26/12/2024

‘Hành lang ung thư’ của Mỹ nằm ở đâu?

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA), bang Louisiana là nơi có tỉ lệ ung thư cao nhất nước này. Phóng viên báo Libération của Pháp đã đến tìm hiểu.

 

‘Hành lang ung thư’ của Mỹ nằm ở đâu?

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA), bang Louisiana là nơi có tỉ lệ ung thư cao nhất nước này. Phóng viên báo Libération của Pháp đã đến tìm hiểu.


 

Hành lang ung thư của Mỹ nằm ở đâu? - Ảnh 1.

Ông Robert Taylor đến viếng mộ người thân. Khu nghĩa trang này nằm ngay bên trong phần đất của Nhà máy lọc hóa dầu Marathon Oil tại Garyville – Ảnh: LIBERATION

 

Đó là một dãy đất dài 150km nối liền hai thành phố Baton Rouge, thủ phủ bang Louisiana, và New Orleans, thành phố lớn nhất của bang. 

Cộng đồng dân cư tại đây đa số là người gốc Phi nghèo khó, họ đang phải sống trong một môi trường ô nhiễm trầm trọng từ các nhà máy công nghiệp hóa dầu.

Ngay từ thập niên 1950, đã có hàng chục nhà máy lọc dầu mọc lên tại đây do vị trí thuận lợi của vùng đất bên bờ vịnh Mexico. 

Thế rồi, đến hôm nay, tức 70 năm sau đó, EPA có báo cáo rằng tại nơi đây, không khí, đất và nguồn nước đều bị nhiễm độc nặng nề. Người dân thì lo sợ còn chính quyền thì bình chân như vại.

Khu lọc hóa dầu và một nghĩa trang

TP Reserve có nhà máy sản xuất chất chloropren duy nhất của nước Mỹ, do hãng hóa chất DuPont xây dựng từ năm 1969. 

Đến tháng 11-2015, nhà máy này được bán lại cho công ty Nhật Bản Denka. Cơ quan EPA đã chính thức xác nhận chất chloropren (dùng để sản xuất cao su tổng hợp) “có thể gây ung thư cho người” và chỉ rõ là người dân sống tại TP Reserve có nguy cơ bị ung thư cao nhất nước, gấp 69 lần mức trung bình của quốc gia.

Hành lang ung thư của Mỹ nằm ở đâu? - Ảnh 2.

Với lợi thế địa lý thông ra vịnh Mexico, bang Louisiana đã thu hút được nhiều doanh nghiệp hoá dầu đến đây đầu tư, như nhà máy lọc hoá dầu Marathon Oil này – Ảnh: LIBERATION

 

Dù vậy, cư dân TP Reserve vẫn trụ lại vì giá cả bất động sản bèo bọt nơi đây: một môi trường tệ hại như thế đã khiến giá nhà ở nơi đây giảm mạnh, một căn nhà có bán rẻ mấy cũng chẳng ai mua thì làm sao mà dời đi nơi khác sống cho được?

Ông Robert Taylor, năm nay 78 tuổi, là người đã sinh ra và lớn lên tại thành phố này, ngao ngán chỉ tay ra xa: sát phía sau nhà máy lọc dầu Marathon Oil là một khu đất nghĩa trang địa phương. 

Ông nói: “Ông bà và bố mẹ tôi đều được chôn cất tại đây, tất cả họ đều qua đời vì ung thư. Mỗi lần muốn đến viếng mộ họ, tôi phải làm thủ tục tại cổng vào của Marathon rồi được một bảo vệ của nhà máy đi kèm để canh chừng. Thật là lố bịch!”.

Nằm cách TP Reserve 30km là Saint James, một thành phố của những bồn hóa chất. Bà Jeromine Lavigne, 75 tuổi, cho biết là chính quyền đã thông báo chính thức yêu cầu người dân không uống nước máy mà phải dùng nước đóng chai nhựa để bảo đảm sức khỏe “trong khi chúng tôi đóng thuế để có nước máy dùng mà”.

Hành lang ung thư của Mỹ nằm ở đâu? - Ảnh 3.

Tại TP Saint James, ngày 1-11 năm ngoái, cư dân biểu tình phản đối việc xây dựng thêm một nhà máy hóa chất – Ảnh: LIBERATION

 

Trên một diện tích 22km2 là 118 bồn chứa và hàng chục nhà máy nhưng lại không có tuyến đường thoát nạn khi xảy ra sự cố. 

