24/01/2025

Chúa Nhật XIV TN C: Thập giá Chúa Kitô – Sứ mạng và nẻo đường người Kitô hữu

Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giêsu không bảo đảm trước cho họ sự thành công, “nhưng như chiên giữa bầy sói” nghèo nàn và tự do. Các Kitô hữu cũng vậy, họ mang lấy “hoa trái của Chúa Thánh Thần”, như thánh tông đồ đã nói: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22).

 

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – C

(Is 66,10-14; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)

THẬP GIÁ CHÚA KITÔ – SỨ MẠNG VÀ NẺO ĐƯỜNG NGƯỜI KITÔ HỮU

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói (Lc 10,3)

I. CÁC BÀI ĐỌC

    Giữa lời ngôn sứ của Isaia và Tin Mừng có một mối liên hệ mật thiết, đó là việc công bố về ơn cứu độ và nền h bình mà chính vị ngôn sứ đã loan báo, và Đức Giêsu đã hiện thực h điều đó bằng việc sai các tông đồ ra đi rao giảng.

1. Bài đọc I (Is 66,10-14)

    Đoạn trích là một sấm ngôn dưới dạng một bài thơ với sắc thái vui tươi và tràn trề niềm hy vọng, lạc quan. Đoạn trích này có thể được viết ra lúc dân Do Thái trở về Giêrusalem sau chiếu chỉ cho người Do Thái hồi hương của vua Kyrô, và họ bắt đầu tái thiết Thành đô. Đây là một cuộc hồi hương về miền Đất Mẹ. Thành đô đang được tái thiết này được ví như hình ảnh một người mẹ của một gia đình đông con, trong đó, những đứa con đáng được hưởng dòng sữa thơm ngon và sự dịu dàng của người mẹ.

    Các vị ngôn sứ cũng thường ví Giêrusalem như là một con người, để cùng thể hiện sự thương cảm tiếc thương, hoặc để an ủi (Br 2,30) và mời gọi Thành đô hướng đến niềm vui (Is 54). Tất cả tuỳ thuộc vào sự kiện và số phận xảy ra với Thành đô, và số phận của Thành đô cũng là số phận của cả dân tộc.

    Vì thế, ơn thái bình được kêu cầu cho thành đô Giêrusalem cũng bao hàm mọi ơn huệ của Thiên Chúa ban cho dân, đó là sức khoẻ, sự phong nhiêu, thịnh vượng, và tình thân thiết với Thiên Chúa và với tất cả mọi người.

2. Bài đọc II (Gl 6,14-18)

    Đoạn trích là phần cuối của lá thư, được chính bàn tay của thánh Phaolô viết ra (6,11). Trước bối cảnh một số người Do Thái muốn áp đặt việc cắt bì cho những người ngoại giáo theo đạo, thánh nhân đã lập lại điều cốt yếu: cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là niềm tin vào Chúa Kitô chịu đóng đinh. Niềm tin này đòi hỏi một sự dấn thân mạnh mẽ, đó phải là trở nên một thụ tạo mới.

    Trong toàn bộ bức thư gởi cho các tín hữu Galát, thánh Phaolô đã giải thích rằng: Nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuân giữ lề luật Môsê, trong đó, việc cắt bì là dấu chỉ phân biệt dân Israel với các dân khác. “Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Cũng như Thiên Chúa đã giải thoát Israel dân Người khỏi ách nô lệ Ai Cập và Babilon, thì “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Nhưng cuộc giải thoát khỏi những đam mê theo tính xác thịt mới là cuộc giải thoát đích thực: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.Vì tất cả Lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5,13-14). “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24).

    Những gì mà thánh Phaolô đòi hỏi các tín hữu, thì chính ngài cũng đã trải nghiệm qua, và đó là điều mà bài đọc hôm nay nói với chúng ta. Sự hãnh diện về thập giá và mang lấy những dấu tích của Đức Giêsu có ý nghĩa gì? Thánh Girôlamo giải thích: “Những người hãnh diện về thập giá Đức Kitô là những người vác thánh giá và đi theo Người (x. Mc 8,34), đóng đinh tính xác thịt với những đam mê và ước muốn của mình, không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (x. 2Cr 4,18).

