24/01/2025

Chúa Nhật XX TN C 2019: Những nhà cách mạng Công giáo

ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta: “Nếu người Kitô hữu ngày nay không phải là nhà cách mạng thì không phải là Kitô hữu”. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta thật sự là những nhà cách mạng làm cho xã hội chúng ta đổi thay một cách tốt đẹp tận gốc nhờ những giá trị và nguyên tắc mà chúng ta được Giáo Hội giới thiệu trong Học thuyết xã hội Công giáo.

 

Chúa Nhật XX TN C 2019

Những nhà cách mạng Công giáo

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Tuần qua chúng ta đã tìm hiểu về thái độ người tín hữu Kitô đi trên đường về Quê Trời như một lữ khách, nhưng không phải với thái độ thờ ơ, lãnh đạm đối với con người ở trần thế. Chúng ta tích cực xây dựng cộng đồng mình sống, xã hội mình ở với tất cả trách nhiệm để tạo nên hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người. Các bài Thánh Kinh hôm nay như gợi ý cho chúng ta điều đó.

1. Tham gia tích cực dù bị loại trừ

Tiên tri Giêrêmia trong Bài đọc I (x. Gr 38, 4-6.8-10) đã loan báo cho dân tộc Do Thái biết rằng: Thiên Chúa mời gọi họ hãy trung thành trong niềm tin tưởng vào sức mạnh của Ngài sẽ cứu thoát dân tộc thay vì chạy sang Ai Cập cầu cứu. Họ cứ việc đầu hàng quân Babylon do vua Nabuchodonosor chỉ huy đang vây hãm thành Giêrusalem, nếu không là vua sẽ đốt thành, sẽ tàn sát dân và dân Do Thái sẽ bị lưu đày. Nhưng dân tộc Do Thái, trong chí hướng muốn bảo vệ đất nước, nên đã phái người sang Ai Cập để xin trợ giúp. Khi nghe Giêrêmia loan báo điều Chúa kêu gọi, họ nghĩ rằng ông là người phản bội dân tộc, làm nản lòng các binh sĩ đang chiến đấu  chống lại quân Babylon, nên họ đã muốn giết ông và ném ông xuống hầm nước. May mắn là hầm nước ấy cạn, chỉ có bùn nên nhà vua đã cứu sống ông.

Trong cuộc sống tín hữu, có thể nói, nhiều lúc chúng ta trung thành với những giới răn của Chúa, trung thành với sự thật, tình yêu, sự sống thì chúng ta lại bị rất nhiều người kết án là nhu nhược, không khôn ngoan, phản bội dân tộc. Người ta khinh miệt, kết án, bách hại chúng ta, giống như Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong những năm 1840 1885.

Vì thế, Bài đọc II (x. Hb 12,1-4) nhắc nhở chúng ta rằng: “Được ngần ấy nhân chứng đức tin, như đám mây bao quanh, nên chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”.

Thời đó dân tộc chúng ta sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế, theo văn hoá Trung Quốc, coi vua là thiên tử, là con trời, có toàn quyền sinh sát trong tay. Trong xã hội phong kiến này, người con trai mới được kể là có giá trị, con gái kể là không; xã hội theo chế độ đa thê, lạc hậu không biết đến khoa học; chữ viết thì mượn của người Tàu. Người tín hữu Công giáo thời đó đã đón nhận ý niệm dân chủ: người dân mới thật sự làm chủ đất nước và Đức Giêsu là Con Chúa Trời còn dám chết thay cho tất cả mọi người thì mọi người cũng phải yêu thương nhau, dám chết cho nhau. Họ cổ vũ hôn nhân 1 vợ 1 chồng, bình đẳng nam nữ, đón nhận khoa học và chữ quốc ngữ. Những giá trị đó đối với chúng ta ngày nay được coi nhà những sự thật đương nhiên nhưng thời đó hàng trăm ngàn người đã phải chết để bảo vệ chúng.

Trong bài Tin Mừng (x. Lc 12,49-53), Đức Giêsu còn nhắc nhở chúng ta: “Người đến không phải để ban bình an cho trái đất, nhưng là đem sự chia rẽ”. Trong nhiều thế kỷ theo văn hoá Trung Quốc, người ta thường nhắc nhở rằng “Dĩ hoà vi quý”, nghĩa là tạo nên sự hoà hợp là  quý giá. Để tạo nên sự hoà hợp, nhiều người không dám nghĩ, dám nói hay dám làm một điều gì khác biệt khác với quần chúng. Họ im lặng hùa theo đa số, hoặc lãnh đạm trước những sai trái của người khác, thậm chí còn nghĩ rằng “xấu đều hơn tốt lỏi”.

