24/12/2024

Chúa Nhật, 22.09.2019 – Chọn Thiên Chúa hay chọn tiền của

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.(Lc 16,13)

Tuần XXV Mùa Thường Niên
Am 8,4-7 • Tv 112 • 1Tm 2,1-8 • Lc 16,1-13 (hoặc 10-13)

Lời Chúa

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Nguồn: thanhlinh.net

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa: Chọn Thiên Chúa hay tiền của?

Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được“.(Lc 16,13)

Trong dụ ngôn “người quản gia bất trung”, Chúa Giêsu dường như đang nói với xã hội chính trị kinh tế Việt Nam hôm nay, một thứ “xã hội chủ nghĩa lươn lẹo, lách luật” cho lợi ích cá nhân: “ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi”. Chúa Giêsu mô tả một người đàn ông khôn lỏi và trí trá, đã dùng kỹ năng của mình để thoát đói nghèo khi bị chủ phát hiện gian lận.

Người quản gia như thế không phải là một mẫu gương đạo đức vì ông không được Chúa Giêsu xếp vào hàng ngũ những đứa con sự sáng, nhưng của bóng tối. Tuy nhiên, có một điều duy nhất, Chúa Giêsu muốn cho con cái sự sáng nhận thấy: đó là cách thức lo lắng cho tương lai, dù là một tương lai tạm bợ trần thế, ông ta cũng biết dùng trí thông minh và kinh nghiệm kinh doanh của mình để mưu cầu tư lợi trong cuộc sống trần thế ô trọc. Ông biết dùng khôn ngoan, hay đúng hơn vận hành sự khôn lỏi của mình trong việc sử dụng đồng tiền của chủ, tiền bất chính, một cha đẻ của các nhà tư bản đỏ hôm nay, “mượn đầu heo nấu cháo”, để tìm lối thoát cho riêng mình: ông xoá nợ nần của những người mắc nợ ông chủ, làm thất thoát tài sản của ông chủ để trói buộc những con nợ với chính ông ta qua các ân nghĩa bất chính. Chúng ta cũng nhận thấy sức mạnh tiền bạc đã thống trị con người như thế nào; nó biến con người làm nô lệ.

Chúa Giêsu nói: ” Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Đối với Chúa Giêsu, tiền bất chính nghĩa là gì? Trong bản văn Hy Lạp, từ “Tiền” (Mammon) được viết chữ HOA, một nhân cách hoá, và Mammon, trong văn hoá Syriac là vị thần của tiền bạc, một tà thần. Tiền bất chính theo nghĩa đen là tiền của ông chủ, không phải tiền riêng của người quản gia, nhưng theo nghĩa chơi chữ, Tiền bất chính trở thành vị thần biến con người thành nô lệ chúng. Khi dùng đồng tiền thế tục, một cách duy nhất để con người làm chủ đồng tiền là hoán cải hay đưa nó về chỗ của nó, là một phương tiện để làm việc tốt, để kết nối, tạo lấy bạn bè… Mặt khác, tiền chia sẻ, chính là tiền thiết lập sự công bằng trong xã hội: ý chí chiếm hữu, sở hữu độc quyền và tuyệt đối, là sự bất công lớn lao. Con người lấy lại vị trí chủ nhân của đồng tiền.

Tuy nhiên, tư tưởng của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở đó; Ngài nhắc đến đời sống vĩnh cửu, đời sống không mua được bằng tiền hay bằng rất nhiều tiền, nhưng bằng đức tin, bằng tình yêu như Chúa Giêsu đã yêu. Ngài muốn con cái sự sáng hãy sáng suốt và dùng tất cả trí tuệ và khả năng của mình đề “mua” lấy sự sống, có nghĩa là phục vụ Thiên Chúa. Nghĩa là con cái sự sáng, con cái của Thiên Chúa, phải sống với căn tính của mình: đầu tư vào tình yêu, yêu Chúa và yêu người, chính là yêu mình.

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

“Chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh”, là kinh nghiệm thiêng liêng mà Thánh Phaolô đã trải qua. Xin cho con cũng cảm nghiệm được sức mạnh trong sự yếu đuối để can đảm sống cho Chúa.

Quyết tâm: Cậy dựa vào sức mạnh của Chúa mỗi khi đối mặt với yếu đuối, khó khăn, thử thách.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam