23/12/2024

Khốc liệt hạn mặn, sông Mê Kông ‘trơ đáy’

Thượng nguồn sông Mê Kông đang chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy khi mực nước xuống thấp nhất trong lịch sử dù đang là mùa mưa. Ở hạ nguồn, nỗi lo nước lũ không về và xâm nhập mặn khốc liệt lại đe doạ ĐBSCL.

 

Khốc liệt hạn mặn, sông Mê Kông ‘trơ đáy’

Thượng nguồn sông Mê Kông đang chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy khi mực nước xuống thấp nhất trong lịch sử dù đang là mùa mưa. Ở hạ nguồn, nỗi lo nước lũ không về và xâm nhập mặn khốc liệt lại đe doạ ĐBSCL.
 
 
 
 

Nước sông Mê Kông đoạn qua huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan ngày 20.7 xuống rất thấp Ảnh: Hoàng Thiện

 

 
Khi những hình ảnh sông Mê Kông nhiều đoạn cạn trơ đáy trong mùa mưa lan truyền xuyên biên giới, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cũng đã chính thức loan báo: Mực nước sông Mê Kông trong đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 đã ở mức thấp nhất, dưới mức tối thiểu từng ghi nhận trong nhiều năm. Hiện tại ở Chiang Saen, tỉnh Chaing Rai, Thái Lan, mực nước đo được là 2,1 m, thấp hơn nhiều so với mức 3,02 m – mực nước trung bình đo được trong 57 năm (1961 – 2018). Tại Viêng Chăn (Lào), mực nước là 5,54 m, thấp hơn 0,7 m so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, tại Thái Lan, truyền thông đưa tin, mực nước sông Mê Kông khu vực “Tam giác vàng” giáp biên giới 3 nước Thái Lan, Lào và Myanmar đã giảm đến mức thấp nhất trong một thế kỷ.

“Túi nước” khổng lồ cũng cạn kiệt

Năm 2015, lũ cũng rất thấp nhưng vào thời điểm này, mực nước thậm chí còn cao hơn năm nay. Sau đó sang đầu năm 2016 chúng ta chứng kiến đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử khiến 10/13 tỉnh thành ĐBSCL công bố thiên tai, hơn 160.000 ha lúa bị thiệt hại. Điều đáng sợ là đợt hạn mặn lịch sử này có thể lặp lại vào mùa khô năm sau

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ

Đứng ở bến Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, nhìn ra sông Hậu, nhánh chính của dòng Mê Kông chảy về hạ nguồn ĐBSCL, ông Nhâm Hùng, một nhà nghiên cứu văn hóa ở Cần Thơ, bảo rằng: “Lý ra, giờ này con nước bạc đã về sông Hậu, khởi đầu mùa nước nổi, kéo theo những đàn cá bống trứng, rồi sau đó là cá linh non. Thế nhưng không hiểu sao, năm nay nước không có. Ngay trong nội thành Cần Thơ, các con rạch lúc nước ròng cũng cạn trơ đáy. Thật đáng lo”.

Cũng sốt ruột với mực nước sông Mê Kông mấy ngày qua, Th.S Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho biết từ thượng nguồn của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông ở huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai của Thái Lan đến Luông Pha Băng và Viêng Chăn của Lào và xa hơn đến Nong Khai (Thái Lan) và Neak Luong, Campuchia, mực nước đều thấp hơn mức đo được năm 1992, năm được xem là có lưu lượng thấp nhất được ghi nhận. “Nhìn đồ thị thủy văn, tôi tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi năm tầm tháng 6 tức sau mùng 5 tháng 5 âm lịch, con nước đã dâng từ từ cho tới đỉnh lũ là tháng 9, tháng 10 nước tràn đồng ở ĐBSCL. Thế nhưng, năm nay đến giờ này, con nước thậm chí có xu hướng đi xuống, giảm đi”, Th.S Kỷ Quang Vinh nói và thông tin thêm, thông thường, nước từ thượng nguồn Mê Kông đổ về sẽ theo nhánh Tonle Sap tràn vào Biển Hồ, làm cho diện tích mặt nước Biển Hồ tăng lên đáng kể. Hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á này chính là “túi nước” khổng lồ trữ nước vào mùa mưa và nhả nước điều tiết cho hạ nguồn ĐBSCL. Tuy nhiên, năm nay, chính túi nước này cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều khu vực làng nổi của người dân rơi vào tình trạng mắc cạn vì nước xuống thấp. Và với tình hình này, năm nay ĐBSCL khó có nước về.
 
