Tuần lễ Giáo lý – Bài 5: Những con người tự do
Tự do cho con người, cho dân tộc là từ được nhắc đến thường xuyên và có lẽ nhiều hơn cả trong mọi cuộc đấu tranh của con người… Tất cả những xung đột, tranh cãi, thậm chí chiến tranh giữa con người với nhau bắt nguồn từ những quan niệm khác nhau về tự do.
Tuần lễ Giáo lý – Bài 5
Những con người tự do
Lời mở
Tự do cho con người, cho dân tộc là từ được nhắc đến thường xuyên và có lẽ nhiều hơn cả trong mọi cuộc đấu tranh của con người, kể từ khi nổ ra phong trào giải phóng dân tộc từ đầu thế kỷ XX, các phong trào đòi nhân quyền với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948, cho tới phong trào kết hôn đồng tính, và gần đây là kết hôn giữa những người chuyển giới.
Tất cả những xung đột, tranh cãi, thậm chí chiến tranh giữa con người với nhau bắt nguồn từ những quan niệm khác nhau về tự do. Chúng mời gọi ta đi tìm tự do thật sự của con cái Thiên Chúa, thứ tự do được tác động bởi Thần Khí Đức Giêsu Kitô sẽ đưa con người tự do mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên.
1. Những quan niệm khác nhau về tự do
1.1. Giải thích từ ngữ
Tự do, là từ được nhắc đến ở 93 số trong tổng 583 số của cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo. Trong cuốn Docat, nó được bàn đến 40 lần trong số 328 câu hỏi của toàn cuốn sách. Trong 16 văn kiện của Công đồng Vaticanô II, tự do được nhắc đến khá nhiều lần trong 10 văn kiện, đặc biệt trong Hiến chế Gaudium et Spes và tuyên ngôn Dignitatis Humanae về tự do tôn giáo. Những số thống kê này gợi ý cho ta về tầm quan trọng của tự do như là một giá trị căn bản của cá nhân con người cũng như của cộng đồng xã hội.
Theo định nghĩa: tự do là phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn của mình, trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội (nghĩa I) – trạng thái của một dân tộc, một xã hội và các thành viên không bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong các hoạt động xã hội chính trị (nghĩa II) – trạng thái không bị giam cầm hoặc không bị làm nô lệ (nghĩa III) – trạng thái không bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong việc làm nào đó (nghĩa IV)[1].
Như thế, những quan niệm khác nhau về tự do tiến hoá theo từng giai đoạn lịch sử khi con người nhận thức được vị thế của mình trong thiên nhiên hay trong xã hội cũng như những trói buộc mình trong các mối tương quan với thần linh, với người khác, với vạn vật và với cả chính mình.
1.2. Con người tự do trước những ràng buộc trong xã hội
Sau khi con người được giải thoát khỏi sức mạnh của thiên nhiên và vạn vật nhờ đầu óc biết suy tư của mình, con người tập trung vào việc tổ chức xã hội mình sống cho tốt đẹp, văn minh. Nhiều thể chế chính quyền được thiết lập để lo cho dân giàu, nước mạnh. Hầu hết các dân tộc theo chính thể quân chủ và tin tưởng vua là “con trời”, là thiên tử, thay trời hành đạo, có toàn quyền sinh sát trong tay. Khi quyền lực tập trung vào một con người hay vào một dòng họ dù tài giỏi nhưng kém đạo đức, quyền lực đó trở thành một phương tiện áp chế những người khác, những dòng họ, những dân tộc yếu thế hơn, tạo nên những đế quốc và những quốc gia bị nô thuộc. Rất nhiều người không còn được sống xứng đáng với phẩm giá con người. Nhiều quyền lợi của họ bị tước đoạt. Vì thế, phát sinh phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Từ đầu thế kỷ XX, các đế quốc cũ như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan bắt đầu kiệt quệ và suy yếu vì hai cuộc thế chiến Thứ nhất (1914-1918) và Thứ hai (1939-1945), đành phải từ bỏ các thuộc địa của mình trước phong trào đấu tranh đòi quyền độc lập dân tộc của các nước ở châu Á, châu Phi: Ai Cập năm 1918, Trung Quốc năm 1919, Mông Cổ năm 1921, Thổ Nhĩ Kỳ năm 1922. Sau năm 1945, phong trào này còn mạnh mẽ hơn nữa, nhất là sau chiến thắng ở Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954. Hệ thống các nước thuộc địa tan rã nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Hơn nữa, phong trào này còn nhận được sự hỗ trợ về mặt tư tưởng và cả nhân sự của Đệ tam Quốc tế Cộng sản, đứng đầu là Liên Xô. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng là một nhân tố tích cực của phong trào đòi các quyền tự do cơ bản của con người qua việc thông qua Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12/1948 ở Paris, Pháp.
