Chúa Nhật XXXII TN C 2019: Chúa là lẽ sống đời con
Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là ta chọn được cho mình một lẽ sống. Lẽ sống chính là giá trị, chuẩn mực mà ai cũng muốn đạt đến. Nếu xác định được lẽ sống, có nghĩa là ta đã chọn cho mình lý do để sống.
Chúa Nhật XXXII TN C 2019
Chúa là lẽ sống đời con
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta tìm hiểu về lẽ sống, về ý nghĩa của từng hành động ta làm trong cuộc đời để ta sống trong niềm vui, bình an, hạnh phúc, dù rằng vẫn đang phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách và thậm chí với cái chết của mình.
1. Đi tìm lẽ sống
Mỗi người chúng ta đều khao khát và mong muốn có một cuộc sống dồi dào hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là ta chọn được cho mình một lẽ sống. Lẽ sống chính là giá trị, chuẩn mực mà ai cũng muốn đạt đến. Nếu xác định được lẽ sống, có nghĩa là ta đã chọn cho mình lý do để sống.
Nhưng nền giáo dục và hiện trạng xã hội làm chúng ta như quên đi lẽ sống của con người, khiến nhiều người không tìm ra ý nghĩa của đời mình. Con em chúng ta được học rất nhiều kiến thức, rất nhiều kỹ thuật. Đưa một cái iphone hay ipad là các em làm được nhiều chuyện và làm rất nhanh: biết chỗ nào mua bán hàng hiệu, chỗ nào chơi đùa vui vẻ, tìm được nhà hàng, quán ăn, đặt xe, … nhưng các em lại không được dạy tìm ra lẽ sống.
Nhiều người dạy con cái sống theo nhu cầu của thời đại. Sống trước hết là phải lo học hành, học thật nhiều, học ngày học đêm. Nhưng học để làm gì? Học để có bằng cấp, nhờ đó mới có việc làm với lương cao, mới có địa vị trong xã hội. Học để sau này kiếm được thật nhiều tiền, vì “có tiền là có tất cả”, có tiền là có vợ đẹp, chồng giỏi, con khôn, có nhà cao cửa rộng, xe cộ, của cải… và được nhiều người tôn trọng. Có tiền là có điều kiện để sống an nhàn, sung sướng vì hưởng thụ những thú vui…
Chúng ta thấy chuyện vừa xảy ra ở Essex bên Anh: 39 người Việt tìm đủ mọi cách đi sang các nước Âu châu: từ Nga sang Ba Lan, sang Bỉ, rồi chui vào container để nhập cư lậu vào Anh quốc. Vì thiếu khí và nhiệt độ lạnh cao trong container nên họ đều chết vào ngày 23 tháng 10 năm 2019 vừa qua. Cả thế giới, chứ không phải chỉ Việt Nam, rúng động. Người ta hỏi tại sao người Việt lại chết một cách khốn khổ, thảm thương như thế?
Những người này bỏ ra cả trăm triệu đồng cho những tổ chức buôn người giúp nhập cư vào nước Anh để làm những “người rơm”, bỏ hết lý lịch thật của mình, rồi làm việc như nấu ăn, bưng bát, chạy bàn trong các nhà hàng, hay trồng cây cần sa ở những khu vực hẻo lánh. Họ kiếm mỗi tháng được vài ngàn bảng gửi về để xây nhà cửa, mua xe hơi cho cha mẹ, vợ con nở mày nở mặt với làng nước.
Nhưng đâu phải chỉ có 39 người đó. Hàng trăm ngàn người Việt đang đi tìm những con đường làm giàu như thế. Họ tìm mọi cách để sang Canada, sang Hoa Kỳ, và các nước khác bằng cách làm hôn thú giả, kết hôn với những người nước ngoài để đổi lấy một cuộc sống sung túc hơn.
Nhưng cuối cùng, nhiều người và chính con cái họ cảm thấy cuộc đời là phi lý, là vô nghĩa vì học để có bằng cấp, có danh vọng nhưng chết cũng chẳng mang theo được gì. Có nhiều tiền của, nhà cửa, xe cộ, nhưng chết cũng chỉ còn bàn tay trắng. Vậy học làm gì, kiếm tiền để làm gì? Vì không tìm được lẽ sống nên nhiều người đã sống tủi, sống hèn, sống nhục, sống ngu, “sống tưởng công danh-không tưởng nước, sống lo phú quý-chẳng lo đời” như nhà các mạng Phan Bội Châu đã nhắc nhở trong bài thơ “Sống”của ông.
