19/11/2024

Tuần lễ Giáo lý – Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa

Giá trị thứ hai làm nền tảng cho đời sống xã hội của con người là tình yêu. Yêu là một trong các hành động thường ngày của con người, liên hệ mật thiết với sự sống: sống để yêu và yêu để sống. Tình yêu vừa là cội nguồn tạo ra sự sống vừa là cùng đích của sự sống.

 

Tuần lễ Giáo lý – Bài 4

 

 Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Lời mở

Giá trị thứ hai làm nền tảng cho đời sống xã hội của con người là tình yêu. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo nói đến tình yêu ở 129 số trong 583 số của toàn cuốn sách. Sách Docat nhắc đến tình yêu ở 72 câu trong 328 câu. Chúng ta cũng ghi nhận Công đồng Vaticanô II nhắc đến tình yêu hàng trăm lần trong tất cả các văn kiện. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói đến 101 lần. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích rất rõ về tình yêu trong 2 thông điệp: “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas) và “Bác ái trong sự thật” (Caritas in veritate). Những số thống kê này cho ta hiểu ý nghĩa phong phú và tầm quan trọng của tình yêu trong đời sống Kitô hữu cũng như trong kế hoạch của Thiên Chúa[1].

Vì thế chúng ta sẽ tìm hiểu những quan niệm khác nhau của con người về tình yêu, tình yêu thật sự và toàn diện theo Kitô giáo được trình bày trong Học thuyết xã hội Công giáo để tiến tới việc xây dựng nền văn minh tình yêu như mục đích cuối cùng của mọi hoạt động xã hội. 

1. Những quan niệm khác nhau về tình yêu trong đời sống

Yêu là một trong các hành động thường ngày của con người, liên hệ mật thiết với sự sống: sống để yêu và yêu để sống. Tình yêu vừa là cội nguồn tạo ra sự sống vừa là cùng đích của sự sống. Thậm chí ngay cả khi không còn sống trên trần thế, người ta vẫn có thể tiếp tục yêu để sống trọn vẹn và sung mãn như bao tổ tiên anh hùng của đất nước và các bậc thánh hiền của nhân loại.

Tuy  nhiên, thực tế của đời sống hiện nay lại là một thảm trạng về tình yêu. Chỉ tính riêng ở Việt Nam đã có hàng triệu cuộc tình tan vỡ và hàng triệu bào thai bị phá bỏ mỗi năm, chưa kể hàng ngàn người bị giết hại, lừa bịp, tự tử và hàng chục triệu bệnh nhân tâm thần, chỉ vì con người không hiểu được nghĩa tình yêu và không biết yêu thương. Người ta có nhiều quan niệm khác nhau về tinh yêu.

1.1. Những  quan niệm khác nhau về tình yêu

– Trước hết, rất nhiều người không tin có tình yêu, nên họ cũng không cần tìm hiểu tình yêu bắt nguồn từ đâu. Nếu phân tích con người bằng tất cả máy móc khoa học tân tiến nhất, người ta cũng không thấy chỗ nào chứa đựng tình yêu, dù rằng người ta vẫn nói trái tim là biểu tượng tình yêu của con người, cũng như của Thiên Chúa.

Dù “yêu” là một từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ngày: yêu cha mẹ, yêu vợ con, yêu người tình, yêu bè bạn, yêu công việc, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu đất nước… nhưng thật khó giải nghĩa tình yêu là gì nên cũng không thể xác định yêu như thế nào mới tốt đẹp. Nhà thơ Xuân Diệu, là một thi sĩ nổi tiếng về tình yêu, đã viết bài Vì sao trong tập “Thơ Thơ”, sáng tác năm 1938, rằng:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu“.[2]

Ông cho rằng tình yêu là cái gì đó mờ ảo, bàng bạc trong thiên nhiên cũng như trong lòng người, nhưng không thể giải thích và xác định được.

Quả thật, những người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng không tin có tình yêu. Điều này được minh chứng: trong hơn 4.000 trang khổ lớn của bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam do hàng trăm giáo sư tiến sĩ của Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn và xuất bản năm 2005, người ta không tìm thấy mục từ “tình yêu” mà chỉ có “tình bạn”, “tình cảm”, “tình dục”. Các người theo hệ tư tưởng duy vật không tin có tình yêu và cho rằng tình yêu là sản phẩm tưởng tượng của người theo chủ nghĩa duy tâm. Điều nực cười là trong khi các thầy cô dạy các học sinh lớp mẫu giáo, tiểu học phải “yêu cha mẹ, yêu bạn bè, yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, thì học sinh và sinh viên lớp lớn lại được dạy tình yêu chỉ là sản phẩm bịa đặt của thuyết duy tâm sai lạc.

Hậu quả là trong cộng đồng gồm những con người không biết yêu thương và không tin có tình yêu chân thật nơi con người, thì tất cả các mối tương quan chỉ được kết nối bằng sợi dây cơ học vật chất: tiền bạc, danh lợi, quyền lực, những rung động cảm xúc trên thân xác. Gặp trắc trở hay hết tiền bạc, hết danh lợi, hết cảm xúc thì người ta cũng hết tình. Những con người trong xã hội này không cảm nghiệm được hạnh phúc chân chính của tình yêu. Họ chỉ cảm nghiệm được niềm vui khi thoả mãn được các đòi hỏi của thể xác, chứ không biết đến những nhu cầu của tinh thần. Vì thế cộng đồng xã hội họ sống đầy dẫy những bất công, gian dối, tham lam, giết hại lẫn nhau.

Các tôn giáo khác rất ít khi nói đến tình yêu vì thường hiểu đó là tình cảm yêu đương nam nữ của con người bị bản năng sinh lý chi phối, nên xem thường và còn nhắc nhở các tu sĩ phải xa tránh hay kiêng cữ cho xứng đáng với thần linh.

Chúng tôi thử tìm định nghĩa về tình yêu trong các từ điển của Phật giáo nhưng không thấy[3]. Anh em Phật giáo cho tình yêu chỉ là vô thường, tình cờ tụ lại trong một kiếp người hay trong một ít năm sống, sau đó lại tan biến. Vì vậy mà Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan[4]. Tín đồ Phật giáo thường đưa tình yêu vào một trong ba, hay vào cả ba loại phiền não căn bản, quấy nhiễu thân tâm, đầu độc con người là tham-sân-si, vì tình yêu, hiểu theo nghĩa tình dục, làm cho người ta tham lam, giận dữ, ngu si và phải dùng các phương pháp đối phó như phép quán bất tinh, quán từ bi, quán nhân duyên để giải trừ[5]. Chắc hẳn còn nhiều bộ từ điển Phật giáo khác có thể đề cập đến định nghĩa tình yêu mà chúng tôi chưa có điều kiện để tham khảo.

– Những người không biết tình yêu bắt nguồn từ đâu.