Nhưng người Kitô hữu chúng ta, noi gương các tiền nhân anh dũng, không thể chấp nhận những nguyên tắc sai trái ấy. Chúng ta can đảm bước theo Đức Giêsu, dám nói lên những sự thật, dám sống theo những giá trị tốt đẹp, dù có thể gây nên xung đột với chính những người trong gia đình mình. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay là “làm thế nào để biết rằng những hành động của chúng ta là đúng đắn,  tốt đẹp?”

2. Bốn giá trị cần theo, bốn nguyên tắc cần giữ

Thật ra, chúng ta có Thánh Kinh, nhất là Bốn sách Tin Mừng, có cuộc đời Chúa Giêsu làm gương mẫu, có giáo lý của Giáo Hội hướng dẫn để biết phải hành động như thế nào. Nhưng kho tàng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội rất lớn lao thì làm sao có thể nhớ được và áp dụng được. Vì thế, Giáo Hội đã giới thiệu cho chúng ta cuốn sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình biên soạn và xuất bản năm 2004. Chúng ta có thể tìm thấy trong đó “những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động” (x. Tóm lược, số 7). ĐTC Phanxicô cũng gửi cuốn Docat như một bản tóm tắt học thuyết này cho giới trẻ vào năm 2016, để chỉ dẫn cho chúng ta bốn giá trị và bốn nguyên tắc mà ta có thể dựa vào đó xác định hành động của mình.

Bốn giá trị mà chúng ta cần phải theo trong bất cứ hoạt động nào: Sự thật – Tình yêu – Tự do – Công lý (x. Tóm lược HTXHCG, số 197-208; Docat, tr. 104-109,). Trước mỗi hành động, ta nên tự hỏi xem mình có theo đúng những giá trị đó không. Chẳng hạn như: cha mẹ ngăn cản không cho đứa con gái của mình lập gia đình với một người con trai nào đó vì anh này tuy có tư cách tốt nhưng lại học kém con mình, gia đình không giàu có. Vậy hành động đó ngăn cản đó có tôn trọng sự thật khi nói những lời chê bai người con trai, có tôn trọng tình yêu mà Thiên Chúa đặt vào lòng con người, có tôn trọng tự do của các người con đã trưởng thành và có tôn trọng công lý khi ngăn cấm con gái của mình không được tiếp xúc với người yêu của nó?

Bốn nguyên tắc mà bất cứ một hành động nào trong xã hội cũng phải dựa vào đó: Nhân vị – Công ích – Bổ trợ – Liên đới (x. Tóm lược HTXHCG, số 144-153,160-196; Docat, tr. 92-104,112-113. Nhân vị, nghĩa là hành động nào của chúng ta cũng phải tôn trọng con người như là hình ảnh của Thiên Chúa. Bất cứ hành động nào coi thường con người, chối bỏ nhân phẩm và những quyền lợi căn bản thì không được công nhận. Kế đến, hành động nào đó phải phục vụ công ích, là ích lợi chung của đa số hoặc tất cả cộng đồng chứ không phải chỉ tìm ích lợi cho một cá nhân, một phe nhóm hay tập thể nào đó. Tiếp theo là bổ trợ, tức là sự trợ giúp bổ túc: chính quyền hay cá nhân ta không nên làm thay cho người khác, mà chỉ nên trợ giúp để họ tự làm và chịu trách nhiệm về việc làm của mình, như thế mới giúp cho xã hội phát triển bền vững. Cuối cùng hành động của ta cần liên đới với nhiều người, tạo cho nhiều người cùng cộng tác với nhau thay vì chỉ làm một mình và chối bỏ người khác.

Thí dụ điển hình: sáng sớm ngày hôm qua, thứ Bảy, 17/8/2019, một thai phụ ở Bình Phước đang mang bầu 7 tháng bất ngờ đau bụng và có dấu hiệu chuyển dạ. Người nhà thuê một chiếc taxi để đưa chị đi viện. Đi giữa đường, thấy sức khỏe sản phụ yếu dần, lo sợ chị mất trên xe sẽ gặp xui xẻo, tài xế lót một mảnh nilon ở giữa đường rồi nhất quyết đuổi gia đình lẫn bà bầu xuống xe, đi thẳng. Sau đó, sản phụ đã được gia đình tiến hành đỡ đẻ giữa đường. Bé trai sinh non vừa chào đời đã tử vong. Hơn 1 giờ sau đó, người nhà mới gọi được một xe khác để đưa hai mẹ con vào viện. (Báo Tuổi Trẻ, ngày 19/8/2019). Chúng ta tự hỏi hành động như thế có phù hợp với bốn nguyên tắc trên không?

Lời kết

ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta: “Nếu người Kitô hữu ngày nay không phải là nhà cách mạng thì không phải là Kitô hữu”. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta thật sự là những nhà cách mạng làm cho xã hội chúng ta đổi thay một cách tốt đẹp tận gốc nhờ những giá trị và nguyên tắc mà chúng ta được Giáo Hội giới thiệu trong Học thuyết xã hội Công giáo.