25/11/2024

29 năm mở lớp học đặc biệt, để không ai phải thất học như con mình

Gần ba thập kỷ, cũng hơn nửa đời người, đó là ngần ấy năm thầy giáo Trần Văn Hoà đã lặng lẽ gieo nên những mầm chữ trên vùng cát trắng cho xóm nghèo Đập Góc.

 

29 năm mở lớp học đặc biệt, để không ai phải thất học như con mình

Gần ba thập kỷ, cũng hơn nửa đời người, đó là ngần ấy năm thầy giáo Trần Văn Hoà đã lặng lẽ gieo nên những mầm chữ trên vùng cát trắng cho xóm nghèo Đập Góc.
 
 
 
 
29 năm mở lớp học đặc biệt, để không ai phải thất học như con mình - Ảnh 1.

Không chỉ miễn học phí, mà cả bút vở, giày dép hay áo quần nhiều đứa cũng được thầy cho. Tiền thì không, nhưng nhiều lúc muốn mang tặng thầy con cua, con cá bắt được cũng bị thầy từ chối khéo.    Ông HỒ VĂN TÈO (46 tuổi, xóm định cư Phú Mỹ, xã Phú An)

Bất chấp những thiếu thốn từ hoàn cảnh, khó khăn của tư duy sống đời với biển, thầy Trần Văn Hòa (58 tuổi, ngụ thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn cần mẫn “chèo đò” đưa con chữ đến với trẻ em xóm nghèo.

29 năm ươm chữ trên miền cát trắng

Tiếng ê a của những đứa trẻ nước da đen mặn, mặt mũi lấm lem ở trong lớp văng vẳng. Căn nhà mái tôn rộng chưa đầy 20m2 phía góc sân nhà của thầy Hòa là nơi mà thầy cùng đám trò nghèo ngày ngày ươm con chữ. 

Những mảng tường bong tróc, những vệt sơn loang lổ theo thời gian. Lớp có 14 học sinh đều là con em hộ nghèo của vùng đầm phá Đập Góc. Xưa đến nay, bàn ghế, bảng viết trong lớp này cứ chia đều thành hai. Phần bên phải dành cho lớp 1, 2; bên trái dành cho lớp 3, 4. Riêng lớp 5 sẽ được thầy ra bài rồi làm trực tiếp ngay trên vở.

Sự ham học của đám trẻ nơi đây là “chiếc quạt” thứ hai không bao giờ gãy cánh giúp thầy trò vượt qua những đợt nắng tháng 7 miền cát trắng. Theo thầy Hòa, ngoài những em đã đọc thông viết thạo thì trong đám trẻ, nhiều em vẫn cứ mãi bập bẹ. 

“Dù đã kèm khá kỹ nhưng cứ học ba bữa thì lại nghỉ ở nhà chăm em, ra đầm thả lờ bốn bữa khiến việc tiến bộ nhanh là rất khó. Với các em, cũng như biển cả kia, kiến thức và chữ nghĩa thì mãi mãi vô tận” – thầy Hòa chia sẻ.

Lớp học ra đời và tồn tại trong suốt 29 năm trời. Thầy cần mẫn đứng lớp trong ngần ấy năm cũng chỉ với mong ước cho bọn trẻ có cái chữ để thoát nghèo. Tuy nhiên, có một lý do nữa khiến thầy Hòa bám trụ lấy lớp học và luôn bật khóc mỗi khi nhớ lại, rằng sự nghèo khó khiến người dân nơi đây chỉ chăm chăm vào việc mưu sinh. 

Từ đó, con đường học từng là điều gì đó “xa xỉ” với nhiều thế hệ trẻ nơi đây. Hai người con gái đầu của thầy Hòa cũng không ngoại lệ. Họ mãi mãi là những đứa trẻ với tuổi thơ “thất học”. Và đến nay, việc thầy Hòa đến từng nhà để xin cho đám trẻ được tới lớp vẫn diễn ra thường xuyên. 

“Cái tư duy sống đời với biển của cha ông, của tôi đã khiến hai đứa con mình và nhiều đứa trẻ khác trong làng không được đến trường. Dù hiện nay mỗi đứa đều đã có gia đình riêng, cuộc sống và công việc, nhưng nếu được học thì chắc giờ đã khác. Việc duy trì lấy lớp học cũng chỉ để mong rằng không ai phải như con mình” – thầy Hòa tâm sự.

29 năm mở lớp học đặc biệt, để không ai phải thất học như con mình - Ảnh 3.

