23/01/2025

Phỏng vấn Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện ĐTC tại Việt Nam

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, người Ba Lan, đã phong thánh cho các vị tử đạo Việt Nam năm 1988. Vị Giáo hoàng Ba Lan hy vọng dùng điều này như một cơ hội để thiết lập quan hệ với Việt Nam, mặc dù ngài chưa bao giờ đến thăm Việt Nam vì tình hình chính trị thời đó.

 Phỏng vấn Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện ĐTC tại Việt Nam

 

Đức TGM Marek Zalewski vừa trở lại Singapore sau chuyến viếng thăm lần thứ 14 của ngài tại Việt Nam.

 

1. Thưa Đức Tổng, là Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam hơn một năm, Đức Tổng nghĩ gì về Giáo hội Công giáo tại Việt Nam?

Cảm ơn cha vì câu hỏi này. Ở đây chúng ta nên nhớ một vài điểm liên quan đến định nghĩa về Giáo hội Công giáo và Giáo hội địa phương. Điều này có thể giúp người Công giáo Việt Nam hiểu rõ hơn về bản chất của Giáo hội và ơn gọi (sứ mạng) của họ với tư cách là Thành viên của Giáo hội (các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Dân mới của Thiên Chúa).

Giáo hội Công giáo không phải là một giáo hội được tạo thành từ nhiều giáo phận trên khắp thế giới, như thể đây là một loại tổ chức quốc tế, hay liên đoàn chính trị. Giáo hội cũng không phải là một cơ quan quốc tế với giấy phép hay nhượng quyền cho địa phương. Giáo hội là một và là công [giáo] (nghĩa là phổ quát) từ bản chất của nó khi được cấu thành bởi các giáo hội địa phương hoặc đơn vị chúng ta gọi là giáo phận.

Vị tiền nhiệm của tôi, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã từng nói: “Giáo hội toàn thể thể hiện nơi giáo hội địa phương. Nhưng giáo hội địa phương không phải là Giáo hội toàn thể. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta là người Công giáo, nghĩa là chúng ta là thành viên của Giáo hội Công giáo nơi giáo hội địa phương của chúng ta, đó là sự hiệp thông với các giáo hội địa phương trên khắp thế giới. Sự kết hợp này được duy trì và củng cố bởi sự hiệp thông của chúng ta với Giám mục Rôma. Giám mục giáo phận đại diện cho Chúa Kitô tại giáo hội địa phương giống như Giám mục Rôma (Đức Giáo hoàng, Đức Thánh Cha) đại diện cho Chúa Kitô nơi Giáo hội toàn cầu.”

Giám mục địa phương không phải là đặc phái của Giám mục Rôma (của Giáo hoàng, người kế vị Thánh Peter), như nhiều người nghĩ. Ngài phải hiệp nhất với Đức Thánh Cha để giáo hội địa phương là thực sự. Giám mục địa phương dẫn dắt giáo phận nhân danh Chúa Kitô cùng với Phêrô hiện tại (Đức Giáo hoàng Phanxicô) và dưới quyền Phêrô vì Đức Giáo hoàng là Trưởng Giám mục đoàn, mà giám mục địa phương là thành viên.

Có nhiều diễn tả về giáo hội địa phương, bao gồm các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu và các hiệp hội thiêng liêng. Giáo xứ là nơi hầu hết mọi người trải qua được kinh nghiệm thực tế của Giáo hội và giới răn của Chúa Giêsu về việc phải yêu thương nhau như Ngài yêu chúng ta.

Do đó, sứ mạng của Giáo hội là tiếp tục công việc của Chúa Kitô bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa, loan báo Tin mừng mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta càng dấn thân mạnh mẽ và sâu xa vào sứ mạng của Giáo hội với tư cách là người Công giáo, chúng ta sẽ càng trung tín với Chúa Giêsu Kitô và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Đặc biệt trong dịp cử hành Tháng truyền giáo, chúng ta phải nhìn thấy giáo xứ của chúng ta là giáo xứ truyền giáo, với sứ mạng loan báo và sống Tin Mừng trong thế giới. Như những cá nhân và hơn nữa là giáo xứ, chúng ta được mời gọi dấn thân vào sứ mạng của Giáo hội. Như các Kitô hữu đã chịu phép rửa và thêm sức bởi Thánh Thần, chúng ta có nghĩa vụ thiêng liêng trong việc dấn thân vào công việc của Chúa Kitô nơi thế giới của thời đại chúng ta.

