Chúa nhật XXI TN C 2019: Ơn cứu độ dành cho mọi người
Hiểu được ơn cứu độ phổ quát, chúng ta sẽ cởi mở hơn đối với những anh chị em theo những tôn giáo khác và an tâm hơn khi nghĩ đến những người đã khuất mà chưa tin theo Chúa Giêsu khi họ còn sống.
Chúa nhật XXI TN C 2019
Ơn cứu độ dành cho mọi người
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh Chúa nhật tuần XXI này như mời gọi ta suy nghĩ về việc Chúa muốn cứu độ mọi người. Đó là tính cách phổ quát của ơn cứu độ. Hiểu được ơn cứu độ phổ quát, chúng ta sẽ cởi mở hơn đối với những anh chị em theo các tôn giáo khác và an tâm hơn khi nghĩ đến những người đã khuất mà khi sống chưa tin theo Chúa Giêsu.
1. Những câu hỏi chưa biết trả lời
1.1. Quan niệm khe khắt, hẹp hòi
Một số người Công giáo hiện nay vẫn cho rằng: “Chỉ có đạo của mình là đạo thật, còn tất cả những đạo khác đều giả dối. Chỉ có Chúa mình thờ là Thiên Chúa thật, còn thần linh của các tôn giáo khác là những ngẫu tượng, nên chỉ có ai tin theo Chúa Giêsu như mình mới được vào thiên đàng, còn những người khác phải sa hoả ngục”. Đây là một quan niệm rất sai lầm.
Trái đất hiện đang có 7,7 tỉ người, trong đó có khoảng 2,4 tỉ tin theo Đức Giêsu. Số còn lại theo hàng trăm tôn giáo khác nhau. Theo tổng điều tra dân số toàn quốc vào ngày 1/4/2019, Việt Nam có 96,2 triệu người theo 13 tôn giáo khác nhau. Tiếc rằng yếu tố tôn giáo trong lần điều tra này không được quan tâm, nên trong dịp công bố kết quả vào ngày 11/7/2019 vừa qua, chính quyền không đưa ra số liệu về các tôn giáo ở Việt Nam. Nếu căn cứ theo số liệu lần tổng điều tra 10 năm về trước, đông nhất có 6,8 triệu người theo Phật giáo, chiếm 7,92%; Công giáo xếp thứ hai với 5,6 triệu, chiếm 6,61%. Tổng số người theo 13 tôn giáo là hơn 15 triệu người, chiếm 18,23%. Như thế hơn 81% còn lại khai mình không tôn giáo, trong đó có rất nhiều người thờ kính ông bà, tổ tiên. Vậy những người không theo tôn giáo có nhận được ơn cứu độ không?
Nhiều người Công giáo cứ ưu tư về cha mẹ, ông bà mình chưa trở lại đạo Công giáo, chết rồi thì không biết có được lên thiên đàng không hay lại vất vưởng ở một nơi nào đó. Nhiều người ngoài Công giáo muốn theo Đức Giêsu, nhưng lại sợ làm thế là đắc tội với Đức Phật, với thần thánh, là bỏ mặc ông bà tổ tiên, sợ bị Thần Phật trả thù, gây hoạ. Nhiều người tự nhận là mình không theo một tín ngưỡng nào, chống lại những loại tôn giáo mê tín, dị đoan, nên nhiều người Công giáo không dám giao thiệp, cộng tác với họ dù trong những công việc từ thiện, bác ái. Vậy khi chết rồi họ sẽ đi về đâu? Có được Chúa đón nhận vào thiên đàng không? Đó là những câu hỏi đó cần giải đáp để làm sáng tỏ đức tin của mình cho người khác.
1.2. Ơn cứu độ phổ quát qua các bài Thánh Kinh
Ngay từ thời Cựu Ước, như chúng ta vừa nghe qua bài đọc I (x. Is 66,18-21), tiên tri Isaia đã ghi lại Lời Chúa nói rằng: “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta”. Tiên tri đã kể ra những dân tộc ở châu Á, châu Phi và những hòn đảo xa xăm khác được Chúa chọn lựa và sai đến loan báo vinh quang Thiên Chúa. Như thế, rất nhiều dân tộc nhận được ơn Chúa cứu độ.
Trong bài Phúc Âm (x. Lc 13,22-30), Chúa Giêsu cũng trả lời cho người thắc mắc về số người được cứu độ vì cho rằng số ấy chắc là ít, và nghĩ rằng đó phải là những người tin vào Thiên Chúa, đang cùng ở trong nhóm của mình, đã từng được nghe Chúa giảng dạy, được ăn uống trước mặt Người. Nhưng Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Có rất nhiều người từ Đông, Tây, Nam, Bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa cùng với ông Abraham, Isaac và Jacob. Còn chính họ sẽ bị đuổi ra ngoài vì họ là những kẻ làm điều bất chính”. Như thế, những người được vào Nước Thiên Chúa không phải chỉ cần mang danh Kitô hữu như dự lễ đọc kinh, nhưng phải sống lương thiện.
Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Tín lý Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân) số 16, đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Những người không biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Hội Thánh Người mà không do lỗi của họ, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ân sủng, cố gắng chu toàn thánh ý của Ngài bằng các công việc theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời. Cả những người không vì lỗi của mình mà chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng cố gắng sống đời chính trực, dĩ nhiên là với ơn Chúa, thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ” (x. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 847-848).
2. Niềm vui vì ơn cứu độ phổ quát
2.1. Ơn cứu độ là gì?
Khi nói đến ơn cứu độ, người ta thường nghĩ ngay đến việc được Thiên Chúa hay thần thánh cứu khỏi cơn hoạn nạn, nghèo khổ hay khó khăn nào đó. Theo Phật giáo, ơn cứu độ là tình trạng của con người sau khi trải qua hàng tỉ kiếp khác nhau trong vòng Luân hồi và theo luật Nhân quả, để thanh luyện chính mình, họ được đưa vào cảnh an lạc tuyệt đối, vĩnh viễn gọi là Niết Bàn để sống như Đức Phật. Anh em Hồi giáo mô tả cụ thể hơn: ơn cứu độ là đời sống trên thiên đàng, được thoả mãn mọi nhu cầu với những con sông chảy sữa và mật, với những tiên nữ xinh đẹp tuyệt vời.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo mô tả ơn cứu độ trong hằng trăm số khác nhau, nhưng ta chỉ tìm được định nghĩa ơn cứu độ trong số 38 của cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo: “Ơn cứu độ theo Công giáo là được chia sẻ sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, được kết hợp vĩnh viễn vào sự sống siêu việt của Chúa Cha và được hưởng niềm vui bất tận với biết bao nhiêu ơn phúc của Chúa Thánh Thần”.
Như thế, ơn cứu độ theo Công giáo không phải là một tình trạng sống sau khi chết mà chúng ta gọi là thiên đàng, nhưng được thực hiện ngay ở đời này và đạt tới mức viên mãn ở đời sau. Đó cũng không phải là một ơn huệ chúng ta đón nhận cách thụ động sau khi chết, nhưng là một tình trạng sống cần phải tích cực thể hiện ngay trong cuộc đời trần thế này, mà chúng ta vẫn gọi là việc xây dựng Nước Trời.
2.2. Tất cả cùng đi trên con đường Giêsu
Hôm nay, chúng ta đang được mời gọi để đạt được ơn cứu độ ấy khi chiến đấu chống lại những tham vọng và dục vọng bất chính trong con người mình cũng như những cái tiêu cực, đi ngược với giá trị Tin Mừng trong xã hội, qua lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Cửa hẹp đây là chính Chúa Giêsu vì Người nói rằng: “Tôi là cửa chuồng chiên”. Bước theo Chúa Giêsu để đi vào con đường tình yêu, con đường sự thật và sự sống, chúng ta cảm nghiệm ngay được ơn cứu độ mà Chúa muốn thực hiện cho chúng ta trong cuộc sống trần thế và được thể hiện trọn vẹn khi chúng ta vượt qua cái chết để cùng sống lại với Người.
Đức Giêsu không phải là vị lãnh đạo hô hào người ta bước theo mình để đạt được mục đích nhất thời, tạm bợ, nhưng Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Chỉ có Người mới có thể chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận của Người. Người chính là con đường dẫn tới sự thật giải phóng và sự sống thần hoá. Đức Phật Thích Ca, Đức Mohammed, nhiều đạo sĩ, thiền sư, tăng ni và tín hữu các tôn giáo đã và đang đi theo con đường đó. Họ chính là những Kitô hữu ẩn danh và còn xứng với danh Kitô hữu hơn cả chúng ta, như Thánh Giáo Hoàng Justinô I đã nhắc nhở.
Như thế, anh em Phật giáo chẳng phải là bỏ Đức Phật để theo Chúa Giêsu, mà họ chỉ đi tiếp con đường Đức Phật đã thể hiện. Nếu họ có gia nhập Công giáo theo ơn Chúa gọi, họ chẳng bỏ ai vì tất cả đang đi chung con đường Giêsu. Chắc chắn khi vượt khỏi những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian để bước vào Nước Trời, chúng ta sẽ thấy ngay sự hiện diện của Đức Phật và các thánh nhân khác, cũng như của mọi người thân yêu đã qua đời, dù họ chưa gia nhập đạo Công giáo vì Cha Trên Trời đã dựng nên tất cả và muốn cứu độ tất cả.
Lời kết
Hiểu được ơn cứu độ phổ quát như thế, chúng ta sẽ thấy mình cần phải nghiêm trang hơn khi vào các thăm nơi thờ tự của các tôn giáo khác, hay khi đứng trước mồ mả của người đã khuất vì tất cả đang cùng ta chia sẻ ơn cứu độ vĩnh hằng.