18/11/2024

Bài 8: Bốn nguyên tắc căn bản hướng dẫn hành động

Mỗi người chúng ta có nhiều việc phải làm như ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, lao động, vui chơi, giải trí…, gọi chung là hành động, hành vi. Khi làm những việc này, chúng ta nhắm tới những mục đích, ý hướng, giá trị khác nhau. Vậy làm sao để ta hành động đúng đắn và tốt đẹp? Những nguyên tắc nào hướng dẫn ta hành động?

 

Bài 8

Bốn nguyên tắc căn bản hướng dẫn hành động

Lời mở

Mỗi ngày, trừ lúc nằm ngủ bất động, mỗi người chúng ta có nhiều việc phải làm như ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, lao động, vui chơi, giải trí…, gọi chung là hành động, hành vi. Khi làm những việc này, chúng ta nhắm tới những mục đích, ý hướng, giá trị khác nhau như ăn để sống, chơi để khoẻ, học để biết, làm việc để kiếm tiền,… Tuy nhiên cùng là mục đích sống, nhưng có người sống hèn, sống tủi, sống nhục trong khi có người sống vui, sống đẹp, sống hùng. Vậy làm sao để ta hành động đúng đắn và tốt đẹp? Những nguyên tắc nào hướng dẫn ta hành động? Học thuyết Xã hội Công giáo (HTXHCG) giới thiệu 4 nguyên tắc căn bản để hướng dẫn mọi hành động  của con người. Đó nguyên tắc nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới. Chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao lại có những nguyên tắc ấy, nội dung của chúng là gì và chúng có liên hệ với nhau như thế nào.

1. Phân biệt từ ngữ

Trong phạm vi bài này, ta nên hiểu rõ và phân biệt một số từ ngữ sau đây:

1.1. Hành động, hay hành vi,

Tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác rất phong phú. Cùng một từ act, action của tiếng Anh, hay acte, action của tiếng Pháp, actus của tiếng Latinh, tiếng Việt có thể dịch thành: hành vi, hành động, tác động, việc làm và nhiều ý nghĩa khác.

Hành động: là việc làm cụ thể của con người nhằm một mục đích nhất định[1]. Thí dụ: ăn một bữa cơm; uống một ly nước; nói chuyện với bạn bè, mua một đồ vật…

Hành vi: toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể. Thí dụ: hành vi ăn: từ cách gắp thức ăn, nhai nuốt, bộ mặt biểu lộ cảm xúc khi ăn, đến cách ngồi ở bàn ăn trong một nhà hàng sang trọng…

Trong thực tế, nhiều người cũng như nhiều từ điển dùng lẫn lộn từ “hành động” với “hành vi”.

1.2. Phân biệt hành vi nhân sinh và hành vi nhân linh theo luân lý

Hành vi nhân sinh là hành vi của con người, nhưng không do lý trí con người điều khiển, cũng không được ý chí con người kiểm soát. Thí dụ: giơ tay, chớp mắt, nói mê, nói sảng, té ngã[2].

Hành vi nhân linh là việc làm đã được lựa chọn cách có ý thức và tự do theo phán đoán của lương tâm nên mang tính trách nhiệm luân lý[3].

Tính cách luân lý của các hành vi nhân linh tuỳ thuộc vào 3 yếu tố sau đây: trước hết, đối tượng được chọn lựa là điều thiện chủ ý nhắm tới; tiếp theo là ý hướng hay mục đích mà chủ thể hành động muốn thể hiện; thứ ba là các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả những hậu quả. Thí dụ: hành động cho tiền một người nghèo, nhưng làm với ý hướng khoe khoang để mua chuộc lòng tin của người khác và lừa bịp họ làm các hành động xấu khác[4].

Như thế, một hành vi được xem là tốt về mặt luân lý giả thiết phải có cả 3 yếu tố đều tốt. Mục đích không biện minh cho các phương tiện. Thí dụ: không thể lấy mục đích giúp người nghèo bằng cách cướp đất, cướp của người khác. Không được phép làm điều xấu để từ đó đạt được điều tốt. Thí dụ: thúc đẩy kế hoạch giảm gia tăng dân số và phát triển kinh tế bằng cách buộc phá thai. Không thể ngoại tình để an ủi một người bạn đang đau khổ (số 1756-1761)[5].

1.3. Phân biệt các hành vi theo quan điểm xã hội

Người ta phân biệt thành hành động trí óc, hành động (vi) ý chí, hành động (vi) xã hội, hành vi bản năng, hành vi hành chính, hành vi pháp luật và trái pháp luật. Đây là những mục từ theo Từ điển bách khoa Việt Nam [6]:

+ Hành động trí óc: hành động chỉ thực hiện trong tâm trí (bộ não) con người dành cho việc suy tư, nhận thức, ước muốn, cảm xúc, nhớ nhung…  nhưng không dựa vào một phương tiện bên ngoài nào như tay chân, máy tính, ngôn ngữ, chữ viết. Thí dụ: Nhớ về một kỷ niệm trong quá khứ, nghĩ về một khó khăn đang gặp phải.

