25/11/2024

Tổng thư ký LHQ cảnh báo châu Á về kịch bản ngập lụt năm 2050

Dẫn báo cáo của Tổ chức Climate Central về nguy cơ hàng trăm triệu dân châu Á nằm trong vùng ngập lụt vào năm 2050, Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi cần hành động chống biến đổi khí hậu ngay bây giờ.

 

Tổng thư ký LHQ cảnh báo châu Á về kịch bản ngập lụt năm 2050

Dẫn báo cáo của Tổ chức Climate Central về nguy cơ hàng trăm triệu dân châu Á nằm trong vùng ngập lụt vào năm 2050, Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi cần hành động chống biến đổi khí hậu ngay bây giờ.


 

Tổng thư ký LHQ cảnh báo châu Á về kịch bản ngập lụt năm 2050 - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres – Ảnh: REUTERS

 

Theo Đài BBC, phát biểu trước các phóng viên quốc tế tại Bangkok (Thái Lan) ngày 2-11, Tổng thư ký LHQ António Guterres mô tả biến đổi khí hậu là “vấn đề sống còn của thời đại chúng ta”.

Dẫn báo cáo của Tổ chức Climate Central (Mỹ) công bố ngày 29-10, ông Guterres nhắc lại rằng hàng trăm triệu người nằm trong vùng có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm vào năm 2050, sớm hơn nhiều so với các dự báo trước.

“Người ta có thể tranh luận về độ chính xác của dữ liệu, nhưng điều rõ ràng là xu hướng (dẫn đến thảm họa) đang diễn ra” – Tổng thư ký Guterres nhận xét.

Ông Guterres lưu ý phần lớn dân số bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng nằm ở các nước đang phát triển châu Á, do đó khu vực này cần phải hành động ngay, cụ thể là ngừng xây dựng các nhà máy điện than – nguồn gây ô nhiễm chính – để đối phó biến đổi khí hậu.

“Chúng ta phải áp thuế lên khí thải cacbon. Chúng ta cần ngưng trợ giá nhiên liệu hóa thạch. Và chúng ta cần ngưng việc xây dựng các nhà máy điện than trong tương lai” – Tổng thư ký lên tiếng cảnh báo.

Tổng thư ký LHQ cảnh báo châu Á về kịch bản ngập lụt năm 2050 - Ảnh 2.

Hai kịch bản ngập do nước biển dâng đối với đồng bằng Sông Cửu Long, bên trái là cũ, bên phải là theo Climate Central – Ảnh: Climate Central

 

Những ngày qua, báo cáo của Tổ chức Climate Central gây nhiều chú ý bởi các nhà khoa học Mỹ kết luận tốc độ chìm của các vùng châu thổ trên thế giới, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhanh hơn vài chục năm so với các dự báo trước đây, bao gồm báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Kết luận của IPCC, được chia sẻ bởi Ủy hội Sông Mekong (MRC), ghi nhận nếu nước biển dâng theo tốc độ tính toán – đạt khoảng 1m vào năm 2100 – gần 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập vĩnh viễn.

 

Còn theo kịch bản nước biển dâng 2m, tỉ lệ ngập ở ĐBSCL sẽ là 87,34%.

Tuy nhiên, trong một công trình đăng trên tạp chí khoa học uy tín Nature Communications ngày 28-8, nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud, phát hiện ĐBSCL thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m).

Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này trong 57 năm tới. Điều này đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người).

Còn theo tính toán của Climate Central, thậm chí với tốc độ cắt giảm khí thải trung bình của thế giới, khoảng 237 triệu người ở 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan sẽ sống trong vùng ngập của triều cường vào năm 2050.

Cụ thể: Trung Quốc 93 triệu người; Bangladesh 42 triệu; Ấn Độ 36 triệu; Việt Nam 31 triệu; Indonesia 23 triệu; Thái Lan 12 triệu.

Cần lưu ý dự báo của Climate Central chưa tính đến yếu tố dân số gia tăng vào thời điểm năm 2050 và chưa bao gồm sự sụt lở, mất đất ở các khu vực duyên hải, ven sông.

 

 

PHÚC LONG