24/01/2025

Chúa Nhật XVIII TN C 2019: Mặc lấy con người mới

Giáo Hội hôm nay mời gọi chúng ta hãy mặc lấy con người mới là chính Đức Giêsu, để quan tâm hơn đến từng phút sống của đời mình và đời người vì “Đức Giêsu là tất cả và ở trong mọi người”.

 

Chúa Nhật XVIII TN C 2019

Mặc lấy con người mới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh trong tuần XVIII Thường Niên này như gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về cuộc sống thường ngày để chúng ta có thể nhìn vào Đức Kitô và khám phá ra những ý nghĩa của cuộc đời.

1. Tất cả có phải chỉ là phù vân, là vô thường ?

Bài đọc I (x. Gv 1,2; 2,21-23), trong sách Giảng Viên, như gợi ý cho chúng ta thấy giá trị có vẻ như vô thường, phù vân của những của cải và hoạt động của chúng ta nơi trần thế. Tất cả đều giống như đám mây trôi nổi, lúc tụ, lúc tan. Phù nghĩa là trôi nổi, vân là đám mây. Tất cả đều là phù vân. Hay nói theo anh em Phật giáo: tất cả đều là vô thường.

Giống như nhà phú hộ trong bài Tin Mừng (x. Lc 12,13-21), rất nhiều người chúng ta đang phải lao đao vất vả kiếm sống. Chúng ta thu tích rất nhiều tiền bạc, của cải cho mình hay cho con cháu, vì nghĩ rằng của cải sẽ bảo đảm tương lai. Nhiều người tính toán: mua mảnh đất, xây căn nhà, sắm chiếc xe, gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng mỗi tháng, làm sao để mình sống đầy đủ cho nhiều năm… Nhưng tất cả những vất vả,  lo toan đó sẽ đem lại cho chúng ta cái gì? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, viết trong bài Cát Bụi: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”. Ý tưởng bi quan trong bài hát ấy bàng bạc trong cuộc sống của ta.

Nhiều người đổ sức vào việc học hành, nghiên cứu, nhưng rồi tất cả những kiến thức của họ trở nên lỗi thời vì có những người nghiên cứu sâu hơn sau đó. Có thể nói, sau hai cuộc Thế chiến: 1914-1918 và 1939-1945, loài người bị khủng hoảng nặng về niềm tin: mấy chục triệu người chết trong nháy mắt vì những quả bom, viên đạn vô tình. Hàng trăm triệu ngôi nhà sụp đổ sau cả một đời vất vả làm việc tích góp xây dựng. Người ta thấy cuộc đời thật là vô nghĩa, vô thường, phi lý.

Do đó nhiều người đã sống theo Chủ nghĩa Hiện sinh: chỉ sống giây phút hiện tại, tự do chọn lựa để làm việc, vui chơi thoả thích, ăn uống no nê, vì chết là hết! Ngay cả cái chết cũng phi lý. Chủ nghĩa hiện sinh ấy cho đến bây giờ vẫn còn tác động đến rất nhiều người trong cũng như ngoài Công giáo. Đây là chủ nghĩa nói lên sự phản kháng của con người trước định mệnh bi thảm của mình.

2. Thái độ phản kháng của con người

Người ta phản kháng bởi vì rất nhiều người theo những tôn giáo khác nhau đã chỉ chú ý đến thần linh, đã quy hướng mọi sự về Thiên Chúa và cho rằng chỉ có những gì thuộc về thần linh, về Thiên Chúa mới có giá trị, còn những gì thuộc về con người là bất toàn, tạm bợ, xấu xa, vô nghĩa. Người ta xây dựng rất nhiều chùa miếu, thánh đường, tổ chức những nghi lễ hoành tráng, nhưng lại bỏ quên những con người đói khổ, bệnh tật, hèn kém bên mình. Nhưng những đền thánh, vật thánh đó cũng chỉ là vô nghĩa khi chúng không giúp ích gì cho con người, không cứu thoát con người. Làm như thế là con người rơi vào thái độ bái vật, bái thần của người tiền sử từ mấy ngàn năm trước!

Con người phản kháng để đòi lại những gì mà tôn giáo đã dành cho thần linh. Vì thế người ta đã hô hào một chủ nghĩa gọi là nhân bản, nhân văn, lấy con người làm gốc, chứ không phải lấy thần linh làm gốc, để quy hướng mọi hoạt động trong trần thế này về con người. Chúng ta không lạ khi những người theo chủ nghĩa xã hội cho tôn giáo là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Họ muốn xây dựng một chủ nghĩa nhân văn chỉ dựa trên con người.