+ Hành động ý chí ( tương đương với “hành vi nhân linh”): là hành động đặc thù của con người, có mục đích đề ra từ trước một cách có ý thức, có lựa chọn phương tiện, biện pháp để thể hiện mục đích, có theo dõi kiểm tra, điều khiển, nỗ lực khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện mục đích.

+ Hành động (vi) xã hội: là hoạt động của con người trong xã hội, có liên quan đến một người khác, một tổ chức, một tập thể trong xã hội. Hoạt động này hướng tới các giá trị do cá nhân hoặc do các nhóm, các tổ chức muốn đạt được. Nó thể hiện một hệ thống xã hội và nói lên thực chất của hệ thống xã hội đó. Khi hành động biểu lộ một phản ứng của xung đột bên ngoài hay bên trong hệ thống thì hoạt động xã hội này là dấu hiệu nói lên một mâu thuẫn hay một chỗ nứt rạn của hệ thống. Thí dụ: vụ buôn bán thuốc ung thư giả H-Capita của Công ty VN Pharma cho thấy việc quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc tại Việt Nam của Bộ Y tế Việt Nam có nhiều thiếu sót[7].

+ Hành vi bản năng: là các hành vi bẩm sinh, giống như ở tất cả các cá thể cùng loại, thể hiện những chức năng cơ bản nhất cho sự sinh tồn của cá thể và phát triển của giống loài như bản năng ăn uống, tự vệ, tính dục, bầy đàn, di cư… Nơi con người, những bản năng không còn y nguyên như lúc mới sinh, mà phần lớn đều ghi dấu ấn của văn hoá xã hội, nghĩa là bản năng được ý thức hoá.

+ Hành vi hành chính: toàn bộ những hoạt động nhằm phục vụ công dân thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình, thông qua sự chỉ đạo và quản lý của Nhà nước.

+ Hành vi pháp luật: những hành vi do pháp luật quy định hay xuất phát từ pháp luật. Thí dụ: Việc khai báo tài sản các viên chức chính phủ; việc xin phép nhập khẩu hàng tiêu dùng nước ngoài. Việc xem phim đồi truỵ là một hành động luân lý xấu nhưng không bị pháp luật quy định và lên án, nhưng việc sản xuất phim đồi truỵ là hành vi trái pháp luật.

2. Hành động con người trong xã hội

Mỗi ngày, con người sống và bày tỏ chính mình qua những hành động, hành vi thuộc đủ loại khác nhau. Một số hành động được làm theo bản năng sinh tồn mà nhiều khi ta không ý thức việc mình làm và cũng không chủ ý làm, trái lại một số hành động được làm với ý thức và ý chí rõ rệt. Thí dụ như  có người ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc, vui chơi, giải trí theo thói quen, theo bản năng… nhưng cũng có người làm những hành động đó vì biết chúng có ích, làm vì tình yêu Chúa và tha nhân thúc đẩy….

Có những hành động chỉ diễn ra trong tâm trí con người, như suy nghĩ, ước mơ, tưởng tượng… Chúng không trực tiếp tác động đến người hay vật nào, nhưng chúng vẫn là những hành động đặc thù của con người, nên cũng có tính cách và giá trị luân lý. Vì thế, con người không được có những tư tưởng tiêu cực, những nhận thức sai trái, những ước muốn xấu xa, dâm đãng, những tưởng tượng điên rồ… Khi con người cố ý có những hành động như thế là đi ngược hay hạ thấp phẩm giá cao quý của mình, vì con người là con cái Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người theo hình ảnh của mình và ban cho con người những giá trị tích cực vô biên[8].

Tuy nhiên, vì con người được ban tặng tự do để vâng phục và yêu mến Thiên Chúa, nên con người cũng có thể chống lại Thiên Chúa, không vâng phục và từ chối yêu thương. Con người đã chiều theo tên cám dỗ[9] cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sự sống và giá trị, phá vỡ giới hạn thụ tạo của mình. Tội nguyên tổ của Adam và Eva đã ảnh hưởng tới bản tính nhân loại, làm cho mọi người mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ[10]. Từ đó mọi hành động của con người cũng bị ảnh hưởng.

Khi xa rời Chúa là nguồn của chân thiện mỹ, con người đưa vào tâm trí mình những điều sai lầm, ác đức, xấu xa. “Khi xa rời Chúa, con người cũng xa rời chính mình (để làm những điều mình không muốn và không làm được những điều mình muốn), xa rời với người khác (coi họ chỉ là vật dụng để khai thác, không còn là cùng con cái với cha trên trời, là xương thịt của nhau), xa rời với thế giới chung quanh (khai thác vạn vật như một ông chủ ích kỷ)”[11].

