11/01/2025

Chúa Nhật XXIV TN C 2019: Kiên nhẫn để cứu độ

Chúng ta kiên nhẫn để yêu thương đến cùng như Chúa Giêsu vì mỗi hành động của ta dành cho sự thật và sự sống, cho công lý, tình yêu và hoà bình đều đóng góp cho cuộc cách mạng này.

 

Chúa Nhật XXIV TN C 2019

Kiên nhẫn để cứu độ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này mời gọi chúng ta suy nghĩ thêm về một đức tính của người môn đệ, đó là kiên nhẫn. Có kiên nhẫn, chúng ta mới bền bỉ, kiên trì thực hiện công trình cứu độ của Đức Giêsu, mới hoàn thành cuộc cách mạng của Người cho thế giới hôm nay.

1. Kiên nhẫn trong đời sống

Kiên nhẫn, theo định nghĩa, là có khả năng tiếp tục làm việc đã định một cách bền bỉ, không nản lòng, mặc dù thời gian kéo dài, kết quả còn chưa thấy. Kiên nhẫn được ghép lại bằng 2 từ “kiên trì” và “nhẫn nhục”. Kiên trì là không thay đổi ý định, ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn, trở lực. Nhẫn nhục là đành lòng chịu đựng những khổ cực, nhục nhã để đạt được mục đích nào đó (x. Việtlex, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ liên quan, NXB Đà Nẵng).

Trong xã hội hôm nay, người ta quá quan tâm đến giá trị của thời gian: việc nào càng làm ít thời giờ, làm càng nhanh càng tốt. Người ta mong ước thấy được kết quả càng sớm càng hay. Vì thế nên người ta ít tập đức tính kiên nhẫn. Người xưa vẫn nhắc nhở chúng ta rằng: “có công mài sắt có ngày nên kim”. Nhưng ngày nay không ai ngồi mài cục sắt to thành cây kim nhỏ nữa, người ta thấy tốn giờ, mất công, chỉ cần ra ngoài cửa hàng mua cây kim về là đỡ tốn công sức, thời giờ, cả tiền bạc nữa.

Bài Tin Mừng (x. Lc 15,1-10) cũng giới thiệu hình ảnh người mục tử bỏ 99 con chiên  trong đồng hoang để đi tìm con chiên lạc. Có người nói với tôi rằng hành động đó có thể không phù hợp và nguy hiểm, coi chừng mất cả chì lẫn chài, vì việc đi tìm con chiên lạc vừa mất giờ, vừa tốn công sức mà không chắc có tìm được không. Nhiều khi bọn trộm cướp bắt luôn cả 99 con trong đồng hoang thì sao! Việc người đàn bà quét dọn, moi móc khắp nơi trong nhà để kiếm 1 đồng bạc bị mất chưa chắc là khôn ngoan vì nếu dành thời giờ kiếm tìm để làm việc khác thì có khi kiếm thêm được hơn cả số tiền đã mất! Con người thời nay đang tính toán theo những hướng thực tế đó!

Nhưng công trình cứu độ của Thiên Chúa không được tính toán bằng thời gian hay đánh giá bằng những kết quả cụ thể như con người chúng ta đang cân đo đong đếm với nhau, bởi vì đây là công trình cứu độ của một Thiên Chúa yêu thương. Ngài muốn chia sẻ tình yêu, sự sống, hạnh phúc vô cùng cho những người con yêu quý của mình, chứ không phải để thu tích cho mình một khối tài sản, danh dự, kiến thức hay muốn phổ biến những tư tưởng, học thuyết nào đó như trong các cuộc cách mạng của con người. Vì thế, chúng ta thấy Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn để thực hiện công trình cứu độ của mình.

2. Kiên nhẫn qua các bài Thánh Kinh

Bài đọc I (x. Xh 32,7-11) cho chúng ta thấy Thiên Chúa kiên nhẫn chịu đựng dân tộc Do Thái trên con đường dẫn họ đi về Đất Hứa như thế nào. Dân Do Thái đã nhiều lần phản loạn, chê trách Thiên Chúa khi họ bị đói khát, thèm ăn thịt cá, rau dưa lúc còn làm nô lệ cho người Ai Cập. Chúa ban cho họ manna nuôi sống suốt 40 năm dài, cho tảng đá chảy nước giải khát, cho cột mây che mát ban ngày, cột lửa soi sáng ban đêm. Ngay sau khi thề hứa trung thành với Chúa qua việc giữa 10 điều răn, họ làm ngay con bò vàng và thờ lạy nó khi ông Moisê vắng mặt ít ngày. Vì thế Thiên Chúa đã nổi giận, muốn huỷ diệt dân tộc Do Thái. Nhưng sau lời giải thích của Môsê, Chúa đã hiểu rằng mình phải kiên nhẫn vì khi dựng nên con người có tự do, biết chiều theo những tham vọng và dục vọng,con người sẽ sa đi, ngã lại nhiều lần. Con người là như thế: tội lỗi, bất toàn và nếu không kiên nhẫn với con người thì không thể cứu độ con người. Nếu thấy họ phạm tội và muốn huỷ diệt ngay họ bằng quyền năng thì làm sao hoán cải được tâm hồn con người!

