24/01/2025

Chúa Nhật XV TN C: Thực thi luật Chúa

Chúa Giêsu đề cao giá trị của luật yêu thương trong Cựu Ước; đồng thời, Người cũng đưa ra cách áp dụng mới mẻ của giới răn yêu thương đó. Nhân hai câu hỏi của nhà thông luật, Chúa Giêsu cho thấy một cách hiểu và sống giới răn yêu thương hoàn toàn mới mẻ.

 

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN C

(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)

THỰC THI LUẬT CHÚA

Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy (Lc 10,37)

    Trong Cựu Ước, thông qua ông Môsê, Thiên Chúa luôn nhắc nhở dân Chúa hãy ghi nhớ và thực thi tất cả những mệnh lệnh của Ngài, như là điều kiện để được Thiên Chúa chúc phúc (x. Đnl 28,1-5; 30,9-10; Lv 25,18; 26,3-10). Qua thời Tân Ước, Chúa Giêsu dạy những ai nghe lời Người và đem ra thực hành thì giống như người khôn xây nhà trên đá (x. Mt 7,24); đó là bảo đảm cho người ta được sự sống đời đời (x. Lc 10,25-37).

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

    Đoạn sách Đệ Nhị Luật nằm trong diễn từ thứ ba, diễn từ cuối cùng của ông Môsê cho dân Israel, trong đó ông nhắc lại điều cơ bản là: hãy nghe và tuân giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Đức Chúa như được ghi trong sách luật.

    Trước hết, để có thể nghe và thực hành mệnh lệnh của Đức Chúa, thì điều cần thiết là hết lòng hết dạ trở về với Người. Sự trở về với Đức Chúa là đòi hỏi quan trọng, vì biết bao lần dân Israel đã phản bội Đức Chúa mà chạy theo các thần ngoại bang, chạy theo thói thờ ngẫu tượng của dân ngoại. Hơn nữa, sự trở về phải “hết lòng hết dạ”, nghĩa là một sự trở về với tất cả tâm hồn, để toàn tâm toàn ý hướng về Đức Chúa thì mới có thể trung thành trong việc giữ các giới răn và thánh ý chỉ của Người.

    Thêm vào đó, ông Môsê nhắc dân Israel rằng mệnh lệnh của Đức Chúa không ở cao trên trời hay ở xa bên kia biển đến nỗi không ai có thể chạm đến, vì lệnh truyền đó đã được ban cho dân Chúa qua trung gian ông Môsê. Vì thế, mệnh lệnh của Đức Chúa “không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay của anh em” (Đnl 30,11). Đức Chúa biết rõ khả năng và sự giới hạn của con người, nên những mệnh lệnh của Người cũng được thích nghi cho phù hợp để không vượt quá sức lực hay khả năng của con người.

    Cuối cùng, dân Israel cần ghi nhớ rằng lời Đức Chúa “ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14). Thật vậy, khi truyền lời kinh Shema cho dân Chúa, ông Môsê đã nhắc họ rằng “Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng” (Đnl 6,6) và có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ con cháu (x. Đnl 6,7-9). Lời Chúa mà họ vẫn đọc trên môi miệng và ghi nhớ trong lòng, thì giờ đây Môsê nhắc họ hãy biết đem ra thực hành chứ không chỉ đọc hay nghe suông.

2. Bài đọc 2

    Bài thánh thi trong thư Côlôsê cho thấy vai trò của Đức Kitô trong tương quan với Chúa Cha, với công trình sáng tạo và cứu độ nhân loại. Các mối tương quan này cho thấy vai trò quan trọng và địa vị đứng đầu của Đức Kitô.

    Thứ nhất là mối tương quan giữa Đức Kitô và Thiên Chúa. Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa (x. Cl 1,15), “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Hr 1,3a). Đức Kitô vừa hiện hữu từ đời đời với Thiên Chúa, vừa xuất hiện hữu hình trong thời gian, để qua Người mà con người nhận biết Thiên Chúa là Đấng vô hình (x. Ga 14,9-10). Như thế, Đức Kitô có cùng một bản thể như Thiên Chúa, là một ngôi vị Thiên Chúa; đồng thời, Người lại được “sinh ra trước mọi loài thụ tạo”, nghĩa là có địa vị đứng đầu, trổi vượt hơn mọi loài thụ tạo.