Hành động của con người từ đó mang chiều kích hai mặt: vừa thể hiện những gì của cá nhân người hành động, nhưng cũng thể hiện mối quan hệ với người thân cận. Thật ra, bất cứ một hành động nào của con người, dù ở trong trí óc hay ý chí của một cá nhân, đều có thể tác động ít nhiều đến xã hội hay cộng đồng mình sống. Thí dụ: Việc đến ăn tại một nhà hàng, ngủ trên một chiếc giường, dù rất riêng tư, nhưng vẫn có thể tạo nên một số hậu quả như: việc ăn uống hay ngủ nghỉ tác động đến người phục vụ, người cung cấp các món hàng, người thuê cửa hàng…

Vì thế, khi một hành động bị coi là đi ngược với luân lý, bị coi là tội, thì “tội nào cũng là một tội cá nhân, xét về một phương diện nào đó, nhưng xét về một phương diện khác, tội nào cũng là tội xã hội trong mức độ nó cũng gây ra những hậu quả trong xã hội”[12]. Như thế, mọi hành vi nhân linh đều là những hành vi xã hội. Tuy nhiên, chúng ta muốn xác định ở đây hành động xã hội là làm những việc cụ thể nào đó, có ít nhiều quan trọng, một cách có ý thức, có mục đích rõ rệt và tạo nên mối liên kết với một người hay nhiều người trong cộng đồng xã hội[13].

Muốn cho những hành động thực sự tạo nên những giá trị tích cực, ta phải theo những nguyên tắc căn bản được HTXHCG giới thiệu sau đây. Tuy nhiên, trước khi trình bày những nguyên tắc đó, ta nên tìm hiểu những hoàn cảnh, nguyên nhân hình thành nên chúng trong lịch sử nhận thức của con người.

3. Lịch sử hình thành nhận thức về hành động xã hội

Dù con người biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện cách đây khoảng 200.000 năm, nhưng việc con người nhận thức được hành động của mình, phân biệt các loại hành động, nêu được giá trị luân lý của hành động chỉ mới bắt đầu từ vài ngàn năm nay, khởi đầu với nền văn minh của Hy Lạp, La Mã và với nhận thức của một số tôn giáo như Do Thái giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo…

3.1. Trước hết, con người hành động theo bản năng sinh tồn giống như những loài vật khác. Nhiều loài vật giết hại loài khác để sống, thậm chí sát hại cả chủng loại của mình để bảo đảm sự sống còn, như loài chim đại bàng. Giai đoạn hành động theo bản năng kéo dài vì tâm trí con người chưa được mở mang, sống theo bầy đàn và hành động theo bầy đàn.

Khi vượt qua tâm thức bái vật, khám phá ra các thần linh cao quý và bất tử, con người lại dồn mọi hoạt động để phục vụ thần linh, thậm chí hiến dâng cả mạng sống con người làm lễ vật cúng thần như ta thấy trong rất nhiều tôn giáo nguyên thuỷ cách đây vài ngàn năm như tôn giáo thờ cúng của bộ lạc, tôn giáo bái vật nơi người Inca… Chỉ từ khi Do Thái giáo xuất hiện, cách đây khoảng 3000 năm, việc hiến tế người sống cho thần linh mới bị ngăn cấm và con người mới nhận ra giá trị cao cả của mình để tôn trọng sự sống của đồng loại. Nguyên tắc tôn trọng nhân vị, có thể nói, đã bắt đầu từ đó.

Khi con người vượt qua giai đoạn thị tộc để bước vào giai đoạn dân tộc, quốc gia, người ta hành động với ý hướng để phục vụ lợi ích chung của  dân tộc, quốc gia và sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng tư. Những chủ nghĩa ái quốc cực đoan còn hô hào đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết và làm bất cứ hành động nào, dù bất công, bất chính, để phục vụ dân tộc. Chẳng hạn như ăn cắp thông tin, bí mật quân sự, kinh tế, khoa học của người khác, của nước khác để phục vụ đất nước. Thí dụ điển hình như việc Trung Quốc dùng những đoàn thuyền đánh cá dân sự đông đảo để xâm phạm lãnh hải của nước khác. Người ta còn nhân danh cả tôn giáo quốc gia để bắt các dân tộc khác phải tôn thờ những thần linh của mình, như vua Antiochus bắt dân Do Thái và các dân tộc thờ lạy các thần linh Hy Lạp (x. 1Mac 1,1-62). Vấn đề đặt ra ở đây là công ích: có phải là ích lợi chung của phe nhóm, đảng phái, dân tộc hay toàn thể nhân loại ? Nó được xác định như thế nào?

Trong dòng lịch sử nhân loại, khi người ta đồng hoá ích lợi chung của một quốc gia, dân tộc với quyền lợi của người nắm quyền điều hành quốc gia đó, thì rất nhiều khi những hành động con người bị lạc hướng, không còn thật sự phục vụ công ích mà chỉ phục vụ theo ý muốn độc tài của một con người, một dòng họ hay một tập thể nào đó. Chúng ta thấy điều này thường xuyên xảy ra trong các nước theo chế độ quân chủ chuyên chế thời xưa cũng như thời nay. Quyền lực hành động của cá nhân hay tập thể có khi còn được củng cố bởi thần quyền của tôn giáo. Thí dụ: vua là thiên tử, là con Trời, thay Trời hành đạo, có toàn quyền sinh sát trong tay, vua bắt thần dân chết mà thần dân không chết là thần dân đó bất trung. Vì thế, trong nguyên tắc công ích người ta phải xác định công ích thật sự là gì, bao gồm những phạm vi nào, nó được mở rộng đến quốc gia hay cho toàn thể nhân loại và vũ trụ.

