25/01/2025

‘Lá phổi hành tinh’ Amazon đang cháy kỷ lục

Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) của Brazil hôm 20-8 công bố con số chấn động: 72.843 vụ cháy rừng trong 8 tháng đầu năm nay, trong đó hơn một nửa khu vực rừng Amazon, được mệnh danh là lá phổi của hành tinh.

 

‘Lá phổi hành tinh’ Amazon đang cháy kỷ lục

Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) của Brazil hôm 20-8 công bố con số chấn động: 72.843 vụ cháy rừng trong 8 tháng đầu năm nay, trong đó hơn một nửa khu vực rừng Amazon, được mệnh danh là lá phổi của hành tinh.


 

 
 

Lá phổi hành tinh Amazon đang cháy kỷ lục - Ảnh 1.

Một khoảnh rừng Amazon bị đốt bởi những người khai thác gỗ và nông dân ở Novo Airao, Brazil ngày 20-8-2019 – Ảnh: REUTERS

 

Số vụ cháy rừng tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. INPE cho biết các vụ cháy đang diễn ra với tốc độ kỷ lục tại rừng nhiệt đới Amazon.

Khói bao trùm một nửa đất nước

Bầu trời chiều thứ hai 19-8 của Sao Paulo, thành phố lớn nhất ở Nam Mỹ, chìm trong một cuộn khói khổng lồ khiến nó tối sầm sập dù đang giữa ban ngày. Independent và nhiều tờ báo quốc tế khác cho biết cuộn khói từ các đám cháy ở rừng nhiệt đới Amazon bị gió lớn thổi bay hơn 2.735km. Khói và tàn tro như một tấm chăn dày che kín không cho ánh mặt trời xuyên qua.

INPE bắt đầu giám sát rừng Amazon từ năm 2013. Từ ngày 15-8 năm nay, thông qua các hình ảnh vệ tinh, INPE xác định có 9.507 vụ cháy rừng mới ở Brazil, đa số ở lưu vực sông Amazon. Cụ thể, bang Roraima bị bao trùm trong khói đen.

Trên thực tế, ngày 9-8 bang này đã công bố tình trạng khẩn cấp ở phía nam và thủ phủ bang là Manaus. Các bang Acre, giáp Peru, bang Mato Grosso và Para cũng bị cháy rừng hoành hành nhiều ngày qua.

Chương trình vệ tinh EU Copernicus cũng công bố dữ liệu xác nhận khói từ cháy rừng Amazon bao trùm gần một nửa đất nước Brazil về hướng đông, phía Đại Tây Dương và lan sang các nước láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.

Theo Reuters ngày 21-8, cháy rừng là hiện tượng phổ biến trong mùa khô ở Brazil nhưng nhiều vụ cháy do nông dân cố tình châm lửa để xâm lấn đất rừng làm đất chăn thả gia súc.

Về các vụ cháy rừng mất kiểm soát có xu hướng lan rộng, Tổng thống Bolsonaro cho rằng đây là thời điểm nông dân Brazil đốt đồng để làm sạch đất. Ngược lại, INPE cho rằng quá nhiều vụ cháy khiến sự việc không thể giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên hay tập quán canh tác.

Mồi lửa do con người

 

Alberto Setzer, nhà nghiên cứu của INPE, nói: “Mùa khô tạo ra các điều kiện thuận lợi cho cháy rừng, nhưng châm mồi cho ngọn lửa chính là bàn tay con người, dù vô tình hay cố ý”.

Theo Thông tấn xã Brazil Agencia, ông Bolsonaro chỉ trích các cảnh báo về suy thoái rừng của INPE là có hại đến tiến trình đàm phán thương mại tự do.

Không chỉ INPE, theo kênh truyền hình CNBC, các liên minh vì môi trường ở châu Âu cũng cảnh báo thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Brazil có thể khiến tình trạng suy thoái rừng diễn biến xấu hơn, rừng bị xâm lấn nhiều hơn để lấy đất chăn nuôi gia súc.

Các nhóm môi trường từ lâu đã lên tiếng về chính sách khai thác nông nghiệp và khoáng sản trong vùng Amazon bất chấp các nguy cơ suy thoái rừng của Tổng thống Bolsonaro. Kể từ khi ông Bolsonaro trở thành tổng thống Brazil vào tháng 1-2019, theo Reuters, số lượng cháy rừng đã gia tăng kỷ lục ở khu vực Amazon.

INPE khẳng định dữ liệu vệ tinh cho thấy tốc độ suy thoái rừng tính đến tháng 6-2019 ở Brazil cao hơn cùng kỳ là 88%. Ngược lại, ông Bolsonaro cho rằng đó là “dối trá”. Đầu tháng 8-2019, Ricardo Galvao, giám đốc của INPE, bị Tổng thống Bolsonaro sa thải sau khi hai người tranh luận gay gắt về số liệu thống kê của INPE về sự gia tăng của tình trạng suy thoái rừng.

Hôm 21-8, ông Bolsonaro cũng cáo buộc thông tin báo động về cháy rừng Amazon hiện nay là do các tổ chức phi chính phủ tung ra dẫn dắt dư luận quốc tế chỉ trích chính quyền của ông. Nguyên nhân có thể do từ khi lên nắm quyền, ông đã cắt mạnh ngân sách hoạt động của các cơ quan bảo vệ môi trường ở Brazil.

Amazon suy thoái không thể cứu vãn?

Các nhà vận động về môi trường của nhiều tổ chức, trong đó có WWF, cũng cảnh báo rừng Amazon suy thoái đến mức không thể cứu vãn, nó có thể trở thành đồng cỏ khô, nhiều loài động vật hoang dã sẽ mất đi môi trường sinh sống. Lúc đó, thay vì sản xuất ra khí oxy, nó sẽ tạo ra phát thải CO2, nhân tố chính gây biến đổi khí hậu.

 

 

HỒNG VÂN