22/12/2024

Chữa trị những trẻ chậm nói

Hiện nay số trẻ tự kỷ tăng lên rất nhiều khiến cho những nhà giáo dục lo lắng. Trong số những trẻ tự kỷ, hiện tượng chậm nói, nói không thành câu so với độ tuổi càng làm cho các phụ huynh và nhà giáo dục quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ xảy ra cho những trẻ tự kỷ, mà nhiều trẻ không có hội chứng tự kỷ vẫn có thể rơi vào tình trạng này nếu cha mẹ và những nhà giáo dục không để ý chăm sóc con trẻ của mình.

Lời mở

Hiện nay số trẻ tự kỷ tăng lên rất nhiều khiến cho những nhà giáo dục lo lắng. Trong số những trẻ tự kỷ, hiện tượng chậm nói, nói không thành câu so với độ tuổi càng làm cho các phụ huynh và nhà giáo dục quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ xảy ra cho những trẻ tự kỷ, mà nhiều trẻ không có hội chứng tự kỷ vẫn có thể rơi vào tình trạng này nếu cha mẹ và những nhà giáo dục không để ý chăm sóc con trẻ của mình.

1. Thiếu quan tâm tới khả năng suy nghĩ và nói năng của trẻ

Sự phát triển lời nói và ngôn ngữ là yếu tố sống còn cho khả năng của đứa trẻ tương tác với những người chung quanh. Một trẻ sơ sinh bắt đầu hiểu các từ và các mệnh lệnh căn bản từ rất lâu trước khi nó biết nói, và học các kỹ năng căn bản bằng cách bắt chước. Cha mẹ và những người chăm sóc cho trẻ càng nói chuyện với nó nhiều thì đứa trẻ càng phát triển về âm thanh và ngôn ngữ. Cùng với việc phát triển sự hiểu biết về thế giới, ngôn ngữ giúp đứa trẻ càng phát triển các kỹ năng suy nghĩ, lý luận và giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, rất nhiều cha mẹ và những nhà giáo dục trẻ thơ đã không biết hay ít quan tâm đến việc tiếp xúc với trẻ. Phần lớn cha mẹ khi thấy trẻ sơ sinh ngủ li bì (khoảng 14 giờ một ngày) nên cứ để mặc cho chúng ngủ vì khi thức dậy đòi ăn là nó bắt đầu khóc và người ta rất sợ tiếng khóc của trẻ, trong khi tiếng khóc giúp cho trẻ xả được cái hơi trong người của nó và kích thích phổi hoạt động cũng như khi được bế bổng lên các phần khác của cơ thể cũng được tác động. Nhiều cha mẹ khi thấy con bắt đầu nhận thức vào 1-2 tuổi đã vội vàng đưa cho chúng một thứ đồ chơi có cử động hay phát ra một âm thanh nào đó để làm chúng ngưng khóc. Nhưng những cử động lặp đi lặp lại vô nghĩa và những âm thanh đều đều đã làm cho trẻ không phát triển được sự nhận thức và ngôn ngữ.

Tệ hơn nữa, khi trẻ được 2-3 tuổi, để làm chúng hết khóc, cha mẹ đã đưa cho các bé những chiếc điện thoại, ipad chứa những trò chơi và phát ra những âm thanh, điệu nhạc. Những chuyển động đầy màu sắc trên màn hình, những âm thanh điệu nhạc trẻ thu nhận hầu như hoàn toàn vô nghĩa đối với chúng. Trong khi bộ nhớ non nớt của chúng lại tiếp nhập hàng tỷ dữ liệu về màu sắc, âm thanh, hình ảnh vô nghĩa đó. Nhiều đứa trẻ ngay từ lúc 2-3 tuổi đã rơi vào chứng “nghiện” ipad, iphone và chúng dần dần mất khả năng về ngôn ngữ và nhận thức. Như thế khả năng suy nghĩ và nói năng của trẻ đã bị thương tổn ngay từ lúc ấu thơ.

2. Khả năng suy nghĩ và nói năng của trẻ phát triển như thế nào?

Chúng ta có thể mô tả khả năng suy nghĩ và ngôn ngữ phát triển theo những bước sau đây:
Từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi. Trong những tháng đầu tiên trẻ sẽ có những hành động:
– Cười khi nghe cha mẹ gọi: đứa trẻ nhìn vào cha mẹ và cười khi nghe tiếng của cha mẹ. Nếu trẻ cười và nhìn ra chỗ khác hoặc chúng không phản ứng khi nghe cha mẹ gọi, ta phải để ý về khả năng nghe của trẻ (có thể bị tự kỷ hoặc bị điếc).
– Đưa tay lên miệng mút, bú.
– Dùng tay cầm nắm các đồ vật.
– Một vài tháng sau, trẻ đã biết với tay đến các đồ vật, lăn mình khi nằm. Vì thế ta phải thận trọng và chèn gối kỹ lưỡng khi để trẻ ngủ một mình, vì trẻ có thể nằm úp mặt xuống gối và ngạt thở. Khi giữ trẻ ta thấy hai chân trẻ đã có thể chịu được trọng lượng của cơ thể, trẻ nhún nhảy trên chân, ta có thể giữ hai bên nách của trẻ để trẻ tập đứng.
– Vào tháng thứ 8-12, trẻ có thể nhận biết tên của chính nó khi tên này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trẻ đáp ứng với các mệnh lệnh đơn giản như cười, cúi đầu, khi người thân làm cử điệu đó trước mặt trẻ. Trẻ sử dụng được những từ đầu tiên như ba, má, nước, sữa, ngủ, ăn… Đây là những từ rời đáp ứng những nhu cầu của trẻ. Trẻ bắt chước các hành vi đơn giản mà cha mẹ hay người thân dạy cho chúng như vỗ tay, cúi đầu cảm ơn, cúi đầu chào…
Từ tháng 13. Trẻ làm được những hành động sau đây:
+ Trẻ bắt đầu uống bằng ly thay vì trước đây bú bằng bình.
+ Chỉ tay gọi tên các đồ vật quanh mình như gối, xe…
+ Biết phân loại hình dáng và màu sắc như đĩa tròn màu vàng với đồ chơi màu xanh, quả chuối màu vàng, quả táo màu đỏ…
+ Nói được những cụm từ đơn giản: “Con uống nước, cho con bánh, cảm ơn ông, cảm ơn mẹ…”
+ Làm theo những chỉ thị đơn giản như đứng lên, ngồi xuống, cúi đầu, cầm bát, ăn cơm…
+ Tham gia vào những trò chơi mang tính tưởng tượng như: con bướm bay (hai tay vung lên vẫy vẫy giống như con bướm).
Từ tháng 25
+ Sử dụng các câu đơn giản: “cái gì đây mẹ”, “ba đâu rồi mẹ”,…
+ Có thể nói tên, tuổi, giới tính.
+ Sử dụng các đại từ nhân xưng (tôi, bạn, chúng ta, anh ấy, họ).
+ Hiểu được vị trí trong không gian (trong, ngoài, trên, dưới).
+ Bắt đầu hiểu được các số đếm.
Từ tháng 37
+ Hiểu được văn phạm căn bản: nói một câu có chủ từ, động từ, túc từ.
+ Bắt đầu biết đếm.
+ Bắt đầu biết thời gian.
+ Biết kể chuyện.
+ Thực hiện theo các mệnh lệnh có ba phần: “Con phải ở nhà”. “Con không được khóc!”…
Từ tháng 49
+ Hiểu được thì tương lai.
+ Có thể nói tên và địa chỉ.
+ Kể tên bốn màu sắc hay nhiều hơn.
+ Có thể tô màu các hình.
+ Có thể đếm được nhiều hơn 10 đồ vật.
+ Có khả năng phân biệt được sự tưởng tượng với sự thật.
+ Hiểu khái niệm tiền bạc.
+ Nhận thức được giới tính.