Một vấn đề liên quan đến công ích là những của cải vật chất và tài nguyên thiên nhiên. Trước đây chúng là nguyên nhân chính cho những can thiệp của người cầm quyền với dân chúng cũng như gây nên những cuộc xung đột và chiến tranh giữa các dân tộc. Lòng tham của con người hầu như vô đáy nên ai cũng muốn có thật nhiều của cải, tài nguyên và tìm mọi cách chiếm đoạt cho mình. Vì thế, mục tiêu phổ quát của của cải và quyền tư hữu được đặt ra để xác định công ích có những giới hạn nào[14].

Khi hành động, con người thường muốn thấy ngay hiệu quả của công việc, không muốn bị trì trệ, bị thiếu sót, hư hỏng các phương tiện, nên thường tự mình muốn hành động và thậm chí làm thay cả những người khác vì thấy họ yếu kém về năng lực hơn mình. Điều này xảy ra trong các chế độ bao cấp thuộc đủ loại lĩnh vực khác nhau, dẫn đến các hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ trong việc cứu trợ an sinh và sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trong lĩnh vực an ninh trật tự công cộng. Tình trạng này đã xảy ra trên đất nước chúng ta trong nhiều năm sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế (938-1945) với tổ chức các làng nghề chặt chẽ hay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với những hợp tác xã nông nghiệp, chế độ tem phiếu hàng hoá, nhu yếu phẩm (1954-1986). Vì thế, nguyên tắc bổ trợ thúc đẩy và để cho các cá nhân tập thể ở trật tự thấp hơn được tự do hành động với sự trợ giúp ở cấp cao hơn.

Bắt đầu từ thế kỷ XIX, hình thành một phong trào chính trị rộng lớn, gọi là chủ nghĩa Cộng sản, nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Trong xã hội này mọi người đều bình đẳng, không có hiện tượng người bóc lột người và tiến tới xoá bỏ nhà nước trong một thế giới đại đồng không có biên giới quốc gia, khi người với người đều là bạn, thương yêu lẫn nhau. Trong xã hội Cộng sản này mỗi cá nhân sẽ được tự do phát huy mọi khả năng của mình, năng suất lao động tăng lên rất cao và của cải làm ra sẽ dồi dào.

Lý tưởng Cộng sản này đã được K. Marx và Engel cùng nhiều người đã tích cực xây dựng, cổ vũ và cuốn hút được khá nhiều người theo đuổi các phong trào Cộng sản quốc tế, nhất là tại các nước kém phát triển và đang phát triển của thế giới thứ ba. Nhưng chủ nghĩa Cộng sản này đã suy thoái vào cuối thế kỷ XX, nhất là sau khi khối Liên Xô tan rã và bức tường Berlin ở Đức sụp đổ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của chủ nghĩa Cộng sản[15]. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa hai chủ nghĩa Tư bản và Cộng sản lại dẫn con người đến một nguyên tắc mới trong hành động. Đó là nguyên tắc liên đới.

Một hành động của con người hay của một tập thể có thể tạo ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp, tác động đến nhiều người, nhiều dân tộc. Thí dụ: những trận cháy rừng ở vùng Amazone vào tháng 9/2019 vừa qua ảnh hưởng đến lượng khí Oxy của toàn trái đất; một vụ buôn bán công thức chế tạo bom nguyên tử, bom khinh khí của tổ chức thù địch có thể ảnh hưởng toàn cầu. Sự liên đới này thúc đẩy con người phải cẩn trọng và khôn ngoan hơn để tránh những thiệt hại do sự bất cẩn, để khắc phục những cấu trúc tội lỗi như những tổ chức buôn bán vũ khí, buôn bán ma tuý, buôn người, sự lũng đoạn về kinh tế, chính trị, luân lý xã hội của các tập đoàn đa quốc gia. Chính nhờ ý thức về sự liên đới này, các dân tộc mới củng cố và tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Toà án Quốc tế, Tổ chức Thương mại Quốc tế… tác động vào những hoạt động của cá nhân và tập thể để giúp họ vươn tới công ích toàn cầu.

Khi bàn đến hành động của con người và mối liên đới, ta không thể không nhắc đến quan niệm của Phật giáo về hành động theo luật nhân quả: hành động của kiếp này là hậu quả của kiếp trước và trở thành nguyên nhân cho kiếp sau. Nếu kiếp này làm người có những hành động sai trái, kiếp sau có thể phải làm trâu bò, chó ngựa. Nếu kiếp trâu ngựa ấy làm tốt, thì sau đó lại có thể trở về kiếp người. Điều này khiến cho người ta hiểu rằng Phật giáo quan niệm những con vật khi hành động đều có ý thức và ý chí tự do của mình thì chúng mới chịu trách nhiệm luân lý cho các hành động của chúng. Theo giáo huấn của HTXHCG, chỉ có con người mới chịu trách nhiệm luân lý về các hành động của mình, nhờ ý chí và tự do được Thiên Chúa ban cho khi dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, nguyên tắc liên đới cũng gắn kết chặt chẽ với nguyên tắc nhân vị.