Qua các dụ ngôn trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy hành động giống như người mục tử trèo đèo, lội suối, khua từng bụi rậm để tìm con chiên lạc. Chúng ta phải tìm đủ mọi cách để dẫn về những người lầm đường, lạc lối đầy dẫy trong xã hội hôm nay. Họ không nhận ra con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu. Ta cũng bắt chước người phụ nữ quyét cẩn thận từng góc nhà, moi móc từng gầm giường, gầm tủ để tìm cho được đồng bạc đã mất.

Con người là đồng bạc hết sức quý giá đối với Thiên Chúa, trong khi con người lại coi thường chính mình, nên Thiên Chúa đã tốn nhiều công sức để chinh phục lại con người. Ngài sai chính Con Một của mình xuống thế và trở thành người để đưa con người trở về nhà Cha Trên Trời. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói 2 lần rằng: “Cả triều đình thiên quốc vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Do đó, chúng ta cần phải kiên nhẫn khi cùng với Chúa Giêsu cứu độ con người.

Bài học kiên nhẫn này hết sức cần thiết cho những ai muốn hoán cải tâm hồn con người, nhất là những người đang mang trọng trách giáo dục và đào tạo con người, những ai thấy gia đình mình đang có nguy cơ tan vỡ, những người có quyền hành quản lý nhân sự trong các công ty, xí nghiệp. Ta không thể đe doạ, đánh phạt, cắt đứt liên lạc, từ bỏ con cái, thậm chí đưa nhau ra toà ly dị chỉ vì những lầm lạc, tội lỗi của con người. Ta phải học lại bài học kiên nhẫn của Chúa Giêsu.

3. Kiên nhẫn để cứu độ

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 17/6/2013, nhắc nhở chúng ta rằng: trong dòng lịch sử nhân loại, có rất nhiều cuộc cách mạng đã thay đổi chế độ chính trị, kinh tế, nhưng không có một cuộc cách mạng nào thay đổi tâm hồn con người. Cuộc cách mạng của Đức Giêsu là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử (x. Docat, tr. 277-278), vì không phải chỉ thay đổi tâm hồn con người, mà còn dẫn con người đến sự thật và sự sống – sự thật giải thoát và sự sống vĩnh hằng – để giúp cho con người nhận ra mình là con cái Thiên Chúa và có thể chia sẻ hạnh phúc kỳ diệu, quyền năng phi thường của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói với chúng ta rằng: “ngày nay và trong thời đại hôm nay, các Kitô hữu phải là những nhà cách mạng, nếu không, họ không phải là Kitô hữu” (x. Docat, tr. 278).

Chúng ta là những nhà cách mạng của cuộc cách mạng Giêsu để biến đổi tâm hồn con người, để mang lại sự thật giải phóng và sự sống vĩnh hằng, để giúp con người nhận ra mình cao quý, giá trị vô cùng. Vì thế, chúng ta được mời gọi để kiên nhẫn như Chúa Giêsu.  Người “đã yêu thương đến cùng” bất kể những phản bội, xấu xa, tội lỗi cho đến chết nhục nhã trên thập giá. Tình yêu kiên nhẫn ấy, như thánh Phao lô nhắc nhở, “đã tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (Cr, 13,7). Ngài đã cảm nhận được nó nên đã nói trong bài đọc II (x. Tm 1, 12-17): tôi là một kẻ nói, lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược… Tôi là người tội lỗi nhất thế mà tôi đã được Chúa Giêsu tín nhiệm, gọi tôi đến phục vụ Người thì huống chi là anh chị em! Tất cả chúng ta đều được mời gọi như thánh Phaolô để tham gia vào cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử.

Chúng ta kiên nhẫn để yêu thương đến cùng như Chúa Giêsu vì mỗi hành động của ta dành cho sự thật và sự sống, cho công lý, tình yêu và hoà bình đều đóng góp cho cuộc cách mạng này. Chúng ta không cần lưu ý đến thời gian, cũng chẳng cần biết đến khi nào cách mạng thành công vì bất cứ hành động nào của ta cũng đều được Chúa Cha và Chúa Giêsu ghi nhận, khen thưởng. Điều này khác hẳn với bất cứ cuộc cách mạng nào nơi trần thế. Hằng trăm ngàn người đã chết trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hằng triệu triệu người chết trong các cuộc cách mạng đủ loại, nhưng mấy ai nhận được vòng hoa chiến thắng và phần thưởng cuối cùng!

Lời kết

Vì thế, ta hãy tin tưởng bước theo Chúa Giêsu để trở thành nhà cách mạng chân chính, khi thực hành bài học kiên nhẫn trong yêu thương ngay từ hôm nay!