Từ cuối thế kỷ XX đến thế kỷ XXI, đa số các nước trên thế giới đã giành được độc lập. Tuy nhiên, tình trạng lệ thuộc của các nước nghèo vào các nước giàu cũng như các nước giàu tiếp tục can thiệp vào chính trị của nước nghèo vẫn còn phổ biến. Thế giới trước đây bị phân cực từ hai phe Tư bản và Cộng sản, cổ vũ cho hai loại tự do cá nhân và tập thể, thì hiện nay phân thành đa cực, xoay quanh các nước mạnh trên thế giới theo nền kinh tế thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Nga, Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và chủ nghĩa thực dân mới của các cường quốc áp đặt lên các nước châu Phi và một số nước châu Á đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Vì thế, HTXHCG muốn trình bày về ý nghĩa tự do trong lĩnh vực kinh tế và sự tự do của các dân tộc[2], thị trường và tự do (số 350-352), tự do cá nhân và hành động của chính quyền (số 354), toàn cầu hoá và tự do thương mại (số 366).
1.3. Con người tự do muốn cởi trói chính mình
Khi con người càng khám phá thấy mình có nhiều tài năng tinh thần như ý chí, lý trí, tình cảm thì càng muốn được tự do để thoả mãn mọi nhu cầu của con người. Trong hàng chục thế kỷ, con người bỏ mặc chính mình, quy hướng mọi sự về thần linh, về Thiên Chúa vì nghĩ rằng chỉ có thần linh mới tồn tại mãi mãi và có giá trị. Nhưng rồi con người khám phá ra rằng đó là những suy tư triết học bị ảnh hưởng các tôn giáo làm cho sai lầm, quá trừu tượng, tách biệt với những trải nghiệm cụ thể thường ngày của con người. Con người muốn được tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc của tôn giáo nhiều khi làm tha hoá con người. Con người không còn chỉ là một chủ thể biết suy tư với đủ loại tiêu chuẩn theo hướng duy lý, duy tâm, mà là một con người cụ thể, một cá nhân với các đặc điểm riêng tư, muốn hành động, cảm nghiệm và sống như một người tự do, không bị hạn chế vô lý trong bất cứ chọn lựa nào của mình.
Đây là hướng đi chung của một nhóm triết gia xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gọi là Chủ nghĩa Hiện sinh. Những khuôn mặt tiêu biểu là Soren Kierkegaard, Jean Paul Sartre, Fyodor Dostoevsky, Friedrick Nietzche, Gabriel Marcel. Các nhà tư tưởng này nhìn nhận giá trị hàng đầu của con người là “tự do” và tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu là “sự chân thực”. J.P. Sartre đã minh chứng cho hành động tự do chọn lựa và lòng chân thực khi từ chối giải thưởng Nobel Văn chương năm 1964 do Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển trao cho[3].
Trong góc nhìn của các nhà hiện sinh, tình trạng mất định hướng, bối rối, kinh sợ khi đối mặt với một thế giới có vẻ như vô nghĩa, phi lý là tình trạng của rất nhiều người trẻ cũng như già trong một thế giới nặng về hưởng thụ vật chất và hỗn độn với đủ loại thông tin như hiện nay. Chủ nghĩa hiện sinh trở nên phổ biến vào những năm sau thế chiến II, vì con người thật sự khủng hoảng khi thấy bao nhiêu triệu nhà cửa, ruộng vườn, cơ nghiệp xây dựng cả đời người bị bom đạn tàn phá trong chớp mắt, hàng chục triệu người chết vì những viên đạn vô tình sau cả một đời cố gắng học hành, làm việc. Tất cả những cố gắng của con người và loài người như thế đều phi lý. Vậy thì hãy hưởng thụ hạnh phúc, hãy sống trọn vẹn lúc này (hiện sinh) bằng một sự chọn lựa không bị ràng buộc bởi bất cứ một luật lệ nào.
