14/01/2025

Hội đồng Giám mục Ý nói “không” với trợ tử

Đáp lại phán quyết của Toà Bảo hiến của Ý về vấn đề trợ tử, các Giám mục Ý đã dùng lời của ĐTC Phanxicô để khẳng định rằng “chúng ta có thể và phải loại bỏ cám dỗ, ngay cả cám dỗ xuất phát từ những thay đổi luật pháp, sử dụng thuốc để thoả mãn mong muốn chết của bệnh nhân, bằng cách hỗ trợ tự tử hoặc trực tiếp gây ra cái chết bằng cái chết êm dịu”.

 Hội đồng Giám mục Ý nói “không” với trợ tử

 

 

 

Đáp lại phán quyết của Toà Bảo hiến của Ý về vấn đề trợ tử, các Giám mục Ý đã dùng lời của ĐTC Phanxicô để khẳng định rằng “chúng ta có thể và phải loại bỏ cám dỗ, ngay cả cám dỗ xuất phát từ những thay đổi luật pháp, sử dụng thuốc để thoả mãn mong muốn chết của bệnh nhân, bằng cách hỗ trợ tự tử hoặc trực tiếp gây ra cái chết bằng cái chết êm dịu”.

Phán quyết của Toà Bảo hiến 

Hôm 25/9, Toà Bảo hiến của Ý đã phán quyết rằng trợ tử không bị xem là tội trong những điều kiện nhất định, khi “người tạo điều kiện thực hiện ý định tự tử, được đưa ra một cách tự chủ và tự do, của một bệnh nhân sống nhờ các phương pháp hỗ trợ sự sống và mắc căn bệnh không thể phục hồi, là nguồn đau khổ thể xác và tâm lý mà bệnh nhân xem là không thể chịu đựng được, nhưng bệnh nhân hoàn toàn có khả năng đưa ra những quyết định tự do và có ý thức”.

Chọn lựa “được chết” có thể bị hiểu sai là “sự lựa chọn của phẩm giá”

Trong thông cáo được ban hành sau quyết định của Toà Bảo hiến, các Giám mục Ý nói rằng, dưới ánh sáng những lời của ĐTC Phanxicô, các ngài thể hiện sự hoang mang và xa cách của mình với những gì được Toà Bảo hiến truyền đạt. Các ngài đặc biệt quan tâm đến động lực của nền văn hóa hàm chứa trong quyết định này, nó có thể khiến các đối tượng đau khổ tin rằng yêu cầu chấm dứt sự sống của họ là một sự lựa chọn của phẩm giá.

Dấn thân của Giáo hội hỗ trợ các bệnh nhân

Thông cáo viết tiếp: “Các giám mục xác nhận và tái khởi động dấn thân của Giáo hội trong việc gần gũi và hỗ trợ cho tất cả những người bệnh. Các ngài hy vọng rằng Nghị viện sẽ nhìn nhận những giá trị này ở mức độ tối đa có thể, và cũng bảo vệ các nhân viên y tế có tự do lựa chọn.”

Nguy cơ phổ biến văn hoá sự chết


ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, nhận định rằng việc tôn trọng ý kiến người khác là đúng, nhưng ở đây “chúng ta có nguy cơ phổ biến văn hoá sự chết thay vì chúng ta được dẫn dắt làm mọi thứ có thể để truyền bá một tâm thức yêu sự sống và văn hoá sự sống, cố gắng bảo vệ nó cho đến cùng”.

Phản đối theo lương tâm là hợp pháp

ĐHY cũng nói thêm: “Sự phản đối theo lương tâm là hợp pháp. Các Kitô hữu, ngay từ đầu, đã sẵn sàng phục vụ hoàng đế Cesar trong mọi sự, trong việc tôn trọng luật pháp và các tổ chức, trong việc phục vụ các chủ nhân và đất nước của họ, nhưng có một phạm vi của chính con người mà họ không sẵn sàng đầu hàng, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của họ. Tôi đề cập đến phạm vi của ý thức. Đây là lời dạy Chúa Giêsu đã đưa ra, cụ thể là phục vụ hoàng đế nhưng không phản bội lương tâm của mình.” (ACI 26/9/2019)

 
 

Hồng Thuỷ