26/11/2024

Cấp cứu “lá phổi xanh” Amazon

Vụ cháy rừng Amazon ở Brazil đã lan rộng thành cuộc khủng hoảng quốc tế, trong đó nhiều nước kêu gọi khẩn cấp cứu “lá phổi xanh của trái đất”.

 

Cấp cứu “lá phổi xanh” Amazon

Vụ cháy rừng Amazon ở Brazil đã lan rộng thành cuộc khủng hoảng quốc tế, trong đó nhiều nước kêu gọi khẩn cấp cứu “lá phổi xanh của trái đất”.


 
 

Máy bay quân sự Brazil phun nước xuống vùng rừng bị cháy
 
 /// Ảnh: Reuters

Máy bay quân sự Brazil phun nước xuống vùng rừng bị cháy   Ảnh: Reuters

 

 
Tính đến hôm qua, các lực lượng Brazil và những nước lân cận vẫn vất vả đối phó với hàng loạt đám cháy đang thiêu rụi dần khu rừng nhiệt đới Amazon. Tại bang Rondonia, các máy bay quân sự đổ hàng ngàn lít nước xuống những tán rừng mù mịt khói trong khi lực lượng cứu hỏa bên dưới cố gắng thu hẹp đám cháy lại thành những vùng nhỏ, theo Reuters. Số liệu do Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) của Brazil công bố cho thấy gần 80.000 vụ cháy đã xảy ra tại nước này kể từ đầu năm, trong đó đa phần là ở khu vực rừng Amazon.
 

 
Là nước sở hữu khoảng 60% diện tích rừng Amazon, Brazil đang trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì thái độ dửng dưng trước đó của chính quyền đối với vấn đề chung của hành tinh. Các nhà hoạt động vì môi trường cho rằng chính việc khai phá rừng nhiệt đới để lấy gỗ và đốt rừng để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đã khiến cho số vụ cháy gia tăng và diện tích rừng ngày càng giảm. Tỷ lệ khai phá rừng đã tăng 67% từ tháng 1 – 7.2019 so với cùng giai đoạn năm ngoái. Bên cạnh đó, số vụ cháy rừng cũng nhảy vọt lên mức cao nhất từ năm 2013, trong đó bang Amazonas tăng đến 146%. Người dân tại Rondonia và Amazonas nói chưa từng thấy đám cháy nghiêm trọng nào như năm nay, trong khi nhà hoạt động Rosana Villar của Tổ chức Hòa bình xanh miêu tả khu rừng “giống như nghĩa địa vì toàn bộ những gì có thể thấy là chết chóc”, theo CNN.
 

Cấp cứu “lá phổi xanh” Amazon - ảnh 1

Các đám cháy đang thiêu rụi diện tích lớn rừng Amazon     Ảnh: AFP

 

Giới hoạt động vì môi trường đã chỉ ra mối liên hệ giữa thái độ thờ ơ của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro với sự gia tăng số đám cháy rừng tại Amazon. Một số bên còn cáo buộc nhà lãnh đạo ngầm ủng hộ việc khai phá rừng để canh tác trong khi BBC phân tích số liệu cho thấy số vụ cháy rừng ngày càng tăng diễn ra trùng thời điểm với sự giảm mạnh số trường hợp vi phạm về môi trường bị xử phạt.
 
Tổng thống Bolsonaro gần đây chỉ trích INPE cố tình làm tổn hại đến chính quyền khi công khai những số liệu về cháy rừng. Ông nói rằng cháy rừng xảy ra vào mùa khô là chuyện bình thường và chỉ trích các nước can thiệp vào vấn đề nội bộ của Brazil.
 

Những phát ngôn này ngay lập tức bị cộng đồng quốc tế phản ứng kịch liệt. Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức tại Brazil và một số nước để kêu gọi chính quyền Brazil hành động mạnh mẽ hơn chống cháy rừng, trong khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo EU khó có thể phê chuẩn thỏa thuận thương mại với nhóm các nước Nam Mỹ Mercosur (gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) nếu Brazil chưa dập được lửa. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Mika Lintila hồi tuần trước lên án việc phá rừng Amazon và kêu gọi cấm nhập khẩu thịt bò Brazil để răn đe.
 

 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi vụ cháy là “cuộc khủng hoảng quốc tế” và hối thúc các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị G7 hồi cuối tuần qua đưa ra giải pháp ứng phó. Phát biểu tại hội nghị hôm 25.8, Tổng thống Macron nói các nước sắp đạt được thỏa thuận để giúp chữa cháy và khôi phục diện tích rừng bị tàn phá ở Amazon nhưng không nêu nội dung cụ thể. Trong khi đó, lãnh đạo một số nước như Mỹ, Israel tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Brazil trong việc đối phó với khó khăn, còn Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 26.8 cam kết đóng góp 10 triệu bảng (283 tỉ đồng) cho việc khôi phục vùng rừng bị thiêu rụi.
 

Trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, Tổng thống Bolsonaro hồi cuối tuần trước ra lệnh triển khai quân đội tham gia chữa cháy. Bộ Quốc phòng nước này cho biết 44.000 lính đã được huy động hỗ trợ tại 7 tiểu bang có rừng Amazon. Các nước lân cận như Paraguay hay Bolivia cũng đang nỗ lực đối phó với các đám cháy thiêu rụi một diện tích lớn rừng mưa ở các nước này. Theo AFP, Tổng thống Bolivia Evo Morales hôm 25.8 thông báo hoãn chiến dịch vận động tranh cử để tập trung cứu hoả và tuyên bố sẵn sàng nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ cộng đồng quốc tế cho rừng Amazon.
 
Với diện tích khoảng 5,5 triệu km2, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, góp phần quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu vì giúp hấp thụ lượng lớn khí thải CO2. Theo thống kê, rừng Amazon cung cấp 20% lượng ô xy cho hành tinh và còn là nơi sinh sống của 1 triệu người bản xứ từ 500 bộ lạc, cùng hàng triệu loài động thực vật. Nhà khoa học về khí hậu Carlos Nobre thuộc Viện Hàn lâm khoa học Brazil cảnh báo 15 – 17% diện tích rừng mưa Amazon đã bị phá hủy và khu rừng có thể chuyển sang giai đoạn chết dần và biến thành dạng rừng cỏ thưa như ở châu Phi nếu diện tích bị hủy hoại lên mức 20 – 25%, theo Reuters.