Thật ra, cả 4 nguyên tắc: nhân vị – công ích – bổ trợ – liên đới gắn bó chặt chẽ với nhau và hình thành nên một thể thống nhất qua các mối quan hệ và liên kết mạch lạc của chúng[16]. Một hành động nhân linh của con người tác động đến xã hội phải theo các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc nhân vị nhắm đến chủ thể hành động và đối tượng nhận hành động đều là những con người thật sự, có nhân vị cao quý chứ không phải là những sinh vật hay đồ vật bị khai thác và sử dụng.

Nguyên tắc công ích nhắm đến đối tượng là việc làm được chủ thể hướng tới. Việc làm đó phải là mang lại ích lợi tốt đẹp không phải chỉ dành cho một cá nhân, tập thể, dân tộc mà còn phải là ích lợi chung cho tất cả mọi người và vạn vật có liên quan.

Nguyên tắc bổ trợ nhắc nhở chủ thể hành động không được trực tiếp làm thay cho cấp dưới mà chỉ hỗ trợ sự giúp đỡ cần thiết để cấp dưới có thể tự làm.

Nguyên tắc liên đới đòi hỏi công ích mà hành động nhắm tới phải là dịp để chủ thể hành động nói lên sự gắn kết sâu rộng của mình với mọi người, mọi vật quanh mình.

Những nguyên tắc hướng dẫn hành động này thật khá mới mẻ và còn xa lạ với nhiều tín hữu Kitô vì nhiều người chưa biết đến chúng và chưa biết áp dụng chúng vào đời sống thường ngày của mình như thế nào.

4. Bốn nguyên tắc căn bản để xây dựng xã hội

Các nhà xã hội, các nhà quản lý kinh tế, ngay cả các tôn giáo, đã đề ra một số những nguyên tắc sống và hành động. Thí dụ: “12 nguyên tắc sống bạn bên đọc ít là một lần trong đời”[17]; “20 nguyên tắc sống bạn cần nhớ để sống một đời không hối tiếc”[18]; “13 nguyên tắc của cuộc sống”[19]; “12 quy tắc quan trọng để sống như một thiền sư”[20]; “12 quy tắc căn bản để sống an lạc như một thiền sư”[21]… Rất nhiều bài viết tương tự như thế để hướng dẫn con người làm chủ hành động của mình nhằm phát triển cộng đồng xã hội và giúp cho con người được bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên, chưa có tôn giáo nào, hay khoa học quản lý nhân sự nào dạy về 4 nguyên tắc căn bản của HTXHCG. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chúng với những thí dụ cụ thể để minh hoạ cho dễ tiếp thu.

4.1. Nguyên tắc nhân vị[22]

Nguyên tắc này là “nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác, đồng thời cũng là nội dung của HTXHCG”[23]. Trong mọi hành động, “con người, nam cũng như nữ, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn, nơi mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người”[24]. Vì thế, mọi chủ thể hành động được mời gọi nhìn nhận mỗi người, như đối tượng của hành động, dù gần hay xa, quen hay lạ, nhất là những người nghèo và đau khổ, là anh chị em của mình, những người “mà Đức Giêsu Kitô đã chết cho họ”[25].

Nguyên tắc nhân vị này đòi hỏi chúng ta nhận ra Thiên Chúa là nguồn mọi hiện hữu của con người, để con người gắn bó với chính Thiên Chúa như một quan hệ “tự thân”[26], cũng như diễn tả sự gắn bó trong các mối quan hệ với người khác và vũ trụ vạn vật. Vì được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, nên con người không thể cho phép mình có những hành động bất xứng với Thiên Chúa, Đấng đang ở trong họ, như suy nghĩ những điều xấu xa, ước muốn những điều dâm đãng, có những cảm xúc, cảm tình tiêu cực… dù đó chỉ là hành động trong tâm trí chứ chưa thể hiện ra bên ngoài.

Do đó, chúng ta hiểu Đức Giêsu yêu cầu sự trong sạch cả trong tâm trí khi dạy: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28).

Con người cũng không thể nhân danh bản năng để thực hiện những hành động gây thiệt hại cho mình hay cho người khác. Thí dụ: thủ dâm để tự thoả mãn những dồn nén sinh lý, uống bia rượu quá mức, sử dụng ma tuý và các chất kích thích khác, xem những phim ảnh đồi truỵ… vì những bản năng này của con người phải được điều khiển bởi lý trí và ý chí con người qua lương tâm mách bảo và cả ơn Chúa giúp đỡ [27]. Vì thế, con người không thể biện minh là vô tội khi thực hiện các hành động chiều theo bản năng của mình.

Vì mối quan hệt thân tình với người khác như anh chị em ruột có chung một người Cha Trên Trời, nên con người phải tôn trọng người khác: sự sống, danh dự và mọi thứ thuộc quyền sở hữu của họ[28], nhất là “mạng sống con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm” vì chỉ Thiên Chúa mới là chủ tể của sự sống và sự chết[29]. Do đó, con người không phải chỉ không được giết người (x. Xh 20,13; Đnl 5,17) nhưng còn phải yêu thương người thân cận như chính mình (Lv 19,18) và Đức Giêsu còn đòi buộc phải chăm lo các nhu cầu của người khác (x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27-28) vì khi làm những hành động tốt đẹp cho những người hèn kém nhất là họ làm cho chính Đức Kitô (x. Mt 25,40).