2. Chúa là lẽ sống
Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta khám phá ra Chúa chính là lẽ sống của đời ta. Chúng ta đang sống, đang suy nghĩ, đang yêu thương. Từng giây phút Ngài cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc, bình an. Phân tích con người mình bằng những máy móc hiện đại nhất, ta chỉ thấy các vật chất vô cơ, hữu cơ chứ không thấy tình yêu, tư tưởng, niềm vui, hạnh phúc ở đâu cả. Như thế chứng tỏ rằng Chúa đang ở trong ta, Ngài là lẽ sống của đời ta. Kết hợp với Chúa là ta tìm được ý nghĩa cho đời sống của mình. Ta sẽ thấy rằng Chúa là nguồn tư tưởng để ta học hành, nguồn hạnh phúc để ta cảm nghiệm, nguồn của sự sống để ta phát huy. “Bởi vì Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống và tất cả đều đang sống” (Lc 20,38), Chúa Giêsu nói cho chúng ta hôm nay như thế.
Khi hiểu được rằng Chúa là lẽ sống của mình thì ta sẽ sống cho Chúa: từng hành động ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, vui chơi, thậm chí cái chết, cũng đều có một ý nghĩa hết sức lớn lao. Nhờ đó, mỗi hành động sẽ được thể hiện theo 4 nguyên tắc căn bản mà Giáo hội Công giáo giới thiệu trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo xuất bản năm 2004 từ số 160-196.
Trước hết nguyên tắc nhân vị: Mọi hành động của ta làm cho chính mình hay làm cho anh chị em ta đều được thực hiện trong tư cách là một con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và người khác là anh chị em của ta trong đại gia đình Thiên Chúa. Hiểu được vị trí đặc biệt của mình như thế nên ta không thể có những ý nghĩ xấu xa, những ước muốn dâm đãng vì Chúa đang ở trong ta và ta đang hành động trong Chúa. Ta cũng không thể giết hại, lừa dối, bất công, xúc phạm đến anh chị em khi buôn bán những hàng lậu, hàng giả, hàng độc hại hay đối xử với nhau trong đời sống thường ngày.
Nguyên tắc thứ hai là hành động vì công ích: ta làm vì ích lợi chung chứ không phải vì tư lợi. Thí dụ ta học hành không phải cho riêng mình, hay làm việc để kiếm được nhiều tiền, nhiều danh lợi trong xã hội. Công ích là toàn thể những điều kiện để giúp cho con người sống và phát triển trọn vẹn. Người ta không thể nhân danh công ích của quốc gia để chiếm đất, chiếm biển của nước khác như Trung Quốc. Người ta cũng không thể nhân danh công ích của một đảng phái để hành động bất công với những người không thuộc đảng phái hay phe nhóm của mình.
Thứ ba là nguyên tắc bổ trợ: nghĩa là hành động của một cá nhân hay tập thể xã hội chỉ trợ giúp, phụ thêm vào cho đủ, cho tốt hơn chứ không được làm thay cho người khác. Ta chỉ có thể hỗ trợ để người khác có thể tự làm, tự sống đúng với con người và là con Chúa. Có cha mẹ nói với tôi: mình phải làm hôn thú giả để sang nước ngoài lo cho gia đình, mình hy sinh vì tương lai con cái. Lý do đó không đúng đắn vì đã có sự dối trá trong hành động và hành động đó chứng tỏ người ta đang sống thay, làm thay cho người khác khiến họ ỷ lại và không được sống đúng với nhân vị của mình.
Thứ tư là nguyên tắc liên đới. Chúng ta không phải sống một mình nhưng liên đới với mọi người trong gia đình nhân loại và với cả vạn vật trong vũ trụ. Một hành động dù rất nhỏ bé của ta, như một nụ cười, một lời nói tích cực cũng có thể tạo nên niềm vui, tình yêu, hạnh phúc cho người khác và những giá trị này có thể lan toả giữa những con người và cho cả thế giới. Một hành động xả rác, vứt chuột chết ra đường cũng làm ô nhiễm bầu không khí quanh ta. Vì thế ta hãy cẩn trọng trong từng hành động của mình.
Khi hành động theo 4 nguyên tắc căn bản trên đây, ta sẽ thấy rằng từng giây phút mình sống gắn bó với Chúa đều có thể mang lại bình an, hạnh phúc, niềm vui và ơn cứu độ cho mình cũng như cho muôn người, muôn vật. Dù còn có những khó khăn, thử thách, xung đột, đau khổ, thiệt thòi trong cuộc đời trần thế như bà mẹ với 7 người con bị hành hình trong Bài Đọc I (x. 2 Mac 7,1-2. 9- 14), chúng ta “vẫn được Chúa an ủi và cho tâm hồn chúng ta được vững mạnh để làm và nói tất cả những gì tốt lành” (2 Thes 2,17).
Lời kết
Khi hiểu được Chúa là lẽ sống của đời mình và Đức Giêsu là lẽ sống cụ thể, ta mới thật sự cảm nghiệm được Đức Giêsu đang ở cùng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20) để cùng sống với ta. Người là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Người thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Nếu chúng ta đang sống và tin vào Người sẽ không chết bao giờ (x. Ga 11,25-26). Người mời gọi ta hôm nay như đã hỏi Marta: “Con có tin thế không?” (x. Ga 11,26).