Làm ra thịt từ… không khí
Quy trình chăn nuôi để tạo ra thịt hiện nay của loài người được xem là một nguồn gây ô nhiễm không nhỏ cho hành tinh. Vì vậy giải pháp làm ra thịt từ… không khí không chỉ giúp bảo vệ trái đất của chúng ta mà còn tốt cho sức khoẻ.
Làm ra thịt từ… không khí
Quy trình chăn nuôi để tạo ra thịt hiện nay của loài người được xem là một nguồn gây ô nhiễm không nhỏ cho hành tinh. Vì vậy giải pháp làm ra thịt từ… không khí không chỉ giúp bảo vệ trái đất của chúng ta mà còn tốt cho sức khoẻ.
Bột protein nâu thu được từ quá trình lên men theo công thức bí mật của Air Protein – Ảnh: AIR PROTEIN
Air Protein là một công ty khởi nghiệp ở Vịnh San Francisco (Mỹ) khẳng định mình nắm trong tay công nghệ làm ra thịt từ khí CO2 vốn được xem là gây tình trạng nóng dần lên của bầu khí quyển.
Công ty của Mỹ dựa trên ý tưởng đã có hơn nửa thế kỷ trước của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA): tái sử dụng khí CO2 do các phi hành gia thải ra trong không gian kín của tàu con thoi để chế biến lại thành thực phẩm.
Từ “thịt ủ men”
Sự chuyển hóa khí thải thành thức ăn nhờ các vi khuẩn hydrogenotrophic tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này cũng gần giống quá trình lên men làm sữa chua hoặc ủ men bia.
Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo báo chí, công ty Air Protein cho biết “đây là loại thịt đầu tiên làm từ không khí, tạo ra từ những thành phần có trong không khí mà chúng ta đang hít thở mỗi ngày”.
Phía công ty còn khẳng định phát minh của họ “sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong cách sản xuất thực phẩm trong tương lai” bởi không lệ thuộc vào điều kiện đất đai, nguồn nước và điều kiện thời tiết như cách con người đang nuôi trồng hiện nay.
Air Protein tiết lộ chút ít về quy trình “làm ra thịt từ không khí” của mình như sau: trong các bình ủ men có vi khuẩn, họ đưa vào khí CO2 cùng với nước và nhiều khoáng chất. Sản phẩm thu được từ đó là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein nhưng không có mùi vị.
Từ nguyên liệu protein này, nhà sản xuất thậm chí có thể làm ra nhiều “thực phẩm” khác nhau sau khi pha chế với những thành phần khác. Chẳng hạn làm ra thịt heo, thịt gà tây, bánh protein, nhân thịt cho bánh hamburger…
Cũng do sản xuất trong các hũ, bình chứa kín nên nhà sản xuất không cần đến đất đai và như vậy là không gây hại cho môi trường.
Còn xét về mặt dinh dưỡng, “thịt từ không khí” này được tạo thành với 9 axit amin chính yếu như của “thịt thật” và như thế nó đầy đủ chất hơn loại “thịt chay” làm từ đậu nành hay đậu Hà Lan hạt (petit pois). Chưa kể loại thịt của Air Protein còn chứa nhiều vitamin như B12, hơn hẳn các loại “thịt chay” hiện có vốn gây thiếu chất cho những người chọn chế độ ăn chay.
Công ty Air Protein cho biết dự kiến đưa vào thị trường “thịt từ không khí” vào năm 2020. Thị trường ăn chay hiện nay được xem là đầy lạc quan: theo đánh giá của Ngân hàng Barclays của Anh, thị trường này có thể lên đến 140 tỉ USD trong 10 năm tới.
Đến “thịt 3D”
Trong tương lai, các nhà du hành vũ trụ có thể thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn “có thịt tươi” bên ngoài Trái Đất sau khi các nhà khoa học thí nghiệm thành công sử dụng máy in 3D để sản xuất thịt trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Đây là lần đầu tiên họ tạo ra một lượng nhỏ thịt nhân tạo trong điều kiện không trọng lực.
Thí nghiệm trên được Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đồng tài trợ, cùng với sự phối hợp của một số công ty công nghệ Mỹ, Nga và Israel.
Tháng 9 vừa qua, nhà du hành vũ trụ Oleg Skripochka đã tiến hành thành công thí nghiệm sản xuất thịt sử dụng máy in 3D do phòng thí nghiệm 3D Bioprinting Solutions của công ty y tế Invitro Nga phát triển.
Từ các tế bào do các công ty công nghệ thực phẩm của Mỹ và Israel cung cấp, chiếc máy in sinh học này đã sản xuất ra tế bào cá, thịt bò và thịt thỏ sử dụng từ trường trong điều kiện vi trọng lực. Tất cả các tế bào này đều cho thấy khả năng phát triển tốt trong không gian.
Thành tựu đột phá trên mở ra khả năng các nhà du hành vũ trụ trong tương lai sẽ có thể phát triển và sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm ngay trên tàu không gian, đặc biệt phục vụ cho những hành trình dài ngày vào sâu trong không gian vũ trụ.
Hiện nay, họ thường dự trữ các thực phẩm đóng gói hút chân không hoặc sấy khô từ Trái Đất để chuẩn bị cho các chuyến bay vào không gian.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục chinh phục nhiều hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, phi hành đoàn không thể mang theo số lượng lớn thực phẩm. Do đó, công nghệ in tiên tiến nói trên được đánh giá rất hữu ích cho ngành nghiên cứu và khám phá vũ trụ.
Gần đây, một số cơ quan vũ trụ khác cũng tiến hành thí nghiệm tương tự trong lĩnh vực này. Tháng 7 vừa qua, một máy in 3D của Mỹ đã được đưa lên ISS có thể sản xuất ra tế bào người trong không gian và đang được Cơ quan Vũ trụ châu Âu sử dụng để thí nghiệm.
Ý NGUYÊN