Có những người tuy nhận ra tình yêu chân thật và giá trị tốt đẹp của nó, nên họ đã yêu thương, nhưng lại không đi trọn được đường tình của mình do bị lừa dối, phản bội. Có người bi quan hơn thì cho những khổ đau đó là lẽ thường tình của kiếp người vô thường. Tình yêu chỉ đem lại thứ hạnh phúc nửa vời nên cho rằng:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.[6]

Trong cộng đồng của những người tin có tình yêu nhưng lại không tìm ra cội nguồn, ta chỉ gặp thấy những loại hạnh phúc dở dang, những niềm vui không trọn vẹn. Người ta vội vàng yêu nhau, sống thử với nhau như vợ chồng để khi sống thật lại ly dị nhau vì những lý do nhỏ nhặt. Người ta có cùng một lúc rất nhiều những người tình để có thể chọn lựa ra người “bạn trăm năm”, nhưng lại không muốn gắn bó suốt đời, dù thề thốt với nhau hàng trăm lần với sự chứng giám của trời đất, núi sông.

– Những người biết rõ cội nguồn tình yêu

Một số tôn giáo độc thần như Do Tháo giáo, Kitô giáo, Hồi giáo biết rõ cội nguồn của tình yêu là Thiên Chúa, là Đức Thánh Allah, nhưng họ lại không yêu cho đúng đắn, tốt đẹp vì Thiên Chúa là tinh thần, vô hình, nên con người không biết được tình yêu của Ngài cao cả, vô biên như thế nào. Họ cần một tiêu chuẩn hay một Đấng nào đó dạy cho họ thật sự về tình yêu. Nhà thơ Công giáo Hàn Mặc Tử đã trả lời cho Xuân Diệu qua bài Đà Lạt trăng mờ, rằng:

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu.[7]

Kitô giáo nói rất rõ về tình yêu khác hẳn với tất cả các tôn giáo khác. Nhưng ít người tín hữu Kitô hiểu được ý nghĩa phong phú tuyệt vời và diễn tả được nó trong đời sống, nên họ vẫn chưa thuyết phục người khác theo đạo của mình. Cho đến nay, mới chỉ có 7% dân số Việt Nam theo đạo Công giáo và khoảng 2% theo đạo Tin Lành. Số tín hữu Công giáo trên thế giới chiếm khoảng 18 % dân số toàn cầu.

1.2. Đi tìm một định nghĩa tình yêu

1.2.1. Hiểu lầm tình yêu là tình cảm yêu đương nam nữ

Các văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, các triết gia, học giả, các nhà xã hội học, các nhà thần học… đều nói rất nhiều đến tình yêu, nhưng hầu hết đều hiểu là tình cảm yêu đương nam nữ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thôi thúc mọi người “hãy yêu nhau đi”:

Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời.[8]

Rồi người ta phân biệt tình yêu này với tình cha, tình mẹ, tình huynh đệ, lòng ái quốc… dù mỗi người chỉ có một trái tim để yêu cha mẹ, vợ con, người tình, cũng như để yêu nghề nghiệp, yêu khoa học, yêu thiên nhiên, yêu dân tộc, yêu quê hương, yêu nhân loại…

1.2.2. Định nghĩa tình yêu

Mở cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên với sự cộng tác của các nhà ngôn ngữ học, chúng ta tìm được câu định nghĩa sau đây: “Tình yêu là tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người với vật“, nghĩa thứ hai mới là “Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ[9]. Còn yêu là “có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, muốn gần gũi và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng“. Nghĩa thứ hai của yêu mới là “có tình cảm thắm thiết dành riêng cho một người khác giới nào đó, muốn sống chung và cùng nhau gắn bó cuộc đời“. Yêu đồng nghĩa với thương[10].

1.2.3. Từ “tình yêu”  theo Kitô giáo

Tôn giáo nhắc nhiều đến tình yêu là Do Thái giáo. Người Do Thái hiểu biết và cảm nhận được tình yêu (2Sbn 2,11) của Thiên Chúa Giavê mà họ thờ kính (x. Xh 20,6) nên họ cũng phải yêu mến đồng bào (x. Lv 19,18) và cả ngoại kiều (x. Đnl 10,19) bằng tình yêu chân thành như tình yêu đối với Giavê (x. Đnl 6,5; 11,1). Các tác giả Thánh Kinh mô tả tình yêu vợ chồng  (x. 1V 11,1), tình bạn (x. 1Sm 18,1.3; 20,17), tình yêu đối với lề luật Chúa (x. Tv 119) với đền thờ Giêrusalem (x. Tv 122)… bằng một từ duy nhất: yêu để dẫn mọi người đến cội nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chỉ Kitô giáo mới là tôn giáo duy nhất xác định tình yêu là gì, phải yêu thương cụ thể như thế nào, tình yêu bắt nguồn từ đâu và dẫn con người đến đâu. Người Công giáo đã dựa trên giáo huấn về tình yêu này để xây dựng nên nền văn hoá đặc biệt của mình trong suốt 20 thế kỷ qua, kể từ lúc Đức Giêsu Kitô rao giảng Tin Mừng về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Nền văn hoá này đã tác động mạnh mẽ đối với các dân tộc ở các nước Âu Mỹ trong nhiều thế kỷ qua. Chỉ vài thế kỷ gần đây, khi con người đặt tất cả niềm tin vào khoa học kỹ thuật, đề cao chủ nghĩa cá nhân và tư bản để hưởng thụ vật chất, người ta mới ít quan tâm đến những giá trị tinh thần, trong đó có tình yêu.

1.2.4. Lầm lẫn giữa tình yêu và tình thương

Riêng ở Việt Nam, người tín hữu Công giáo có nguy cơ bị lầm lạc khi họ lẫn lộn “tình yêu” với “tình thương”, bắt nguồn từ việc phiên dịch thiếu chính xác các bản văn Thánh Kinh và các văn bản chính thức của Giáo Hội.

Do ảnh hưởng của xã hội và cả những người có tôn giáo đã đồng hoá tình yêu là tình dục, nên các dịch giả Công giáo đã dùng từ “tình thương” để dịch từ Agape của tiếng Hy Lạp, từ CaritasAmor của tiếng La Tinh hay Love của tiếng Anh. Tuy nhiên, tình thương khác với tình yêu. Tình thương, theo gốc tiếng La Tinh là Misericordia và tiếng Anh là Mercy, không thể dùng lẫn lộn với từ “tình yêu” được, dù rằng “tình thương” bắt nguồn từ tình yêu. “Tình thương” được Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “tình cảm thương yêu, chia sẻ và đùm bọc một cách thắm thiết[11] và nó mang một ý nghĩa thương xót: “cảm thấy đau đớn, xót xa trong lòng trước một cảnh ngộ không may nào đó[12].

