28/11/2024

ĐTC Phanxicô: Quy ước Montreal là gương mẫu cho việc cứu lấy thiên nhiên

Trong sứ điệp gửi đến Hội nghị lần thứ XXXI của các bên tham gia Quy ước Montreal, Đức Thánh cha mô tả việc thực hiện tài liệu này như một khả năng để có được kết quả quan trọng, đồng thời giúp bảo vệ công trình sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của con người và chăm sóc lợi ích chung.

 ĐTC Phanxicô: Quy ước Montreal là gương mẫu cho việc cứu lấy thiên nhiên

 

 

Đức Hồng y Parolin đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha

Trong sứ điệp gửi đến Hội nghị lần thứ XXXI của các bên tham gia Quy ước Montreal, Đức Thánh cha mô tả việc thực hiện tài liệu này như một khả năng để có được kết quả quan trọng, đồng thời giúp bảo vệ công trình sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của con người và chăm sóc lợi ích chung.

Hôm qua 07/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp đến Hội nghị lần thứ XXXI của các bên tham gia Quy ước Montreal, được tổ chức tại trụ sở của FAO ở Roma từ 04-08/11 hôm nay. Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh đọc tại Hội nghị.

Đức Thánh Cha gọi Quy ước Montreal, cùng với các Tu chính của nó và Công ước Vienna về bảo vệ tầng khí quyển, là một cách thức cộng tác quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng cả trong việc thăng tiến sự phát triển con người toàn diện.

Nhìn lại 35 năm từ ngày Hiệp ước được ký kết, 16/09/1989, Đức Thánh Cha đưa ra 3 bài học.

Nhấn mạnh và đánh giá cao cách thức quy ước được hình thành

Thứ nhất là cần phải nhấn mạnh và đánh giá cao cách thức quy ước được phát sinh từ sự hợp tác rộng rãi và hiệu quả giữa các lĩnh vực khác nhau: cộng đồng khoa học, thế giới chính trị, các chủ thể kinh tế và công nghiệp và xã hội dân sự. Đức Thánh Cha nói: “Quy ước quốc tế về khí quyển cho thấy rằng ‘chúng ta có tự do cần thiết để giới hạn và điều khiển kỹ thuật; chúng ta có thể dùng nó cho việc phục vụ một hình thức tiến bộ khác lành mạnh hơn, nhân văn hơn, xã hội hơn và toàn diện hơn’.” (Laudato Si’, 112).

Thách đố “văn hoá” không được đáp ứng chỉ bằng công nghệ

Đức Thánh Cha nhận định rằng chúng ta đang đối mặt với một thách đố “văn hoá”: ủng hộ hoặc là chống lại ích chung. Và bài học thứ hai là “thách đố văn hoá này không thể được đáp ứng chỉ dựa trên một nền công nghệ “được trình bày như là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề, thực tế lại không thể nhìn thấy mạng lưới huyền diệu của các tương quan giữa các sự vật và vì vậy đôi khi giải quyết một vấn đề lại làm nảy sinh vấn đề khác” (Laudato Si’, 20).

Toà Thánh tuân thủ Tu chính Kigali

Đó là lý do mà Tu chính Kigali được đưa ra vào năm 2016, nhắm cấm các chất tự nó không làm tổn hại đến tầng khí quyển nhưng lại ảnh hưởng đến việc làm khí hậu nóng lên. Đức Thánh Cha thông báo sự tuân thủ của Toà Thánh với Tu chính Kigali và qua cử chỉ này, Toà Thánh mong muốn tiếp tục hỗ trợ về mặt đạo đức cho tất cả những quốc gia cam kết chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

“Mọi sự vật đều được kết nối với nhau”

Bài học thứ ba Đức Thánh Cha đưa ra là tầm quan trọng của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta được bảo đảm trong việc nhận ra rằng “mọi sự vật đều được kết nối với nhau”. Đức Thánh Cha nói rằng những thách đố “đang gây áp lực nhưng cũng thúc đẩy kiến tạo nền văn hoá hướng đến thiện ích chung. Điều này mời gọi có tầm nhìn xa về cách thăng tiến sự phát triển toàn diện của mọi thành phần trong gia đình nhân loại, dù là gần hay xa trong không gian hay thời gian. Tầm nhìn này phải được hình thành trong các trung tâm giáo dục và văn hoá nơi gây nhận thức, nơi các cá nhân được đào tạo về trách nhiệm chính trị, khoa học và kinh tế, và nói chung, nơi các quyết định có trách nhiệm được đưa ra”.

Sự tiến bộ hướng đến lợi ích chung?


Đức Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp của mình bằng cách thúc giục chúng ta đặt câu hỏi xem các mục tiêu của sự tiến bộ có thực sự hướng đến lợi ích chung hay không, hay ngược lại, gây ra tác hại cho thế giới của chúng ta và chất lượng cuộc sống của phần lớn nhân loại. Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy dưới ánh sáng của ba bài học mà ngài đã đưa ra.

Quy ước Montreal về các chất làm suy giảm tầng khí quyển là một quy ước quốc tế được đưa ra để bảo vệ tầng khí quyển bằng cách loại bỏ việc sản xuất nhiều chất gây ra sự suy giảm ôzôn. Quy ước được thông qua vào ngày 26/08/1987 và có hiệu lực vào ngày 16/09/1989, sau khoá họp đầu tiên ở Helsinki vào tháng 05/1989. (REI 07/11/2019)
 
 

Hồng Thuỷ