsu về những giá trị mới mẻ của nền văn hoá Công giáo như đang mời gọi các tín hữu Công giáo dấn thân vào một giai đoạn mới từ năm 1945 đến nay. Sau khi cả dân tộc Việt đón nhận những giá trị mới về dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, khoa học hiện đại và chữ Quốc Ngữ, nhiều tín hữu tưởng rằng mình đã đạt được mục đích. Họ vui mừng, hãnh diện và nhiều khi ngủ quên trong chiến thắng, trong khi Đức Giêsu mời gọi họ tiếp tục làm chứng cho Người như bài Phúc Âm hôm nay.

Những giá trị mới mẻ được tìm thấy trong lời dạy của Chúa Giêsu, nhất là qua Tám Mối Phúc: đó là “tinh thần nghèo khó, hiền hoà, thánh thiện, trong sạch, liêm chính, yêu thương, quảng đại, hy sinh vì đại nghĩa” và nhiều giá trị khác được Giáo Hội giới thiệu qua Công đồng Vaticanô II, qua sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, qua sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo.

Ngày nay chúng ta đang đứng trước những nguy cơ mới tai hại và khốc liệt hơn cả thời trước đây. Người ta đang cổ vũ cho nền văn hoá sự chết khi dùng các phương tiện truyền thông xã hội để thúc đẩy con người bỏ đi niềm tin vào Trời là Đấng linh thiêng soi thấu lòng người và thưởng phạt công minh. Người ta hô hào một xã hội duy vật trong đó con người chỉ biết kiếm tìm danh lợi, hưởng thụ vật chất bằng bất cứ giá nào khiến cho đạo đức suy đồi, tham nhũng, bất công, phá thai, nghiện ngập, lừa dối xảy ra ở khắp nơi có thể dẫn đến hiểm hoạ diệt vong cho dân tộc.

Lời kết

Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha rộng ban Thánh Thần tình yêu và sức mạnh cho chúng ta, qua lời chuyển cầu của các thánh Tử đạo Việt Nam, để chúng ta noi gương các bậc tổ tiên anh hùng làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Chúng ta quyết tâm xây dựng nền văn hoá Công giáo bằng những hành động cụ thể để cho mọi người cảm nghiệm được Nước Trời đang ở giữa họ. Nước Trời là nước “tràn đầy sự thật và sự sống, sự thánh thiện và ân sủng, tràn đầy công lý, bình an và tình yêu[3]. Đó là những giá trị mà chúng ta phải thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, trong từng tư tưởng, lời nói và hành động của mình. Chỉ có như thế chúng ta mới xứng đáng là con cháu của các bậc tổ tiên anh hùng là Các Thánh Tử vì đạo tại Việt Nam.

 

Câu hỏi gợi ý

1. Các tín hữu Công giáo thời xưa đã sống như thế nào để thu phục đồng bào tin theo Chúa Giêsu Kitô?

2. Tín hữu thời nay nên sống cụ thể tích cực ra sao để làm chứng cho Nước Trời?

 


[1] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), Niên Giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, tr 179-182.

[2] X. HĐGMVN, Niên Giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, tr 182-185.

[3] X. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ trụ; Cđ. Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 39.