28/12/2024

Bó tay vì khói từ Indonesia, Malaysia cầu cứu cả thần linh lẫn ASEAN

Các trường học trên khắp Malaysia tiếp tục bị đóng cửa trong ngày hôm nay 19-9. Không thể tiếp tục chịu đựng, Kuala Lumpur tuyên bố sẽ đưa vấn đề đốt rừng tạo khói mịt mù của Indonesia ra ASEAN.

 

Bó tay vì khói từ Indonesia, Malaysia cầu cứu cả thần linh lẫn ASEAN

Các trường học trên khắp Malaysia tiếp tục bị đóng cửa trong ngày hôm nay 19-9. Không thể tiếp tục chịu đựng, Kuala Lumpur tuyên bố sẽ đưa vấn đề đốt rừng tạo khói mịt mù của Indonesia ra ASEAN.


 

Bó tay vì khói từ Indonesia, Malaysia cầu cứu cả thần linh lẫn ASEAN - Ảnh 1.

Toà tháp đôi ở Kuala Lumpur bị bao phủ bởi khói mù từ các vụ đốt rừng ở Indonesia – Ảnh: REUTERS

 

Khói từ các vụ đốt rừng lấy đất trồng cọ ở Indonesia đã khiến cuộc sống thường nhật ở Malaysia và Singapore bị đảo lộn.

Theo Hãng thông tấn AFP, gần 2.500 trường học trên khắp Malaysia đã được lệnh đóng cửa trong ngày 19-9, gây ảnh hưởng đến việc học hành của hơn 1,7 triệu học sinh. 

Chất lượng không khí tại nhiều bang của Malaysia đã giảm xuống mức “không an toàn” hoặc “rất không an toàn”, theo kết quả đo lường mới nhất được công bố sáng 19-9.

Các bệnh viện tuyến thấp ở Malaysia và Singapore ghi nhận tình trạng tăng đột biến các ca bệnh về mắt. Phần lớn đều có chung các triệu chứng bị khô và rát mắt. 

“Số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các vụ đốt rừng ở Indonesia là một trở ngại lớn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của hàng chục ngàn người”, Bộ trưởng Môi trường Singapore Masagos Zulkifli viết đầy bức xúc trên mạng xã hội.

Bộ chức năng có vẻ đã bó tay nên Bộ phát triển Hồi giáo Malaysia đã phải ra một mệnh lệnh đặc biệt yêu cầu người dân phải cầu nguyện sự xót thương của thần linh, giúp Malaysia thoát khỏi cảnh khói bụi ô nhiễm.

Bó tay vì khói từ Indonesia, Malaysia cầu cứu cả thần linh lẫn ASEAN - Ảnh 2.

Học sinh tại Malaysia phải đeo khẩu trang khi đi học – Ảnh: REUTERS

 

Nhiều người lo ngại tình trạng khói mù có thể ảnh hưởng đến cuộc đua xe Công thức 1 chuẩn bị diễn ra tại Singapore vào cuối tuần này. Ban tổ chức giải đua trị giá 100 triệu USD đang tích cực thu gom các mặt nạ phòng độc dùng một lần để cung cấp cho khán giả nếu tình trạng ô nhiễm trở nên tồi tệ hơn.

Bản thân một số tỉnh của Indonesia cũng bị ảnh hưởng từ chính các vụ đốt rừng của người dân nước này. Mặc dù đã triển khai hàng ngàn lính cứu hỏa, huy động cả máy bay chữa cháy, tình hình hiện tại vẫn chưa được kiểm soát.

Tình trạng khói bụi do đốt rừng xảy ra gần như mỗi năm ở Indonesia và gây ảnh hưởng đến các nước như Malaysia, Singapore. Tuy nhiên, tình trạng năm nay là nghiêm trọng nhất.

“Tôi sẽ gọi cho Tổng thư ký ASEAN để nêu quan điểm của Malaysia và thúc đẩy một cơ chế giải quyết vấn đề lâu dài, toàn diện ở cấp toàn ASEAN”, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 19-9.

Bà Yeo khẳng định nếu ASEAN không hành động, Malaysia sẽ tự có cách của riêng mình, bao gồm trừng phạt các công ty trồng cọ có dính líu tới đốt rừng.

“Gây mưa nhân tạo chỉ là tạm thời. Luật của Malaysia cũng sẽ chỉ có tác dụng với các công ty nước ngoài có hoạt động ở Malaysia. Cái chính là chúng ta cần sự hợp tác quốc tế nếu muốn có giải pháp lâu dài”, bà Yeo nhấn mạnh.

Chuyện đốt rừng lấy đất trồng cọ đã trở thành chuyện muôn thuở ở Indonesia và Malaysia bất chấp các lệnh cấm của chính quyền. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí xử lý lại đất đai bằng các phương pháp khác quá tốn kém, do đó người dân thường chọn giải pháp “rẻ nhất mà hiệu quả” là… châm lửa đốt rụi.

 

BẢO DUY