2. Đức Tổng đến từ Ba Lan, xin Đức Tổng cho biết Giáo hội Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm nào từ Giáo hội Ba Lan?

Mỗi quốc gia có lịch sử và hoàn cảnh khác nhau, làm cho họ khác biệt với các quốc gia khác. Với tình hình chính trị xã hội của Ba Lan như là một quốc gia ở Trung-Đông Âu, Giáo hội Công giáo tại Ba Lan đã và đang là duy nhất và không thể so sánh với bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong cả ngàn năm, Giáo hội Công giáo tại Ba Lan, tôi có thể nói, là ‘kho lưu trữ’ của nhà nước tại Ba Lan, khiến Giáo hội trở thành Công giáo nhất giữa các nước cộng sản thời bấy giờ (dưới sự thống trị về chính trị và kinh tế của Liên Xô). Để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh độc đáo này, chúng ta phải biết rằng, trong các cuộc xung đột với các nước láng giềng Tin lành và Chính thống Nga trong nhiều thế kỷ trước, bảo vệ đất nước cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ Giáo hội Công giáo.

Điều này cũng không khác trong Thế chiến II, bởi vì bảo vệ đất nước cũng có nghĩa là bảo vệ giáo hội và các giá trị văn hóa và truyền thống mà Giáo hội gìn giữ – đây chính là những điều mà người Ba Lan sợ cộng sản sẽ phá hủy. Trải qua cuộc chiến tương tàn để sinh tồn trong thời kỳ Stalin (những năm 50), với những đàm phán theo cách thế của mình để hầu như cùng chung sống trong hoà bình với Chính phủ, Giáo hội Công giáo tại Ba Lan trong thập niên 80 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.

Vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, ngày quân đội chiếm Ba Lan, người Ba Lan, trong sự choáng váng, tức giận và bối rối trước áp bức, đã trở về với nơi ẩn nấu truyền thống, như một bản năng. Tại Warsaw, hàng ngàn người đổ về các nhà thờ của thủ đô để cầu nguyện và tìm kiếm sự an ủi. Các nhà thờ cũng được sử dụng để gặp gỡ những người khác và nghe tin tức. Thực tế, đó là nơi duy nhất hợp pháp cho các cuộc tụ họp công cộng như thế.

Điều độc đáo và đặc biệt của hoàn cảnh này là người dân cần Giáo hội để được an ủi và nâng đỡ, nhờ sự tự do bên trong Giáo hội; đó là hy vọng duy nhất của họ. Và Chính phủ, vốn không quen thuộc với các công dân Ba Lan, cần Giáo hội như là kênh truyền trực tiếp duy nhất đến người dân. Đối với Giáo hội, một cuộc nội chiến, một cuộc cách mạng, bất ổn xã hội hoặc bất kỳ hình thức bạo lực nào, đều là tệ hại hơn nhiều so với sự hạn chế về tự do dân sự. Mối quan tâm đầu tiên của Giáo hội là kiến tạo một bầu khí an hoà để con người phát triển và giáo dục con cái của họ.

Mặc dù Ba Lan và Việt Nam ít có mối liên hệ do khác biệt về vị trí địa lý, nhưng cả hai quốc gia đều có những điểm tương đồng trong lịch sử của mình. Cả hai đều là một trong số các nước có lịch sử dài nhất và lâu đời nhất ở châu Âu và châu Á. Cả người Công giáo Ba Lan và Việt Nam đã đóng góp tích cực trong các lĩnh vực công bằng xã hội, nhân phẩm, bảo vệ sự sống và gia đình, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, chăm sóc bệnh viện và vô số các công việc bác ái trong đất nước.