J. P. Sartre đã diễn tả cái phi lý của cuộc sống qua tác phẩm tiêu biểu La nausée (Nausea) (Buồn nôn) xuất bản năm 1938[4]. Trong đó, qua nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Roquentin, ông nhìn sự hiện hữu mang tính lầm lì, ngẫu nhiên, xám xịt, không thể hiểu được. Nó khiến cho người ta buồn nôn giống như những chiếc rễ cây trồi lên mặt đất trong công viên, làm cho người ta liên tưởng đến các bãi phân chó khô. Chủ nghĩa này càng phổ biến hơn khi gợi ý cho các nhà văn, nghệ thuật, kịch nghệ, tâm lý học, phân tâm học và cả những thần học có những sáng tác nói lên thực trạng bi quan của đời sống con người.
Những khám phá mới về tâm lý học, phân tâm học gần đây lại càng thúc đẩy con người đưa tự do của mình đến mức độ hầu như tuyệt đối “xem tự do như là quyền làm bất cứ điều gì mình thích, kể cả điều xấu”[5], thoả mãn mọi bản năng dục vọng đã bị tội lỗi làm tổn thương, thậm chí làm chủ cả sự sống và cái chết của mình, như là một hành động hiện sinh cuối cùng trong sự phi lý của cuộc đời.
Vì chỉ thấy sự phi lý nên mọi mối tương quan của con người không còn tốt đẹp và cởi mở trong đời sống xã hội. Con người sử dụng vạn vật hoàn toàn theo quyết định tự do của mình một cách vô độ và nguy hiểm cho sự sống, dẫn đến những thói nghiện ngập. Con người chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa vì cho rằng Thiên Chúa ngăn cản tự do của con người, khiến cho con người không thoải mái để làm theo ý mình.
Riêng ở Việt Nam, rất nhiều người vẫn nhớ thuộc lòng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[6]. Câu này khi nằm trong bối cảnh của phong trào đấu tranh đòi tự do cho dân tộc thì đúng, nhưng khi áp dụng trong đời sống thường ngày của từng cá nhân để đòi hỏi quyền tự do muốn làm tất cả theo ý mình thì nhiều khi lại không đúng. Hơn nữa, còn những giá trị khác quý hơn độc lập, tự do như: sự sống, tình yêu, hạnh phúc, sự thật…
Chính vì những quan niệm khác nhau về tự do đối với cá nhân và tập thể mà Học thuyết Xã hội Công giáo mời gọi người tín hữu tìm hiểu tự do thật sự của con cái Thiên Chúa là gì và bao gồm những nội dung nào.
2. Tự do thật sự của con cái Thiên Chúa
Công đồng Vaticanô II đã nhìn nhận rằng: “Tự do là điều con người đương thời đánh giá cao và hăm hở theo đuổi, và họ có lý khi làm như thế. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ vũ cho tự do một cách lệch lạc, xem tự do như là quyền làm bất cứ điều gì mình thích, kể cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã muốn để cho con người tự định liệu (x. Hc 15,14), tự quyết định đi tìm Đấng Tạo Hoá và nhờ kết hợp với Ngài cách tự do, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc” (x. GS, số 17).
2.1. Tự do thật sự
Ngay trong lời mở đầu của cuốn Tóm lược HTXHCG, Giáo hội Công giáo xác định: “Vào lúc khai nguyên Thiên niên kỷ III, Giáo Hội không mệt mỏi để công bố Tin Mừng mang ơn cứu độ và sự tự do đích thực đến cho các thực tại trần thế” (HTXHCG, số 2).
Trước hết, vì con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nên con người có tự do. “Giống với Thiên Chúa”, có nghĩa là bản chất và hiện hữu của con người có liên quan đến Thiên Chúa một cách hết sức sâu xa[7]. Tự do con người là thứ tự do được ban tặng[8], chứ không phải là thứ tự do tuyệt đối của Thiên Chúa. Không có sự xung đột nào giữa Thiên Chúa và con người, trái lại, càng gắn kết với Thiên Chúa, tự do con người càng phát triển, muôn vật xuất phát từ Thiên Chúa và tiến về Thiên Chúa (HTXHCG, số 46).
