25/11/2024

Lũ Campuchia cao nhưng khó ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long

Lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn An Giang cho rằng dù nước lũ phía Campuchia nhiều bất thường nhưng hiện tại lũ đầu nguồn ĐBSCL đang còn dưới báo động I và nước trên 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu đang rút, khó ảnh hưởng đến ĐBSCL.

 

Lũ Campuchia cao nhưng khó ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long

Lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn An Giang cho rằng dù nước lũ phía Campuchia nhiều bất thường nhưng hiện tại lũ đầu nguồn ĐBSCL đang còn dưới báo động I và nước trên 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu đang rút, khó ảnh hưởng đến ĐBSCL.


 

Lũ Campuchia cao nhưng khó ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Người dân đang tranh thủ nước lớn để đánh bắt cá trên sông Hậu – Ảnh: BỬU ĐẤU

 

Ngày 3-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ông Châu Văn Chi – chủ tịch Tổng hội Khmer Việt tại Campuchia cho biết đã cho rà soát lại đời sống của người Khmer gốc Việt tại các tỉnh phía Bắc Campuchia trước tình hình nước lên nhanh. 

Tại tỉnh Kratie, ông Trần Văn Sách, chủ tịch Hội Khmer Việt tại tỉnh này, thông tin mấy ngày qua mưa lớn liên tục, mực nước sông dâng cao nhanh chóng. Hiện tại, đời sống của người dân đã bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động buôn bán đã bị ngưng trệ.

“Hiện tại, nước đã lên tới sàn nhà và lên quá nhanh, nếu bà con mà chủ quan sẽ bị thiệt hại khó lường”, ông Sách nói.

Còn tại tỉnh biên giới Stung Treng của Campuchia giáp tỉnh Champasak của Lào, nước dâng cao đã bắt đầu đe dọa đến nhà cửa của nhiều hộ dân. Bà Srey Mao nói nước lên trễ nhưng dâng cao như thế này là chuyện hiếm.

“Năm rồi, dân ở đây bị ngập phải nhờ chính phủ cứu trợ. Năm nay, nước lên không theo quy luật, khan hiếm đầu mùa rồi bất ngờ dâng lên sẽ khiến trở tay không kịp”, bà Srey Mao nói thêm.

Tại Biển Hồ, người dân ở đây cũng cho biết nước đã lên nhưng thấp hơn mọi năm. Tâm lý người dân, chủ yếu là người gốc Việt làm nghề đánh cá, đợi nước từ phía Bắc chảy về Biển Hồ mang theo nguồn lợi thủy sản.

“Nói vậy chứ cá làm sao sinh sản kịp. Thời điểm sinh sôi lại không có nước, tới khi có nước thì đã lỡ mùa. Biển Hồ năm nay ít cá lắm”, ông Trần Văn Ly, Hội Khmer Việt ở tỉnh Pursat cho biết.

Trong khi đó, theo bản tin dự báo thủy văn của tỉnh An Giang ngày 3-9, mực nước trên các trạm sông Tiền ở Tân Châu đo được 2,58m, thấp hơn báo động I là 0,92m.

 

Tại trạm sông Hậu ở Châu Đốc đo được 2,28m, thấp hơn báo động I là 0,72m. Dự báo ngày mai 4-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,56m (giảm 0,02m) và tại trạm sông Hậu ở Châu Đốc là 2,24m (giảm 0,04m so với ngày 3-9).

Lũ Campuchia cao nhưng khó ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Cánh đồng ruộng tràn ngập nước của huyện Phú Tân (An Giang) sau khi xả lũ vào – Ảnh: BỬU ĐẤU

 

Nói về việc tình hình nước sông Mekong dâng nhanh đe dọa nhiều địa phương phía Campuchia, ông Lưu Văn Ninh – giám đốc Đài Khí tượng thủy văn An Giang, cho rằng khu vực đầu nguồn An Giang phụ thuộc chính vào trạm Kratie và một phần trạm Stung Treng trên sông Mekong (Campuchia).

Dù nước ở các tỉnh phía trên Campuchia có nhiều nhưng ngược lại trên Stung Treng cũng có nhiều đập thủy điện nên chưa biết họ vận hành đập thủy điện như thế nào.

“Mực nước từ nay đến 8-9 vẫn đang xuống chậm (tức là nước rút) chứ không thể nào tăng đột biến dù trên Campuchia nước nhiều. Hiện tại, mực nước ở trạm Kratie vẫn tăng ít. Khả năng 4, 5 ngày nữa vẫn không có gì nguy hiểm đối với vùng đầu nguồn ở An Giang. Vì mực nước tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc đều đang dưới mức báo động I nên không có gì phải lo sợ”, ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, trước tình hình này, dự báo đến ngày 9-9 tới thì mới biết mực nước ĐBSCL có thay đổi hay không. Nếu vài ngày tới mực nước tại trạm Kratie có thay đổi thì mới có nhận định cập nhật.

 

 

TIẾN TRÌNH – BỬU ĐẤU