Cháy rừng Amazon ảnh hưởng gì đến thế giới?
Số vụ cháy rừng kỷ lục ở rừng Amazon trong 8 tháng đầu năm 2019 đã khiến dư luận cả thế giới lo ngại. Tổng thống Brazil đã phải huy động quân đội tham gia hỗ trợ chiến dịch dập lửa.
Cháy rừng Amazon ảnh hưởng gì đến thế giới?
Số vụ cháy rừng kỷ lục ở rừng Amazon trong 8 tháng đầu năm 2019 đã khiến dư luận cả thế giới lo ngại. Tổng thống Brazil đã phải huy động quân đội tham gia hỗ trợ chiến dịch dập lửa.Hãng tin Reuters vừa có bài viết cung cấp thông tin lý giải vì sao thảm hoạ cháy rừng Amazon lại là khủng hoảng với Brazil và toàn nhân loại.
Vì sao Amazon quan trọng?
Rừng Amazon có tới 60% diện tích thuộc lãnh thổ Brazil. Đây cũng là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nó là vùng đa dạng sinh học nổi bật bậc nhất thế giới, với rất nhiều loại động, thực vật sinh sống.
Khu rừng này hấp thụ một lượng lớn khí carbon dioxide trên thế giới, một loại khí nhà kính được cho là nhân tố lớn nhất gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
Do đó các nhà khoa học cho rằng việc bảo tồn rừng Amazon là điều kiện sống còn để đối phó với tình trạng quả đất đang nóng lên.
Cháy rừng tồi tệ mức nào?
Số vụ cháy rừng trên toàn lãnh thổ Brazil đã chạm tới mức cao nhất, ít nhất tính từ năm 2013 tới nay. Theo thống kê của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Brazil (INPE), tính tới ngày 23-8, tỉ lệ các vụ cháy rừng đã tăng 84% nếu so với cùng kỳ một năm trước.
Cụ thể, đã có 78.383 vụ cháy rừng xảy ra tại Brazil tới nay, trong đó đáng nói là khoảng một nửa trong đó chỉ xảy ra trong tháng 8.
8 trong số 9 bang có rừng Amazon của Brazil đã ghi nhận số vụ cháy rừng tăng, trong đó bang Amazonas có số vụ lớn nhất, tăng 146%.
Cùng với đó, các cư dân sống tại các bang Rondonia và Amazonas đều cho rằng mặc dù họ vẫn thấy rừng Amazon bị cháy mỗi năm, song chưa bao giờ tình trạng đó tồi tệ như năm nay. Các đám mây khói bao phủ toàn khu vực.
Nguyên nhân cháy rừng
Các đám cháy ở Amazon chủ yếu bắt nguồn từ việc đốt phát quang đất rừng. Sau khi khai thác gỗ, các nhà đầu tư sẽ đốt bỏ các cây cỏ còn lại với hi vọng có thể bán cho nông dân và những người chăn nuôi.
Khu vực có rừng Amazon cũng đã bước vào mùa khô được nhiều tháng. Đây cũng là thời điểm các đám cháy rất dễ bùng phát vượt tầm kiểm soát.
Tuy nhiên các nhà môi trường cho rằng việc đốt rừng dọn đất còn được tăng thêm thời gian qua vì những người chủ đất cho rằng họ đã thấy Tổng thống Brazil, ông Bolsonaro, kêu gọi phát triển thêm ở khu vực Amazon, do đó nghĩ rằng việc đốt rừng của mình sẽ không bị phạt.
Vì thực tế đó, trong 7 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ phá rừng đã tăng 67%, chỉ riêng trong tháng 7 tăng hơn 3 lần. Các nhà môi trường học tin rằng những người phá quang rừng cũng chính là những người đã châm lửa đốt.
Chính phủ phản ứng ra sao?
