26/11/2024

Loài muỗi đã thay đổi loài người ra sao

Loài muỗi, chúng tàn sát tổ tiên của chúng ta và làm chệch hướng lịch sử loài người, nhưng không chỉ có thế.

 

Loài muỗi đã thay đổi loài người ra sao

Loài muỗi, chúng tàn sát tổ tiên của chúng ta và làm chệch hướng lịch sử loài người, nhưng không chỉ có thế.
 
 
 
 

Loài muỗi đã thay đổi loài người ra sao - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết, tranh của Émile Charles-Bitte – Ảnh: Wikimedia

 

Năm 1698, 5 chiếc tàu rời Scotland mang theo những kiện hàng hóa gồm tóc giả, đồ len, lược ngà, Thánh kinh và 25.000 đôi giày da. Thậm chí có cả một cái máy in, mà 1.200 người định cư ở thuộc địa đang háo hức chờ đợi.

Để có chỗ cho hàng hóa, khẩu phần thực phẩm và đồ nông cụ giảm xuống một nửa. Điểm đến của những chiếc tàu là vùng Darien thuộc Panama, nơi công ty Scotland hi vọng lập một trung tâm thương mại sẽ nối eo đất đó và thống nhất các đại dương trên toàn thế giới, mở ra những triển vọng kinh tế cho một vương quốc độc lập cứng cỏi sau nhiều năm vật lộn với nạn đói. Kế hoạch đấy rất được lòng dân ở quốc gia đang tuyệt vọng, thu hút nhiều nhà đầu tư, từ các nghị sĩ cho tới nông dân nghèo.

Người ta ước tính từ 1/4 tới một nửa toàn bộ tài sản ở Scotland thời bấy giờ đã đi theo chuyến tàu tới Panama.

Loài săn mồi chết chóc nhất

Nhưng chuyến thám hiểm đã thất bại. Những người di cư mắc bệnh sốt vàng da và sốt xuất huyết nhiệt đới mà cơ thể họ không có sức đề kháng, bắt đầu chết tới hàng chục người mỗi ngày.

“Những từ được nhắc đi nhắc lại tới mức gây buồn nôn trong nhật ký, thư từ và ghi chép của người định cư Scotland là muỗi, sốt, đau đớn, và chết” – sử gia Timothy C. Winegard viết trong cuốn sách mới của ông The Mosquito: A Human History of Our Deadliest Predator (tạm dịch: “Muỗi: Một lịch sử nhân loại về loài săn mồi chết chóc nhất của chúng ta”).

Sau 6 tháng, khi thủy thủ đoàn đã chết một nửa, những người còn sống – trừ những ai quá yếu bị bỏ lại trên bờ – trở về tàu và quay đầu về phương bắc. Nhưng họ vẫn tiếp tục chết, thi thể bị ném xuống biển. Khi một đoàn cứu hộ tới Darien, họ không còn thấy những mái tóc giả, lược ngà và giày nữa, mà chỉ còn cái máy in chỏng chơ trên bãi biển không người.

Nhưng theo Winegard, cuộc viễn trình đã để lại những kết quả lâu dài: món nợ quá lớn từ vụ đầu tư thất bại khiến Scotland cuối cùng phải chấp nhận liên kết với Anh. Những con muỗi ở Darien, một cách không ngờ, đã dẫn tới sự hình thành Vương quốc Anh.

Cuốn sách của Winegard đầy những câu chuyện như thế. Hóa ra muỗi là một cơn ác mộng tái đi tái lại không biết bao nhiêu lần trong lịch sử nhân loại (và cả trước đó nữa: Winegard viết rằng trước khi một thiên thạch va vào Trái đất khiến khủng long tuyệt chủng, chúng đã chết dần chết mòn bởi các chứng bệnh vì muỗi rồi).

Sốt xuất huyết tàn phá Phi châu thời tiền sử tới mức dân chúng ở đó đã tiến hóa các tế bào máu hình lưỡi liềm riêng họ mới có để kháng cự. Cũng căn bệnh đó đã giết chết người Hi Lạp và La Mã cổ đại – và cả những dân tộc tìm cách chinh phục họ.

Số thương vong lên tới hàng trăm nghìn, điều thường đóng vai trò quyết định những trận chiến lớn nhất. Hippocrates quan sát thấy dịch sốt xuất huyết thường diễn ra cuối mùa hè với sự xuất hiện của chòm sao Thiên Lang, và đã gọi thời gian bệnh dịch hoành hành là “những ngày mùa hè chó chết” (“lang” là “chó”).

