24/01/2025

Chúa Nhật XXII C: Chúa Giêsu Kitô, mẫu gương khiêm hạ

Bài học chung cho những ai biết vượt qua cách hành xử thông thường mà học lấy cách hành xử của Chúa Giêsu, vì chính Người đã chọn chỗ rốt nhất và như thế, không ai có thể lấy mất chỗ đó của Người. Đây là quy tắc căn bản của Tin Mừng mà Đức Giêsu đã sống đến độ phải cúi xuống mà rửa chân cho các môn đệ.

 

 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – C

(Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14)

CHÚA GIÊSU KITÔ – MẪU GƯƠNG KHIÊM HẠ

Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;

còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Hc 3,17-18.20.28-29)

    Được trích từ bộ sưu tập các châm ngôn trong sách Huấn Ca, bài đọc 1 hôm nay là những lời khuyên nhủ con người không được kiêu ngạo, nhưng phải biết khiêm tốn trong cuộc sống thường ngày. Đây không chỉ đơn thuần là quy tắc sống luân lý, nhưng còn mang động cơ và chiều kích tôn giáo: khiêm hạ là làm đẹp lòng Thiên Chúa; khiêm hạ là tôn vinh Người.

2. Bài đọc II (Dt 12,18-19.22-24a)

    “Chớ từ chối không nghe Đấng phán dạy” (c.25). Câu khuyến dụ này không nằm trong đoạn trích hôm nay, nhưng nó đi liền theo sau và làm nổi bật ý nghĩa của đoạn văn. Thật ra, đây là những lời kêu gọi lòng trung tín của những người đang lo lắng về những cuộc bách hại, và họ có nguy cơ muốn quay về lối sống xưa cũ của Do Thái giáo. Vì thế, lá thư đã làm cuộc so sánh giữa Giao ước cũ với Giao ước mới. Những dấu chỉ của Giao ước cũ có tính cách “trần thế”, vật chất như: lửa, mây mù, bóng tối và giông tố. Những dấu chỉ này không gì khác hơn là làm sợ hãi những người con dân Israel, đến nỗi họ phải van xin “đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa”(c.19).

    Trái lại, những dấu chỉ khởi đầu của Giao ước mới hoàn toàn trái ngược. Thực tại “thế trần” nhường chỗ cho thánh thiêng, Sion trở thành Giêrusalem thiên quốc, là thành đô của Thiên Chúa hằng sống, nơi chúng ta cùng kết hợp với các thiên thần và các thánh mà ca tụng Thiên Chúa.

    Cuối cùng, trong tất cả mọi sự, Chúa Giêsu là trung tâm, là “Trung gian Giao ước mới”, Đấng xét xử mọi người trong cả hoàn vũ.

    Bối cảnh của bức thư giúp chúng ta hiểu rằng: mặc dù phải trải qua những cuộc bách hại khốc liệt, nhưng chúng ta không được nhìn lại phía sau, và dính bén với những biểu tượng và Giao ước xưa cũ, vốn sẽ kết thúc nơi trn thế này. Trái lại, chúng ta phải tiếp tục lắng nghe Đức Giêsu là Đấng dẫn đưa chúng ta về quê trời.

3. Bài Tin Mừng (Lc 14,1.7-14)

    Thoáng đọc qua, đoạn trích có vẻ như là một bài huấn dụ khôn ngoan khi kêu gọi lối sống khiêm hạ, không ngồi tức thì nơi chỗ tốt nhất… Thực tế, đằng sau lời khuyên đó là một quy luật về Nước Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy qua nhiều cấp độ khác nhau:

  – Tại nhà người Pharisêu nơi Chúa Giêsu đang ngồi bàn là lời dạy liên quan đến cách hành xử của Chúa Giêsu. Đây là một bài học đạo đức răn dạy về việc tìm kiếm thế danh.

  – Tại các cộng đoàn Kitô hữu: với họ, thánh Luca nhắc về lời dạy của Chúa Giêsu, nhằm khuyên các Kitô hữu đừng ganh đua và khinh rẻ các Kitô hữu gốc ngoại giáo hay những người nghèo khổ (xem thêm Cr 11,21-22).

  – Với tất cả các Kitô hữu: là bài học chung cho những ai biết vượt qua cách hành xử thông thường mà học lấy cách hành xử của Chúa Giêsu, vì chính Người đã chọn chỗ rốt nhất và như thế, không ai có thể lấy mất chỗ đó của Người. Đây là quy tắc căn bản của Tin Mừng mà Đức Giêsu đã sống đến độ phải cúi xuống mà rửa chân cho các môn đệ.

    Đây còn là một lời mời gọi sống đức ái với người nghèo khổ, và không lưu tâm đến việc mình làm được trả ơn hay lấy tiếng. Đó cũng là tinh thần của Tám Mối Phúc.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Khiêm hạ là làm đẹp lòng Thiên Chúa. Khiêm hạ là tôn vinh Người. Lời dạy từ sách Huấn Ca giúp tôi hiểu trọn vẹn ý nghĩa của cách sống khiêm nhường. Và như thế, những lần tôi cao ngạo không những tôi làm mất lòng anh em, mà còn cả đến Thiên Chúa, vì tất cả, dù giàu sang hay nghèo hèn, đều là con cái Thiên Chúa. Vậy tôi có sẵn sàng là một bài ca tán tụng Thiên Chúa bằng cuộc sống đơn sơ khiêm nhường của tôi?

2. Giao ước mới giúp con người cởi bỏ bản tính xưa cũ và hướng về những giá trị Nước Trời. Nhìn lại đời sống mình, tôi thấy tôi đã được chi phối bởi những giá trị Nước Trời hay những giá trị chóng qua của trần thế?

3. Hãy trở nên bé nhỏ và làm ơn cho những kẻ bé nhỏ. Lời dạy Chúa Giêsu hôm nay tuy có vẻ đơn giản, nhưng lại đụng chạm trực tiếp đến cách sống hảo danh vô bổ của người đời. Trong đời sống đạo, có bao giờ lối sống này theo đuổi và bám chặt vào tôi, khi luôn muốn mọi người chân nhận công trạng của mình, và đôi khi sự mong muốn này còn nhắm đến cả Thiên Chúa?

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian nêu gương sống khiêm nhường phục vụ, và mời gọi chúng ta noi theo để được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết cầu xin.

1. Hội Thánh được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu thế của Chúa Kitô. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh, cách riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các Giám mục của chúng ta, luôn hăng say phục vụ Tin Mừng và sống hết mình vì phần rỗi mọi người.

2. “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Chúng ta cùng cầu xin cho tất cả những ai đang giữ vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như xã hội, luôn khiêm tốn chân thành với mọi người, không lạm dụng quyền lực, và biết đặt lợi ích chung lên trên quyền lợi riêng tư.

3. Tham vọng và ích kỷ đã gây bao thương tích cho đời sống gia đình và xã hội. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang đau khổ vì sự ích kỷ của người khác, tìm được niềm vui và nguồn an ủi nơi Chúa Giêsu Kitô là Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

4. Khiêm nhường và bác ái là phương thế hữu hiệu để người tín hữu nên trọn lành. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết trung thành thực thi Lời Chúa dạy: chân thành yêu thương nhau và luôn tôn trọng phẩm giá của người khác.

Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng quyền năng cao cả, xin đoái thương chúc lành cho những ý nguyện của chúng con. Xin giúp chúng con luôn tích cực sống khiêm nhường bác ái, như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.