3. Để nói thành một câu tròn nghĩa, bộ não của trẻ phải vận động như thế nào?

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sự vận động của bộ não khi muốn nói một câu hoàn chỉnh như: “cái bàn đẹp”, “con uống nước”. Từ đó ta có thể giúp đỡ những đứa trẻ chậm nói hay nói ngọng, nói đớt. Ngoại trừ một vài khiếm khuyết ở lưỡi và họng như lưỡi quá ngắn, dây chằng ở đầu lưỡi quá dày, hầu hết các trẻ đều thiếu sự nối kết giữa các vùng của vỏ não khiến nhiều khi chúng chỉ có thể nói những từ đơn giản và dùng tay làm dấu hiệu, như khi muốn uống nước, ăn bánh, chúng chỉ nói được một từ “nước”, “bánh” hoặc chỉ vào đồ vật chúng muốn có, chứ không thể nói được một câu hoàn chỉnh.
Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích các tiến triển trong bộ não của trẻ để khám phá ra những giai đoạn nào còn thiếu sót hay những mối liên kết nào chưa trọn vẹn.

– Vùng vỏ não thính giác

Đầu tiên, đứa trẻ ghi nhớ những âm thanh ở vùng vỏ não thính giác. Âm thanh mà chúng ta nghe được là những sóng âm lan truyền qua không khí được tai ta thu nhận. Âm thanh chạm vào màng nhĩ tạo thành những sóng âm khi đi qua tai giữa, rồi tạo thành những rung động ở các tế bào lông biến đổi thành các tín hiệu thần kinh, đi lên vùng vỏ não thính giác sát cạnh bên tai chúng ta . Các xung động thần kinh được phân tích theo những tần số (cao, thấp), cường độ (lớn, nhỏ) của các sóng ban đầu, nhờ đó ta nghe được.

Tất cả những tín hiệu thính giác ấy lại được phân loại thành những tiếng động và từ ngữ. Tiếng động như tiếng gió thổi, tiếng chó sủa, tiếng xe…Từ ngữ là những sóng âm thanh có ý nghĩa. Thí dụ từ “chó”. Chó có nghĩa là con vật kêu gâu gâu, “giường” là đồ vật để nằm ngủ.

Vỏ não ngôn ngữ

Tất cả những từ ngữ được đưa lên vùng vỏ não ngôn ngữ nằm dọc theo thái dương, gồm ba vùng khác nhau: vùng Broca, vùng Wernicke, vùng Geschwind .

Vùng Broca, do tiến sĩ Pierre Broca (1824-1880) khám phá, vùng này đón nhận tất cả các từ ngữ để tạo ra lời nói và phát âm. Thí dụ từ “chó”, “mèo”, “ăn”, “thích”, “tự do”, “hạnh phúc”…
Vùng Wernicke, do tiến sĩ Carl Wernicke (1848-1905) khám phá, chứa đựng các nghĩa của từ phát âm. Thí dụ: “con vật kêu gâu gâu”, “con vật kêu meo meo”…

Vùng Geschwind do tiến sĩ Nornam Gechwind (1926-1984) khám phá, nối từ ngữ và ý nghĩa của từ ngữ thuộc hai vùng trên lại với nhau. Thí dụ “Chó” là “con vật kêu gâu gâu”. Nếu nối với “con vật kêu meo meo” là sai.
Cả ba vùng ở vỏ não còn liên kết với một vùng nằm sâu ở trong phần não trắng, gọi là thể tam giác, có vai trò quan trọng trong việc hình thành ký ức và nhận ra khung cảnh và sử dụng từ ngữ cho thích hợp . Thí dụ: Cùng một từ nước, nhưng trẻ phân biệt được nước nóng, nước lạnh, nhớ được uống những thứ nước ấy trong hoàn cảnh nào, dù rằng trẻ chỉ nói “con muốn uống nước”.

Có một sự liên kết đặc biệt giữa ba vùng vỏ não ngôn ngữ, vì khi nói, trẻ sẽ lấy ra hàng ngàn từ khác nhau từ ở vùng Broca; người lớn có thể chứa hàng chục, hàng trăm ngàn từ khác nhau, tuỳ theo trình độ văn minh của từng dân tộc. Những từ ngữ này, trẻ và người lớn chúng ta, thu nhận dần dần trong kinh nghiệm cuộc sống. Vì thế, trong những tháng đầu đời, những năm đầu đời của trẻ, khi chúng ta đưa một ipad, iphone cho trẻ cho bớt khóc, bớt quậy phá, trẻ sẽ thu nhận những âm thanh vô nghĩa vào các vùng ngôn ngữ sẽ và lưu trữ ở đó, khiến cho những từ “ba/mẹ”, “chó mèo”, “sữa, nước”… mà cha mẹ muốn dạy cho trẻ bị chìm vào trong các âm thanh hỗn độn đó khiến cho trẻ không hiểu, không nhớ được các từ ngữ và cuối cùng là không nói được.
Mỗi từ ngữ có nghĩa khác nhau, số từ ngữ càng nhiều thì ý nghĩa cũng càng tăng, và hoàn cảnh của từng từ, từng nghĩa càng nhiều hơn theo dòng thời gian. Tất cả được lưu trữ trong vùng Wernicke. Thí dụ cùng một từ “chó”, nhưng trẻ sẽ thu nhận thêm nghĩa của từ này là “con vật sủa gâu gâu”, “con vật có lông xù”, “con vật có lông trắng, lông vàng, cao thấp khác nhau”.

Vùng Geschwind nối từ và nghĩa của từ, nhưng khi số từ và nghĩa tăng lên nhiều, trẻ bắt đầu có những sai lầm và rối loạn. Thí dụ: “chó là đồ vật để nằm”, “giường là con vật kêu meo meo”. Vì thế, nếu không sửa chữa kịp thời, trẻ sẽ rối loạn về ngôn ngữ. Cha mẹ phải nhắc đi nhắc lại hàng chục lần, hàng trăm lần một từ “nước”, trẻ mới nhớ được từ này và nối đúng nghĩa của nó là thứ để uống. Nếu người lớn để mặc cho trẻ chơi những trò chơi trong ipad, iphone, chúng sẽ không học được từ mới nên sẽ yếu kém về số lượng từ và nghĩa của từ cũng như những hoàn cảnh khác nhau của từ nên không thể kết nối đúng để nói thành một câu trọn nghĩa được. Thí dụ: “Con muốn uống nước”.