    Thứ hai là mối tương quan giữa Chúa Kitô và công trình sáng tạo (x. Cl 1,16-17). Tất cả công trình sáng tạo, dù là trên trời hay dưới đất, hữu hình hay vô hình, đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô. Quả vậy, Đức Kitô là khởi điểm và cũng là đích điểm của muôn vật, “vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36). Muôn vật nhờ Đức Kitô mà được tạo thành thế nào, thì cũng nhờ Người mà được sống và hiện hữu như vậy (x. 1 Cr 8,6). Như thế, tất cả công trình sáng tạo có mối tương quan mật thiết với Đức Kitô, vì tất cả đều được sáng tạo nhờ Người như là nguyên lý, qua Người như là nguyên nhân tác thành và quy về Người như là cùng đích.

    Thứ ba là mối tương quan giữa Đức Kitô và công trình cứu chuộc (x. Cl 1,18-20). Đức Kitô không chỉ là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, mà còn là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại. Thật vậy, nhờ cái chết của Đức Kitô trên thập giá, Thiên Chúa ban ơn hoà giải và bình an cho muôn vật muôn loài; đồng thời, qua sự phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa cho thấy đích điểm của công trình cứu chuộc: là được thông phần sự sống vĩnh cửu mà Đức Kitô đã khơi nguồn. Khi nhập thể làm người, chịu chết và phục sinh, Đức Kitô mang nơi mình tất cả sự viên mãn của ơn cứu độ, để tất cả những ai tin vào Người thì thuộc về Hội Thánh và được thông phần vào ơn cứu độ là chính sự sống viên mãn của Người.

3. Bài Tin Mừng

    Chúa Giêsu đề cao giá trị của luật yêu thương trong Cựu Ước; đồng thời, Người cũng đưa ra cách áp dụng mới mẻ của giới răn yêu thương đó. Nhân hai câu hỏi của nhà thông luật, Chúa Giêsu cho thấy một cách hiểu và sống giới răn yêu thương hoàn toàn mới mẻ.

    Trước câu hỏi thứ nhất của người thông luật về việc làm thế nào để được sự sống đời đời, Chúa Giêsu cho thấy tầm quan trọng của giới luật yêu thương trong Cựu Ước: yêu thương Thiên Chúa với tất cả khả năng về trí khôn, sức lực và tâm hồn (Lc 10,27a; x. Đnl 6,5) và yêu thương người thân cận như chính mình (Lc 10,27b; Lv 19,18). Người thông luật hiểu rõ những giới răn này. Điều ông cần là “cứ làm như vậy” thì “sẽ được sống”. Hiểu biết là một chuyện, sống lại là một chuyện khác. Hiểu biết giới răn yêu thương là chưa đủ; cần phải thực hành yêu thương thì mới xứng đáng với phần thưởng là sự sống đời đời.

    Thêm vào đó, nhân câu hỏi thứ hai của người thông luật, “ai là người thân cận của tôi”, Chúa Giêsu dẫn ông đến một chân trời mới của tình thương đồng loại. Thật vậy, câu chuyện người Samari tốt lành sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn đang trong tình trạng nguy cấp, bất chấp mọi hiểm nguy và thiệt thòi của bản thân, giúp nhà thông luật hiểu ai là người thân cận. Theo đó, người thân cận không chỉ giới hạn trong cái nhìn của người Do Thái là người thân, bạn bè, hàng xóm hay đồng hương, mà mở rộng ra tất cả mọi người, nhất là những ai đang cần được yêu thương, giúp đỡ. Người thân cận không chỉ mang tính thụ động, “ai là người thân cận của tôi”, mà phải mang tính chủ động, “tôi tỏ ra là người thân cận với ai”. Chúa Giêsu không chỉ giúp nhà thông luật có một cái nhìn mới mẻ về người thân cận, mà còn muốn ông “hãy đi và làm như vậy”.