Trong khoảng 20 năm gần đây, Giáo hội Công giáo cổ vũ phong trào “Lòng Chúa Thương Xót” nên người ta càng thích dùng từ tình thương thay cho tình yêu. Có tác giả lại kết hợp cả hai và tạo nên từ “tình yêu thương” để diễn tả tình yêu mang nhiều sắc thái của Thiên Chúa cũng như của con người.

Thật ra, khi đồng hoá tình yêu là tình thương, người ta đã làm nghèo nội dung của tình yêu, vì con người có thể chia sẻ, quan tâm săn sóc người khác mà vẫn không yêu họ, như người vợ săn sóc người chồng đã phản bội mình. Đó là kiểu yêu nhau vì nghĩa chứ không phải vì tình. Hơn nữa, dùng từ như vậy có thể hiểu sai nghĩa thần học, vì khi nói “tôi thương Thiên Chúa” thì người ta lại hiểu lầm rằng Thiên Chúa đang gặp một cảnh ngộ bất hạnh nào đó đáng cho ta động lòng thương xót đối với Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa có đầy đủ mọi sự, hoàn hảo và không cần đến lòng thương xót của ta![13]

Nhóm Phiên dịch Các giờ Kinh Phụng vụ có công rất lớn trong việc dịch và phổ biến bản văn Thánh Kinh của Giáo hội Công giáo. Với cả triệu cuốn Tân Ước, Kinh Thánh Trọn bộ, hàng chục ngàn cuốn Phụng vụ các giờ kinh, cuốn Bài đọc trong Thánh lễ, nhóm này đã đưa từ “tình thương” thay cho “tình yêu” và đã ảnh hưởng đến rất nhiều những văn bản khác của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Thí dụ: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,10-13). Trong Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010 của HĐGMVN, người ta dùng tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, thay vì dùng từ “tình yêu”! Chúng tôi hy vọng rằng việc dùng từ chính xác để phiên dịch Lời Chúa sẽ giúp chúng ta trình bày trung thực thánh ý của Ngài.

Chỉ tiếc rằng Từ điển Công giáo, do HĐGMVN xuất bản năm 2016 với 2022 mục từ dày tới 1216 trang, cũng không có mục từ “tình yêu”, dù có từ “thương xót”!

1. 3. Giải thích tình yêu con người theo sinh lý học

Đối với nhiều người, tim (con tim, quả tim, trái tim) là biểu tượng của tình yêu bởi vì tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn. Tim bơm máu đi khắp cơ thể để nuôi sống toàn thân con người. Tình yêu cũng được coi là động lực quan trọng nhất đem lại sức sống và niềm vui cho con người.

Đối với các tôn giáo, nhất là Công giáo, “Trái tim” là thuật ngữ chỉ toàn thể nội tâm con người: vừa là trung tâm của cảm xúc (x. 1V 8,66; 1Sm 1,8), vừa là nơi phát sinh tư tưởng (x. 1V 5,9; Hc 17,6), diễn tả ý chí hành động (x. Et 7,10) và cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa (x. 1 Sm 12,24; G 32,40)[14].  Vì thế, người Công giáo tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu hay tôn kính Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ Maria. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu được các mức độ tình yêu, người ta phải phân tích hoạt động của bộ não và hệ thần kinh của con người vì khi ta biết rõ cảm xúc và suy tư của con người, ta sẽ hiểu tại sao con người lại lầm tưởng tình yêu là cảm xúc, là tình cảm, là tình dục và mới hiểu tình yêu bắt nguồn từ đâu.

Khi con người yêu một đối tượng nào đó, dù là đồ vật hay là người khác, thậm chí là yêu khoa học, yêu tổ quốc, yêu Thiên Chúa, thì họ yêu bằng cả con người của mình, nghĩa là với các giác quan, cảm xúc và nhận thức. Những yếu tố này xuất hiện trong hệ thần kinh. Hệ thần kinh gồm não, tuỷ sống và các tế bào thần kinh gọi là neuron. Hệ này cho phép chúng ta thích nghi được với hoàn cảnh chung quanh, cảm nhận được thế giới quanh mình và hài hoà với nó[15]. Hệ này tiếp nhận thông tin từ tất cả bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan[16].

Yêu theo cảm giác

Tuỷ sống thu thập các thông tin từ thân mình và tay chân rồi chuyển chúng lên não. Các thông tin này càng đi lên cao, hướng đến các phần cao của não: chất trắng và chất xám ở vỏ não, thì càng tiến gần tới sự nhận biết có ý thức của con người. Thí dụ: Người ta thấy người mình yêu xinh đẹp, thơm tho, giọng nói êm ái, làn da mát dịu, cặp môi ngọt ngào … đó là phần cảm giác. Cảm giác là hình thức thấp nhất của nhận thức. Đó là những cảm xúc nhất thời, không được chủ thể yêu ý thức một cách rõ ràng. Cảm giác là quá trình tâm lý cho ta biết những thuộc tính riêng lẻ của sự vật đang tác động vào các giác quan của ta. Ngoài 5 giác quan chính như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, ta còn có cảm giác thăng bằng, đau đớn[17]. Các thụ thể cảm giác phát đi các tín hiệu thần kinh đi từ cơ quan cảm giác như mắt, tai, lưỡi, mũi, da qua tuỷ sống, đến phần cao nhất của não là vỏ não, để từ đó phát ra các ý nghĩ, cảm nhận, học hỏi và ra quyết định có ý thức.

Rất nhiều người đang yêu ở mức độ cảm giác này. Có những người chỉ yêu cha mẹ vì được cho ăn, yêu nghề nghiệp vì kiếm được tiền bạc, yêu người khác vì được cho quà, yêu đất nước vì đang được hưởng lợi, yêu thần linh vì nhận được ơn lành. Khi không còn những mối lợi mà họ cảm nhận được qua giác quan là họ trở thành một con người vô cảm: xa lạ với cha mẹ, người tình; thay đổi nghề nghiệp, quốc tịch, tôn giáo. Họ chỉ yêu cách thụ động để thu nhận vào cho mình theo cảm giác của cơ thể.  

Yêu theo cảm xúc

Nhiều người yêu ở mức độ cảm xúc. Cảm xúc là những thái độ rung cảm của con người trước những sự vật hay hiện tượng có liên quan đến việc thoả mãn hay không thoả mãn những nhu cầu cá nhân. Cảm xúc thể hiện qua cử chỉ, hành vi, điệu bộ và những phản ứng về mặt sinh lý. Thí dụ: khi giận dữ người ta thường nhíu mày và trừng mắt, đôi môi mím lại; hoặc khi vui vẻ thì người ta cười tự nhiên với nếp nhăn ở đuôi mắt, gò má nâng lên, thay đổi các cơ ở vùng mặt và não tiết ra chất endorphine. Theo tiến sĩ Paul Ekman, có 7 cảm xúc cơ bản của con người thể hiện giống nhau ở mọi nền văn hoá: vui, buồn, sợ hãi, giận dữ, ngạc nhiên, ghê tởm, khinh bỉ[18]. Cha ông chúng ta cũng nói đến 7 cảm xúc chính của con người là hỷ (vui), nộ (giận), ai (buồn), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (muốn).  Ngoài ra còn có các cảm xúc khác như: chán, hận, nhút nhát, quá khích, yêu thích, hưng phấn, tự tin do các nhà tâm lý khám phá gần đây.