Con người còn phản kháng những lối sống nặng tính hình thức, những luật lệ trói buộc tự do của con người. Trong xã hội hiện nay có rất nhiều những nghi thức, luật lệ, đòi người ta phải ăn mặc phải gọn gàng, nói năng lịch thiệp. Ở nhiều nước Tây Phương, phụ nữ đi vào nhà thờ phải trùm khăn trên đầu, nam giới phải mặc áo vest, đeo cravate cho đàng hoàng. Công sở càng lớn càng phải ăn mặc nghiêm chỉnh. Nhưng giữ tất cả những hình thức đó để làm gì? Thật là vô nghĩa, phi lý khi buộc con người phải gò bó làm mất tự do cao quý tạo nên giá trị con người!

Thái độ phản kháng ấy được diễn tả nơi rất nhiều người, nhất là  giới trẻ. Chúng ta thấy hiện nay nhiều người mặc quần Jeans, gọi là quần bò, do ông Levi Strauss, người Đức, phát minh. Ông sang Mỹ thấy dân đào vàng không có quần áo đủ bền nên ông lấy vải dựng lều để may quần. Người ta thấy quần đó bền chắc nên dùng nhiều. Từ những năm 1960 kiểu quần Jeans này lan rộng khắp nơi trên thế giới. Nó tượng trưng cho những con người tự do, phóng khoáng, không bị ép buộc vào những luật lệ của xã hội, nhất là của giai cấp giầu có, thượng lưu. Thậm chí bộ quần Jeans càng có nhiểu chỗ vá, chỗ rách, thì càng có vẻ phóng túng, yêu chuộng tự do!

3. Mặc lấy con người mới

Giáo Hội đã nhìn thấy những vấn đề cấp thiết đó trong xã hội nên ngay từ năm 1891, ĐTC Lêô XIII đã viết Thông điệp Rerum Novarum (Những điều mới) để mời gọi Giáo Hội nhìn lại thái độ đối với con người. Công đồng Vaticanô II, nhất là qua Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), lại càng yêu cầu chúng ta quan tâm đến con người để xây dựng một nền nhân bản tâm linh cho Công giáo. Nền nhân bản này lấy con người làm gốc, như ĐTC Gioan Phaolô II thường xuyên nhắc nhở: vì con người là con đường của Giáo Hội và cũng là con đường của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã làm người. Nhưng con người ở đây không phải chỉ là con người tự nhiên, bị tội lỗi đè bẹp, sống được trăm năm rồi chết. Đó là con người mới, là Đức Giêsu Kitô (x. Cđ Vat. GS, số 22).

Qua Bài đọc II hôm nay (x. Cl 3,1-5.9-11), Giáo Hội nhắc nhở chúng ta: “Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá” ( Cl 3,10; Ep 4,24).  Chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Người đã nâng bản tính con người tới một phẩm giá siêu việt, đã mang lại ý nghĩa mới mẻ cho sự sống và cả cái chết của con người. Từ nay, con người với phẩm giá  siêu việt là con Thiên Chúa, sẽ làm cho tất cả mọi hoạt động và giá trị gắn bó với con người đều trở thành vĩnh hằng, chứ không còn là phù vân, vô thường nữa. Từ nay mọi con người, với tất cả những ân huệ Thánh Thần được Đức Giêsu ban cho, kết hợp thành một với Đức Giêsu Kitô, “vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3, 10-11).

Nhờ Đức Giêsu Kitô, từng phút sống trong cuộc đời của ta đều mang một ý nghĩa cao cả, vĩnh hằng. Mỗi hành động trong sự nghiệp của ta không còn là phù vân. Mỗi đau khổ, thử thách và cả cái chết của ta đều có ý nghĩa cao đẹp. Chúng ta cứ việc làm giàu, kiếm tiền, tạo nên của cải cho mình cũng như cho con cháu, nếu ta hiểu được rằng chúng chỉ là những phương tiện để ta sống xứng đáng làm con người và làm con Thiên Chúa. Chúng ta cứ tiếp tục học hành, nghiên cứu, dù sau này kiến thức có lỗi thời, vì hiểu rằng mỗi hành động đi tìm sự thật đó đều có giá trị vĩnh hằng và Đức Giêsu là sự thật tuyệt đối sẽ ban thưởng cho ta. Chúng ta vẫn tiếp tục yêu thương, tha thứ, thuỷ chung vì hiểu được rằng mỗi hành động vì tình yêu đều được Thiên Chúa tình yêu ghi nhận và chúc phúc.

Đó là hệ tư tuởng mới, hay nói đúng hơn là chủ nghĩa nhân bản Công giáo, cần chúng ta học hỏi và thể hiện. Nền nhân bản này đã được Giáo Hội công bố và trình bày vào năm 2004 cho chúng ta qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo. ĐTC Phanxicô cũng gửi cho giới trẻ cuốn Docat, năm 2016 để trình bày học thuyết này cụ thể hơn.

Lời kết

Giáo Hội hôm nay mời gọi chúng ta hãy mặc lấy con người mới là chính Đức Giêsu, để quan tâm hơn đến từng phút sống của đời mình và đời người vì Đức Giêsu là tất cả và ở trong mọi người.

.