Trong mối quan hệ với vũ trụ vạn vật, con người cũng thấy mình hiện diện với tất cả các thụ tạo khác được Chúa giao phó cho con người. Con người được quyền hưởng dùng chúng nhưng không được tuỳ tiện khai thác thế giới cách ích kỷ[30].

Thí dụ cụ thể về nguyên tắc nhân vị: một người bán dưa muối ở một chợ hiểu rằng họ phải muối dưa bằng cách nào đó cho an toàn. Một người đánh cá không được phép dùng những hoá chất độc hại ướp vào cá hoặc một nhà chăn nuôi không được dùng các hoá chất tăng trưởng độc hại. Nếu họ biết hàng hoá mình không an toàn mà vẫn cứ bán ra thị trường là họ đã phạm tội nặng nề với Chúa, với anh em, với vạn vật, dù pháp luật không truy tố họ. Những nhà sản xuất các phim ảnh đồi truỵ, thông tin sai lạc cũng vi phạm nguyên tắc nhân vị khi làm thiệt hại tinh thần của con người. Mức độ tội lỗi nặng nề hơn khi có nhiều người bị ảnh hưởng bởi hành động của họ.

4.2. Nguyên tắc công ích[31]

Nguyên tắc này liên quan đến mục đích hay ý hướng của chủ thể nhắm đến khi thực hiện một hành động xã hội. Thí dụ: việc bán dưa muối nhắm mục đích kiếm tiền lời để nuôi sống bản thân, phục vụ những người thích ăn món dưa muối, tạo nên sự ngon miệng và sức khoẻ thể lý cho người tiêu dùng; việc Nhà nước xuất khẩu gạo sang nước khác để tạo công ăn việc làm cho nông dân, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, giao hảo với dân tộc mua gạo…

Như thế, một hành động có thể có nhiều ý hướng và mục đích. Ý hướng càng rộng, mục đích càng cao, thì hành động xã hội càng có giá trị, và ngược lại. Thí dụ: một người bán dưa muối chỉ để kiếm tiền nuôi sống, không cần biết đến những điều gì khác do tầm nhận thức của họ hẹp hòi. Vì thế cần phải giáo dục, tuyên truyền sao cho người dân mở mang tâm trí thì họ mới có những hành động tốt đẹp, liêm chính nhắm tới công ích.

Vậy công ích là gì?

Công ích là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển của mình cách đầy đủ và dễ dàng hơn [32]. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân, nếu con người không nhận ra mình hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác. Sự thật này thúc đẩy con người đi tìm, không phải chỉ trong ý tưởng mà còn trong thực tế đời sống, điều tốt hay ích lợi cho chính mình hay cho tổ chức xã hội, từ cấp địa phương đến cấp quốc gia và quốc tế[33].

Những yêu cầu của công ích tuỳ thuộc vào điều kiện xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử và liên hệ chặt chẽ với việc tôn trọng và thăng tiến con người toàn diện cũng như các quyền căn bản của con người[34]. Thí dụ: dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức các cơ quan quyền lực quốc gia, xây dựng hệ thống tư pháp lành mạnh, bảo vệ môi trường sống cho trong sạch, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người: lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, văn hoá, nhân quyền, sức khoẻ, tự do tôn giáo… Nếu một hành động nhằm đạt nhiều yêu cầu của công ích thì hành động đó càng có giá trị. Thí dụ: sáng tác một tiểu thuyết có thể chỉ tả lại một chuyện tình nhưng cũng có thể nhằm cổ vũ hoà bình, bình đẳng giới, xây dựng hạnh phúc gia đình, chống lại các bất công trong xã hội…

Tuy nhiên, người ta không thể nhân danh một số công ích này để loại bỏ một số công ích khác, ủng hộ lợi ích của một số người giàu và chối bỏ lợi ích của đa số người nghèo (như chủ trương hành động của một số đảng phái trong các nước dân chủ hiện nay). Nhiều người đồng hoá ích lợi riêng tư của phe nhóm, đảng phái hay của chính quốc gia mình với công ích.

Công ích của xã hội không phải là một mục tiêu tự thân. Nó chỉ có giá trị khi có liên quan tới việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người và ích lợi chung của toàn thể thụ tạo. Thiên Chúa là mục tiêu tối hậu của các thụ tạo do Ngài dựng nên. Vì thế, không thể viện bất cứ lý do gì khiến công ích mất đi chiều hướng siêu việt, tức là chiều hướng vừa vượt lên trên lịch sử vừa hoàn thành lịch sử của mình[35]. Lịch sử của chúng ta, nghĩa là mọi nỗ lực hành động của cá nhân và tập thể để nâng cao thân phận con người đều bắt đầu và kết thúc với Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Người, chúng ta đạt tới sự thiện tối thượng, tới  mức thành toàn của công ích là trở thành con cái Thiên Chúa, thành Thiên Chúa giống như Người. Vì thế không thể nhân danh công ích nào đó của quốc gia, phe nhóm để chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ quyền tự do tôn giáo của con người như một vài tổ chức cực đoan hiện nay.