Xét về lĩnh vực sinh lý, “não cảm xúc” là một thuật ngữ thường áp dụng cho hệ viền là một nhóm các phần nằm trên đỉnh của thân não, gồm: hạnh nhân, đồi thị, vùng dưới đồi, vòm và các thể núm, các vùng hướng vào trong của vỏ não và hồi đai. Hệ viền chi phối khi có các cảm giác sâu kín và phản ứng mãnh liệt trong những lúc xúc động mạnh và lý trí khó có thể kiểm soát. Đặc biệt là vùng dưới đồi, nối não với hệ thống hormon, là trung tâm của những nỗ lực, bản năng, phản ứng cảm xúc và tình cảm. Thí dụ: khi giận, tuyến thượng thận tiết ra chất adrenalin để thúc đẩy hành động bất ngờ.

Nhiều phần của hệ viền có liên quan đến việc hình thành ký ức. Vì thế, khi có cảm xúc mạnh, người ta có ký ức mạnh ngay lúc đó và lại có cảm xúc trước đây khi ký ức này được gợi lại[19]. Điều này khiến ta hiểu vì sao những cảm xúc mạnh như ngày đầu tiên đi học, lần đầu đi xe đạp, nụ hôn đầu đời, kỷ niệm ngày cưới… khiến người ta nhớ mãi. Hoặc một người chứng kiến cha mẹ mình bị tai nạn, mỗi khi trở lại quãng đường xảy ra tai nạn, thường nhớ lại hình ảnh, có những cảm xúc như khóc ngất do không làm chủ được mình.

Người yêu theo cảm xúc có thái độ chủ động để định hướng và thích nghi các hoạt động của mình. Họ sẵn sàng dấn thân và hành động khi có cảm xúc mạnh, nhất là bảo vệ người  hay vật họ yêu thích và không muốn chia sẻ cho ai. Tuy nhiên, các cảm xúc đều mang tính chủ quan, nhất thời. Đối với một số người có chỉ số xúc cảm thấp (emotional quotient), họ thường không quan tâm bảo vệ “tình yêu” của mình và dễ dàng đánh mất khi có cảm xúc mạnh với người khác, vật khác. Điều này ta gặp thấy nơi những người chồng bỏ bê vợ mình khi quan hệ với những cô gái mãi dâm biết tạo những cảm xúc mạnh cho họ.

Trong lĩnh vực tôn giáo người ta thường có những cảm xúc mạnh qua những buổi cầu nguyện đông người, những bài thánh ca vang động mạnh mẽ vào tai họ, những cuộc hành hương đông đảo…. Tuy nhiên những cảm xúc đó cần phải được nâng lên mức độ nhận thức thì mới phát triển được lòng đạo đức chân thực, lâu dài.

Yêu theo tình cảm

Mức độ cao hơn cả là yêu theo tình cảm. Tình cảm được hình thành trên cơ sở những cảm xúc của con người đối với đối tượng mình yêu, nhưng chủ thể nhận thức được nguyên nhân tạo nên những tình cảm đó đối với một đối tượng nhất định, trong một thời gian nhất định, trong mối tương quan xã hội rõ ràng giữa con người với con người hay với một đối tượng nào đó, như khoa học, nghệ thuật, tôn giáo… Thí dụ: một người vợ yêu chồng vì luôn ý thức cả hai đã gắn bó với nhau, có trách nhiệm với con cái, với gia tộc và được nối kết bởi bí tích hôn nhân của tôn giáo.

Căn cứ vào đối tượng, người ta phân loại tình cảm: tình yêu đôi lứa, tình cha mẹ, tình vợ chồng, tình quê hương, tình dân tộc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu thiên nhiên, tình yêu thần linh. Các tình cảm này là nguồn động lực kích thích con người hành động, tìm tòi chân lý, sáng tạo nghệ thuật, điều hoà đời sống cá nhân, thúc đẩy khoa học và làm cho đời sống con người được phát triển trọn vẹn.

Bộ não con người với các phần khác nhau lưu trữ và gợi nhớ các sự kiện bao gồm đủ mọi loại thông tin, sự việc, kinh nghiệm và hoàn cảnh – từ tên người đến khuôn mặt và nơi chốn – có liên quan đến trạng thái cảm xúc của ta vào thời điểm đó, đồng thời giúp chúng ta cảm nhận thế giới bên ngoài. Tất cả các phần vỏ não như vùng Broca, Wernicke, Geschwind, thính giác, thị giác, vận động và cảm giác thân thể phối hợp với các phần dành cho trí nhớ và cảm xúc ở vùng viền đều gửi thông tin về vùng điều hành trung tâm ở trước trán để tổng hợp, điều phối và lập ra kế hoạch hành động[20]. Vì thế khi định nghĩa tình yêu là tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người với vật“, chúng ta đã thấy tình yêu của con người là một tổng thể phức tạp, vừa là một tình cảm làm cho người ta gắn bó mật thiết nhưng đồng thời lại có trách nhiệm với nhau. Thiếu phần trách nhiệm này, nó chỉ còn là những cảm giác hay cảm xúc nhất thời, làm cho con người bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian. Chỉ có con người mới có tình yêu vượt lên trên mọi loài vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, được chia sẻ bản tính thần linh của Ngài.

Đi tìm nguồn tình yêu

Điều khiến chúng ta kinh ngạc về bộ não của con người và đặt câu hỏi là những nhận thức về mối quan hệ với đối tượng bắt nguồn từ đâu, nhận thức về hoàn cảnh, những phân biệt giữa các tình cảm đủ loại bắt nguồn từ đâu? Những chức năng như tổng hợp, phân tích, điều phối, thích nghi đến từ nơi nào? Bởi vì nếu ta phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh trong các neuron, chúng ta sẽ chỉ thấy đó là dạng các xung động điện rất nhỏ. Các xung động thần kinh di chuyển dọc theo các sợi trục của neuron. Xung động này tác động vào các túi bằng màng chứa các chất dẫn truyền thần kinh đến từ thân tế bào của neuron. Các chất dẫn truyền này ở dạng hoá học, sẽ vượt qua các khe nhỏ xíu ở các điểm nối giữa các neuron, gọi là khớp thần kinh, trong vòng vài phần ngàn của giây, để truyền tín hiệu sang neuron tiếp nhận[21].