Vùng vỏ não vận động

Để trẻ có thể nói được một từ như “bàn”, “ghế”, “nước”… ngoài việc ghi nhận những âm thanh ở vùng vỏ não thính giác và vỏ não ngôn ngữ như ta vừa nói trên đây, trẻ còn phải cần tới vùng vỏ não vận động thân thể. Đây là vùng khởi động quá trình nhận thức hoặc các cử động tự ý của tay, chân, mắt, môi, miệng, lưỡi, răng, họng… khi trẻ quan sát cha mẹ phát âm các từ ngữ, chỉ trỏ các đồ vật, thú vật quanh mình để học biết cách sử dụng ngôn ngữ thì mới có thể nói được những từ, những câu .

Tuy nhiên, trẻ sẽ học cách phát âm dần dần các từ theo những độ khó khác nhau. Cha mẹ và thầy cô không thể dạy trẻ phát âm đủ thứ từ mà cần phải phân biệt để dạy những từ dễ phát âm nhất rồi mới đến những từ khó nhất. Quá trình học phát âm này có thể kéo dài vài ba năm chứ không thể hoàn thành ngay trong vòng vài tháng. Nhiều người lớn chúng ta cho đến nay vẫn chưa phát âm đúng một số từ như “rượu” đọc thành “riệu” , “hoàng” đổi thành “hoàn”… hoặc những vần “tr” thành “ch”, “l” đổi thành “n”, “s” đổi thành “x”… Nhiều người biết rõ mình phát âm sai nhưng lại không sửa được vì thói quen từ lúc nhỏ hoặc bộ nhớ trong não đã định hình như thế.

Những từ đơn giản có một nguyên âm như “ba, bà, má”, là những từ phát âm dễ nhất. Từ âm “e”, trẻ nói các từ “be, bé”; âm “ê” như “bê, bế”; âm “i” như “đi, lì, ị…” rồi đến các âm “o” như “no”; âm “u” như “bú, ngủ”. Những từ có hai âm đi liền nhau là những từ khó hơn mà trẻ đòi hỏi phải nhiều tháng mới có thể phát âm được như “chào, mía, núi, mùa, ngựa, gửi, đôi đũa, máy bay, cái kéo, trái đào, leo trèo…” những từ có hai nguyên âm và tận cùng bằng một phụ âm càng khó hơn nữa. Thí dụ: điện, đèn điện, viên phấn, yên ngựa, yên vui, chuồn chuồn, con lươn, vườn nhãn, ý muốn. Trẻ không dễ dàng phát được âm cuối nên giọng nói của trẻ thường bỏ âm cuối này và trẻ trở thành người nói đớt.

Những từ có hai phụ âm ở cuối như: “rau muống, nhà trường, luống cày, nương rẫy” là những từ khó đối với trẻ để phát âm trọn vẹn. Những âm khó cuối cùng là những từ có 3 hay 4 âm đi liền nhau như “hươu, cười, bưởi, khuya, bóng chuyền, chim khuyên, huân chương, băng tuyết, duyệt binh…” đây là những từ trẻ rất khó phát âm trọn vẹn.

Để trẻ có thể phát âm những từ ngữ từ dễ đến khó, trẻ bó buộc phải nhìn vào mặt cha mẹ hay thầy cô để quan sát chuyển động của môi miệng, răng lưỡi khi nói những từ này. Những ngôn ngữ khác còn đòi hỏi chuyển động của họng (tiếng Anh), của luồng hơi lên mũi (tiếng Pháp)….Thí dụ: để phát âm “a” miệng phải há to, để phát âm “ê” miệng phải thu nhỏ hơn, để phát âm “i” phải mgậm miệng, nhe răng và kéo môi dài, trong khi âm ‘o’ môi lại thu tròn, còn âm ‘u’ môi chụm lại nhỏ nhất. Tuy nhiên rất nhiều trẻ tự kỷ không nhìn vào mặt cha mẹ hay người dạy để học cách phát âm, nên ta cần phải ép trẻ tập nhìn, tập nói với mình.

Trẻ sẽ nhìn cách phát âm và bắt chước ngay từ bốn tháng tuổi. Đối với một số trẻ tự kỷ, hoặc cả những trẻ bình thường, nếu chúng không nhìn vào mặt cha mẹ, người dạy để tập nói những từ này mà chỉ nghe được âm thanh, các bé này sẽ rất chậm nói.

Hơn nữa, chính khi nhìn vào mặt cha mẹ để thấy chuyển động của môi, miệng, lưỡi, răng thì vùng vỏ não vận động ghi nhận những chuyển động và giúp trẻ phát âm đúng. Thí dụ từ “ba”, “má” là những từ dễ nhất, trẻ có thể tập quan sát và học bằng cách ngậm môi trước khi phát ra từ để đọc phụ âm b, m, sau đó phải há miệng ta để phát âm được “ba”, “má”.

Thanh điệu cũng là một vấn đề cho trẻ khi phát âm vì tiếng Việt có tới 6 âm sắc khác nhau: “không dấu, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng”. Vì thế, vùng vỏ não thính giác của trẻ phải phân biệt được những âm sắc cao thấp đó. Thí dụ hai từ “ba” và “má” có âm sắc khác nhau. Khi trẻ phát âm từ “ba, bà”, cha mẹ phải dạy mỗi từ có nghĩa khác nhau để phát âm cho đúng. Thí dụ chỉ vào người cha thì gọi “ba”, chỉ vào bà mẹ gọi “bà”. Như thế, vùng vỏ não vận động chính là vùng đóng góp cho việc phát âm chính xác của từ.

Vùng vỏ não thị giác

Khi phát âm một từ, nhất là những từ cụ thể như “ba, má, bàn, ghế, bánh, kẹo”, trẻ luôn luôn nối kết với những hình ảnh nhất định. Thí dụ: ba là hình ảnh của một người với làn da sậm, có râu tóc, giọng nói, nụ cười nhất định; hoặc từ “bàn” nối kết với những hình ảnh của chiếc bàn có hình dáng to, nhỏ, vuông, tròn, màu sắc khác nhau. Trẻ càng lớn hơn thì những hình ảnh đi kèm càng nhiều, một từ “bàn” có thể có mấy chục hình ảnh đi kèm.

