06/01/2025

Chúa Nhật XXIII TN C: Khôn ngoan đích thực

Chúa Giêsu đang trên hành trình lên Giêrusalem (x. Lc 9,51; 13,22-24), một hành trình sẽ dẫn Người đến cái chết trên thập giá. Vì thế, khi có đám đông đi theo, Chúa Giêsu đã nói rõ cho họ biết rằng con đường làm môn đệ là con đường từ bỏ.

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN C

(Kn 9,13-18; Plm 9b-10. 12-17; Lc 14,25-33)

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có,

thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

    Người đời đều muốn tìm kiếm và chiếm hữu lẽ khôn ngoan nhưng không phải ai cũng có cùng quan niệm về sự khôn ngoan. Các bài đọc lời Chúa hôm nay gợi ra một lối nhìn hoàn toàn khác biệt về con đường dẫn đến sự khôn ngoan đích thực và bền vững.

1. Bài đọc 1:

    Đoạn sách Khôn Ngoan là lời nguyện lấy cảm hứng từ lời cầu nguyện của vua Salômôn (x. 1V 3,6-9; 2 Sb 1,8-10; Kn 9,1-18). Trong đó, tác giả vừa thừa nhận sự giới hạn của con người, vừa xin Thiên Chúa ban cho con người Đức Khôn Ngoan để hiểu được thánh ý của Ngài và để được cứu độ.

    Trước hết, tác giả cho thấy sự giới hạn của thân phận con người: là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững (Kn 9,14). Hơn nữa, bao lâu còn ở trong thân xác dễ hư nát, linh hồn con người dễ bị kéo xuống, nặng nề vì lo nghĩ trăm bề (Kn 9,15). Nhìn nhận sự giới hạn của thân phận con người vốn bị chi phối nhiều bởi những chuyện của thân xác, vật chất là bước khởi đầu để con người vươn lên những thực tại siêu việt thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, tác giả sách Khôn Ngoan hiểu rằng trong thân phận con người với nhiều giới hạn, làm sao có thể hiểu được ý định của Thiên Chúa (Kn 9,13). Những điều thuộc trần gian còn chưa hiểu thấu được thì làm sao khám phá được những điều thuộc thượng giới (Kn 9,16). Vì thế, nhận ra sự giới hạn của mình và mở lòng đón nhận mặc khải từ Thiên Chúa chính là con đường tìm kiếm lẽ khôn ngoan đích thực.

    Sau nữa, sau khi nhìn nhận sự giới hạn của thân phận con người, tác giả xác tín rằng chỉ khi được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan thì con người mới có thể biết được ý định của Thiên Chúa (Kn 9,17). Con người không thể tự mình đạt tới những thực tại siêu việt, nếu không có sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan. Hiểu được ý định của Thiên Chúa và sống theo lẽ khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa không còn là nỗ lực từ phía con người mà là ân ban từ Thiên Chúa. Dần dần Đức Khôn Ngoan được nhân cách hoá, không còn là một phẩm tính của Thiên Chúa mà trở thành một ngôi vị qua đó Thiên Chúa mặc khải cho con người biết ý định của Ngài. Nhờ sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan mà con người được dạy cho biết những điều đẹp ý Chúa, qua đó mở ra cho con người con đường cứu độ (Kn 9,18).

    Nhận ra sự giới hạn của thân phận con người và mở lòng ra đón nhận sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan chính là con đường dẫn con người đến ơn cứu độ.

2. Bài đọc 2:

    Trong hoàn cảnh tù đày tại Rôma, thánh Phaolô đã gặp và hướng dẫn anh Ônêsimô, một nô lệ của ông Philêmôn, gia nhập cộng đoàn tín hữu. Đồng thời, dù anh Ônêsimô là một cộng tác viên đắc lực của thánh Phaolô (Plm 13; x. Cl 4,9), nhưng ngài vẫn trả anh về lại cho ông Philêmôn kèm theo một bức thư đầy xúc động về tình bác ái huynh đệ giữa các Kitô hữu với nhau.