Năm 94 trước Công nguyên, sử gia Trung Hoa Tư Mã Thiên viết: “Miền nam Trường Giang đất thấp và khí hậu ẩm ướt; tráng đinh chết trẻ”.

Thế kỷ 3, dịch sốt xuất huyết góp phần thúc đẩy nhiều người cải theo một tôn giáo nhỏ, đang bị truy bức khắc nghiệt lúc bấy giờ, nhưng nhấn mạnh vào việc chữa lành và chăm sóc cho người đau yếu, góp phần biến Thiên Chúa giáo thành tôn giáo làm thay đổi thế giới.

Winegard tìm thấy những mô tả ở ngôi thứ nhất về chết chóc và khổ đau do các căn bệnh muỗi gây ra trong nhiều thời đại. Florence Nightingale gọi vùng đầm lầy Pontine, gần Rome, là “thung lũng Thần chết”; một nhà truyền giáo người Đức thăm miền nam Hoa Kỳ viết rằng “vào mùa xuân đây là thiên đường, vào mùa hè là địa ngục, và mùa thu là một bệnh viện”; một người sống sót của đế chế Maya trước những đại dịch hậu Columbus nhớ lại, “Mùi chết chóc bao trùm…

Tất cả chúng tôi đều thế. Chúng tôi sinh ra để chết!”. Con người đã sống và chết, cùng các căn bệnh do muỗi truyền hàng nghìn năm mà không hề hiểu tại sao. Phải tới cuối thế kỷ 19, giới khoa học mới xác định là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Những đế chế sụp đổ vì… muỗi

Winegard đặc biệt quan tâm tới những cuộc chiến tranh chinh phục và cho rằng trong phần lớn lịch sử quân sự, chết chóc do muỗi gây ra vượt xa và có tính quyết định hơn nhiều chết chóc do chiến trận.

Sốt xuất huyết có nhiều chủng, nhưng tỉ lệ sống sót thấp nhất ở những người nhiễm các chủng không quen thuộc với họ. Vì thế, dịch sốt xuất huyết không chỉ là một tai họa khu biệt, mà còn là vị thần bảo hộ với một số vùng đất.

 

15 thế kỷ trước dự án thuộc địa hóa Panama của Scotland, người La Mã từng toan tính thuộc địa hóa Scotland, để rồi phải dừng bước vì một chủng sốt xuất huyết bản địa được cho là đã giết chết một nửa trong 80.000 lính La Mã tham gia chiến dịch.

Cũng sốt xuất huyết đã hạ gục đạo quân tưởng như bất bại của Hannibal khi họ đang thẳng tiến tới Rome, bắt đoàn quân chinh phục của Thành Cát Tư Hãn phải quay đầu ở Nam Âu, ngăn những chiến binh thập tự chinh chinh phục Đất Thánh (sốt xuất huyết khiến 1/3 những kẻ này thiệt mạng), và đứng về phía dân định cư Bắc Mỹ và những người làm cách mạng Nam Mỹ trong cuộc nổi dậy chống lại các đạo quân thuộc địa – thực dân từ châu Âu.

Các nhà chiến lược quân sự, từ Saladin tới Đức quốc xã, dùng muỗi làm vũ khí chiến tranh. Ở Walcheren, Napoleon phá đập để gây ngập lụt – rồi sau đó là dịch sốt xuất huyết giết chết 4.000 lính Anh – rồi tuyên bố: “Chúng ta sẽ chống lại quân Anh bằng bệnh sốt chứ không phải thứ gì khác, thứ bệnh sẽ sớm ngấu nghiến bọn chúng”.

Cũng bệnh sốt xuất huyết đẩy những người Tin Lành Anh vào Ireland Công giáo La Mã, kéo theo nhiều thế kỷ bất ổn sau đó. Oliver Cromwell, nhà quân sự – chính trị người Anh đã chinh phạt Ireland, cũng chết vì sốt xuất huyết vào năm 1658 (ông từ chối uống ký ninh, thứ thuốc duy nhất lúc đó, vì cho rằng đó là thuốc của Công giáo La Mã).

Cuộc chinh phạt dữ dội nhất của muỗi là khi những bệnh tật cũ gặp lục địa mới. Lúc Columbus đến Tân thế giới, muỗi ở đó khó chịu nhưng không truyền bệnh. (Winegard giải thích là do cách làm nông nghiệp rất khác ở đó: việc canh tác và định cư ít hơn hẳn, dẫn tới ít phá hoại hơn với hệ sinh thái và ít tiếp xúc với động vật chăn nuôi).