Khi trẻ mới vài tháng tuổi, chúng chỉ nhớ được từ kèm theo một vài hình ảnh nhất định nào đó. Thí dụ: bình sữa, phải là đồ vật mà chúng vẫn thường dùng, có màu sắc, hình dáng quen thuộc, vì thế khi ta thay bình sữa khác có hình dáng màu sắc không đúng, có thể chúng sẽ không bú sữa. Hoặc khi trẻ đắp chăn thì chỉ nhớ đến cái chăn với màu sắc, hình dáng, độ mềm quen thuộc; nếu ta đưa một chiếc chăn khác màu, khác hình dáng, trẻ nhất định sẽ không chịu đắp. Chỉ khi trẻ được vài ba tuổi, trẻ mới bắt đầu tiến trình “tổng quát hoá” để dùng từ “bàn” với đủ loại bàn khác nhau, nhất là khi trẻ bắt đầu đi học, vào lúc 3-4 tuổi. Vì thế, vùng vỏ não thị giác với những hình ảnh quen thuộc sẽ giúp cho trẻ nhận thức và nhớ được các từ một cách nhanh chóng.
Khi trẻ cầm những iphone, ipad do người lớn đưa cho để nín khóc hay không quấy rầy, mắt của trẻ nhìn qua màn hình chỉ thấy những hình ảnh vô nghĩa. Bộ óc non nớt của trẻ khi thu nhận hàng trăm ngàn hình ảnh kèm theo với những âm thanh vô nghĩa sẽ làm cho bộ nhớ của trẻ bị rối loạn và không học được một từ nào hết trong khi bộ nhớ vẫn phải chứa hàng trăm ngàn dữ liệu của hàng ngàn hình ảnh và âm thanh.

Vùng vỏ não thị giác này cũng giúp cho trẻ nhận thức để học những từ liên quan đến hình dáng, màu sắc, chuyển động của vật thể. Khi trẻ dán mắt vào màn hình với đủ loại màu sắc khác nhau, chuyển động khác nhau mà không được cha mẹ giải thích chỉ dẫn, trẻ sẽ rất khó để học các từ thuộc chủng loại này, nhất là khi trẻ chỉ thấy những con vật vẽ trong phim hoạt hình, những robot không có thực trong đời sống.
Lời khuyên của chúng tôi với các phụ huynh là không nên cho trẻ chơi những thiết bị điện tử hay cùng xem những chương trình truyền hình với cha mẹ, vì đầu óc non nớt của trẻ phải thu nhận những hình ảnh và âm thanh vô nghĩa đối với chúng, nhất là những bộ phim mang tính cách bạo lực, ma quái, thiếu thực tế của đời thường.

Vùng vỏ não cảm giác thân thể

Nhiều trẻ tự kỷ không biết đến những nguy hiểm khi chúng chơi ở gần những chiếc quạt đang quay, những bếp đang nấu vì cha mẹ ít quan tâm đến vùng cảm giác thân thể của trẻ , hoặc vùng não này có thể đang ở tình trạng kém hoạt động. Cha mẹ có thể dạy cho trẻ các từ liên quan đến cảm giác như mát, đau, nóng, lạnh, thích, không thích… qua việc làm cho trẻ cảm nhận từ làn da của chúng để tránh những nguy hiểm. Thí dụ: áp vào da của chúng một ly nước ấm hay lạnh để trẻ cảm nhận được nhiệt độ khác nhau; xoa má, xoa lưng, hôn… để chúng cảm thấy dễ chịu, thích thú, hay đưa tờ giấy qua chiếc quạt bàn đang xoay để chúng thấy nguy hiểm. Từ đó chúng ta dạy cho trẻ những từ về nóng, lạnh, đau đớn và ngăn ngừa không đụng chạm vào những vật thể nguy hiểm.

Vùng điều hành trung tâm

Vùng điều hành trung tâm là vùng não quan trọng nhất, nằm ở phía trán của trẻ . Vùng này sẽ nối kết tất cả những dữ liệu ở các vùng vỏ não thính giác, ngôn ngữ, thị giác, vận động thân thể và cảm giác thân thể để phối hợp với các vùng não trong liên quan đến trí nhớ và cảm xúc.

Vùng não dành cho trí nhớ

Vùng não trong là phần não trắng ở dưới vùng não xám gọi là vỏ não mà chúng ta vừa mô tả. Tất cả những từ ngữ mà trẻ học được đều ghi trong bộ nhớ. Quả thật, khi ta ngủ, bộ nhớ trong não dành cho phần ký ức vẫn tiếp tục làm việc để sắp xếp dữ liệu mà ta thu nhận ban ngày. Các vùng của não luôn hoạt động khi ta ngủ để lưu trữ và gợi nhớ lại các sự kiện gồm đủ loại thông tin.

Trí nhớ không phải chỉ đơn thuần là lưu trữ và gợi nhớ lại các sự kiện liên quan đến từ. Trí nhớ bao gồm mọi hoạt động: từ sự việc, kinh nghiệm và hoàn cảnh, tên người, tên vật đến khuôn mặt, nơi chốn, hình dáng, màu sắc và có liên quan đến trạng thái cảm xúc của trẻ vào một thời điểm nào đó. Thí dụ: khi trẻ phát âm từ “mẹ”, ngoài việc vận dụng âm thanh ngữ nghĩa, trẻ nhớ đến hình ảnh khuôn mặt, cử chỉ quen thuộc của mẹ với màu sắc của mắt, của tóc, của khuôn mặt, của làn da mềm mại, rồi phải vận động để phát ra từ kèm theo cảm xúc thích thú yêu thương, kèm theo mùi ngây nồng của sữa mẹ… Tất cả được tổng hợp ở vùng vỏ não điều hành trung tâm và các phần khác nhau ở phần trắng của não. Như thế, chỉ một từ “mẹ”, bộ não của trẻ đã xử lý rất nhiều dữ liệu. Điều này giúp ta hiểu ngôn ngữ của trẻ là một vấn đề rất phức tạp, nó đòi hỏi phải vận hành hầu như tất cả các phần của não để nói lên một từ hay một câu.

Để trẻ có thể nói được và nhớ được các từ, trẻ phải dùng tới bộ nhớ gồm nhiều thành phần khác nhau. Người ta nói đến 5 loại ký ức chính: về công việc, về ngôn ngữ, về tình tiết, về quy trình, ký ức ẩn tàng. Các loại ký ức đó liên quan đến các vùng khác nhau của não trắng như đồi thị, thuỳ đỉnh, nhân đuôi, thể núm, thuỳ trán, nhân vỏ hến, hạch hạnh nhân, thuỳ thái dương, hồi hải mã, tiểu não, hồi đai, hành khứu giác, điều hành trung tâm, Fornix . Một đồ chơi chẳng hạn, gợi nhớ cho trẻ những tình tiết, quy trình tháo ráp, ngữ nghĩa và cả những hành động. Tất cả được lưu trữ trong bộ nhớ để trẻ phát âm được từ, thí dụ “xe hơi”. Nếu trẻ không có những ký ức liên quan, thì chúng không nhớ được từ và không phát âm được, hoặc sẽ quên ngay sau khi cha mẹ dạy xong. Vì thế cha mẹ và các nhà giáo thường phải sử dụng nhiều vật dụng cụ thể khi dạy trẻ để tạo các ký ức.