Trước hết, thánh Phaolô ý thức rằng một nô lệ chạy trốn khỏi chủ, khi trở về hẳn sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng. Vì thế, khi gởi anh Ônêsimô về lại cho ông Philêmôn, thánh nhân đã xin “hãy đón nhận nó như đón nhận một người ruột thịt của tôi” (Plm 12). Xa hơn nữa, thánh Phaolô còn mong muốn ông Philêmôn hãy đón nhận anh Ônêsimô như là đón nhận chính thánh nhân vậy! (Plm 17). Sự khôn khéo và lòng quảng đại của thánh nhân hẳn thôi thúc và đòi buộc ông Philêmon hành động theo tinh thần bác ái của Tin Mừng.

    Sau nữa, sự ra đi và trở về của người nô lệ Ônêsimô, theo cái nhìn của thánh Phaolô, là tạm xa một thời gian để được lại vĩnh viễn; đồng thời, thánh Phaolô mong muốn rằng, khi anh nô lệ trở về, ông Philêmôn không đón nhận như một nô lệ mà như một người anh em trong đức tin. Thánh Phaolô đã xem anh Ônêsimô như một người con, một người anh em, thì chẳng lẽ ông Philêmôn lại có lý do để chối từ! Vì xét về tình người, ông Philêmôn có mối tương quan lâu dài và gắn bó hơn so với thánh Phaolô; hơn nữa, xét về mối dây đức tin, mọi Kitô hữu đều là anh chị em trong Chúa. Thật vậy, khi được thanh tẩy, mọi Kitô hữu đều là con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau (Rm 12,10), không phân biệt nô lệ hay tự do (Gl 3,28; 1 Cr 12,13; Cl 4,1).

3. Bài Tin Mừng:

    Chúa Giêsu đang trên hành trình lên Giêrusalem (x. Lc 9,51; 13,22-24), một hành trình sẽ dẫn Người đến cái chết trên thập giá. Vì thế, khi có đám đông đi theo, Chúa Giêsu đã nói rõ cho họ biết rằng con đường làm môn đệ là con đường từ bỏ.

 

    Trước hết, để có thể làm môn đệ Chúa Giêsu, người ta cần đặt Người làm ưu tiên hàng đầu. Nếu mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều có các mối quan hệ cách tự nhiên với cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thì người môn đệ theo Chúa Giêsu được mời gọi đặt tất cả các mối quan hệ đó xuống hàng thứ yếu. Làm môn đệ của Chúa Giêsu là đặt Người làm ưu tiên chọn lựa trước hết và cao nhất. Người phải là đối tượng hàng đầu, nên chỉ những ai đặt Chúa Giêsu lên trên tất cả mọi mối tương quan, thì mới có thể trở nên môn đệ đích thực của Người.

    Sau nữa, làm môn đệ của Chúa Giêsu, trở nên giống như Người, đi theo con đường của Người thì phải chấp nhận vác thập giá mình. Vác thập giá theo Chúa Giêsu là chấp nhận trả giá vì Người và vì Tin Mừng (x. Mc 8,35; Rm 1,16; 1 Cr 9,23; 2 Tm 2,9), thậm chí có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình (x. Lc 9,23). Chúa Giêsu đã đi con đường tự hạ đến nỗi chấp nhận cái chết trên thập giá (x. Pl 2,8), thì những ai dám từ bỏ mình, vác thập giá theo Chúa Giêsu mới là những môn đệ chân chính của Người.