 

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Đoạn sách Đệ Nhị Luật nhắc lại điều căn cốt đối với dân Israel xưa và mỗi tín hữu hôm nay là hãy để ý nghe và thực hành lời Chúa. Lời Chúa mời gọi con người hoán cải mà hết lòng hết dạ trở về với Người. Lời đó không cao xa, không vượt quá sức lực mà ở trong tầm tay của từng người. Lời đó ở thật gần, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời Chúa vẫn tiếp tục nói với chúng ta hằng ngày, hằng giờ qua Sách Thánh, qua giáo huấn của Giáo Hội, qua các dấu chỉ trên thế giới. Điều quan trọng là chúng ta lưu tâm để có thể lắng nghe và trung thành tuân giữ.

2/ Đức Kitô được tác giả thư Côlôsê trình bày vừa như là khởi điểm, vì muôn vật đều nhờ Người mà có, trong người mà tồn tại; đồng thời, Người cũng là đích điểm vì muôn loài quy hướng về Người như là cùng đích của ơn cứu độ. Nhờ cái chết, Người hoà giải nhân loại với Thiên Chúa và nhờ sự phục sinh của Người, Thiên Chúa ban cho nhân loại sự sống vĩnh cửu. Đối với mỗi Kitô hữu, Đức Kitô chính là lẽ sống và là sự thành toàn của cuộc sống đời này và vinh quang phục sinh mai sau. Có Đức Kitô là có tất cả. Mất Người là mất mọi sự. Trong Đức Kitô, người ta sống có ý nghĩa khi được thông hiệp với sự sống của Người; ngoài Đức Kitô, tất cả trở nên vô nghĩa.

3/ Chúa Giêsu giúp nhà thông luật hiểu rằng thực thi luật yêu thương: Yêu thương Thiên Chúa hết lòng và yêu thương người thân cận như chính mình là điều kiện để được sự sống đời đời. Đồng thời, Chúa Giêsu còn mở ra cho nhà thông luật một giới hạn mới về người thân cận, theo đó, bất cứ ai cũng có thể là người thân cận của ta. Chính khi biết chủ động thực thi lòng thương xót với bất kỳ ai, nhất là những người đang cần đến ta, là ta đang xem họ như người thân cận. Giới hạn của yêu thương chính là yêu thương không giới hạn. Tình thương thúc đẩy ta đối xử với bất kỳ ai đang gặp khó khăn, hoạn nạn, nghèo khổ, thiếu thốn như người thân cận của mình.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thờ kính Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người như chính mình là điều răn căn bản của đạo Chúa, và là đường đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Với quyết tâm chu toàn lề luật, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết cầu xin Chúa giúp mỗi người biết sống yêu thương như Chúa truyền dạy.

1. Hội Thánh được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn lắng nghe, và nhận ra sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua những dấu chỉ thời đại, để tích cực dấn thân phục vụ những nhu cầu chính đáng của con người.

2. Nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình cho mọi thụ tạo trên trời dưới đất. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết tôn trọng sự thật và luôn hành động theo công lý, để chung xây một thế giới h bình và đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho mọi người.

3. Người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn khao khát cuộc sống vĩnh cửu, biết gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, sống theo lời Người truyền dạy, và ngày càng thêm xác tín Người chính “là đường, là sự thật và là sự sống”.

4. Chúa Giêsu nói với người thông luật: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực dấn thân trong các hoạt động tông đồ bác ái, luôn nhạy bén trước nhu cầu của người chung quanh và có nhiều sáng kiến để chia sẻ giúp đỡ họ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và xin ban Thánh Thần, để Ngài khơi lên ngọn lửa kính Chúa yêu người trong lòng chúng con, giúp chúng con luôn trung thành tuân giữ mọi điều răn của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.