Có nhiều trẻ em hiện nay, tuy không có hội chứng tự kỷ, nhưng vẫn gặp những khó khăn và rối loạn về ngôn ngữ do sống trong gia đình có cha mẹ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thí dụ cha là người Trung Quốc nói tiếng Quan Thoại, mẹ là người Việt Nam, cả hai dùng tiếng Anh để chuyển ngữ, nên đứa con của họ phải học tới 3 ngôn ngữ. Em đã gặp khó khăn và rối loạn ngôn ngữ. Chúng ta cũng gặp thấy tình trạng rối loạn ngôn ngữ trong những gia đình người Việt sống ở nước ngoài khi trẻ phải học 2 ngôn ngữ cùng một lúc hoặc những gia đình ở Việt Nam đang cho trẻ học trong các trường quốc tế dùng ngoại ngữ là ngôn ngữ chính. Trẻ càng nhỏ tuổi bao nhiêu thì khi học cùng một lúc 2 hay 3 ngôn ngữ khác nhau, càng dễ dẫn tới rối loạn ngôn ngữ. Lời khuyên của chúng tôi là chỉ nên cho trẻ học thêm ngôn ngữ khi đã đủ lớn khôn và dùng thành thạo một ngôn ngữ nào đó. Có gia đình nói với chúng tôi rằng họ ân hận khi cho con cái mình học trường quốc tế vì bây giờ các em đã lớn, gặp những vấn đề mà cha mẹ không thể dạy dỗ chúng do không đủ khả năng về ngôn ngữ.

Vùng não dành cho cảm xúc

Não cảm xúc là những phần não chi phối các cảm giác sâu kín và mãnh liệt khi có những cảm xúc mạnh mà phần não chi phối lý trí không kiểm soát được như giận dữ, sợ hãi, sung sướng ngất ngây. Chúng liên quan đến những bản năng sinh tồn như đói, khát và tình dục. Vùng não cảm xúc gồm các phần của hệ viền như hạnh nhân, đồi thị, vùng dưới đồi, thể núm, các vùng hướng vào trong của vỏ não và hồi đai. Nhiều phần của hệ viền có liên quan sâu sắc trong việc hình thành ký ức.

Thí dụ: để nói được từ “mẹ”, trẻ nhớ đến mùi sữa mẹ mà vùng hành khứu giác lưu trữ, thể núm ghi nhớ những lần bú sữa mẹ ngon ngọt khác nhau; từ mẹ cũng gợi cho trẻ nhớ những nụ cười, những cái hôn, những mơn trớn trên da tạo nên sự thích thú được lưu trữ ở vùng dưới đồi. Khi được dạy những từ ngữ, nhiều trẻ không nhớ vì thiếu những sự liên kết giữa các phần cảm xúc của não. Vì thế hệ thống máy Brainmaster cũng chữa trị chứng rối loạn ngôn ngữ bằng cách nối kết các hoạt động của các phần não tương ứng.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng một số trẻ rối loạn ngôn ngữ không vì nguyên nhân tự kỷ, nhưng lại bắt nguồn từ những cảm xúc yêu thương không được thoả mãn. Nhiều trẻ khi đến 2-3 tuổi nói năng bình thường, nhưng do cha mẹ có xung đột, mâu thuẫn, ly thân, ly dị, đứa bé không còn được yêu thương, nên trẻ đột ngột không nói nữa, rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn ngôn ngữ. Vì thế, chúng tôi nhắc nhở các phụ huynh cần phải biểu lộ tình yêu thương nhiều hơn với trẻ thì việc chữa trị cũng sẽ có kết quả tốt hơn.

4. Kiểm tra rối loạn ngôn ngữ qua phương pháp Neuro-feedback

Phương pháp Neuro-feedback gọi là phương pháp phản hồi thần kinh, do các nhà khoa học Hoa Kỳ phát minh cách đây khoảng gần 1 thế kỷ (1929). Người ta phóng những sóng Beta, Alpha, Theta, Delta, những sóng này được các tế bào thần kinh ở vỏ não ghi nhận và phản hồi lại bằng những đường biểu diễn sóng, nhờ đó người ta có thể suy đoán phần não được tác động vào có hoạt động bình thường hay không. Đấy là những sóng được ghi nhận qua điện não đồ (EEG: ElectroEncephaloGram ). Đây là công nghệ dùng để ghi chép xung động điện não từ da đầu.

Các nhà khoa học của cơ quang Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã dùng phương pháp này để chữa trị những rối loạn thần kinh cho những nhà du hành vũ trụ và những người tiếp xúc với một loại nhiên liệu tên lửa, gọi là Mono Methyl Hydrazine dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, khó thở, ảo giác và co giật, trên những hệ thống máy gọi là Brainmaster. Vào năm 1960, phương pháp này có những thành công nhất định và đã được phổ biến một cách giới hạn cho quần chúng bởi những nhà khoa học chuyên nghiệp để chữa trị cho những người có triệu chứng rối loạn tâm thần. Năm 2015, kỹ sư Phạm Đình Hải đã đưa phương pháp này vào Việt Nam để chữa trị cho người con của mình mắc chứng tự kỷ, trên hệ thống máy Brainmaster 4 chấm, nghĩa là đo một lúc 4 điểm trên não bộ con người. Bộ máy này cũng được giáo viên khoa tâm lý trường Đại học Hoa Sen TP.HCM sử dụng từ năm 2016 để chữa trị cho trẻ tự kỷ và có những kết quả tốt.

Năm 2017, chúng tôi đã nhập hệ thống Brainmaster 19 điểm, có khả năng đo 19 điểm cùng một lúc và tác động đến nhiều phần não khác nhau với những chương trình chữa cho trẻ tự kỷ và tâm thần. Khi sử dụng hệ thống Brainmaster 19 điểm giúp cho những trẻ tự kỷ, chúng tôi đã nhận thấy các trẻ có hiện tượng rối loạn ngôn ngữ thường có những biểu hiện yếu kém trong các vùng sau đây:
– Vùng T3 T4 thuộc vỏ não thính giác, đây là vùng ghi nhận những âm thanh để nhớ được các từ.
– Vùng T5 T6, đây là vùng thuộc vỏ não Geschwind để nối kết tên các đồ vật.
– Vùng F7 F8, đây là vùng ngôn ngữ Broca để nhớ các từ.
– Vùng O1 O2, đây là vùng vỏ não thị giác chứa đựng các hình ảnh của đồ vật đi kèm với các từ gọi tên đồ vật.
– Vùng Cz C3 C4, đây là vùng vỏ não vận động thân thể và cảm giác thân thể, nhất là xúc giác. Nhiều trẻ tự kỷ khó khăn khi cầm nắm các đồ vật, không biết uốn lưỡi, vận động môi miệng khi học nói, không biết nguy hiểm khi cầm các đồ vật nóng, lạnh.
– Vùng P3 P4, là vùng xử lý thông tin đa cảm xúc, trẻ tự kỷ không có nhiều cảm xúc hoặc không kiềm chế được cảm xúc khi chúng giận dữ la hét, khóc lóc đòi cho bằng được điều chúng muốn.
– Vùng FPz FP1 FP2 (vùng trán), đây là vùng điều hành trung tâm để phối hợp tất cả hoạt động của vỏ não nhưng vì thiếu sự tập trung điều hành nên tất cả các vùng não đều rời rạc không liên kết với nhau, trẻ không thể nói những câu đòi hỏi một sự tổng hợp lớn như “Con muốn uống nước” mà chỉ nói được từ nước đơn giản rồi chỉ tay vào bình nước hay kéo tay người thân đến bình nước.
– Vùng F3 F4, đây cũng là vùng thuộc phần điều hành trung tâm để phối hợp các hành vi cần sự vận động của tay chân.
– Fz, đây là vùng vỏ não nằm ở giữa, ngang với F3 F4, kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Đối với một số trẻ tự kỷ, vùng này hầu như ít hoạt động. Trái lại, đối với một số bệnh nhân tâm thần vùng này lại hoạt động quá mức gây nên sự hoang tưởng.

