28/12/2024

Tự sắc thay đổi tên gọi Văn khố Bí mật Vatican

Tự sắc viết: “Văn khố Bí mật Vatican, mà các Giáo hoàng Roma luôn dành riêng và quan tâm vì là di sản tư liệu lớn và quan trọng mà nó bảo tồn, hết sức quý giá đối với cả Giáo hội Công giáo lẫn văn hoá phổ quát, tồn tại trong lịch sử hơn 400 năm”, không thể tránh được những điều kiện về thời gian, cập nhật và tiến bộ.

 Tự sắc thay đổi tên gọi Văn khố Bí mật Vatican

 

 

 

Hôm 28/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc “Kinh nghiệm Lịch sử” nhằm thay đổi tên gọi “Văn khố Bí mật Vatican” thành “Văn khố Tông toà Vatican”.

Tự sắc viết: “Văn khố Bí mật Vatican, mà các Giáo hoàng Roma luôn dành riêng và quan tâm vì là di sản tư liệu lớn và quan trọng mà nó bảo tồn, hết sức quý giá đối với cả Giáo hội Công giáo lẫn văn hoá phổ quát, tồn tại trong lịch sử hơn 400 năm”, không thể tránh được những điều kiện về thời gian, cập nhật và tiến bộ.

Do được lập từ sự kết hợp tư liệu của Phòng Tông toà và Thư viện Tông toà (hay gọi là Thư viện Mật) từ giữa thập kỷ thứ nhất và thứ hai của thế kỷ XVII, Văn khố Giáo hoàng bắt đầu được gọi là Bí mật (Văn khố Bí mật Vatican) vào khoảng giữa thế kỷ đó. Và sau đó phát triển theo thời gian cùng với việc thu thập những tài liệu đến từ Giáo hoàng, hồng y và từ khắp Châu Âu và thế giới. Nó phong phú đến nỗi nhà triết học và toán học nổi tiếng người Đức Gottfried Wilhelm von Leibniz, năm 1702 đã viết rằng đây có thể được xem là Văn khố trung tâm của Châu Âu theo một cách nào đó.

Việc phục vụ lâu dài này của Văn khố Bí mật Vatican cho Giáo hội, cho văn hóa và cho các học giả trên toàn thế giới luôn được công nhận và ngày càng phát triển từ ĐGH Leo XIII cho đến thời đại chúng ta, với việc vừa mở Văn khố để tham khảo từ 2/3/2020, vừa gia tăng những nhà nghiên cứu hằng ngày.

Từ khoảng 1610-1612, ĐGH Phaolô V muốn đây không gì khác hơn là văn khố riêng tư, tách biệt, dành riêng cho Giáo hoàng. Vì vậy, nó được gọi là Văn khố Bí mật, và vẫn được các Giáo hoàng và các học giả gọi như ngày nay, mà không gặp khó khăn gì.

Tuy nhiên, với những thay đổi ngữ nghĩa tiệm tiến trong các ngôn ngữ hiện đại và trong các nền văn hoá và sự nhạy cảm xã hội của các quốc gia khác nhau, ở mức độ ít hay nhiều, thuật ngữ Bí mật, kết hợp với Văn khố Vatican, bắt đầu bị hiểu nhầm, vẽ nên sắc thái mơ hồ, thậm chí tiêu cực.

Mất đi ý nghĩa thực sự của thuật ngữ “bí mật” nguyên thuỷ, từ “bí mật” hiện đại, trong một số lĩnh vực và môi trường, hàm ý nói đến điều ​​bị che giấu, không được tiết lộ và chỉ dành riêng cho vài người. Trái ngược hoàn toàn với những gì đã luôn tồn tại và ý muốn của Văn khố Bí mật Vatican, mà như Giáo hoàng Phaolô VI đã nói, lưu giữ “tiếng vang và dấu tích” bước chân của Chúa trong lịch sử (Giáo huấn của Đức Phaolô VI, I, 1963, tr. 614). Và Giáo hội “không sợ lịch sử, đúng hơn là yêu nó và muốn yêu nó nhiều hơn và hơn nữa, như Chúa yêu nó” (Bài phát biểu của các nhân viên Văn khố Bí mật Vatican, 4/3/2019: L’Osservatore Romano, 4-5/3/2019, tr. 6).

Do đó, Đức Thánh Cha ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc, quyết định:

“kể từ nay về sau, Văn khố Bí mật Vatican hiện tại, không có gì thay đổi căn tính, cấu trúc và nhiệm vụ, sẽ được gọi là Văn khố Tông toà Vatican”, khẳng định lại mong muốn tích cực phục vụ Giáo hội và văn hóa, tên gọi mới này nhấn mạnh đến mối liên hệ chặt chẽ giữa Toà Thánh và Văn khố. (CSR_6349_2019)
 
 

Văn Yên, SJ