Những xung động điện và các chất dẫn truyền trong bộ não của con người có thể nói là giống nhau, nhưng mức độ nhận thức về tình cảm nơi mỗi người lại rất khác nhau. Có người yêu cha mẹ vì hiểu được rằng cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình chứ không phải chỉ cho ăn (ở mức độ cảm giác), hay chiều chuộng theo ý thích của mình (ở mức độ cảm xúc). Nếu đi xa hơn về nhận thức, người đó yêu cha mẹ vì là hình ảnh của Thiên Chúa, vâng theo điều răn của Thiên Chúa “Hãy thảo kính cha mẹ”, dù cha mẹ họ già yếu, bệnh tật, khó tính, bất công với họ (ở mức độ tình cảm). Tất cả những nhận thức đó đều cần thiết để giúp cho con người nâng cao giá trị tình yêu của mình. Tình yêu của họ không còn bị lệ thuộc vào vật chất, vào không gian và thời gian để bước vào lĩnh vực của tinh thần. Tình yêu của họ vì thế mang tính vĩnh hằng và bất diệt!

Điều chúng tôi ghi nhận ở đây là trong bộ não của con người, chúng ta không thấy có chỗ nào chứa đựng nhận thức về trách nhiệm, tự do, hạnh phúc, tình yêu… Tất cả chỉ là những xung điện và những chất dẫn truyền thần kinh dưới dạng các phân tử hoá học. Vậy thì tư tưởng, nhận thức, tình yêu… của con người đến từ đâu và bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời không thể tìm thấy nơi con người và khoa học hiện đại nhưng phải tìm về nguồn của mọi hiện hữu là Thiên Chúa, là Chúa Trời, là Ông Trời như nhà thơ Hàn Mặc Tử và nhiều người đang tin tưởng. Chỉ có Đấng đó mới giải nghĩa được tình yêu nơi con người và vạn vật trong vũ trụ.

2. Tình yêu thật sự và toàn diện theo Kitô giáo

Nền nhân bản Kitô đặt tình yêu là giá trị căn bản cho mọi hoạt động của con người vì tình yêu là bản chất cao cả nhất mà Chúa có thể ban cho con người thuộc giới tinh thần với ý thức và tự do[22]. Thiên Chúa vì yêu thương nên đã tạo dựng muôn loài để chia sẻ cho mọi loài thụ tạo những gì tốt đẹp của mình, trong đó tình yêu là ân huệ cao cả nhất. Vì thế không phải chỉ con người có tình yêu, mà vạn vật cũng có tình yêu. Tình yêu của chúng có khi còn trong sáng, cao cả hơn con người, vì không bị yếu tố tự do của tinh thần tác động như con người.

2.1. Tình yêu là bản chất của muôn loài

“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Tình yêu là bản tính của Thiên Chúa. Không một tôn giáo nào định nghĩa thần linh của mình như thế. Bản chất của tình yêu là hướng về đối tượng ở ngoài mình để chia sẻ những gì mình có cho đối tượng đó. Vì Thiên Chúa có đầy đủ mọi sự nên tình yêu của Ngài luôn mang tính trao hiến (amor benevolentiae) cách quảng đại, vô vị lợi, chứ không mang tính chiếm hữu (amor concupiscentiae), tìm vui thoả cho mình (amor complacentiae). Ta cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập khắp nơi qua từng cánh hoa, ngọn cỏ, gió mát, trăng thanh như Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, vì thật sự không có gì ngẫu nhiên mà có. Chính vì Ngài yêu thương mỗi người chúng ta cũng như muôn loài, nên từng giây phút sống ta đều nhận được ân huệ sự sống, tình yêu, tri thức, niềm vui, chân thiện mỹ và tất cả những giá trị hiện hữu khác.

Khi Thiên Chúa đặt tình yêu vào bản chất của vạn vật cũng như bản tính của con người, Ngài chia sẻ tình yêu là bản tính của Ngài cho muôn loài, nhờ đó ta thấy muôn loài yêu thương nhau. Nhìn những bông hoa rất đẹp quanh vườn, chúng đang toả hương, khoe sắc cho ta mà đâu có đòi ta 1 xu nào! Tình yêu của chúng rất quảng đại, trong sáng. Nhìn vạn vật trong trời đất cũng thế, không vật chất nào trong thế giới tự nhiên đứng một mình. Ví dụ: Nước. Nếu phân tích ra, chúng là Hydro và Oxy. Chúng yêu nhau nên gắn bó với nhau thành nước. Nước ấy cho chúng ta uống, cũng chả đòi hỏi ta cái gì. Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của muôn thụ tạo hy sinh sự sống cho ta vì bản chất của chúng là tình yêu. Chúng ta được mời gọi để cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa trong vạn vật và bắt chước chúng để yêu cách trong sáng và quảng đại hơn.

Tuy nhiên, con người đã cắt đứt tình yêu Thiên Chúa kéo theo muôn loài thọ tạo lâm vào cảnh hư nát và ghét bỏ nhau. Kế hoạch tổng thể của tình yêu Thiên Chúa là cứu độ vũ trụ và cứu chuộc nhân loại nhờ Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,16; HTXHCG, số 19; Docat, 20).

2.2. Yêu theo tình yêu của Đức Giêsu

Khi nhà thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”, nghĩa là đạt được sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói: “Ông hãy giữ luật”. Nhà thông luật hiểu luật đó là “yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lục, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình”. Luật tình yêu không phải ở trên trời hay ở biển xa nào đó, nhưng được Thiên Chúa đặt trong chính lòng con người, ngay trên môi miệng con người (x. Đnl 30,10-14, HTXHCG, số 32, 32, 160, 196) cũng như trong bản chất của vạn vật, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Yêu như vậy mới cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương muôn loài nên chia sẻ cho tất cả tình yêu của mình và đặt tình yêu vào trong bản tính của  muôn loài (x. Lc 10,25-28).

Chúa Giêsu còn gợi ý cho ta đi xa hơn. Nếu ta muốn sống đời đời, muốn chia sẻ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, phi thường của Thiên Chúa thì ta hãy yêu như Người vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa[23]. Thiên Chúa là tinh thần, nên chúng ta không biết được tình yêu của Ngài cao cả, vô biên như thế nào. Nhưng khi Thiên Chúa cho Con của Ngài trở thành người, là Đức Giêsu Kitô, thì Ngài dạy cho chúng ta bài học tình yêu rất cụ thể. “Đây là Con ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người (Mc 9,7). Đức Giêsu dạy ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12, HTXHCG, số 54, 580). Chúng ta yêu như Người thì sẽ đạt được sự sống kỳ diệu ấy.