Khốc liệt hạn mặn, sông Mê Kông 'trơ đáy' - ảnh 1

Làng nổi Chong Khneas của Việt kiều ở Biển Hồ, Siem Reap, Campuchia “mắc cạn” dù đang là mùa mưa   Ảnh: Nguyễn Minh Luân

 

Nỗi lo hạn mặn lịch sử lặp lại

Phân tích về nguyên nhân khiến nước sông Mê Kông xuống thấp, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, cho biết lưu vực Mê Kông có 2 đoạn gồm thượng lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và hạ lưu vực là phần từ Lào xuống bờ biển ĐBSCL. Ở đoạn thượng lưu vực, nguồn nước chủ yếu là từ tuyết tan ở cao nguyên Tây Tạng, đóng góp khá ít vào tổng lượng nước, chỉ chiếm 16%, và Myanmar đóng góp 2%, còn lại 82% lượng nước Mê Kông là do mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia, và ở tại chỗ ĐBSCL. Trong 82% đó, lượng mưa ở phía Lào đóng góp đến 35% tổng lượng nước. Phần lưu vực từ Thái Lan và Campuchia đóng góp 18% mỗi nơi. Nhưng lượng nước mưa ở vùng hạ lưu vực lại phụ thuộc lớn vào thời tiết. “Đáng ngại là hiện nay theo bản tin dự báo của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ đang có tình trạng El Nino yếu và có khả năng lượng mưa trong lưu vực Mê Kông trong vòng 1 – 2 tháng tới sẽ thấp. Tại Viêng Chăn, Lào mưa rất ít và mực nước cũng thấp kỷ lục so với tất cả các năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc mùa lũ ở ĐBSCL sẽ rất thấp kéo theo sang mùa khô đầu năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn sẽ rất khốc liệt”, ông Thiện nói.
 
Trước đó, truyền thông Thái Lan cũng đã đề cập 3 nguyên nhân làm suy giảm nguồn nước trên sông Mê Kông, đó là do hạn hán, lượng mưa quá ít; kế đến là việc giảm lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách khu vực biên giới Thái Lan, Myanmar và Lào khoảng 340 km. Cuối cùng là kế hoạch tích nước để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi ở Lào, dự kiến hoạt động chính thức vào tháng 10. PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL không có lũ, không chỉ đơn thuần là nước ít đi mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy tệ hại. Đó là hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh và chắc chắn là không có phù sa bồi đắp cho đồng bằng. “Năm 2015, lũ cũng rất thấp nhưng vào thời điểm đó, mực nước thậm chí còn cao hơn năm nay. Sau đó sang đầu năm 2016 chúng ta chứng kiến đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử khiến 10/13 tỉnh thành ĐBSCL công bố thiên tai, hơn 160.000 ha lúa bị thiệt hại. Điều đáng sợ là đợt hạn mặn lịch sử này có thể lặp lại vào mùa khô năm sau”, ông Tuấn nói đầy lo lắng.
 
PGS-TS Hoàng Minh Tuyển, Trưởng phòng Quy hoạch và dự báo tài nguyên nước, Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ TN-MT, cho rằng: Mối đe dọa lớn nhất là năm nay lũ trên sông Mê Kông không lớn. Đến nay đã vào thời kỳ lũ chính vụ (20.7 – 30.9), nhưng lưu lượng tại Kratie (tức cửa vào ĐBSCL) vẫn chỉ bám theo đường nước lũ tiềm năng nền. Mực nước tại Tân Châu đang ở mức thấp nhất lịch sử. Lượng mưa trung bình hạ lưu vực Mê Kông từ 1.6 – 23.7 không bằng 2/3 lượng mưa cùng kỳ năm 2018. Tích lũy lượng mưa trong mùa mưa đến hiện tại thấp hơn năm hạn lịch sử 2015 gần 100 mm. Nếu không có cú hích bằng những trận mưa lớn thì lũ năm nay khó vượt được năm lũ nhỏ 2015. Hệ quả là mùa hạn năm 2019 – 2020 sẽ thiếu nước trầm trọng, mức độ hạn hán thiếu nước không thua kém 2015 – 2016.
 
 
ĐÌNH TUYỂN