Bà Jeromine Lavigne kể tiếp: “Những bồn chứa dầu thô đó, trời nắng nóng bốc mùi hăng hắc khó chịu lắm! Có lần tôi bị một cơn đau tức ngực. Người ta đã phải dùng trực thăng đưa tôi đi cấp cứu vì bệnh viện gần nhất nằm tại Baton Rouge cách đây gần 80 cây số. Tôi đã phải đợi trước cửa nhà gần một tiếng đồng hồ vì trực thăng phải làm thủ tục xin phép rồi mới được bay ngang qua khu vực nhà máy”.

Từ đó, mục sư Joseph quyết đấu tranh để chính quyền xây một tuyến đường thoát nạn nhưng ông cũng rất chán nản vì cách đây 3 năm ông cũng đã thất bại khi ngăn cản việc lắp đặt thêm một đường ống dẫn dầu do không thể chứng minh được tỉ lệ ung thư ở đây cao là do chất thải công nghiệp. Đặt hàng một nghiên cứu khoa học sẽ tốn gần 400.000 USD thì kiếm tiền đâu mà làm?

Một nhân chứng khác là bà Chassity White hiện cũng đang theo đuổi chiến dịch phản đối việc xây dựng một nhà máy sản xuất nhựa tại Saint James, ngay sát nhà bà, vì giữa tháng 12 năm ngoái, chính quyền đã bật đèn xanh cho một dự án 9,4 tỉ USD của Formosa, một doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).

Anh Travis Lemmond lo lắng nhìn lên bầu trời đang chuyển mưa đen kịt: “Các nhà máy luôn lợi dụng trời mưa để thải hết chất độc lên không trung vì chúng sẽ hòa lẫn vào những đám mây đen, không ai phát hiện ra được, nhưng sau đó thì nước mưa dơ bẩn sẽ đổ xuống đầu chúng tôi”.

Còn ông Robert Taylor nói đầy bực tức: “Thật không thể chấp nhận được khi một doanh nghiệp hùng mạnh đến đây để gom tiền đầy túi, để giết chết chúng tôi rồi thách thức chúng tôi: Quý vị hãy chứng minh được sai phạm của chúng tôi đi nào! Chính quyền thì không làm gì để bảo vệ người dân”.

Cộng đồng địa phương đã phải nhờ đến các tổ chức phi chính phủ như 350.org. Điều phối viên Renate Heurich của tổ chức này phát biểu như sau: “Bang Louisiane thu hút các doanh nghiệp nhờ chính sách miễn giảm thuế nhưng lại thiếu tiền chi cho các dịch vụ cơ bản phục vụ cộng đồng. Một nguy hại khác là các nhà máy sử dụng sông Mississippi như một nhà vệ sinh lộ thiên, họ xả ra đủ loại chất thải làm ô nhiễm nguồn nước và phá hủy đa dạng sinh học”.

Hành lang ung thư của Mỹ nằm ở đâu? - Ảnh 4.

Sharon Lavigne và Chassity White, hai phụ nữ da màu đại diện cho cộng đồng gốc Phi tại bang Louisiana, tích cực đấu tranh bảo vệ môi trường sống cho cư dân tại đây – Ảnh: LIBERATION

 

Thị trấn La Place nhờ đến pháp luật

Ông Robert Taylor muốn có được một phán quyết của tòa án để buộc nhà máy tuân thủ các giới hạn an toàn của chính phủ, nhưng thủ tục kiện tụng tốn khoản 500.000 USD. Quá đắt!

Nhiều văn phòng luật sư biết chuyện đã hăng hái tìm đến hưởng lợi vì nếu thắng kiện buộc được các nhà máy chi ra hàng trăm triệu USD tiền đền bù thì họ sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng cũng không nhỏ.

Tại bang Louisiana này, những người đã một thời đấu tranh bảo vệ môi trường sống cũng dần dần rút lui, họ thối chí trước sức mạnh của các doanh nghiệp vốn rất thân thiết với chính quyền địa phương.

Những cư dân như bà Jeromine Lavigne, ông Robert Taylor hay anh Travis Lemmond, nói họ sẽ ra đi để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cho gia đình, dù cho có phải vứt lại hết gia sản. 

Riêng bà Chassity White thì vẫn muốn tiếp tục tranh đấu dù rằng “tôi mệt mỏi lắm rồi nhưng tôi muốn con tôi sống an toàn hơn” và bà cáo buộc “những doanh nghiệp này chà đạp lên quyền sống của chúng tôi, họ xem chúng tôi chẳng ra gì cả”.

 

TƯỜNG NGUYỄN