Đức Giêsu yêu cho đến nỗi chết trên thập giá, đổ máu đào cho mọi loài thọ tạo để hoà giải chúng với Chúa Cha. Nhờ sự hoà giải của Người, mọi người mọi vật đều là anh chị em của nhau, thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người[24]. Vì thế, khi chúng ta yêu thương nhau một cách trọn vẹn như Người, ta sẽ cảm nghiệm được sự sống diệu kỳ viên mãn của Thiên Chúa (x. Cl 1,15-20).

Coi nhau như anh em một nhà để yêu thương quảng đại là ý nghĩa dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 10, 25-37). Một người Do Thái đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị rơi vào tay bọn cướp, bị chúng đánh nhừ tử rồi bỏ đó. Người tư tế đi ngang qua, trông thấy nạn nhân nhưng lại tránh sang một bên, có lẽ ông nghĩ mình còn nhiều việc phải làm để phụng thờ Thiên Chúa hơn là chuyện lo cho con người. Thầy Lêvi đi ngang qua đó, cũng bỏ đi vì thầy có nhiệm vụ giúp những thầy tư tế phục vụ Chúa, lo dọn của lễ… Chỉ có người Samari đi ngang qua, thấy người Do Thái nằm đó, dù người Do Thái thù ghét người Samari, nhưng người Samari lại coi người đó là anh em mình, nên đã săn sóc, trả tiền và giúp đỡ. Chúa Giêsu nói cho thầy thông luật và chúng ta: “Hãy đi và làm như vậy thì sẽ được sống đời đời”.

Vì thế, mức độ cao nhất là yêu theo tình yêu của Đức Giêsu. Khi chúng ta hiểu Đức Giêsu là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa và Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hình ảnh mình, chia sẻ, cho con người bản chất tình yêu của Thiên Chúa, thì mỗi con người, dù tin hay không tin có Thiên Chúa, đều được mời gọi để yêu như Đức Giêsu. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xác định: “Tình yêu là ơn gọi căn bản và thuộc bản tính của mỗi con người[25].

Tình yêu của Đức Giêsu là chính tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con là Ngôi Lời Thiên Chúa làm ngườitình yêu thần hoá của Chúa Thánh Thần[26]. Vì thế, tình yêu của người yêu theo tình yêu này luôn mang 3 đặc điểm sáng tạo, cứu độ, thần hoá. Sáng tạo, vì luôn có những sáng kiến mới mẻ để nối kết mình với đối tượng mình yêu, đồng thời phát sinh hiệu quả mới như đứa con của sự kết hợp. Cứu độ, vì đem lại niềm vui, bình an, hạnh phúc cho đối tượng mình yêu chứ không phải là lo âu, bất an và bất hạnh như trong nhiều cuộc tình của con người. Thần hoá, vì tình yêu này luôn nâng đối tượng mình yêu lên ngang hàng với mình, tôn trọng đối tượng như một hữu thể độc lập với mình chứ không chiếm hữu, hạ thấp, làm nhục đối tượng mình yêu như Đức Giêsu đã đặt con người là bạn hữu của Người (x. Ga 15,14 ).

Tình yêu này tuy ở trong con người để họ vẫn rung động theo cảm giác, cảm xúc, cảm tình của con người, nhưng lại đưa họ mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên, để không còn bị lệ thuộc vào đối tượng, vật chất, không gian và thời gian[27] . Đó là tình yêu của Đức Giêsu Phục Sinh khi Người sống lại từ cõi chết, hiện ra với các môn đệ dù cửa nhà họ đều đóng kín, hiện ra bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào[28].

Người theo tình yêu này không đóng kín vào một đối tượng nào, nhưng mở ra cho muôn loài, muôn vật. Họ yêu từng người bằng tình yêu trọn vẹn của mình, nhưng đồng thời yêu mọi người mà không loại trừ ai, cả người tốt lẫn xấu, người lành cũng như kẻ dữ, người xinh đẹp cũng như kẻ xấu xí, người thánh thiện cũng như kẻ tội lỗi… Tình yêu của họ tồn tại mãi theo năm tháng chứ không chỉ trăm năm, và nguyên vẹn dù ở bất cứ nơi nào chứ không phải xa mặt, cách lòng! Tình yêu của họ luôn phát triển vì Thiên Chúa vĩnh hằng cho họ được hoà nhập vào tình yêu của Ngài. Họ cũng không bao giờ tuyệt vọng về tình yêu đến nỗi tự tử như Trịnh công Sơn mô tả “Một dòng sông nước cuốn một cuộc tình không may” trong bài Tình sầu của mình. Dù có bị người tình phản bội, họ vẫn chung thuỷ cho đến chết vì hiểu rằng tình yêu của mình trường tồn mãi mãi với Thiên Chúa.

Như thế, những vấn nạn về tình yêu đã được giải đáp, bởi vì tình yêu là bản tính của Thiên Chúa được ban cho con người chứ không phải là những nhịp đập tự nhiên của trái tim con người. “Chúa Cha đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Thánh Thần Tình Yêu đã nối kết Ngôi Cha, Ngôi Con lại với nhau thì cũng nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Nhờ đó, ta mới có thể yêu một cách trong sáng và quảng đại như Chúa Giêsu. Có những lúc vì muốn trung thành với tình yêu, ta sẽ gặp những thiệt thòi, mất mát, nhục nhã, thậm chí phải hy sinh mạng sống. Nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài nhìn thấu tất cả, nên hành động tình yêu nào của ta cũng được Ngài ban thưởng. Mọi hành động về tình yêu sẽ tồn tại mãi với Thiên Chúa vì Ngài chính là tình yêu. Niềm xác tín này sẽ biến các tín hữu thành những nhà các mạng thế giới như ĐGH Phanxicô đã nhắc nhở: “Một Kitô hữu, nếu không phải là nhà cách mạng trong thời đại này, thì không phải là Kitô hữu”[29].

2.3. Tình yêu trong Học thuyết Xã hội Công giáo

Học thuyết Xã hội Công giáo xác định ngay từ đầu: “Học thuyết này có một mối thống nhất rất sâu xa, bắt nguồn từ niềm tin vào một ơn cứu độ toàn diện và trọn vẹn, từ niềm hy vọng vào sự sung mãn của công lý và từ tình yêu sẽ làm cho mọi người trở thành anh chị em với nhau trong Đức Kitô. Đó cũng chính là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới, một thế giới đã được Ngài yêu thương tới mức “ban tặng cả Con Một của mình” (Ga 3,16). Luật yêu thương mới mẻ này bao trùm lên cả gia đình nhân loại và là luật không có giới hạn, vì ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện được công bố rộng rãi “tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8)[30].