    Cuối cùng, một cách quyết liệt hơn nữa, người môn đệ của Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ hết những gì mình có (x. Lc 14,33), ở đây tác giả Luca nhấn mạnh việc từ bỏ của cải (x. Lc 12,13-34; 16,1-13; 18,24-30). Bước theo vị Thầy không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,58), thì điều kiện tiên quyết là người môn đệ phải dứt bỏ những dính bén đối với của cải là thứ có thể làm cho người môn đệ sao lãng sứ mạng loan báo Tin Mừng (x. Lc 9,1-6; 10,4). Nếu của cải có thể là một trở ngại cho những ai muốn vào Nước Thiên Chúa (x. Lc 18,24-27), thì tinh thần từ bỏ của cải hẳn phải là một trong những tiêu chí hàng đầu của người môn đệ Chúa Giêsu.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Đoạn sách Khôn Ngoan hướng dẫn con người đi vào con đường cứu độ: đó là nhìn nhận sự giới hạn của mình trong cuộc sống trần thế này; đồng thời, để cho Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa mạc khải cho biết ý định của Thiên Chúa mà vâng theo. Tác giả Thánh Vịnh làm rõ hơn khi nói rằng: Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan (x. Tv 111,10). Người ta có nhiều quan niệm khác nhau về sự khôn ngoan và cũng tìm kiếm lẽ khôn ngoan theo cách của mình. Nhưng đối với người Kitô hữu, mọi con đường khôn ngoan đích thực đều dẫn người ta đến Thiên Chúa, Đấng là đầu mối mọi lẽ khôn ngoan.

2/ Cách ứng xử của thánh Phaolô đối với số phận của một người nô lệ vừa cho thấy sự khôn ngoan, tinh tế và khéo léo của thánh nhân, vừa cho thấy tấm lòng mục tử tuyệt vời đối với đàn chiên được trao phó cho mình. Sự khôn ngoan và lòng nhân ái của thánh Phaolô đã giúp giải quyết một vấn đề tế nhị cách nhân bản và đầy tinh thần Tin Mừng. Trước biết bao tình huống éo le, tế nhị trong cuộc sống thường ngày, người Kitô hữu cũng cần học cách hoá giải bằng sự khôn ngoan trong tinh thần bác ái của Tin Mừng.

3/ Trong khi người đời vẫn khao khát tìm kiếm lẽ khôn ngoan theo kiểu thế gian, là có được gia đình đầy đủ, mạng sống được bảo đảm an toàn và có sự sung túc về của cải vật chất, thì những ai theo Chúa Giêsu lại được mời gọi đi con đường ngược dòng là đặt Chúa lên trên các mối tương quan riêng tư, chấp nhận từ bỏ những tiện nghi vật chất, để chuyên chăm tập trung cho sứ mạng loan báo Tin mừng Nước Trời, đến nỗi sẵn sàng chấp nhận con đường thập giá, thậm chí thiệt cả mạng sống. Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá thật sự là lẽ khôn ngoan điên rồ của Thiên Chúa, nên dù bị xem là điện dại nhưng lại là sự khôn ngoan vượt xa cái khôn ngoan của loài người; dù bị xem như mất mát và yếu đuối trong mắt thế gian nhưng lại là sức mạnh vượt thắng sự mạnh mẽ của thế gian (x. 1 Cr 1,17-25). Người Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm và chiếm hữu lẽ khôn ngoan đó.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Từ bỏ mọi sự và vác thập giá hằng ngày là đòi hỏi tiên quyết đối với những ai muốn trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Với niềm xác tín và quyết tâm theo Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin.

1. Thiên Chúa luôn ban Thánh Thần để soi sáng và hướng dẫn Hội Thánh của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo hoàng Phanxicô và các Đức Giám mục của chúng ta luôn chu toàn vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2. Hạnh phúc đích thực của con người là được sống đúng với phẩm giá của mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhà cầm quyền các quốc gia trên thế giới biết tôn trọng tự do và phẩm giá con người, luôn dành mọi ưu tiên cho lợi ích và hạnh phúc của người dân.

3. Chúa nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng những người trẻ, luôn can đảm trước mọi thử thách, biết dùng khả năng và nhiệt huyết Chúa ban để dấn thân phục vụ Tin Mừng.

4. Trong Đức Kitô, tất cả các Kitô hữu đều hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn đồng tâm nhất trí và tích cực cộng tác với nhau trong những hoạt động nhằm xây dựng và mở mang Nước Trời.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn soi sáng và hướng dẫn chúng con qua Chúa Thánh Thần, xin nhận lời con cái khẩn cầu mà nâng đỡ chúng con trong nỗ lực từ bỏ để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.