Trong cuộc chạy đua đi tìm công ích, nhiều tập thể xã hội, nhiều quốc gia hay những tập đoàn đa quốc gia đang cố chiếm giữ cho mình thật nhiều của cải vật chất, những tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, đất hiếm), mở rộng lãnh thổ (trên biển, trên các vùng Bắc cực, Nam cực và cả trong không gian với các vũ khí bắn hạ các vệ tinh…). Những tham vọng này, tuy nhân danh công ích của quốc gia hay toàn cầu, nhưng chỉ đem lại những hứa hẹn hão huyền, thúc đẩy và cám dỗ nhiều người đi vào con đường lầm lạc, đánh mất sự phát triển toàn cầu cũng như dẫn nhiều dân tộc đến các xung đột và chiến tranh.

Vì thế, HTXHCG giới thiệu nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải và sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo[36]. Lý do là vì Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng để ban chung cho mọi người và mọi dân tộc chứ không ban riêng cho ai. Vì thế, nguồn lợi của trái đất phải được chia sẻ cách tương xứng cho hết mọi người và được điều tiết bởi bác ái[37]. Do đó, nếu một số người có nhiều hơn mức tài sản cần để sinh sống trong khi những người khác thiếu cả những thứ cơ bản để duy trì sự sống, thì những người có của không phải chỉ tỏ lòng bác ái mà buộc phải giúp đỡ những người nghèo theo lẽ công bằng[38].

 

4.3. Nguyên tắc bổ trợ[39]

Bổ trợ là một trong những nguyên tắc bền vững và đặc thù nhất của HTXHCG và đã có mặt ngay từ trong văn kiện xã hội đầu tiên[40] và được hình thành trong thông điệp Quadragesimo Anno của ĐGH Piô XI. Nhờ có sáng kiến và sự chuyện cần, các cá nhân đã kết hợp thành những tập thể dân sự như gia đình, đoàn thể, hiệp hội thuộc đủ mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, nghề nghiệp, xã hội, văn hoá, thể thao, giải trí để giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội. Tuy nhiên, một số chính quyền đã muốn tập trung quyền hành về trung ương và làm thay tất cả những công việc mà những cá nhân và tổ chức xã hội cấp nhỏ hơn có thể làm được.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ, nhờ có số vốn lớn, nhờ có nhiều tư liệu sản xuất, nhờ quảng cáo rộng rãi và có khi nhờ liên kết với các thế lực và cả chính quyền, nhiều tập đoàn càng ngày càng mạnh, thâu tóm các thị trường khiến cho các công ty và những nhà sản xuất nhỏ không thể cạnh tranh. Các tập đoàn này trở thành độc quyền dẫn đến sự thao túng về giá cả, làm thiệt hại cho người tiêu dùng.

Vì thế HTXHCG nêu lên nguyên tắc bổ trợ sau đây: mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ – tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi sự lạm dụng của chính quyền cấp cao hơn, chủ động tham gia vào mọi lĩnh vực một cách sáng tạo và thích ứng với những đòi hỏi của hoàn cảnh địa phương. Muốn cho có sự tham gia tích cực của tư nhân, cần phải gây ý thức, khuyến khích các sáng kiến, cổ vũ các tổ chức tư nhân phục vụ công ích, bảo vệ nhân quyền và quyền lợi của các nhóm thiểu số, dẹp bỏ tình trạng trung ương tập quyền về hành chính và bàn giấy, tạo thế cân bằng giữa khu vực công cộng và khu vực tư nhân.

 

4.4. Nguyên tắc liên đới[41]

Nhờ các phương tiện truyền thông xã hội và các mạng xã hội toàn cầu, con người ngày nay càng ngày càng ý thức mình liên đới với mọi người, bình đẳng với mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cùng đi chung với nhau trên con đường ý thức về sự phát triển bền vững và hạnh phúc viên mãn. Thí dụ: một trận bóng đá cúp thế giới có hàng tỉ người cùng xem. Một sự kiện như 39 người Việt chết trong thùng container được tìm thấy ở Gray, hạt Essex, Anh quốc, ngày 23/10/2019 làm rúng động thế giới. Sự liên kết này làm nổi bật bản tính xã hội nội tại của con người.

Tuy nhiên, trước hiện tượng lệ thuộc vào nhau và bành trướng các phương tiện truyền thông khắp nơi trên thế giới, người ta vẫn còn thấy sự bất bình đẳng sâu sắc giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, những hình thức bất công, bóc lột, tham nhũng, đàn áp của những tập đoàn đa quốc gia, những tổ chức xã hội đen chuyên buôn người, buôn bán ma tuý, buôn bán nội tạng. Ngoài ra, các tổ chức khủng bố tôn giáo cực đoan, những hành động của vài nước cậy mạnh đàn áp công khai các nước yếu kém, mà các nước khác vì quyền lợi ăn chia, chỉ phản đối bằng những lời nói suông bên ngoài, chứ không thể hiện thật sự tình liên đới bằng những hành động cụ thể, vẫn còn diễn ra hằng ngày.

