24/01/2025

Chúa Nhật XV TN C 2019: Yêu để sống phi thường

Khi Thiên Chúa đặt tình yêu vào bản chất của vạn vật cũng như bản tính của con người, Ngài chia sẻ tình yêu là bản tính của Ngài cho muôn loài, nhờ đó ta thấy muôn loài yêu thương nhau.

 

Chúa Nhật XV TN C 2019

Yêu để sống phi thường

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Chúng ta đã nghe rất nhiều lần những đoạn Thánh Kinh về luật yêu thương, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy có cái gì đó gây khó khăn cho ta. Khó khăn để hiểu được tính yêu thật sự là gì và thể hiện tình yêu như thế nào trong cuộc sống, bởi vì rất nhiều lần ta muốn yêu thương mà lại hành động ngược lại.

Hôm nay chúng ta cùng nhau suy nghĩ đôi điều để tìm lại ý nghĩa thật sự của tình yêu và từ đó chúng ta thể hiện nó như Đức Giêsu mời gọi.

1. Tình yêu trong đời sống

Rất nhiều người không tin có tình yêu, họ không biết tình yêu bắt nguồn từ đâu. Nếu phân tích con người bằng tất cả máy móc khoa học tân tiến nhất, người ta cũng không thấy chỗ nào chứa đựng tình yêu, dù rằng người ta vẫn nói trái tim là biểu tượng tình yêu của con người, cũng như của Thiên Chúa. Từ đó chúng ta mới có Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ Trái tim Đức Mẹ.

Trong con người, nhất là bộ não, người ta chỉ thấy những hợp chất, những xung động điện chuyển thông những hoá chất từ đầu thần kinh này đến đầu thần kinh khác, làm cho chúng ta rung động trước những con người hay sự vật nào đó. Nhưng đó chỉ là những cảm xúc, những cảm tình do tế bào thần kinh tạo nên. Nhiều người đã lầm tình yêu là những cảm xúc như vậy nên người ta gắn bó với nhau rồi lại bỏ nhau.

Xuân Diệu, là một nhà thơ nổi tiếng về tình yêu, cũng nói rằng:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”.

Tình yêu là cái gì mờ ảo, mông lung, chan hoà trong trời đất cũng như trong lòng người, nhưng không thể giải nghĩa được. Quả thật, những anh em Cộng sản theo chủ nghĩa duy vật biện chứng không tin có tình yêu. Chúng ta thấy trong 4000 trang khổ lớn của cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam, biên soạn năm 2005 do hàng trăm tiến sĩ đầu ngành, không có từ “tình yêu”; chỉ có từ “tình bạn, tình cảm, tình dục”. Trong khi các thầy cô vẫn dạy học sinh cấp mẫu giáo, tiểu học là phải “yêu cha mẹ, yêu đồng bào, yêu tổ quốc” thì học sinh, sinh viên các lớp lớn lại được dạy rằng tình yêu chỉ là sản phẩm tưởng tượng của chủ nghĩa duy tâm sai lạc. Người ta không biết tình yêu bắt nguồn từ đâu, dù rằng vẫn cảm nghiệm được một cái gì đó không thuộc về vật chất ở trong con người mình, mà ta gọi là tình yêu.

Những người Công giáo chúng ta cần phải biết tình yêu là gì và bắt nguồn từ đâu. Hàn Mạc Tử là nhà thơ Công giáo, đã trả lời cho Xuân Diệu trong bài tả về Đà Lạt:
Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu”.

Như Xuân Diệu, ông cũng cảm nghiệm được tình yêu chan hoà trong thiên nhiên nhưng hiều rằng chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu đó.

2. Tình yêu là bản chất của muôn loài

Khi nhà thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”, nghĩa là sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói: “Ông hãy giữ luật”. Nhà thông luật hiểu luật đó là “yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lục, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình”. Yêu như vậy mới cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương muôn loài nên chia sẻ cho tất cả tình yêu của mình và đặt tình yêu vào trong bản tính của  muôn loài.

Bài đọc I (x. Đnl 30,10-14) nói rằng luật tình yêu không phải ở trên trời hay ở biển xa nào đó, nhưng được Thiên Chúa đặt trong chính lòng con người, ngay trên môi miệng con người cũng như trong bản chất của vạn vật, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga, 4,16). Thánh Gioan tông đồ đã định nghĩa tình yêu là bản tính của Thiên Chúa. Không một tôn giáo nào định nghĩa như thế.

