Báo động trẻ hoá bệnh đái tháo đường: Có trẻ 13 tuổi đã phải điều trị
PGS.TS Nguyễn Quang Bảy- Trưởng Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tình trạng bệnh nhân trẻ bị mắc đái tháo đường ngày một gia tăng, thậm chí có trẻ mới 13 tuổi đã phải nhập viện điều trị
Báo động trẻ hoá bệnh đái tháo đường: Có trẻ 13 tuổi đã phải điều trị
PGS.TS Nguyễn Quang Bảy- Trưởng Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tình trạng bệnh nhân trẻ bị mắc đái tháo đường ngày một gia tăng, thậm chí có trẻ mới 13 tuổi đã phải nhập viện điều trị.
Gia tăng người trẻ mắc đái tháo đường
Tại buổi sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường với chủ đề “Chào mừng ngày thế giới phòng chống bệnh Đái tháo đường 14/11” do Khoa Nội tiết- đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết- Đái tháo đường cho biết, đái tháo đường tuýp 2 liên quan đến lối sống có thể dự phòng được nhưng đang tăng lên ở người trẻ.
“Nếu các năm trước, đái tháo đường tuýp 2 được coi là nguy cơ từ sau tuổi 35 và ít gặp ở lứa tuổi trước 40 thì hiện nay đã gặp ở những người trẻ trước 35 tuổi, và cả ở trẻ em (bệnh nhân dưới 18 tuổi)”- TS Nguyễn Quang Bảy nói.
Tại Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết-đái tháo đường và chuyên khoa Nhi cùng tham gia điều trị cho các bệnh nhi mắc đái tháo đường.
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm đường huyết
Mới đây Khoa Nhi của Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi đến khám và điều trị áp xe gan. Trước khi đến Bệnh vienj Bạch Mai, bệnh nhi đã điều trị áp xe gan tại cơ sở y tế khác nhưng không thuyên giảm, khi xét nghiệm đường huyết mới thấy chỉ số đường huyết quá cao nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhi này được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2. Qua khai thác tiền sử gia đình cho thấy bà, mẹ và nhiều người thân khác trong gia đình bệnh nhi cũng bị đái tháo đường.
“Cháu bé không được phát hiện đái đường cho đến khi nhập viện điều trị áp xe gan thì mới được chẩn đoán bệnh. Vì khi bị đái tháo đường sức đề kháng của cơ thể giảm sút, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, mà bệnh nhi này là một trường hợp”- TS Bảy cho hay.
Những dấu hiệu cần theo dõi đái tháo đường ở trẻ
Các chuyên gia cho hay, tình trạng béo phì, kết hợp với một số yếu tố di truyền hoặc ngoại cảnh như stress, thức ăn có nhiều chất oxi hoá, chất bảo quản, chất độc sẽ dẫn tới đái tháo đường type 2 với biểu hiện điển hình là tăng đường huyết kèm theo nhiều biến chứng khác về tim mạch, gan và thận.
Ngoài ra, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hàng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính…
TS Nguyễn Quang Bảy cũng lưu ý, đối với những trẻ em trong độ tuổi 14,15 tuổi đang thừa cân béo phì, có đặc điểm cần lưu ý như trẻ béo mà có kèm theo tình trạng gai đen vùng da gáy hoặc có thể ở nách thì cần theo dõi đái tháo đường.
“Những đám da đen sần sần là dấu hiệu cảnh báo trẻ đề kháng insulin, gặp cũng nhiều hơn. Dấu hiệu gai đen vùng da gáy cũng có liên quan đến kháng insulin và đái tháo đường, đó là biểu hiện của đề kháng insulin”- TS Bảy cho biết
Đề kháng insulin là khi insulin bị giảm tác dụng trong điều chỉnh đường huyết. Vì giảm tác dụng nên cơ thể phải bù trừ tăng tiết insulin để bù đắp cho hoạt động, lấy số lượng thay cho chất lượng. Và do nồng độ insulin quá cao thì có ảnh hưởng đến sắc tố da.
Khó khăn trong điều trị đái tháo đường cho trẻ
Từ thực tế điều trị đái tháo đường cho trẻ em, TS Bảy cho hay, điều trị đái tháo đường cho nhóm trẻ này khó khăn vì các thuốc điều trị là các thuốc dùng cho người lớn, vì đa phần nghiên cứu ở người từ 18 tuổi, dưới 18 tuổi rất ít bằng chứng do đó rất ít nghiên cứu, nên rất thận trọng trong dùng thuốc cho trẻ.
Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho trẻ đái tháo đường type 2 không hề đơn giản. Thông thường, người mắc đái tháo đường type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Nhưng với trẻ, nhất là những trẻ đang độ tuổi phát triển, không thể bắt trẻ kiêng khem quá mức. Hơn thế nữa, với trẻ, việc tạo lập một ý thức về bệnh không dễ.
TS Nguyễn Quang Bảy- Trưởng Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các gia đình cần có thói quen ăn uống và sinh hoạt hợp lý, duy trì vận động thẻ lực tích cực để đích cuối là kiểm soát được cân nặng, không thừa cân béo phì
“Các cháu đang tuổi ăn tuổi lớn và mất nhiều thời gian cho học tập, nên Tuân thủ chế độ điều trị,ăn uống sinh hoạt thường không tốt”- TS Bảy nêu thực trạng
Mới đây, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường điều trị cho một bệnh nhân nam gần 16 tuổi, học lớp 10. Cháu cao 1m83 nặng 88 kg nhưng phải nằm viện điều trị do đường máu quá cao.
Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, cháu được phát hiện và đã điều trị đái tháo đường trước đó, tuy nhiên sau ra viện, cháu đi học lại, dù đã ăn cơm theo chế độ của gia đình nấu và mang theo đi học ăn trưa tại trường; cháu chơi bóng rổ hàng ngày 1-2 tiếng nhưng cân nặng vẫn cứ tăng lên. Bởi vì, sau tập thể thao cháu sẽ đói lại tự ăn.
“Vì thực tế đó mà một số báo cáo khoa học tại các hội nghị quốc tế cũng nhận định, so với lứa tuổi mắc đái tháo đường muộn hơn thì đái tháo đường trẻ tuổi có vẻ như tiến triển nặng hơn, nghĩa là thời gian dẫn đến có biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có các biến chứng nhiều hơn so với người lớn và khó khăn hơn trong điều trị”- TS Bảy nói.
Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết. Do não trẻ em cần được cung cấp đường hằng định, nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Kết quả làm giảm trí thông minh và giảm thị lực nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên.
90% đái tháo đường tuýp 2 có thể ngăn ngừa được bằng thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống, tập luyện thể lực
Chủ đề gày Thế giới phòng chốn đái tháo đường năm nay: Đái tháo đường và gia đình, nhấn mạnh đến vai trò cua gai đình trong ngăn chặn đái tháo đướng. Ước tính 50% bệnh nhân đái tháo đường có thể phòng ngừa được, nếu riềng trong nhóm bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thì 90% có thể phòng ngừa được bằng thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống, tập luyện thể lực.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các gia đình cần có thói quen ăn uống và sinh hoạt hợp lý, duy trì vận động thẻ lực tích cực để đích cuối là kiểm soát được cân nặng, không thừa cân béo phì.