11/01/2025

Tái chế vỏ hộp sữa, tại sao không?

Hàng chục tỉ vỏ hộp sữa – một trong những loại rác có thể tái chế – đang bị vứt bỏ lãng phí và biến thành loại rác trăm năm chưa huỷ.

 

Tái chế vỏ hộp sữa, tại sao không?

Hàng chục tỉ vỏ hộp sữa – một trong những loại rác có thể tái chế – đang bị vứt bỏ lãng phí và biến thành loại rác trăm năm chưa huỷ.



Tái chế vỏ hộp sữa, tại sao không? - Ảnh 1.

Ảnh: NHC Team

 

Ngay những ngày đầu năm 2019, phụ nữ và trẻ em ở quận Gò Vấp cùng chung tay thu gom vỏ hộp sữa, một trong những hoạt động thu gom rác có thể tái chế đang được nhân rộng ở nhiều quận huyện tại TP.HCM.

Giảm rác chết

Mỗi năm, Việt Nam thải ra trung bình 10-15 tỉ vỏ hộp sữa giấy. Đây là một trong những loại rác có thể tái chế nhưng chúng được vứt bừa bãi, lãng phí ở khắp mọi nơi hoặc chờ đốt hay chôn lấp ở các bãi rác. 

Thành phần vỏ hộp sữa có nhôm, giấy có thể được tái chế thành tấm lợp, tấm lót sàn, bột giấy, nhiều sản phẩm gia dụng…, nhưng lớp nhựa bên ngoài thuộc loại rác thải trăm năm chưa hủy nếu không được thu gom xử lý đúng cách.

Và dự án “Hành trình giải cứu rác chết” (xuất phát từ Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM) do nhóm NHC thực hiện đã tổ chức chương trình thu gom loại rác này. Dự án đến với hội phụ nữ, ngành giáo dục, vào trường tiểu học, trường mầm non (nơi trẻ dùng rất nhiều sữa hộp). 

Vỏ hộp sữa thường dính cặn sữa, để lâu sẽ lên men, có mùi hôi, dễ bị côn trùng cắn phá. Trẻ được hướng dẫn cách làm sạch vỏ hộp, bóp dẹt hộp sữa và tự tay dùng một miếng decal giấy do NHC làm ra để dán lỗ chọc ống hút lại, ngăn mùi và côn trùng trước khi được thu gom. 

Tại TP.HCM đã có gần 30 điểm thu nhận vỏ hộp sữa (không kể ở các trường học). Bằng nhiều cách, chương trình đã lan rộng đến nhiều địa phương như: Đà Nẵng, Tiền Giang, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Nghệ An, Cần Thơ, Hà Nội…

Nhưng chưa thấy vai trò của những nhà sản xuất trong câu chuyện thu gom loại rác này. Một số liệu từ Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM từng được nêu ra: mỗi năm, riêng ở quận Gò Vấp, lượng rác vỏ hộp sữa đã tương đương 200 tấn. Đây là một trong những quận huyện tại TP.HCM đồng loạt triển khai thu gom phần lớn vỏ hộp sữa tại trường học và tại nhà để tái chế.

Ai đã ngó lơ?

 

Việc làm này được phần đông phụ huynh ủng hộ, nhiều gia đình đã rửa sạch vỏ hộp mang đến các điểm thu gom. Nhưng thực tế cho thấy nhóm NHC vẫn còn “cô đơn” giữa những nỗ lực của mình, và để thực hiện dán decal vỏ hộp sữa ở trường học cũng còn vướng víu.

Vì sao? Vì không thể có đủ miếng dán cho số lượng hộp sữa quá lớn, và vì trẻ không thể lúc nào cũng nhớ và có thể mang theo bên mình những miếng dán này.

Việc này mang đến một thông điệp mới và hữu ích cho trẻ, cho cộng đồng. Nhưng tại sao các công ty sữa không góp thêm tay vào việc chung? Sữa dành cho trẻ em là một trong những mặt hàng bán chạy nhất với lượng sản phẩm lớn kinh khủng. Mỗi hộp sữa giấy được đính kèm một ống hút nhựa được bọc trong nilông; một hộp sữa sau sử dụng thải ra môi trường 3 loại rác khó hủy. 

Tại sao các công ty sữa không chung tay vào hoạt động thu gom rác từ sản phẩm của mình, ít nhất là một thông điệp trên bao bì? Đó có thể là hướng dẫn thu gom vỏ hộp sữa vì môi trường trước khi có thể có những đổi thay lớn hơn (như thay bằng bao bì thân thiện môi trường chẳng hạn).

Đổi vỏ hộp sữa lấy cây xanh, ngày càng nhiều điểm tổ chức thu gom bao bì sữa hộp và sữa bịch. Đó là những thông điệp ban đầu có tính khuyến khích và tuyên truyền. 

Để giảm lượng rác nhựa, rác khó tiêu hủy còn cần trách nhiệm và những ràng buộc với các đơn vị sản xuất. Hơn ai hết, họ có trách nhiệm với môi trường đang bị ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn, trong đó rác từ sản phẩm của họ đang góp phần không nhỏ. 

Khắp nơi tuyên truyền phân loại rác nhưng chuyển biến xã hội còn chậm. Nhiều tổ chức, cá nhân đang nhân rộng mọi sáng kiến vì môi trường. Nhưng tất cả còn lẻ tẻ, không thấm vào đâu so với sự phát triển không giới hạn các sản phẩm, bao bì từ vật liệu nhựa đang từng ngày tạo thêm những bãi rác nhựa khổng lồ.

Mong thêm những thông điệp từ bao bì

Đã có những công ty sản xuất sản phẩm điện tử bắt đầu tổ chức thu gom rác thải từ sản phẩm của họ. Những “ông lớn” trong lĩnh vực hàng hóa thực phẩm sao có thể ngó lơ khi lượng rác thải khổng lồ từ sản phẩm của mình đang có mặt nơi nơi, mỗi ngày?

Mong những biến chuyển tích cực của xã hội về chuyện phân loại và tái chế rác thải, trước hết mong nhìn thấy những hoạt động hiệu quả rõ nét và có tính tiên phong từ các nhà sản xuất. Mong thêm nhiều những thông điệp văn minh vì môi trường trên mỗi bao bì sản phẩm.

Cũng như rất mong trên thị trường có những túi đựng rác nhiều màu, nhiều cỡ bằng nguyên liệu dễ phân hủy, trên đó có in sẵn thông tin hướng dẫn phân loại rác thay vì mỗi ngày thấy các loại bao, ly, ống hút… nhựa dùng một lần tràn ngập ngoài đường, ngoài chợ.

Như cách nhóm NHC và trẻ em nhiều trường đang làm, tại sao các công ty sữa không đính kèm hộp sữa của mình miếng dán kiểu này? Sẽ thuận lợi hơn cho trẻ biết bao nhiêu khi trẻ uống sữa xong sẽ có ngay miếng dán để đậy kín chỗ vừa cắm ống hút trên vỏ hộp!

 

 

LƯU NGỌC