Trong các từ điển Phật giáo, không có từ tình yêu. Anh em Phật giáo cho ràng tình yêu là một cái gì vô thường, đột nhiên tụ lại trong con người rồi tan biến đi. Kiếp này ta có thể yêu, kiếp sau thành một con trâu, con chó thì ta không thể yêu nữa. Tình yêu là nguyên nhân gây nên phiền não, đầu độc con người, làm cho con người tham lam, giận dữ, ngu si. Vì vậy mà Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”.

Khi Thiên Chúa đặt tình yêu vào bản chất của vạn vật cũng như bản tính của con người, Ngài chia sẻ tình yêu là bản tính của Ngài cho muôn loài, nhờ đó ta thấy muôn loài yêu thương nhau. Nhìn những bông hoa rất đẹp trên bàn thờ, chúng đang toả hương, khoe sắc cho ta mà đâu có đòi ta 1 xu nào! Tình yêu của chúng rất quảng đại, trong sáng. Nhìn vạn vật trong trời đất cũng thế, không vật chất nào trong thế giới tự nhiên đứng một mình. Ví dụ: Nước. Nếu phân tích ra, chúng là Hydro và Oxy. Chúng yêu nhau nên gắn bó với nhau thành nước. Nước ấy cho chúng ta uống, cũng chả đòi hỏi ta cái gì. Chúng ta được mời gọi để cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa trong vạn vật và bắt chước chúng để yêu cách trong sáng và quảng đại hơn.

Chúa Giêsu còn gợi ý cho ta đi xa hơn. Nếu ta muốn sống đời đời, muốn chia sẻ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, phi thường của Thiên Chúa thì ta hãy yêu như Người vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tinh thần, vô hình nên chúng ta không biết được tình yêu của Ngài cao cả, vô biên như thế nào. Nhưng khi Thiên Chúa cho Con của Ngài trở thành người, là Đức Giêsu Kitô, thì Ngài dạy cho chúng ta bài học tình yêu rất cụ thể. “Đây là Con ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người (Mc 9,7). Người dạy ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Chúng ta yêu như Người thì sẽ đạt được sự sống kỳ diệu ấy.

Bài đọc II (x. Cl 1,15-20) nói đến Đức Giêsu yêu cho đến nỗi chết trên thập giá, đổ máu đào cho mọi loài thọ tạo để hoà giải chúng với Chúa Cha. Nhờ sự hoà giải của Người, mọi người mọi vật đều là anh chị em của nhau, thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, khi chúng ta yêu thương nhau một cách trọn vẹn như Người, ta sẽ cảm nghiệm được sự sống diệu kỳ viên mãn của Thiên Chúa.

Coi nhau như anh em một nhà để yêu thương quảng đại là ý nghĩa dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 10, 25-37). Một người Do Thái đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị rơi vào tay bọn cướp, bị chúng đánh nhừ tử rồi bỏ đó. Người tư tế đi ngang qua, trông thấy nạn nhân nhưng lại tránh sang một bên, có lẽ ông nghĩ mình còn nhiều việc phải làm để phụng thờ Thiên Chúa hơn là chuyện lo cho con người. Thầy Lêvi đi ngang qua đó, cũng bỏ đi vì thầy có nhiệm vụ giúp những thầy tư tế phục vụ Chúa, lo dọn của lễ… Chỉ có người Samari đi ngang qua, thấy người Do Thái nằm đó, dù người Do Thái thù ghét người Samari, nhưng người Samari lại coi người đó là anh em mình, nên đã săn sóc, trả tiền và giúp đỡ. Chúa Giêsu nói cho thầy thông luật và chúng ta: “Hãy đi và làm như vậy thì sẽ được sống đời đời”.

Như thế, khó khăn về tình yêu đã được giải đáp, bởi vì tình yêu là bản tính của Thiên Chúa được ban cho con người chứ không phải là những nhịp đập tự nhiên của trái tim con người. “Chúa Cha đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Thánh Thần Tình Yêu đã nối kết Ngôi Cha, Ngôi Con lại với nhau thì cũng nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Nhờ đó, ta mới có thể yêu một cách trong sáng và quảng đại như Chúa Giêsu. Có những lúc vì muốn trung thành với tình yêu, ta sẽ gặp những thiệt thòi, mất mát, nhục nhã. Nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài nhìn thấu tất cả, nên hành động tình yêu nào của ta cũng được Ngài ban thưởng. Nhiều khi không biết phải yêu như thế nào, ta hãy dành 1 giây để cầu nhuyện với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa, xin soi sáng cho con. Xin đổ tình yêu vào lòng con để con biết phải diễn tả thế nào theo đúng ý Chúa”.

Lời kết

Lệnh truyền về tình yêu của Chúa Giêsu đưa con người và vũ trụ vào một tương quan mới để tất cả cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc. Chúng ta có cảm thấy thế khi yêu thương không?