Con người hiện diện với tất cả các thụ tạo khác, được hưởng dùng chúng, nhưng việc chế ngự thế giới vật chất đòi hỏi họ phải thi hành trách nhiệm, chứ không được tự do khai thác cách tuỳ tiện và ích kỷ theo lòng tham của mình[9].
Con người cũng quan hệ với chính mình và có khả năng suy tư về chính mình nhờ “tâm hồn”. Tâm hồn biểu lộ những khả năng riêng của con người, đó là những đặc ân con người nhận được khi được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa: lý trí, sự phân biệt tốt xấu và ý muốn tự do[10].
Con người có tương quan liên vị với mọi người khác vì họ cũng là hình ảnh Thiên Chúa giống như mình[11].
“Tự do của con người đã bị tội lỗi làm tổn thương”[12]. Tội chính là việc con người lạm dụng tự do của mình (HTXHCG, số 116). Tội là hành vi tự do của một cá nhân chứ không phải là của tập thể hay cộng đồng đúng nghĩa, nhưng có những hậu quả trên xã hội (HTXHCG, số 117).
Tóm lại, ta có thể định nghĩa: Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí để hành động hay không hành động, làm việc này hoặc việc nọ, nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức và trách nhiệm”[13].
2.2. “Tự do, vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21)
Cuốn Tóm lược HTXHCG trình bày tự do như giá trị căn bản và là một trong những dấu hiệu cao quý nhất cho biết con người giống Thiên Chúa: “Thế nên, chính phẩm giá con người buộc con người phải hành động phù hợp với sự lựa chọn có hiểu biết và tự do, nghĩa là được thúc đẩy và hướng dẫn một cách rất riêng tư từ bên trong, chứ không do sự thôi thúc của bản năng mù quáng hay bởi áp lực hoàn toàn bên ngoài. Nhờ được tự do thật sự, con người mới tổ chức và hướng dẫn đời sống cá nhân và xã hội của mình theo sáng kiến riêng, đồng thời dám chịu trách nhiệm về việc đó. Có như thế xã hội con người mới thật sự phát triển theo đường hướng tốt đẹp”[14].
Tự do con người không phải là vô hạn. Tự do này, dù rằng rất lớn, “vì con người được phép ăn bất cứ cây nào trong vườn Eden, nhưng vẫn phải dừng lại trước cây biết lành biết dữ (x. St 2,16-17) vì con người được kêu gọi để biết chấp nhận luật luân lý do Thiên Chúa ban ra[15].
“Muốn thực hành đúng đắn sự tự do cá nhân, con người cần có những điều kiện đặc biệt liên quan đến trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hoá là những điều kiện rất hay bị coi thường hoặc vi phạm”. Cha ông ta vẫn thường nói: “Đói ăn vụng, túng làm càn!”. Nhiều người do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, mức độ hiểu biết chỉ bằng trẻ học các lớp tiểu học, nên không có tự do khi hành động và chịu trách nhiệm về hành động của họ (HTXHCG, số 137).
Tự do phải liên kết với sự thật và luật tự nhiên[16]. “Sự thật liên quan đến điều tốt và điều xấu được nhìn nhận một cách thực tiễn và cụ thể, dựa vào phán đoán của lương tâm. Sự thật này đưa con người tới chỗ sẵn sàng chịu trách nhiệm về điều tốt đã làm và điều xấu đã phạm”. “Khi hành xử tự do là chúng ta gián tiếp liên hệ đến một luật luân lý tự nhiên, có tính phổ quát, đi trước và liên kết hết mọi quyền lợi và nghĩa vụ của con người”. Trong tình trạng có nhiều nền văn hoá khác nhau như hiện nay, luật tự nhiên chính là điểm liên kết mọi dân tộc, thống nhất các nguyên tắc chung. Dù khi áp dụng các luật ấy, chúng ta cần phải thích nghi cho phù hợp với các điều kiện sống khác nhau theo nơi chốn, thời gian và hoàn cảnh”[17].
3. Mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên
3.1. Tự do tôn giáo như một điều kiện để giải phóng con người
Học thuyết Xã hội Công giáo đòi quyền tự do tôn giáo cho con người không phải vì những thiệt thòi, bách hại mà tín hữu Kitô đang phải chịu ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng vì tự do của con người chỉ thật sự và trọn vẹn khi con người được tự do mở ra với Đấng Siêu Việt và hướng tới vô biên[18]. Trong nhiều nước theo hệ tư tưởng duy vật biện chứng, người ta đánh giá rất thấp tôn giáo. Còn trong hầu hết các nước theo Hồi giáo, người ta có ác cảm, thậm chí thù hận với Kitô giáo. Kinh nghiệm của nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và của chính nước Nga, sau khi khối Liên Xô tan rã, đã mời gọi con người nhận ra tôn giáo như một hình thức tối thượng của văn hoá, thúc đẩy và giáo dục con người đi tìm chân thiện mỹ và giữ cho nền đạo đức xã hội được ổn định và phát triển[19].
3.2. Các cuộc giải phóng của Thiên Chúa trong lịch sử
Mời gọi con người gắn bó với Thiên Chúa qua tôn giáo, nhất là Kitô giáo mà Giáo hội Công giáo đang loan báo, không phải là muốn con người làm nô lệ cho thần linh, nhưng là dẫn con người đến một cuộc giải phóng trọn vẹn để con người được tự do hoàn toàn giống như Thiên Chúa.
Trong dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã cứu dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập và dẫn họ vào Đất Hứa[20], ký kết với họ một giao ước là tuân giữ Mười Điều Răn (số 22). Đây không phải là một hình thức nô lệ mới, nhưng Mười Điều Răn là luật luân lý tự nhiên để người Do Thái không bị nô lệ bởi tội lỗi, trung thành với một Thiên Chúa chân thật duy nhất và có những mối quan hệ tốt đẹp với nhau (số 23). Lịch sử dân tộc Do Thái loan báo một Đấng Thiên Sai mới sẽ đưa dân tộc và toàn thể nhân loại vào miền đất mới với giao ước mới mang tính quyết định.
Đó là Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng hoàn thành kế hoạch giải phóng trọn vẹn con người và vũ trụ mà Thiên Chúa đã lập vì tình yêu vô biên và đầy trách nhiệm của Ngài. Đức Giêsu chính là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Người công bố kế hoạch giải phóng đó như sau:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù sáng mắt, giải phóng những ai bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2; HTXHCG, số 28).
Đức Giêsu đã giải phóng con người khỏi mọi sự lệ thuộc bằng các hành động cụ thể nhờ kết hợp với Chúa Cha[21].
– Giải thoát khỏi sức mạnh của tự nhiên và vật chất: đi trên mặt biển, hoá bánh, rượu, cá ra nhiều…
– Giải thoát khỏi mọi áp chế của con người: vạch trần những âm mưu con người, vượt qua các luật lệ lỗi thời của tôn giáo.
– Giải thoát khỏi sức mạnh của chính mình: vượt qua các cơn cám dỗ, nỗi sợ cái chết, sống lại.
Như thế, sự cứu độ của Kitô giáo là một sự giải phóng dành cho hết mọi người và cho con người toàn diện[22].
3.3. Tự do mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên
HTXHCG giới thiệu “Đức Maria là hình ảnh trọn vẹn nhất của một nhân loại và vũ trụ được tự do và được giải thoát”[23], vì Mẹ Maria đã mở lòng cho Chúa Thánh Thần, Đấng như “ngọn gió muốn thổi đâu thì thổi, người ta nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng như vậy” (Ga 3,8). Tự do vừa là một ân huệ của Chúa Thánh Thần và phải được thực hiện theo sự hướng dẫn của lương tâm, tình yêu và của Chúa Thánh Thần “bởi vì Thần Khí của Chúa ở đâu, thì ở đấy có tự do” (2Cr 3,17).
Nhờ tác động của Thần Khí Thiên Chúa, “con người mở ra với Đấng Vô Biên cũng như với mọi loài thụ tạo, mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu”[24]. Đây là điểm mới mẻ và đặc biệt của HTXHCG mà trước đây ít văn kiện nào của Giáo Hội nói đến. “Nhờ trí khôn và ý chí, con người có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình, độc lập với thụ tạo, tự do trong quan hệ với thụ tạo, vươn tới sự thật toàn diện và sự thiện tuyệt đối.
Nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, con người vượt qua sự phi lý của thuyết hiện sinh để nhận ra sự thật giải phóng con người, đưa con người vào trong không gian mầu nhiệm của tình yêu. Con người sẽ khám phá ra cái rễ cây đen đủi làm cho người ta ghê tởm kia là một thực tại chứ không phải là bãi phân chó tưởng tượng. Chúng đang cắm sâu vào lòng đất hút chất bổ để thành dòng nhựa cho lá tạo khí cho con người, cho hoa toả hương thơm, cho cây kết trái. Con người tự do không phải là bị kết án mà là được ban tặng để sống trong kế hoạch nhiệm mầu của tình yêu Thiên Chúa.
Con người bước ra khỏi chính mình để bước vào một quan hệ đối thoại và hoà nhập với Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt, với các thiên thần, với các người đã khuất gồm các thần thánh và cả những người trong tình trạng luyện ngục trong khi vẫn cẩn thận đề phòng những cám dỗ của quỷ dữ và các tà ma nguy hiểm[25].
Đây sẽ là lời giải thích cho một số thắc mắc của con người về tình trạng sống của con người sau khi chết, đồng thời cho ta hiểu tự do của con cái Thiên Chúa có thể vươn cao và vươn xa tới đâu. Đây không phải là những điều mê tín, dị đoan nhưng chỉ diễn tả sự giải phóng toàn diện của Đấng Phục Sinh là Đức Giêsu đã đem lại những gì cho tự do của con người.
Lời kết
Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, con người đã, đang và sẽ còn mong ước tự do thật sự, tự do mở ra cho những gì cao cả và đạt được chúng. Đức Giêsu đã thực hiện điều này cho mình và cho tất cả những ai tin vào Người. Người nói: “Nếu Người Con có giải phóng anh em thì anh em mới thật sự là những người tự do” (Ga 8,36). Bạn đã cảm nhận được tự do thật sự của Người chưa?
Câu hỏi
1. Bạn quan niệm tự do là gì? (tự do cho cá nhân và cho dân tộc).
2. Bạn có thấy điều gì phi lý không? Bạn có tìm cách giải trừ điều phi lý nào trong đời sống của mình?
3. Tự do thật sự là thứ tự do nào?
4. Tự do thật sự có những hạn chế nào?
5. Đức Giêsu đã mang lại cho bạn thứ tự do nào? Bạn đã cảm nhận được nó chưa?
6. Bạn có thể làm gì để có thể chia sẻ tự do thật sự của Chúa Giêsu cho người khác?
7. Bạn đã có kinh nghiệm nào về việc tiếp xúc với những người đã khuất?
[1] x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt 2013, NXB Vietlex, mục từ Tự do, tr.1379; Hội đồng Quốc gia Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ Điển, mục từ Tự do, q4., tr.71.
[2] x. HTXHCG, số 321, 326
[3] x. Tuyên bố từ chối giải Nobel của J.P. Sartre, Internet, 14/12/2017
[4] x. NXB An Tiêm, in năm 1967, tại Sài Gòn; NXB Văn hoá Sài Gòn, tái bản năm 2008, tại TP.HCM
[5] x. CĐ.Vat II, GS, số 17
[6] x. Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946
[7] x. HTXHCG, số 109; GLHTCG, số 356-358
[8] x. HTXHCG, số 138
[9] x. HTXHCG, số 113
[10] x. HTXHCG, số 114; ĐGH Gioan Phaolô II, TĐ. Evangelium vitae, 1995, số 37
[11] x. HTXHCG, số 110-112
[12] x. GS, số 17
[13] x. GLHTCG, số 1731
[14] x. HTXHCG, số 135; GS, số 17
[15] x. HTXHCG, số 136
[16] x. HTXHCG, số 138-144
[17] x. GLTHCG, số 1955-57
[18] x. HTXHCG, số 155, 553, 286, 445
[19] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.353-370
[20] x. HTXHCG, số 21
[21] x. HTXHCG, số 29
[22] x. HTXHCG, số 38-40
[23] x. HTXHCG, số 59; Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 1987, số 97
[24] x. HTXHCG, số 130
[25] x. HTXHCG, số 130; Docat, câu 57; Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, tr.383-400.