Thầy Hoà kèm kỹ bài cho các học sinh thường xuyên phải nghỉ học – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Những học trò hơn tuổi

Lớp học xóa mù chữ do đích thân thầy Hòa mở và đứng lớp. Nó trở nên đặc biệt bởi lý do địa điểm và những “học trò” làm nên lớp học này. Lớp được dựng trên khoảng sân nhỏ của một hộ gia đình ở xóm định cư Phú An. Trong lớp chỉ có vỏn vẹn một cái bảng cùng mấy bộ bàn ghế. 

“Học sinh” là những người bà, người mẹ, người chị đang sinh sống ở xóm định cư này. Có những “học sinh” tuổi đã ngoài 60, hơn tuổi thầy. Ngày họp lớp là ngày mà câu chuyện giá cả của con tôm, con cá được bàn tán rôm rả rồi vang vọng khắp đường làng.

Bà Phan Thị Thái (ngụ xóm 19, khu định cư Phú An) cho biết bà vẫn muốn đi học con chữ để không phải ngồi nghe người ta hát kẹo kéo. “Lúc không chữ thì ngay cả tên mình, tên thôn, tên xã thấy đó cũng không biết đọc, biết viết lại. Chừ có chữ, khi mô rảnh lại kéo nhau hát nhạc kẹo kéo vui lắm. Chữ mới khó chơ tính toán nhẩm thì dễ. Bán con tôm, con cá thì biết hết” – bà Thái chia sẻ.

Lớp học này có khoảng 15 học viên. Tuy nhiên, vì công việc nên nhiều buổi học cũng chỉ có từ 4-5 người, đôi khi chỉ có 1 người. 

Ba năm kể từ ngày lớp học ra đời, nhiều người ở xóm định cư này đã có thể đọc thông viết thạo. 

Đặc biệt hơn cả là họ đã có thể hát những bài hát mà xưa kia họ chỉ biết nhẩm nhạc. Việc các “học sinh” mang cả thau cá đang bán dở ở chợ vào lớp học hay đang học giữa chừng phải về đi chợ nấu ăn cho chồng con… cũng là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận trong lớp học này.

Theo thầy Hòa, để duy trì được số người tham gia học một cách đều đặn không phải là điều dễ dàng. Ngoài công việc thì nhiều người lại không thể vượt qua được rào cản về tuổi tác để đến lớp. Nhiều người muốn học nhưng chồng lại không cho cũng chỉ vì lối nghĩ “đi biển cần gì chữ”. 

“Từ bố mẹ tụi nhỏ cho đến chồng các bà trong lớp học đều là đối tượng mà tui phải làm thân. Thân quen nói gì cũng dễ. Chứ có nhiều bà đang học được kha khá thì ông chồng đến bắt về, không cho học nữa. Cuối cùng cũng chỉ ngồi vỗ tay nhìn người ta hát. Thấy mà thương” – thầy Hòa nói.

Anh Phan Quang Huy – phó chủ tịch xã Phú An – cho biết vào năm 2006, thầy Hòa được Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Phú Vang nhận làm giáo viên hợp đồng của Trường tiểu học Phú Mỹ 2 để dạy cho con em vùng Đập Góc. Tuy nhiên cách đây vài năm, khi có nhiều học sinh được chuyển vào học tại các điểm trường chính nên nhà trường cũng đành cắt hợp đồng với thầy vì số lượng học sinh không đảm bảo.

Chẳng phải là thời gian, món quà hay suất học bổng do thầy xin được cho tụi nhỏ, điều làm thầy Hòa tự hào nhất vẫn là “đã từng có rất nhiều thế hệ học trò của mình đỗ đại học, cao đẳng và đang làm việc, nắm giữ nhiều chức vụ, công việc có ích cho xã hội”.

Miễn phí từ A tới Z

Những ngày mới mở lớp, phòng học chỉ là phần lớn căn nhà mà vợ chồng thầy Hòa cùng 5 người con đang sinh sống. Tấm bảng là mảng tường duy nhất trong nhà của thầy cho đến nay được sơn màu. Trang thiết bị, phòng học mà hiện nay thầy Hoà cùng đám trẻ ngày ngày gieo con chữ có được do Tổ chức Cứu trợ trẻ em không cha mẹ của Hoa Kỳ (ACWP) đầu tư và hỗ trợ kinh phí xây vào năm 2000.

Chương trình dạy ở lớp học này là chương trình đạt chuẩn phổ thông được thầy Hòa dạy bám sát theo sách giáo khoa. Lịch kiểm tra cũng như đề thi của lớp cũng được áp theo các trường tiểu học chính nơi đây. Vì vậy, học sinh sau khi “tốt nghiệp” ở lớp học này sẽ được làm bài dự thi tuyển sinh và xét chọn vào lớp 1 đến lớp 5 nếu muốn chuyển vào điểm trường chính.

CÔNG TRIỆU