Xuyên suốt lịch sử quan hệ, Ba Lan đã đóng cả hai vai trò chính thức và không chính thức trong sự phát triển và xây dựng Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Vào thế kỷ 17, tu sĩ Dòng Tên Ba Lan, Wojciech Męciński, đã đến thăm Việt Nam trong một chuyến đi đến châu Á, và được ghi nhận chính thức như là người Ba Lan đầu tiên đến Việt Nam. Quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập vào năm 1950. Ông Janusz Lewandowski, đại diện phái đoàn Ba Lan trong Hiệp định Genève năm 1954, đã phản đối ý tưởng tách đôi Việt Nam, vốn được đề nghị bởi Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập.

Quan hệ Ba Lan – Việt Nam phát triển từ các chương trình trao đổi sinh viên của những năm 1950 và 1980. Trong thời gian đó cả Ba Lan và Việt Nam là các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa dưới sự chi phối của Liên Xô. Cả hai nước đều là thành viên của Hội đồng Tương trợ Kinh tế và nhiều người Việt Nam đã sống và làm việc tại Ba Lan.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, người Ba Lan, đã phong thánh cho các vị tử đạo Việt Nam năm 1988. Vị Giáo hoàng Ba Lan hy vọng dùng điều này như một cơ hội để thiết lập quan hệ với Việt Nam, mặc dù ngài chưa bao giờ đến thăm Việt Nam vì tình hình chính trị thời đó.

Ngài cũng nhận ra tầm quan trọng của Đức Mẹ La Vang. Sứ điệp của ngài trở nên một cách thế làm cho Chính phủ Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của La Vang trong lịch sử Kitô giáo của Việt Nam. Thánh Gioan Phaolô II, cũng là một nhân vật đáng kính giữa người Việt Nam, cả người Công giáo lẫn người ngoài Công giáo, ngay cả khi ngài qua đời năm 2005. Vị Giáo hoàng Ba Lan cũng được coi như đã đặt khung cho sự bình thường hóa quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam.

Như thế, tóm lại, chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của Ba Lan? Chúng ta có thể học kiên nhẫn, sống những gì chúng ta tin, loan báo những gì chúng ta đã nhận được và đóng góp cho sự phát triển toàn diện người dân và đất nước Việt Nam yêu dấu của anh chị em. Cuối cùng, và quan trọng nhất, chúng ta cần nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói: Anh em đừng buồn phiền. Hãy tin vào Chúa và tin vào Thầy (x. Ga 14,1).

Tôi muốn kết thúc bằng một trích dẫn của Cha Tischner, nhà văn và nhà thơ Công giáo Ba Lan nói về trách nhiệm của Giáo hội: “Phương pháp của Giáo hội Công giáo là không chi phối trực tiếp lên bất kỳ ai, nhưng dạy và giáo dục các công dân. Giáo hội đã giáo dục thế hệ trẻ Ba Lan với ba khái niệm chốt: phẩm giá con người, sự thật và công lý (và tôi thêm: trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu).

Đây là thế hệ đã tạo ra sự Đoàn kết. Đoàn kết là một xu hướng không kêu gọi đấu tranh giai cấp như một phương thức hành động. Bằng cách này, nó khác với các hệ thống chính trị – đây là ảnh hưởng của Giáo hội. Chúng ta (Giáo hội) nhìn thấy tất cả những ai muốn gặp chúng ta – công nhân, gia đình quân nhân, cảnh sát, để làm tăng sự nhận thức. Đây là con đường tối hậu để thay đổi thực sự”.

3. Xin Đức Tổng kể một câu chuyện đánh động hay đáng nhớ mà ngài trải qua khi thi hành sứ mạng ở Việt Nam?

Đây là một câu hỏi rất thú vị và cá nhân. Tôi không chỉ có một câu chuyện đáng nhớ để chia sẻ vì mỗi lần tôi đến Việt Nam đều là một trải nghiệm mới, cảm động và độc đáo!

Đến nay, tôi đã thực hiện 14 chuyến thăm mục vụ đến Việt Nam, và viếng thăm nhiều giáo phận, chủng viện, dòng tu, các cộng đoàn và gia đình Công giáo. Và trong năm nay, tôi đang có kế hoạch cho ba chuyến thăm mục vụ nữa, bao gồm cả lễ nhận toà của Tổng Giám mục mới của TP. Hồ Chí Minh, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng.

Tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô kính yêu đã bổ nhiệm tôi làm Đại diện của Ngài tại Việt Nam hơn một năm trước. Như đã đề cập ở trên, đến từ Ba Lan với nhiều mảng lịch sử tương tự Việt Nam, tôi thấy mình đang nhìn đến một đỉnh tháp của lịch sử Việt Nam và tôi khiêm tốn tham dự vào một sự kiện  như thế.

Khi tôi ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy như ở nhà mình khi được mọi người chào đón: các Giám mục, Linh mục, Người trẻ và trẻ em, đôi khi với những biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc và điệu múa truyền thống! Sự hiếu khách, phong phú và nhiệt tình của tín hữu tại Việt Nam rất truyền cảm.

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch và Thư ký của Hội đồng Giám mục Việt Nam, những người luôn hỗ trợ tôi trong các chuyến đi và dịch các bài phát biểu và bài giảng của tôi sang tiếng Việt.

4. Đức Tổng có nhắn gởi gì cho giới trẻ Việt Nam?

Trước hết, tôi muốn nói rằng các bạn trẻ nam nữ, tràn đầy tình yêu với Chúa Kitô, được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng ngang qua cách sống của mình. Thánh Alberto Hurtado đã từng nói rằng, “trở thành một tông đồ không có nghĩa là đeo ghim cài áo; không phải là nói về sự thật mà là sống nó, là hiện thân của nó, được biến đổi trong Chúa Kitô. Trở thành tông đồ không có nghĩa là cầm một ngọn đuốc trong tay, nhưng là chính ánh sáng đó”.

Việc làm chứng là quan trọng nhưng không có nghĩa là chúng ta im lặng không nói Lời Chúa. Tại sao chúng ta không nói về Chúa Giêsu, tại sao chúng ta không nói với người khác rằng Ngài ban cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống, rằng Ngài yêu chúng ta và chúng ta có thể yêu nhau vì Ngài?

Các bạn trẻ thân mến, đừng để thế giới lôi kéo bạn vào những điều sai trái và hời hợt. Hãy học cách bơi ngược với thủy triều, học cách chia sẻ Chúa Giêsu và đức tin mà Ngài đã ban cho bạn.

Đừng ngại ra đi và mang Chúa Kitô vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, đến cả rìa của xã hội, ngay cả với những người có vẻ xa cách và thờ ơ nhất. Ngài mời các bạn trở thành những nhà truyền giáo can trường dù các bạn ở đâu và tại bất kỳ nơi làm việc nào, giống như các vị tử đạo Việt Nam đã làm. Dù ở đâu, chúng ta luôn có cơ hội chia sẻ niềm vui của Tin Mừng. Bạn là môn đệ của Ngài và bạn đại diện cho Ngài. Đây là cách Chúa đi ra gặp gỡ mọi người.
Đức TGM Marek Zalewski nói với giới trẻ Công giáo Việt Nam

Sứ mạng này không dễ dàng và một số người trẻ đã hy sinh mạng sống của họ vì công cuộc truyền giáo.

Các bạn trẻ thân mến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: niềm hy vọng hân hoan của cha là thấy các con tiếp tục cuộc đua phía trước, vượt xa những ai chậm chạp hoặc sợ hãi. Hãy tiếp tục chạy, ‘được lôi cuốn bởi khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng chúng ta rất yêu mến, Đấng chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể và nhận ra nơi xác thịt những anh chị em đau khổ của chúng ta. Xin Thánh Thần thúc đẩy các con trong cuộc đua này. Giáo hội cần động lực, trực giác, đức tin của các con. Chúng ta cần chúng! Và khi các con đến nơi mà chúng tôi chưa đến, thì hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi” (Tông huấn Christus vivit, hậu Thượng HĐGM về Người trẻ).

Xin cảm ơn!
***

Chúng ta sắp bước sang Mùa Vọng, tôi muốn gửi đến tất cả các tín hữu tại Việt Nam những lời chúc sâu sắc nhất, lời cầu nguyện và phúc lành trong suốt thời gian này. Ước gì nó trở thành thời gian ý nghĩa và ơn ích trong việc chuẩn bị cho Giáng Sinh trọng đại của Chúa chúng ta.

+ Marek Zalewski
PR
Văn Yên, SJ, thực hiện