Nếu chỉ nghe qua, nhiều người sẽ cho rằng công việc thường ngày của bà Đỗ Thị Cúc (49 tuổi, trú tại làng Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) là rỗi hơi, “trần đời có một”,… nhưng khi được gặp, tiếp xúc, sẽ không còn ngạc nhiên bởi cảm nhận được sự yêu mến trẻ nhỏ vô bờ của bà.
Bà đồng nát hơn 10 năm thu gom, chôn cất thai nhi
Ngôi nhà cấp 4 của bà Cúc nằm nép mình ở một góc làng nhỏ ở tỉnh Hà Nam. Từ đầu cổng đến cuối sân, đâu đâu cũng thấy những chiếc tiểu nhỏ, mà theo bà Cúc, những thứ này là vật “không thể thiếu” đối với bà trong suốt nhiều năm qua.
Vợ chồng bà Cúc sinh được 4 người con, con trai cả đang thực hiện nghĩa vụ quân sự; con trai thứ thì theo bố làm lao động tự do quanh xã; 2 con gái đang học cấp 2. Mặc dù kinh tế gia đình không thuộc diện khá giả, nhưng mẹ, chồng và các con luôn ủng hộ bà Cúc “cưu mang” các thai nhi bị bỏ rơi, và nuôi nấng cặp anh em sinh đôi 5 tuổi và một bé gái hơn 10 tháng tuổi, đều là con nuôi trong gia đình vốn đã đông con.
Bế bé Hồng Ân (hơn 10 tháng tuổi, con gái nuôi của bà Cúc) trong tay, bà Cúc kể lại, năm 2009, nhà bà rất nghèo. Ngoài những ngày mùa, chồng bà đi làm thợ mộc, còn bà hàng ngày vẫn quanh quẩn ở những bãi rác trong xã để nhặt nhạnh bao tải, túi nilon, đồ nhựa bỏ,… những gì có thể bán được tiền, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Bà Cúc đi thăm “các con” Ảnh Trần Cường
|
Vào một buổi chiều hè 2009, trong lúc đang nhặt phế liệu tại bãi rác, bà Cúc tình cờ phát hiện một bọc nilon màu đen. Khi mở túi ra thì bà phát hiện bên trong chứa 7 xác thai nhi. Sau vài phút định thần, bà đã quyết định mang về để chôn cất.
“Bán số phế liệu kiếm được, tôi dùng cả 38.000 đồng mua khăn trắng, hộp nhựa và lựa phần đất ngay trong vườn nhà để làm mộ cho các con. Vì là lần đầu nên tôi cũng chỉ biết làm như vậy”, bà Cúc nhớ lại.
Ngày hôm sau ra bãi rác làm việc, bà Cúc lại tiếp tục phát hiện thêm những thai nhi bị vứt bỏ. Có những thai nhi còn lành lặn, cũng có những thai nhi bị thú hoang ăn mất nhiều phần cơ thể. “Thấy các con nằm tại nơi xú uế như vậy tôi không kìm được lòng”, bà Cúc kể lại mà vẫn không kìm được nước mắt.
Bà Cúc và một thai nhi bị bỏ rơi mới được “đưa về nhà cùng các anh chị” Ảnh Trần Cường
|
Kể từ đó, bà Cúc âm thầm làm thêm công việc này trong những buổi đi nhặt rác. Cho đến mùa xuân 2010, khi bà đi làm như thường lệ thì thấy bãi rác đã bị san phẳng.
“Khi đó mọi người thấy tôi làm công việc này, nhiều hàng xóm dèm pha, rồi có người ác miệng nói tôi mang thai nhi về đi bán cho những nơi làm thuốc trường sinh bất lão, trục lợi. Rồi công an cũng đến tận nhà, ra tận nơi chôn cất các thai nhi, họ mới tin. Sau đó một thời gian thì bãi rác bị dẹp bỏ, nhưng cứ nghĩ đến những sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ, không nơi yên nghỉ là tôi lại lóc cóc đạp xe những bãi rác xung quanh, đến các phòng khám, bệnh viện xin mang các con về”, bà Cúc kể lại.
Thời gian đầu các phòng khám, bệnh viện cũng không muốn cho về, nhưng sau thấy bà làm vì tâm linh, không mục đích nên họ nói để lại số điện thoại, có thai nhi là họ gọi đến mang về chôn cất. Có những hôm ít thì vài bé, lần nhiều đến hơn 5 chục bé.