Ông Bolsonaro thoạt đầu cho rằng những đám cháy rừng ở Amazon là bình thường. Sau đó, ông lại cáo buộc các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã đốt rừng nhằm gây tổn thất và hạ bệ uy tín chính quyền của ông.
Dù vậy ông Bolsonaro vẫn chưa trưng ra bất cứ bằng chứng nào và sau đó, ông đã buộc phải rút lại cáo buộc.
Tổng thống Brazil tuyên bố nước ông không có đủ nguồn lực để dập tắt các đám cháy rừng trên một khu vực rộng lớn như Amazon.
Tuy nhiên ông Bolsonaro cũng cảnh báo các nước khác không can thiệp vào vấn đề này, cho rằng tiền hỗ trợ của nước ngoài là nhằm vào phá hoại chủ quyền của Brazil.
Chính phủ Brazil cũng đã huy động quân đội tham gia dập lửa. Nhiều bang có rừng Amazon cũng đã yêu cầu giúp đỡ. Hiện chưa rõ bao nhiêu lực lượng vũ trang được huy động và hiệu quả như thế nào.
Tuần hành tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil ngày 25-8 kêu gọi bảo vệ rừng Amazon nhiều hơn nữa – Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo thế giới nói gì?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích chính phủ Brazil đã không nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo vệ khu rừng là lá phổi của nhân loại.
Văn phòng tổng thống Pháp thậm chí còn nêu quan điểm họ sẽ phản đối việc phê chuẩn cuối cùng với thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur, vì ông Bolsonaro đã nói dối về những vấn đề quan ngại môi trường tại hội nghị thượng đỉnh G20, thời điểm thỏa thuận thương mại vừa nêu lần đầu đạt được đồng thuận.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ quan điểm rất lo ngại về tình trạng rừng Amazon bị phá hủy. Song cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng việc ngăn chặn thỏa thuận thương mại không phải cách phản ứng đúng đắn.
Ngày 25-8, Tổng thống Pháp Macron cho biết các nước Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh và Canada sẽ chốt một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 về “việc hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật” cho những nước bị ảnh hưởng trong đợt cháy rừng Amazon, trong đó có Brazil.
Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho ông Bolsonaro, đề nghị hỗ trợ, nhưng giới quan chức Brazil sau đó cho biết họ sẽ không hợp tác với Washington trong việc giải quyết khủng hoảng cháy rừng.
Cháy rừng Amazon và ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học sợ rằng nếu tình trạng mất rừng tại Amazon vẫn cứ tiếp diễn, có thể đẩy tới mức cực đoan, hay còn gọi là “điểm bùng phát” (tipping point), mà sau đó toàn bộ khu vực này sẽ bước vào giai đoạn biến đổi từ rừng nhiệt đới thành rừng xavan (chỉ gồm cỏ, cây bụi và rất ít cây lớn).
Nhà khoa học khí hậu Brazil, ông Carlos Nobre, tin rằng có tới 15-17% toàn bộ diện tích rừng Amazon đã bị phá hủy. Thoạt đầu, giới khoa học cho rằng điểm bùng phát sẽ xảy ra khi tỉ lệ này là 40%.
Tuy nhiên điều đó đã thay đổi cùng với tình trạng nhiệt độ trái đất tăng lên, nhiệt độ tại khu vực Amazon cũng tăng lên, kèm theo đó là số vụ cháy rừng cũng tăng. Vì thế, chuyên gia Nobre ước tính điểm bùng phát có thể xảy tới khi tỉ lệ mất rừng Amazon là 20-25%.
Và khi kịch bản tồi tệ nhất này xảy ra, khoảng 20 tỉ tấn carbon dioxide sẽ bị thải vào không khí, theo ông Nobre, khiến cho toàn nhân loại khó có cách nào duy trì được mức nhiệt tăng lên toàn cầu trong giới hạn từ 1,5 – 2 độ C, một giới hạn để tránh những ảnh hưởng tồi tệ của biến đối khí hậu.