“Khi khám phá ra mình được Thiên Chúa yêu thương, người ta mới hiểu được phẩm giá siêu việt của mình, biết như thế không phải để mình hài lòng với mình mà còn để đến gặp người khác qua một mạng lưới quan hệ ngày càng nhân bản hơn. Những người này khi đã được tình yêu Thiên Chúa đổi mới, có thể thay đổi các luật lệ và chất lượng của các mối quan hệ, thậm chí làm chuyển biến cả các cấu trúc xã hội, khiến cho xã hội càng ngày càng ổn định, bình an và huynh đệ hơn”[31]. “Tình yêu Kitô giáo sẽ đưa chúng ta tới chỗ tố cáo, đề nghị và dấn thân vào những dự án văn hoá và xã hội. Tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực để tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần của mình”[32].

Học thuyết Xã hội Công giáo xác định như Công đồng Vaticanô II rằng: “Con đường tình yêu trỗi vượt hơn cả (1Cr 12,31) vì tình yêu là tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội”[33]. Chính từ cội nguồn yêu thương sâu xa này mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển[34].

Hơn nữa, “tình yêu không phải chỉ cảm xúc nhưng còn là một nhân đức, một năng lực được thủ đắc bằng huấn luyện” (Docat, câu 16). Người tín hữu Kitô đã từng có thời nghĩ rằng tình yêu hay đức ái là ân huệ cao quý của Thiên Chúa, mình chỉ cần cầu nguyện mà không cần đào tạo hay huấn luyện cho mình cũng như cho người khác. Học thuyết Xã hội nhắc nhở Kitô hữu phải tự đào tạo mình để tình yêu của họ mỗi ngày một trong sáng, quảng đại hơn trong mọi lĩnh vực và mọi quan hệ xã hội như chúng ta đã nói đến trong nền nhân bản Kitô.

“Người Kitô hữu phải trở nên ngày càng can đảm và mạnh dạn hơn, đồng thời thêm ngay chính và yêu thương hơn” (Docat, câu 16). Thánh Phaolô đã xác định những đặc tính phải luyện tập để tình yêu thật sự là một nhân đức riêng biệt của Kitô hữu: trong bài ca đức ái (x. 1Cr 13,1-13) “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Điểm đặc biệt cuối cùng của Học thuyết Xã hội Công giáo là đã đưa tình yêu vào lĩnh vực xã hội và chính trị như một đòi hỏi thiết yếu và tất nhiên cho mọi hoạt động của Kitô hữu. Do đó phát sinh một từ mới: “bác ái chính trị và xã hội”. Tình yêu được người tín hữu diễn tả trong những lĩnh vực xã hội và chính trị không còn là hành vi mang tính cá nhân, thực hiện trong quan hệ riêng tư, để đáp ứng nhu cầu nào đó “tại đây và lúc này” như việc bác ái từ thiện họ vẫn thường làm. Nhưng tình yêu đó phải đưa họ đi xa hơn, trải rộng hơn trên mọi quan hệ của con người trong cộng đồng chính trị và xã hội, đòi hỏi họ phải tổ chức và xây dựng các cơ cấu mới để thay đổi các trung gian xã hội hay xoá bỏ những nhân tố đã gây ra những cảnh túng thiếu, bất an trong xã hội. Thí dụ: họ phải liên kết để thiết lập những công ty, xí nghiệp mới sản xuất thuốc tốt hơn, không tàn phá môi trường, tham gia các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động, người nhập cư…[35].

3. Nền văn minh tình yêu

3.1. Giải thích từ ngữ

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều nền văn minh. Văn minh là trình độ đạt được trong sự phát triển văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của loài người qua từng giai đoạn lịch sử[36]. Văn minh là điểm sáng của vẻ đẹp, của giá trị, là đỉnh cao của văn hoá.

Người ta thường chia thành văn minh cổ đại và văn minh hiện đại. Văn minh cổ đại tiêu biểu là sự phát triển rực rỡ của các quốc gia cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã hoặc Maya, Inca ở châu Mỹ, Hồ Sát ở châu Phi. Văn minh hiện đại được chia thành văn minh công nghiệp và văn minh tin học. Tuy nhiên, tất cả các nền văn minh ấy còn lại gì ngoài những đống gạch đá đổ nát ở khắp nơi và những tàn tích ghê rợn sau khi hai quả bom hạt nhân nổ ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 ở Nhật Bản!

Lịch sử loài người đã chứng minh rằng con người càng đặt nền văn minh dựa trên giá trị vật chất, gắn bó nhiều với sức mạnh của thiên nhiên, của chính con người hay của khoa học kỹ thuật, thì con người càng sống trong sự bất an và lo sợ vì những cuộc chiến tranh huỷ diệt tương tàn[37]. Vì thế, Giáo hội Công giáo cổ vũ cho một nền văn minh mới: văn minh tình yêu.

Cụm từ văn minh tình yêu được Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói đến đầu tiên[38], rồi được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến nhiều lần[39]. Kể từ đó, từ này càng ngày càng được phổ biến trong các văn kiện của Giáo hội Công giáo[40]. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng đã công bố đường hướng xây dựng nền văn minh này qua Đại hội Dân Chúa năm 2010 trong Thư chung “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình yêu và nền văn hoá sự sống“.

3.2. Văn minh tình yêu

Khi cổ vũ cho nền văn minh lấy tình yêu là nền tảng để xây dựng mọi mối tương quan của con người, là tiêu chuẩn để phán đoán mọi hành động nhân linh và là cùng đích mọi hoạt động của con người hướng đến, Giáo hội Công giáo muốn xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới cho con người[41].

Tình yêu này không phải chỉ là những cảm giác, cảm xúc, cảm tình nơi con người dù mãnh liệt nhưng vẫn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Nhưng đây là một thực thể siêu việt, vĩnh hằng, vô biên, vô tận, là chính tình yêu của Thiên Chúa. “Tình yêu siêu việt của Thiên Chúa là khởi đầu cho ‘một nền văn minh tình yêu’ theo lời dạy của Giáo hoàng Phaolô VI và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tất cả mọi người đều có thể góp phần kiến tạo nền văn minh ấy”[42]. “Người Công giáo có sứ mệnh biến đổi xã hội thành một nền văn minh tình yêu”[43].

Khi con người coi tình yêu là nguồn lực cho mọi hoạt động của mình, là phương tiện cần thiết dùng để hoàn thành các hành động ấy và là mục đích tối hậu cho mọi hoạt động của con người và xã hội nơi trần thế, thì chắc chắn nền văn minh tình yêu sẽ làm cho mỗi con người hay cộng đồng xã hội càng ngày càng liên kết với nhau, cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống ở trần thế, nếm hưởng trước niềm vui và hạnh phúc của thiên đường.

Chúng ta biết rằng nền văn minh tình yêu này cần nhiều thời gian để thiết lập cho mọi con người, nhất là thuyết phục cả dân tộc đang chọn lựa thái độ duy vật, vô thần đón nhận tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu tình yêu là bản chất tự nhiên đã được Thiên Chúa ban cho muôn loài, thì việc xây dựng nền văn minh tình yêu không còn phải là chuyện ảo tưởng hay mơ mộng hão huyền, mà là một thực tại có sẵn, chỉ cần con người chúng ta nhận thức và phát huy nó ra trong đời sống.

Khi ta hiểu được Đức Giêsu là tình yêu cụ thể, hữu hình của Thiên Chúa, thì việc xây dựng nền văn minh này chỉ còn là việc kêu gọi mọi người tin tưởng vào và gắn bó với Đức Giêsu. Chính Người sẽ chuyển thông cho ta tình yêu Thiên Chúa nhờ Thánh Thần Tình yêu Người ban cho mỗi người chúng ta khi ta thở được Thần Khí từ trời.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên xác định thêm rằng, Thánh Thần Tình yêu này phải đi kèm với sự thật là chính Đức Giêsu Kitô, như ĐGH Bênêđictô XVI đã lưu ý trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong sự thật) của ngài. Thánh Thần Tình yêu sẽ giúp cho những ai xây dựng nền văn minh này hiểu được sự thật về vạn vật, về con người và về Thiên Chúa để nền văn minh này thật sự tốt đẹp và bền vững.

Lời kết                                                                  

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Con người không thể sống thiếu tình yêu. Nếu tình yêu không được tỏ bày cho con người, nếu con người không tìm gặp tình yêu, nếu con người không thể cảm nghiệm và tiếp nhận tình yêu, nếu con người không tham dự mật thiết vào tình yêu, thì con người vẫn là một hữu thể không hiểu nổi chính mình[44].

Chỉ khi nào nền văn minh tình yêu ngự trị thì nhân loại mới có thể hưởng một nền hoà bình chân chính và vững bền[45].

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ tình yêu là gì?

2. Bạn thử tự kiểm xem tình yêu của mình đang ở mức độ nào:  cảm giác, cảm xúc, cảm tình, cảm tình thắm thiết và có trách nhiệm?

3. Tình yêu chân thật có những đặc tính nào?

4. Tình yêu trọn vẹn đưa con người tới đâu?

5. Tình yêu Kitô giáo đòi hỏi ta trở thành nhà cách mạng xã hội, bạn nghĩ mình có thể hành động gì trong lĩnh vực xã hội mình sống?

 



[1] x. HTXHCG, số 19; Docat, chương 1.

[2] x. Xuân Diệu (1916-1985), tên thật là Ngô Xuân Diệu, nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Ông nổi tiếng với các bài thơ về tình yêu, nhưng lại mang tiếng về tình yêu “đồng tính”, qua những bài thơ Biển, Tình Trai mà nhà văn Tô Hoài đã viết trong cuối hồi ký Cát bụi chân ai. (Internet, ngày 15/3/2016, Hội thảo Khoa học “Xuân Diệu với văn hoá dân tộc”).

[3] x. Đoàn Trung Côn, bộ Phật học Từ điển, 3 cuốn, NXB TP.HCM, 1992; Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bộ Từ điển Phật học Hán Việt, 2 cuốn, NXB Phân viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội, 1992; Thích Minh Châu – Minh Trí, Từ điển Phật học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

[4] x. Đây là câu 2658 trong Truyện Kiều. Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều: “Sự rằng phúc hoạ đạo trời, Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng tại ta, Tu là cõi phúc tình là dây oan”.

[5] x. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ “Tham Sân Si”, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2005, tr.137.

[6] x. Lấy ý từ bài thơ Ngập Ngừng của thi sĩ Hồ Dzếnh trong tập thơ “Quê Ngoại”, sáng tác năm 1943. Nguyên văn: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề, Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”.

[7] x. Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Phêrô Nguyễn Trọng Trí, sáng tác được 213 bài thơ. Các câu thơ này ở trong tập Thu Thương (Thơ Điên, sáng tác năm 1937). Ông bị bệnh phong cùi, chết ở Quy Nhơn.

[8] x. Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ lớn (1939-2001) của âm nhạc đại chúng với 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi.

[9] x. Vietlex, Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ “Tình yêu”, tr.1284.

[10] x. Sđd, tr.1492

[11] x. Sđd., Vietlex, Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ “Tình yêu”, tr.1283.

[12] x. Sđd., Vietlex, Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ “Tình yêu”,

tr.1256, mục từ “Thương” và tr.1237, mục từ “Thương xót”.

[13] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.136-137.

[14] x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, Mục từ Con tim, NXB Tôn Giáo, 2016, tr. 7

[15] x. A.Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.295.

[16] x. A.Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.302.

[17] x. A.Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.310.

[18] x. P. Ekman, Emotions Revealed, 2003; mạng internet 21/3/2017, Ngan Nguyen, Tìm hiểu về 7 cảm xúc cơ bản.

[19] x. A.Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.306.

[20] x. A.Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.305-310.

[21] x. A.Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.300.

[22] x. HTXHCG, số 9, 46, 65.

[23] x. HTXHCG, số 29, 491.

[24] x.HTXHCG, số 34.

[25] x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 11: AAS74 (1982), 92; GLHTCG, số 2392.

[26] x. HTXHCG, số 31,34,54.

[27] x. ĐGH Bênêđictô XVI, TĐ Thiên Chúa là tình yêu- Deus est Caritas, số 8

[28] x. HTXHCG, số 30, 34, 121, 431.

[29] x. Câu nói đăng ở bìa sau của Docat ở các ngôn ngữ khác, trừ tiếng Việt

[30] x. HTXHCG, số 3.

[31] x. HTXHCG, số 4.

[32] x. HTXHCG, số 6.

[33] x. HTXHCG, số 204.

[34] x. HTXHCG, số 205.

[35] x. HTXHCG, số 207-208.

[36] x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách Khoa, 2005, mục từ “Văn minh”.

[37] x. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài “Xây dựng nền văn minh tình yêu”, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.292.

[38] x. Thông điệp Ngày Hoà bình Thế giới năm 1977

[39] x. Thông điệp Centessimus Annus (Bách Chu niên), năm 1991, số 10; Ngày Giới trẻ Thế giới 1995 tại Manila, Philippines.

[40] x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 103, 391, 582; Docat, số 14 tr.23, số 51 tr.63, số 102 tr.102-111, số 275 tr.255, số 276 tr.256, số 278 tr.257, số 319 tr.290.

[41] x. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài “Xây dựng nền văn minh tình yêu”, NXB Tôn Giáo, 2015, tr. 292; Tóm lược HTXHCG, số 1-19, 20-59, 105-159.

[42] Docat, số 14 tr. 23.

[43] Docat, số 319 tr. 290.

[44] x. Thông điệp Redemptor Hominis (1979), số 10; Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.28.

[45] x. Thánh Gioan Chrysostom; Tóm lược HTXHCG, số 582.