24/01/2025

Chúa nhật XXVIII TN C 2019: Kết hợp với Đấng ban ơn

Thiên Chúa không dừng lại ở những viên kẹo ơn phúc đã ban cho ta. Ngài còn đi xa hơn để ban cho ta nguồn ơn cao cả nhất là chính Con Một của Ngài đã hoá thành người vì chúng ta. Đó là Chúa Giêsu, là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa.

 

Chúa nhật XXVIII TN C 2019

Kết hợp với Đấng ban ơn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 

Lời mở

Các bài thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta nhận ra những ơn lành của Chúa và biết ơn Ngài như tướng quân người Naaman (x. 2V 5,14-17) hay như người phong cùi xứ Samaria được Chúa chữa lành (x. Lc 17,11-19).

Sống trong thời đại quá đề cao đến sở hữu vật chất, người ta khó cảm nhận được tình yêu của Chúa đã ban cho mình những ơn gì để cảm tạ Ngài và càng khó hơn nữa để thể hiện tình yêu đó qua việc chia sẻ những ân huệ cho người khác.

1. Tình trạng vô ơn và không nhận ra Đấng ban ơn

Chúng ta đang sống trong một thời đại khoa học tiến bộ, con người khám phá ra nhiều điều lạ lùng: từ vụ nổ Big Bang tạo ra vũ trụ cách đây 14 tỉ năm, cho đến những cấu trúc tinh vi nhất của tế bào, nguyên tử, phân tử, điện tử, quang tử. Người ta thấy rằng nhờ những cố gắng học hành, làm việc cật lực, mình có thể đạt được sự hiểu biết, kiếm được nhiều tiền bạc để có chồng giỏi, vợ đẹp con khôn, có nhà cao cửa rộng, có danh vọng, địa vị trong xã hội… Tất cả dường như đều do bàn tay và trí óc con người làm ra nên họ  thấy rằng mình không cần phải biết ơn ai cả.

Có chăng, chỉ cần biết ơn cha mẹ đã sinh thành ra mình, biết ơn đất nước đã cưu mang cho mình sinh sống. Thế nhưng, không thiếu những kẻ nguyền rủa cha mẹ đã sinh ra họ khiến họ phải sống khốn khổ, bệnh tật, tủi nhục như hiện nay, giống như ông Gióp đã nguyền rủa ngày sinh của mình (x. G 3,3-13). Không thiếu người nguyền rủa đất nước nghèo đói, đầy những bất công, tham nhũng, tàn phá môi trường để trốn chạy sang những nước giàu có, an lành, tốt đẹp hơn.

Tất cả chỉ vì người ta quá coi trọng những sở hữu vật chất, mà không nghĩ tới sự hiện hữu cao quý nhờ tinh thần con người mở ra cho siêu việt và hướng đến vô biên (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, 2004, số 130).

Chúng ta  đang sống và hành động như những trẻ thơ: một người quen cho cái kẹo, đứa nhỏ cầm lấy. Cha mẹ phải nhắc nhở: “Này con, trước khi nhận kẹo, con phải làm gì? Con phải cám ơn bác chứ!“. Đứa bé cúi đầu nói lí nhí lời cám ơn với người cho kẹo một cách máy móc. Trong đầu óc  đứa nhỏ lúc đó, nó chỉ biết có viên kẹo. Khi lớn lên, hiểu ra được viên kẹo không do mình làm ra mà do người khác cho mình, nó mới tự nguyện nói lời cám ơn. Phải lớn hơn nữa, nhờ nền giáo dục lành mạnh, đứa trẻ mới nhận ra đàng sau cái kẹo là lòng quý mến của người làm ơn cho mình, khi đó nó mới biết ơn vì tình yêu thương, chứ không phải vì viên kẹo vật chất. Rồi phải qua nhiều năm sống với những kinh nghiệm đau thương, người ta mới nhận ra rằng không phải ai cho mình kẹo cũng vì lòng tốt, mà viên kẹo có thể ẩn chứa cả bùa mê thuốc lú trong đó.

Cuối cùng, phải có lòng tin và hiểu biết nhiều, con người mới nhận ra tất cả những gì mình có, vật chất cũng như tinh thần, dù do ai chuyển đến, cũng đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài ban những ơn lành đó cho ta một cách quảng đại, vô vị lợi. “Ngài là khởi nguyên của muôn vật, muôn loài. Ngài là nguyên nhân đầu tiên và cũng là nền tảng tối thượng để giữ cho muôn loài tồn tại, Ngài có trước cả vụ nổ Big Bang. Thiếu vắng Thiên Chúa, tất cả những gì tồn tại đều sụp đổ” (x. Docat, câu hỏi số 2 và phần trả lời Thiên Chúa là ai). Vậy ta đang ở giai đoạn nhận thức nào trước những ơn lành của Chúa?