Như thế, những biểu đồ và những làn sóng trên màn hình đã cho chúng ta thấy các phần não của trẻ tự kỷ có rối loạn về ngôn ngữ hoạt động không bình thường và thiếu sự nối kết giữa các vùng vỏ não với nhau. Hệ thống Brainmaster với các chương trình chữa trị sẽ kích thích các phần não này hoạt động và tạo ra sự liên kết đa dạng giúp cho trẻ có thể nói dễ dàng và nhớ lâu hơn.

Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, mỗi tuần chỉ chạy máy 1,2 lần trong 10-20 phút, những vùng não bộ của trẻ không được kích thích thường xuyên. Do đó, chúng tôi tha thiết xin các phụ huynh cộng tác với các chuyên viên chữa trị bằng cách xoa bóp các phần vỏ não tương ứng của trẻ mỗi ngày một vài lần, mỗi lần một ít phút vì việc xoa bóp này sẽ tiếp tục tác động trên các phần não giúp cho phương pháp phản hồi thần kinh đạt hiệu quả cao hơn.

5. Phương pháp xoa bóp cho các trẻ rối loạn ngôn ngữ

5.1. Bảo vệ bộ não trẻ

Bộ não con người gồm khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, gọi là neuron, bộ não này chính là hệ thần kinh trung ương phát đi các lệnh đến từng phần thân thể cho các cơ quan và tế bào hoạt động, cũng như thu nhận các dữ liệu từ khắp các phần thân thể chuyển về để cảm nhận, xử lý và lưu trữ trong bộ não. Những tháng tuổi đầu đời, bộ não của trẻ còn non nớt, ta lại càng phải chú ý vì chúng giống như tờ giấy trắng một khi vẽ lên rồi rất khó tẩy xoá. Nếu có tẩy xoá được thì trang giấy cũng đã bị lem luốc không còn đẹp nữa. Vì thế các bậc phụ huynh phải tránh không nên tạo cho trẻ những âm thanh, hình ảnh, cảm giác, cảm xúc, cảm tình quá mạnh mẽ, tiêu cực gây nguy hại cho bộ não của trẻ. Thí dụ: những âm thanh chát chúa, những hình ảnh với ánh sáng quá mãnh liệt, những đồ vật quá nóng hoặc quá lạnh, những trò chơi tung hứng có thể làm trẻ cười sặc sụa nhưng tạo nên những nỗi sợ hãi khó quên trong bộ nhớ.

Ngày nay với những phương tiện truyền thông xã hội như truyền hình, điện thoại, sách báo, máy nghe nhạc… nhất là những chương trình qua các điện thoại thông minh hay ipad, iphone, trẻ có thể ngồi yên không khóc, không cử động trong nhiều giờ đồng hồ khi chơi với những phương tiện đó, khiến người lớn chúng ta có thể yên ổn làm việc. Nhưng chúng ta không thể nào lường được những tai hại khi bộ nhớ của trẻ phải thu nhận hàng tỷ dữ liệu qua những hình ảnh, âm thanh vô nghĩa.

Mỗi giây đôi mắt của chúng ta thu nhận 24 hình ảnh được sắp xếp gần nhau để tạo nên một cử động. Vậy trong 1 giờ có 3.600 giây, đôi mắt của trẻ đã thu nhận khoảng 86.400 hình ảnh khác nhau kèm theo những dữ liệu về âm thanh, màu sắc được lưu trữ trong bộ nhớ. Điều này đã làm cho những hình ảnh đồ vật mà cha mẹ muốn dạy qua ngôn ngữ bị chìm lỉm trong khối hình ảnh hỗn độn kia, khiến trẻ không nhớ nỗi hình ảnh ta muốn dạy.

Âm thanh ngôn ngữ cũng vậy, một khi bộ nhớ của trẻ đã ghi nhận những âm thanh từ những trò chơi, chương trình truyền hình mà chúng không hiểu gì hết, nhưng vẫn được ghi nhớ trong vỏ não thính giác, thì việc gọi tên một vài đồ vật mà cha mẹ muốn dạy làm cho trẻ cảm thấy rất khó khăn. Đó là chúng ta chưa nói đến những khuôn mặt giận dữ, những hình ảnh ma quái, bạo lực, mang đầy tính đe doạ, tiêu cực đã được trẻ thu nhận và ghi nhớ trong cõi vô thức của trẻ có thể tạo nên những hiện tượng tâm lý tiêu cực sau này.
Vì thế, cha mẹ chỉ nên cho trẻ thơ tiếp xúc với những hình ảnh trong sáng, vui tươi, tích cực, nghe những âm thanh vui vẻ, nhẹ nhàng qua những bài hát đơn giản để tạo nên những tình cảm tốt đẹp, quân bình, trong sáng, cao thượng trong tâm trí trẻ thơ.

5.2. Nuôi dưỡng bộ não

Để cho bộ não hoạt động, nó cần phải được nuôi dưỡng đầy đủ bởi máu được chuyển đến từ tim và khí Oxy thu nhận từ phổi chứa đựng trong máu. Tuy nhiên, người ta ít quan tâm đến việc máu và khí có đủ trong não của trẻ hay không. Cha mẹ chỉ quan tâm đến việc bú sữa, ăn dặm. Bộ não của trẻ sẽ hoạt động rất tốt nếu chúng ta giúp cho trẻ thở được nhiều khí trong lành và xoa bóp để máu và khí được vận hành.

Đối với những trẻ vài tháng tuổi đến 1,2 tuổi, ta cố gắng tạo nên những chỗ ở thoáng mát giúp cho trẻ thở được bầu khí trong lành, trẻ nên mặc những bộ quần áo rộng rãi thay vì mặc những bộ quần áo bó chặt để giữ ấm như một số cha mẹ ở Việt Nam đang làm. Trong mùa lạnh trẻ có thể mặc thêm áo ấm nhưng phải là những bộ quần áo rộng rãi để cho trẻ dễ thở.

Cha mẹ có thể xoa phía trước ngực để kích thích tim và phổi, nhất là mấy huyệt đạo giữa ức của trẻ và vỗ nhẹ phía sau lưng để giúp trẻ thở mạnh hơn. Chúng ta biết trẻ sơ sinh thở khoảng 25 lần/phút, trong khi người lớn thở khoảng 16 lần/phút. Khi trẻ được 2,3 tuổi, ta có thể tập cho trẻ thở bằng cách làm mẫu cho trẻ bắt chước. Ta nói trẻ nhìn vào mặt mình, ngậm miệng, hít dài hơi bằng mũi, rồi thở ra từ từ bằng miệng. Khi thở ra ta thổi nhẹ vào mặt trẻ để bé cảm thấy luồng hơi phát ra. Mỗi ngày tập thở như thế vài ba phút để tạo thói quen cho trẻ hít được nhiều khí trong buồng phổi qua mỗi lần thở.

