23/01/2025

ĐTC: Nơi nào có sự ích kỷ, nơi đó không có sự sống

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa Nhật 10/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự phục sinh và sự sống vĩnh cửu. Theo đó, cuộc sống trần gian không phải là cuộc sống duy nhất, và chúng ta cần phải chờ đợi cuộc sống ở phía bên kia. Thiên Chúa yêu sự sống và sự sống là nơi có những tương quan đích thực và những ràng buộc của sự tín trung.

 ĐTC: Nơi nào có sự ích kỷ, nơi đó không có sự sống

 

 
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa Nhật 10/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự phục sinh và sự sống vĩnh cửu. Theo đó, cuộc sống trần gian không phải là cuộc sống duy nhất, và chúng ta cần phải chờ đợi cuộc sống ở phía bên kia. Thiên Chúa yêu sự sống và sự sống là nơi có những tương quan đích thực và những ràng buộc của sự tín trung.

Trang Tin Mừng hôm nay (Lc 20,27-38) cho chúng ta một giáo huấn tuyệt vời của Chúa Giêsu về sự phục sinh. Những người thuộc phái Sađốc, những người không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu và đặt cho Người một câu hỏi với nhiều ngụ ý: “Nếu dựa trên luật Môsê, trong ngày phục sinh, người phụ nữ có 7 người chồng, mà tất cả họ đều là anh em với nhau, sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu không rơi vào cái bẫy ấy nhưng hướng câu trả lời của mình đến một cấp độ khác: “Trong ngày phục sinh, người ta sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại.” (cc. 35-36).


Cuộc sống của chúng ta rồi sẽ ra sao?

Bằng câu trả lời này, trước hết, Chúa Giêsu mời những người đối thoại với mình – và cả chúng ta nữa – nghĩ về cuộc sống trần thế, mà chúng ta đang sống lúc này, không phải là duy nhất, nhưng còn một cuộc sống khác, nơi không còn sự chết, nơi biểu lộ cách đầy đủ rằng chúng ta con cái Thiên Chúa. Lắng nghe những lời mộc mạc, rõ ràng và chân thành này của thầy Giêsu về sự sống ấy đem lại cho chúng ta nguồn an ủi và hy vọng lớn lao. Chúng ta cần điều này rất nhiều, đặc biệt là trong thời đại của chúng ta, thời đại mà người ta biết nhiều kiến thức về vũ trụ, mà lại biết rất ít về hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đoan chắc về sự phục sinh là bởi Người dựa vào lòng trung tín của Thiên Chúa, Thiên Chúa của sự sống. Đằng sau câu hỏi của những người Sađốc còn có một vấn đề sâu xa hơn: không chỉ vấn đề “cô ấy sẽ là vợ của ai” trong số 7 người chồng của cô, mà còn là việc “cuộc đời của cô sẽ thuộc về ai”? Đó là điều mà mọi người thuộc mọi thời đại, và cả chúng ta nữa, đều đặt ra: sau cuộc hành trình dương thế này, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Thuộc về hư vô hay là sự chết?

Nơi nào có những tương quan đích thực, nơi đó có sự sống

Chúa Giêsu trả lời rằng sự sống thuộc về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và bận tâm về chúng ta rất nhiều, đến mức liên kết tên của Người với chúng ta: “Người là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa” (câu 37-38). Sự sống tồn tại nơi có sự liên đới, hiệp thông và huynh đệ. Sự sống mạnh hơn cái chết khi nó được xây dựng trên những tương quan thực sự và những ràng buộc thủy chung. Ngược lại, sẽ không có sự sống ở những nơi người ta chỉ biết sống cho riêng mình và sống như một hòn đảo. Với thái độ ấy, cái chết đang thắng thế. Đó chính là sự ích kỷ. Nếu tôi chỉ biết sống cho riêng mình, tôi đang gieo mầm sự chết nơi chính con tim tôi.

Trước khi kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh Cha xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta mỗi ngày sống trong viễn cảnh những gì chúng ta tuyên xưng trong phần cuối của Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.”

 
 

Trần Đỉnh, SJ