2. Những người nhận biết Đấng ban ơn

Trong các bài Kinh Thánh hôm nay, tướng quân Naaman cũng như người phong cùi Samari được chữa lành khỏi bệnh nan y, chắc chắn họ đã hết sức vui mừng. Nhưng đó chỉ như là viên kẹo bên ngoài. Họ còn đi xa hơn để thấy đó là một hồng ân vĩ đại Chúa ban cho mình. Naaman nói với tiên tri Êlisê rằng: “Từ nay tôi sẽ không còn biết đến để phụng thờ một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa của Israel“.

Người Samaria được chữa lành cũng thế, anh đã cảm nhận được ơn phúc lớn lao Chúa ban qua Đức Giêsu, nên anh lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, rồi anh đến để quỳ dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Người, trong khi 9 người Do Thái kia không quay lại tôn vinh Chúa.

Chúng ta đang được mời gọi để khám phá ra ý nghĩa của những ơn lành Chúa ban cho ta trong cuộc sống thường ngày, cũng như trong đời sống vĩnh hằng. Mỗi ngày sống ta phải ăn uống, thở hít khí trời, sử dụng vật chất để có thể yêu thương, suy nghĩ. Phân tích con người chúng ta dưới khía cạnh khoa học, tất cả chỉ là những chất hữu cơ, vô cơ. Tự chúng không có sự sống, tình yêu, hay tư tưởng. Mỗi ngày ta bỏ ra vài chục ngàn đồng mua những lít nước để uống, để tắm giặt. Nhưng thật ra để tổng hợp được hai chất Hydro và Oxy thành lượng nước ấy chỉ có Đấng Tạo Hoá mới làm được cho ta. Cơm bánh và mọi vật khác cũng thế.

Như vậy, Cha Trên Trời đang yêu thương ta, ban cho ta tất cả vũ trụ này, ban cho từng người sự sống, tình yêu, tư tưởng một cách rộng rãi và chẳng đòi ta đáp lại điều gì, ngay cả lòng biết ơn. Chúng ta phải nhận ra những ân phúc ấy và nhất là tình yêu của Ngài, thì ta mới có thể sống trong niềm vui, hạnh phúc và bình an.

3. Tất cả là hồng ân

Trong kế hoạch tổng thể Thiên Chúa là Tình Yêu (x. Docat, Chương 1), Thiên Chúa không dừng lại ở những viên kẹo ơn phúc đã ban cho ta. Ngài còn đi xa hơn để ban cho chúng ta nguồn ơn cao cả nhất là chính Con Một của Ngài đã hoá thành người vì chúng ta. Đó là Chúa Giêsu, là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Tình yêu luôn đòi sự kết hợp và hiệp thông. Vì thế, khi kết hợp với Đức Giêsu, chúng ta trở thành Thiên Chúa như Người, nhờ đó ta đón nhận tất cả nguồn ơn phúc vào trong con người của mình. Khi ấy ta mới có thể chia sẻ những ân phúc cho người khác qua hành động thường ngày trong đời sống: chia sẻ vật chất và tài năng tinh thần, rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, thậm chí làm cho kẻ chết sống lại như Chúa Giêsu.

Hơn nữa, với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra rằng không phải chỉ những viên kẹo ngọt ngào mới có tình yêu của Người, mà cả những hạt muối mặn chát, những trái ớt đắng cay trong đời của ta: những khốn khó, tủi nhục, thất bại cũng đều là những hồng ân tình yêu của Chúa. Đức Giêsu đã chịu tất cả những tủi nhục và cả cái chết đau thương trên thập giá để diễn tả tình yêu cứu độ của Chúa Cha, thì khi gắn bó với Chúa Giêsu và chấp nhận tất cả những hồng ân tủi nhục ấy, ta cũng trở thành nguồn ơn cứu độ cho mọi người. Vì thế, thánh Phaolô, trong thư gửi Timôthêô, đã nhắn nhủ chúng ta rằng: “Đây là lời đáng ta tin cậy, nếu ta cùng chết với Chúa Kitô, ta sẽ cùng sống với Người; nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,11-13).

Không phải chúng ta chỉ dâng lời tạ ơn vì những ân phúc mà Chúa ban cho riêng mình. Mỗi ngày sống, chúng ta hiểu rằng mình đang được mời gọi nói lời tạ ơn với Chúa thay cho tất cả những anh chị em khác chưa biết cảm ơn vì chúng ta là một trong Đức Giêsu Kitô, lời tạ ơn tuyệt hảo nhất.

Lời kết

Như thế chúng ta sẽ thấy rằng việc tạ ơn chúng ta làm sẽ kéo theo biết bao ơn lành mới mẻ Chúa ban để ta chia sẻ cho người khác và để chúng ta thật sự trở thành hiện thân của Chúa Giêsu cho nhân loại hôm nay.