Bộ não của chúng ta tuy chỉ bé bằng nắm tay, nhưng để hoạt động bình thường, nó cần tới 1/5 dung tích khí của toàn thân, nghĩa là khoảng 2000 lít không khí mỗi ngày. Dưỡng khí ta thở, ta hít vào buồng phổi sẽ chuyển hoá dòng máu đen thành dòng máu đỏ chảy về tim và từ tim được bơm đi khắp thân thể nuôi sống từng tế bào. Vì thế, có đầy đủ oxy, bộ não của trẻ sẽ hoạt động hiệu quả. Do đó, những bộ quần áo quá chật sẽ làm cho trẻ khó thở, ngăn cản phần nào việc dung nạp khí của bộ não.

Não cần phải được nuôi bằng máu bơm từ tim lên qua 3 đường chính.

– Một đường từ hai bên cổ đi đến trước tai rồi chuyến đến các động mạch, tĩnh mạch bên ngoài của đầu.
– Đường thứ hai, từ phía dưới cằm chạy dọc theo sóng mũi đi lên đỉnh đầu.
– Đường thứ ba, từ cổ phía sau gáy chạy dọc theo giữa đầu lên đỉnh đầu.

Đây là các động mạch, tĩnh mạch bên ngoài đầu, chúng ta có thể xoa nhẹ những phần vỏ não để máu được chuyển thông dễ dàng trong các phần vỏ não. Ngoài ra, não còn được cung cấp bằng các mạch máu ở bên trong não, gọi là mạch máu nội sọ.

Để kích thích các mạch máu này, chúng ta có thể xoa ở các đốt sống cổ từ C1-C4 cho máu chuyển thông nhanh .

Chúng ta cũng lưu ý rằng các hạch bạch huyết ở đầu và cổ tạo nên hệ miễn dịch có thể gây cản trở luồng máu lưu thông trên đầu, vì khi con người chúng ta bị nhiễm trùng, bị những vết thương ở đầu và mặt, những hạch bạch huyết này có nhiệm vụ sản xuất ra bạch cầu để bao vây vi trùng, vi khuẩn. Việc nở lớn các hạch bạch huyết cũng có thể ngăn trở các mạch máu. Vì thế, việc xoa nắn nhẹ trên mặt và cổ của trẻ cũng giúp cho máu lưu thông dễ dàng. Chúng tôi khuyến khích các phụ huynh xoa bóp cho trẻ ở vùng đầu, vùng cổ mỗi ngày vài ba phút. Những hành vi yêu thương này sẽ giúp cho trẻ cảm nghiệm được tình yêu của cha mẹ, là dịp ta dạy trẻ nhìn vào mặt mình, tập đọc các từ ngữ để co nhiều tương tác xã hội.

6. Trình bày kết quả chữa trị rối loạn ngôn ngữ theo phương pháp phản hồi thần kinh

Sau đây chúng tôi sẽ trình bày quá trình chữa trị rối loạn ngôn ngữ qua một vài bệnh nhân điển hình trên hệ thống Brainmaster 19 điểm.

6.1. Trường hợp của bệnh nhân Trần Nguyễn Ngọc Tuyền

Đây là một trẻ gái, không có rối loạn tự kỷ, chỉ có rối loạn ngôn ngữ: khi tới em chưa biết nói thành câu, chỉ nói được hai từ đơn là ăn, mẹ và bà. Hình ảnh EEG ngày đầu tiên chúng tôi thu nhận được với những làn sóng bất thường ở các vùng F3, F4, F7, F8, FP1, FP2, T5, T6, O1, O2.

Trẻ được ghi nhận các biểu hiện như rối loạn ngôn ngữ, khó ngủ (ngủ hay mơ, giật mình), khó kìm chế cảm xúc, dễ cáu giận ngay trong ngày đầu tiên tiếp xúc với phương pháp phản hồi thần kinh.

Sau 12 lần chạy máy Brainmaster theo chương trình chữa trị, chúng tôi có biểu đồ về sóng não của 19 điểm như sau:

– Các vùng não trước đây có màu đỏ, bây giờ ổn định với màu xanh.
– Kết quả điều trị: trước đây trẻ đến phòng khám chưa biết chào hỏi một ai, dù cha mẹ có gợi ý, nay đã biết tự động chào hỏi.
– Trước đây trẻ chỉ nói được hai từ đơn là “bà” và “mẹ”, nay trẻ đã biết kể câu chuyện đơn giản, diễn tả các xúc cảm qua nét mặt vui/buồn và qua các cử chỉ khoanh tay, cúi đầu, chào hỏi.

6.2. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Đức Bình

Đây là một tình trạng rối loạn ngôn ngữ do tự kỷ. Khi trẻ tới, trẻ la hét rất nhiều, khó khăn kìm chế cảm xúc, biểu hiện tăng động kém tập trung, hay ăn vạ, tự đánh bản thân, tuy nói được một số từ nhưng không rõ, trẻ chưa biết chỉ ngón tay, giới hạn chơi với một số đồ chơi nhưng không chơi đúng chức năng, chỉ thích chơi một mình.
Biểu đồ não của em cho thấy các vùng não bị tổn thương, các sóng não ở 19 điểm, phần vỏ não có những chỗ bất thường, phần liên kết các vùng vỏ não kém. Các vùng vỏ não không ổn định hiển thị màu đỏ rất rõ.

Kết quả chạy máy, ngày đầu tiên ghi nhận trẻ có rối loạn ngôn ngữ, khó khăn âm vị, khó khăn giao tiếp xã hội; khó khăn kiểm soát vận động tay chân; khó khăn lên kế hoạch và hoàn thành mục tiêu đề ra; khó khăn khả năng ghi nhớ, lưu trữ thông tin liên quan âm thanh, hình ảnh; khó khăn khả năng định hướng không gian; khó khăn kìm chế cảm xúc; khó khăn giấc ngủ; hơi thở yếu.

Sau 15 lần chạy máy Brainmaster theo chương trình chữa trị, chúng tôi có biểu đồ về sóng não của 19 điểm như sau:

So sánh hình chụp bộ não của em với hình chụp ban đầu, chúng ta thấy có nhiều điểm tốt đẹp qua phần màu xanh và các sóng não ổn định hơn. Trước kia em bị rối loạn ngôn ngữ, khó khăn phát âm, khó khăn kìm chế cảm xúc, không muốn ngồi yên, khó khăn lên kế hoạch, khó khăn giấc ngủ… nhưng bây giờ các vấn đề đã cải thiện rất nhiều: em tích cực hơn, phát âm khá rõ, kìm chế cảm xúc khá tốt (trước đây em không vừa ý, hoặc thích đồ chơi mà không được, em có thể ăn vạ từ 1 giờ đến 3 giờ đồng hồ mới hết, bây giờ chỉ còn vài phút) và chủ động trả lời khi được hỏi, nhiều lúc em chủ động được câu hỏi; chủ động ngủ sớm hơn, ngủ sâu hơn; tâm trạng em vui hơn rất nhiều so với trước khi chạy máy. Đặc biệt, em biết chỉ ngón tay (khả năng định hướng không gian) chỉ sau 7 buổi chạy máy.