Một phần mộ tập thể của 5.711 thai nhi được “mẹ Cúc” lập vào năm 2015 Ảnh Trần Cường
|
Làm nhiều có kinh nghiệm, bà Cúc bắt đầu mua tiểu sành để đặt các bé vào chôn cất. Nhiều khi bí tiền, bà mua những tấm xi măng về, sau đó nhờ chồng ghép lại thành tiểu để giảm chi phí. Tính tới thời điểm hiện tại, bà Cúc đã mang về chôn cất được hơn 27.000 thai nhi bị bỏ rơi.
“Mấy năm gần đây, cứ tan mỗi buổi chợ là tôi lại đi khắp các bệnh viện, phòng khám trong và ngoài tỉnh để xin các con về. Những tháng hè, có tháng tôi mang được gần 600 thai nhi về chôn cất, còn tính trung bình thì mỗi tháng cũng đưa được khoảng 300 con về”, bà Cúc cho hay.
Xin đừng bỏ rơi các con!
Vào năm 2014, một nữ sinh đại học lỡ mang bầu, cái thai đã hơn 8 tháng nhưng cô gái muốn phá đi. Sau khi thuyết phục, bà Cúc vay nóng hơn 11 triệu để đưa nữ sinh đi đẻ. Sau đó, bà nhận cả 2 bé sinh đôi về nuôi dưỡng. Đến giờ, 2 cháu cũng đã được 5 tuổi.
“Thời điểm mang thai, nữ sinh vẫn đi dạy thêm, cuốn khăn để che đi cái thai nên Bảo Quốc và Bảo Khánh sinh ra bị tật bẩm sinh về mắt. Nhiều khi tôi vẫn trêu con, mẹ đen quá, vớ được 2 đứa lé thì hai đứa lại khì khì cười và bảo, con vẫn nhìn tốt mà”, bà Cúc cười.
Bảo Quốc và Bảo Khánh (hàng dưới) chụp ảnh cùng gia đình Ảnh Trần Cường chụp lại
|
Gần đây nhất, vào tháng 9.2018, trên đường đi “đón các con” về nhà, bà Cúc nghe tiếng khóc dưới bờ đê. Bà lại gần thì thấy một bé gái, trên người chỉ cuốn một chiếc khăn, dây rốn cắt qua loa và trên người không có giấy tờ.
“Tôi mang cháu về, đưa tới bác sĩ cắt lại dây rốn và nhận nuôi luôn con, đặt tên là Hồng Ân. Cháu trộm vía ngoan ngoãn, ăn xong là ngủ, rất ít khóc”, bà Cúc nói.
Bé Hồng Ân ngoan ngoãn trong vòng tay mẹ Cúc Ảnh Trần Cường
|
Không muốn tình trạng phá thai, bỏ rơi các cháu bé diễn ra tràn lan, bà Cúc để lại số điện thoại tại các bệnh viện, phòng khám để khi có trường hợp phá thai nào bà sẽ được biết và tới khuyên nhủ. Đồng thời, hễ biết trường hợp nào gặp vấn đề, chuẩn bị phá thai là bà chủ động chạy tới thuyết phục giữ lại bằng mọi cách. Đến nay, nhờ sự thuyết phục của bà, đã có 79 bé được sinh ra trên đời.
Ngoài việc khuyên nhủ các bạn trẻ không nên phá thai và cần trang bị cho bản thân kiến thức an toàn sinh sản, bà Cúc còn tổ chức những buổi “ngoại khóa” cho các bạn trẻ trong và ngoài địa bàn.
“Tôi mời các bạn trẻ về nhà và cho gặp các con (được bà Cúc mang về, bảo quản trong điều kiện lạnh, 1 tháng bà Cúc đưa các thai nhi ra nghĩa trang 1 lần) để các bạn trẻ biết suy nghĩ hơn, giáo dục các bạn trẻ về tính nhân đạo, có biện pháp ngừa thai, hạn chế việc phá thai”, bà Cúc cho hay.
“Còn khoẻ, tôi còn đi đón các con về” Ảnh Trần Cường
|
Chia sẻ về dự định tương lai, bà Cúc cho biết chỉ cần còn sức khoẻ thì bà vẫn sẽ đi khắp các ngõ ngách, bệnh viện,… để đón “các con” về. Đồng thời, qua các phương tiện truyền thông, bà cũng mong các bố mẹ, các bạn trẻ đừng bỏ rơi các con, để các con được sinh ra, được làm người.
TRẦN CƯỜNG