Những con muỗi đã vượt Đại Tây Dương làm thay đổi tất cả. 22 năm sau khi Columbus tới, người Taino chẳng hạn, đã chết mất từ 5-8 triệu người, còn lại chỉ 26.000. Cùng đậu mùa và cúm, các bệnh do muỗi gây ra, theo ước tính của Winegard, tàn sát 95 triệu cư dân bản địa châu Mỹ, từ mức dân số khoảng 100 triệu trước khi tiếp xúc với người châu Âu.

Cũng chính vì sự cạn kiệt nguồn lao động bản địa đó đã dẫn tới buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương trở thành một ngành phát đạt (và những nô lệ da đen đầu tiên khi tới châu Mỹ, mang theo ký sinh trùng sốt xuất huyết Plasmodium falciparum, cũng đã giết chết nhiều dân châu Âu vừa tới).

Một linh mục người Pháp thế kỷ 18 viết về tỉ lệ chết do bệnh tật vì sốt xuất huyết ở những kẻ thực dân da trắng tại vùng Caribê: “Cứ 10 người Anh đi tới các đảo thì 4 người chết, người Pháp là 3, Hà Lan 3, Đan Mạch 3 và Tây Ban Nha 1”.

Tỉ lệ đó phản ánh nhân khẩu học ngày nay của vùng này: các thuộc địa cũ của Anh, Hà Lan và Pháp có dân số người gốc Phi chiếm đa số; chỉ các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha mới có dân số gốc châu Âu đáng kể.

Tổng cộng, Winegard ước tính muỗi đã giết nhiều người hơn bất kỳ nguyên nhân đơn lẻ nào khác, 52 tỉ người cả thảy, gần một nửa tổng số nhân loại từng sống trên hành tinh. Bởi thế, ông gọi bầy muỗi là “kẻ hủy diệt những thế giới”.

Các cuốn sách giải thích thế giới qua một nhân tố duy nhất là một truyền thống đã lâu đời. Cuốn của Winegard cũng có cái nhìn tập trung như thế. Ông viết rằng những dân La Mã giàu có xây nhà trên đồi để tránh muỗi, và đó là một thói tục kéo dài tới ngày nay, khi nhà trên đồi ở Mỹ hay châu Âu thường có giá cao hơn hẳn.

“Danh mục ảnh hưởng của bầy muỗi, vì thế, bao gồm cả thị trường bất động sản” – ông kết luận. Ông cũng khẳng định muỗi đã dẫn tới Đại hiến chương Magna Carta và nền dân chủ hiện đại: vua Louis VII của Pháp thất bại trong cuộc vây hãm Damascus vì mùa sốt xuất huyết 1148 khiến ông ly dị vợ là nữ công tước Eleanor xứ Aquitaine, để rồi bà này cưới vua Anh Henry II, sinh ra vua John, người đã gây sự với các quý tộc lớn dẫn tới Magna Carta.

Vào thời buổi của thuốc diệt muỗi và các đầm lầy được lấp để xây nhà này, những người sống trong máy lạnh cả ngày đã quen với sự xa xỉ chẳng phải nghĩ gì tới muỗi và những nguy cơ chúng mang theo.

Nhưng đó là giống vật vẫn giết chết hơn 800.000 người mỗi năm, chủ yếu ở Phi châu. Lời nhắc của Winegard về khả năng hủy diệt kinh hoàng của chúng là rất đúng lúc với chúng ta. Toàn cầu hóa đã giúp một thế hệ mới những bệnh truyền qua muỗi từng một thời giới hạn ở vùng nhiệt đới giờ lan đi khắp nơi.

Biến đổi khí hậu cũng đã mở rộng diện tích cư trú của loài muỗi. Một nghiên cứu gần đây cho biết trong 50 năm tới, sẽ có thêm 1 tỉ người có nguy cơ bị nhiễm các bệnh do muỗi truyền so với ngày nay.

Nhiều thế kỷ sau, thật dễ dàng cho rằng nỗ lực của người Scotland thuộc địa hoá Panama là một giấc mộng hoang đường.

Nhưng nếu nhìn lại, chính những người hiện đại chúng ta cũng đã tin rằng công nghệ mới và những khám phá mới bằng cách nào đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những ràng buộc tự nhiên. Cho tới giờ thì những con muỗi đã chứng minh rằng điều đó không đúng.

 

 

BROOKE JARVIS (The New Yorker) – CHIÊU VĂN (dịch)