7. Cầu nguyện cũng là một cách chữa trị

Rất nhiều trẻ tự kỷ và những bệnh nhân khác đã đến với chúng tôi để dùng phương pháp phản hồi thần kinh. Sau 3 năm điều trị, chúng tôi nhận thấy có những kết quả khác nhau. Có những bệnh nhân mà biểu đồ não cho thấy những thông số xấu lại được chữa lành mau chóng hơn những bệnh nhân có biểu đồ não với thông số tốt. Dù chúng tôi đã chỉ dẫn những cách xoa bóp phần vỏ não, cách hít thở và số lần chạy máy Brainmaster như nhau.

Sự kiện này nhắc nhở chúng tôi về 4 yếu tố trong sức khoẻ con người: thể lý, tâm thần, tâm lý, tâm linh, mà nhiều bệnh viện tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Chúng tôi nhận ra điều này qua chuyến tham quan học hỏi ở Đức và Thuỵ Sỹ. Theo lời mời của tiến sĩ Armin Kuhr, người Đức, Viện trưởng Viện tham vấn Điều trị Tâm lý Dinklar ở Đức, từ ngày 4/9 đến 24/92012, chúng tôi cùng tiến sĩ Nguyễn Thị Loan và thạc sĩ Nguyễn Thanh Hằng thuộc khoa tâm lý Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã sang thăm và làm việc tại các cơ sở để điều trị tâm lý cho các trẻ tự kỷ, các người bệnh bị khủng hoảng tâm lý vì nghề nghiệp, vì nghiện ma tuý, phim đồi truỵ hay trò chơi điện tử ở Đức và Thuỵ Sĩ. Chúng tôi đặc biệt thăm một bệnh viện chuyên khoa tên là Berolina ở vùng Lohne Bad Oeynhausen, ngày 13/9/2012, với hướng điều trị sức khoẻ toàn diện gồm 4 yếu tố: thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh. Đây là xu hướng điều trị mới của các nước tiên tiến.

Ngoài việc áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong phương pháp phản hồi thần kinh, cộng thêm với việc xoa bóp các phần vỏ não, việc tập thở để có nhiều khí Oxy trong các đường dẫn máu vào não, chúng tôi đề nghị những bệnh nhân và người thân của các trẻ tự kỷ, nếu họ có niềm tin, hãy thêm lời cầu nguyện. Khi viết những dòng này, một số người có thể chê trách chúng tôi là mê tín hoặc cố ý tuyên truyền tôn giáo trong những hoạt động thuần tuý khoa học kỹ thuật để điều trị con người.

Tuy nhiên, dù bạn tin hay không tin, dù bạn theo một tôn giáo hay không theo tôn giáo nào, thì chúng tôi vẫn muốn chia sẻ với bạn niềm xác tín này: “con người là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng”. Cho đến nay, trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về con người, khoa học vẫn phải xác nhận rằng có những hiện thực không thể giải thích bằng những lý lẽ tự nhiên vì chúng vượt quá giới hạn của khoa học kỹ thuật, nếu chỉ căn cứ vào những thứ cân-đo-đong-đếm được nơi thể xác vật chất của con người.

Trong lĩnh vực chữa trị các trẻ tự kỷ hay người bị rối loạn ngôn ngữ cũng thế. Có những bệnh nhân phục hồi khả năng nói và suy nghĩ một cách mau chóng nhờ lời cầu nguyện. Tại sao chúng tôi lại quả quyết điều đó? Thưa, tại vì chính hoạt động của bộ não con người nhắc nhở chúng tôi rằng: ngôn ngữ con người cũng là một mầu nhiệm mà chính khoa học cũng chưa khám phá được hết những điều kỳ diệu của nó.
Trên đây, chúng ta đã nghiên cứu việc vận hành của bộ não với các phần vỏ não, bộ nhớ và bộ cảm xúc liên quan đến ngôn ngữ, nhưng thử hỏi bản chất thật sự của những từ ngữ, ký ức, hình ảnh, cảm xúc vui buồn, yêu thương, hạnh phúc trong bộ não của chúng ta và trong toàn bộ hệ thần kinh với cả tỷ tế bào thần kinh chạy khắp cơ thể để dẫn những cảm giác nóng lạnh, đau đớn, thăng bằng… là gì?

Tất cả chỉ là những tín hiệu thần kinh hay là các xung điện của dòng điện gây ra do sự chuyển động của các phần tử gọi là ion. Khi các ion di chuyển băng qua màng tế bào, chuyển động liên kết của điện tích gây ra một xung động điện hay là một điện thế hoạt động. Điện thế hoạt động đo được vào khoảng 100 mV từ đỉnh đến đáy và kết thúc trong 1/250 giây .

Các xung động điện rất nhỏ truyền dọc theo các sợi trục của các tế bào thần kinh đến gần cuối tế bào, gọi là khớp thần kinh, chúng sẽ giải phóng những chất dẫn truyền thần kinh, là những hoá chất, chứa bên trong các túi. Các chất dẫn truyền này lại vượt qua khe khớp ngăn cách giữa 2 tế bào để gắn vào những thụ thể của tế bào thần kinh tiếp theo tạo nên một xung điện mới truyền lệnh thần kinh .

Như thế, tất cả những gì mà chúng ta gọi là từ ngữ, ý nghĩa, tư tưởng, cảm xúc, cảm giác, tình yêu, hạnh phúc… chỉ là những xung động điện, những hoá chất tác động trong bộ não và thần kinh của con người. Chúng ta cần tìm về được với nguồn của tư tưởng, tình yêu, sự thật và sự sống là một thực tại không nằm ở trong con người, nhưng lại đang hoạt động trong con người. Cũng vì lý do đó mà chúng tôi mới nói đến việc cầu nguyện để những bệnh nhân có triệu chứng rối loạn ngôn ngữ có thể tiếp xúc với Thực Tại Cao Cả này mà mỗi tôn giáo có thể gọi bằng những tên khác nhau.

Lời kết

Việc điều trị chứng rối loạn ngôn ngữ cho những trẻ tự kỷ và những người tâm thần là một công trình cần được nghiên cứu sâu xa hơn mà chúng tôi, qua một ít kinh nghiệm thực tế, muốn đóng góp vào sự nghiệp chung của các nhà điều trị. Chúng tôi hy vọng rằng những phụ huynh của các trẻ tự kỷ có thể giúp các cháu phát triển khả năng ngôn ngữ của mình qua những hướng dẫn cụ thể về cách xoa bóp phần não, hít thở khí tăng cường cho bộ não hoạt động và cả việc cầu nguyện với lòng tin tưởng để việc chữa trị này sẽ đạt được hiệu quả nhanh chóng hơn.

TP.HCM, ngày 11/11/2019
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Phạm Văn Giáo
Nguyễn Thị Tuyết Lê
Nguyễn Thị Thuỷ