Vì thế, sự liên đới cần phải trở thành một thực tế trong lĩnh vực đời sống cộng đồng như một nguyên tắc xã hội phải tuân theo, mà hơn thế nữa còn là nhân đức luân lý thật sự chi phối đời sống con người.

Liên đới là nguyên tắc xã hội[42]. Nó không phải là một cảm xúc mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước nỗi bất hạnh mà một số người gần xa phải chịu, nhưng là một quyết tâm chắc chắn và kiên định muốn dấn thân lo cho công ích, nghĩa là lo cho ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người[43].

Liên đới còn là một đức tính luân lý nằm trong phạm vi công bằng vì thúc đẩy con người phải dấn thân lo cho ích lợi của người thân cận tới mức sẵn sàng liều mất bản thân mình như Đức Giêsu Kitô, thay vì khai thác, áp bức người khác vì ích lợi riêng[44]. Đây là điểm tột cùng của tình yêu và tình liên đới để có thể xây dựng được nền văn minh tình yêu. Sự hy sinh của ta được Thiên Chúa là nguồn sống nhìn thấu để ban cho ta sự sống kỳ diệu của Ngài.

Lời kết

Bốn nguyên tắc căn bản hướng dẫn hành động không phải là những quy tắc ứng xử để chúng ta thỉnh thoảng lôi ra ôn lại và áp dụng trong đời sống khi cần giải quyết một vài trường hợp khó khăn điển hình nào đó. Nhưng đây là những nguyên tắc sống áp dụng hằng ngày cho bất cứ hành vi nào của con người. Càng áp dụng nhuần nhuyễn, chúng ta càng biết rõ mình đang hành động theo đúng lương tâm ngay chính, phù hợp với chân thiện mỹ và xây dựng được một xã hội công bằng, tốt đẹp, yêu thương và hạnh phúc.

Câu hỏi

1. Bạn phân biệt những loại hành động, hành vi nào khiến con người phải chịu trách nhiệm luân lý?

2. Trong 4 nguyên tắc hướng dẫn hành động, bạn nghĩ người Việt Nam ít quan tâm đến nguyên tắc nào? Tại sao?

3. Liên đới là một nhân đức xã hội cần phải luyện tập để có được nó, nhưng bạn đã luyện tập như thế nào?

4. Tại sao ta lại phải hy sinh mạng sống cho một người không quen biết như thánh Maximilianô Kolbe?

 


[1] x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, mục từ Hành động, tr.548.

[2] x. Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh-Việt, 2014, tr.40,42.

[3] x. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Từ điển Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2019, tr.375.

[4] x. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Giáo lý Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2010, số 1749-1754.

[5] x. Youcat, số 288.

[6] x. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa – Hà Nội, 2002, tr. 215-218.

[7] x. Báo Thanh Niên, ngày 2/10/2019, tr.1-2.

[8] x. Tóm lược HTXHCG, số 34, 108-109.

[9] x. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Giáo lý Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2010, số 404.

[10] x. Tóm lược HTXHCG, số 115.

[11] x. Tóm lược HTXHCG, số 116.

[12] x. Tóm lược HTXHCG, số 117.

[13] x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, mục từ Hành động, tr.548.

[14] x. Tóm lược HTXHCG, số 171-184.

[15] x. Chủ nghĩa Cộng sản, Internet, Wikipedia.

[16] x. TLHTXHCG, số 160-162.

[17] x. Nguyễn Trường, Tri thức trẻ, kenh.vn, ngày 25/5/2016.

[18] x. Internet, ngày 30/9/2017.

[19] x. Internet, ngày 3/10/2017.

[20] x. Internet, ngày 15/12/2017.

[21] x. Internet, ngày 25/4/2019.

[22] x. TLHTXHCG, số 105-159; Docat, số 47-83.

[23] x. TLHTXHCG, số 160.

[24] x. TLHTXHCG, số 105.

[25] x. 1Cr 8,11; Rm 14,15; GLHTCG, số 1931.

[26] x. TLHTXHCG, số 108-109.

[27] x. TLHTXHCG, số 114.

[28] x. TLHTXHCG, số 110.

[29] x. Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 27; x. GLHTCG, số 2259-2261.

[30] x. TLHTXHCG, số 114.

[31] x. TLHTXHCG, số 164-184; Docat, số 87-94.

[32] x. Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 26.

[33] x. GLHTCG, số 1912; ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, số 55.

[34] x. GLHTCG, số 1907.

[35] x. ĐGH Giaon Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 41.

[36] x. TLHTXHCG, số 171-184.

[37] x. TLHTXHCG, số 171; CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 69.

[38] x. TLHTXHCG, số 184; Docat, số 89.

[39] x. TLHTXHCG, số 185-188; Docat, số 95-99.

[40] x. ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum 1892, số 101-102, 123.

[41] x. TLHTXHCG, số 192-196; Docat, số 100-103.

[42] x. GLHTCG, số 1939-1941.

[43] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, số 36,37.

[44] x. Mt 10,40-42; 20,25; Mc 10,42-45; Lc 22,25-27; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, số 38; Thông điệp Laborem Exercens, số 8; Thông điệp Centesimus Annus, số 57.