    Đây quả thật là bài học rõ ràng và thiết yếu cho những ai muốn nghiêm túc sống theo Tin Mừng, trở thành môn đệ Chúa Giêsu, làm chứng cho Người trước thế gian này và mang lại h bình thịnh vượng cho muôn người. Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giêsu không bảo đảm trước cho họ sự thành công, “nhưng như chiên giữa bầy sói” nghèo nàn và tự do. Các Kitô hữu cũng vậy, họ mang lấy “hoa trái của Chúa Thánh Thần”, như thánh tông đồ đã nói: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22).

3. Bài Tin Mừng (Lc 10,1-12.17-20)

    Thánh Luca là tác giả duy nhất nhắc đến việc Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng. Việc sai đi của Chúa Giêsu còn được tìm thấy từng phần nhỏ trong Tin Mừng Matthêu và Marcô, với Nhóm Mười Hai (Mt 9,37-38 và 10,7-16.40; Mc 6,7-11).

    Thánh Luca đã lấy lại truyền thống này, để chứng tỏ rằng sứ mạng được sai đi không chỉ dành riêng cho Nhóm Mười Hai. Trong khi đó, con số các môn đệ (70 hoặc 72) có lẽ đi theo truyền thống chương 10 trong sách Sáng Thế, khi nói về các dân ngoại, là con cháu của Abraham, và nếu đúng như thế, con số này ám chỉ sứ mạng của các môn đệ đối với các dân ngoại mà Tin Mừng luôn nhắm đến, với nội dung là rao giảng triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần với biến cố Chúa Giêsu.

    Các sứ giả Tin Mừng được sai đi với cặp đôi một. Điều này diễn tả rằng việc rao giảng Tin Mừng không mang tính cá nhân, nhưng phải là một công việc của cộng đoàn hay nhân danh cộng đoàn. Vì thế, họ không tự ý ra đi, nhưng là được sai đi.

    Lời sai đi còn bao gồm một lời cầu nguyện, để số lượng các thợ gặt trên cánh đồng được tăng lên dồi dào (c. 2). Điều này có thể phản ánh một sự thiếu hụt trong bối cảnh của thánh Luca, hoặc có mục đích chuyển h các môn đệ thành những tông đồ đích thực.

    Ở đây ta thấy có những mối nguy hiểm trong sứ mạng, “như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Người tôi tớ không còn cư ngụ tại nơi nhà chủ của mình.

    Những cách hành xử của người môn đệ khi ra đi: từ bỏ, cẩn trọng, đơn sơ, không xấu hổ khi nhận lấy những sự trợ giúp cần thiết để sống trong hành trình.

    Việc rao giảng Nước Thiên Chúa phải được thực hiện với cả lời nói và dấu chỉ, với ơn chữa lành bệnh tật và quyền lực trên ma quỷ. Tuy nhiên, những dấu chỉ đó tự bản chất chỉ có tính tương đối: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.

    Nội dung của sứ mạng phải phù hợp với lời ngôn sứ, đó là sự bình an và những ơn phúc lành. Phẩm giá của người thừa sai cũng được ngang bằng với Đấng sai đi: “”Ai nghe anh em là nghe Thầy” (c.16).

    Cuối cùng, việc loan báo Nước Thiên Chúa được xác định với sự phán xét trước ngày cánh chung. Một số đón nhận sự bình an, một số từ chối. Cũng như lịch sử cứu độ đã cho thấy, một số thành được chúc phúc bởi thái độ đón nhận của họ, một số bị kết án vì đã từ chối. Đoạn trích hôm nay đã lược bớt một số câu chúc dữ được áp dụng cho một số thành như thế, chỉ còn giữ lại sự trừng phạt qua việc giũ bụi chân (c.11).

II. GỢI Ý SUY NIỆM THỰC TIẾN

1. Trong phế phẩm hoang tàn của Thành đô Giêrusalem, niềm lạc quan và hy vọng vào Chúa qua những lời của ngôn sứ Isaia giúp tôi điều gì trong chính những “phế phẩm” của đời tôi hay của bao “thành đô” khác?

2. Tôi học được từ mẫu gương thánh Phao, khi ngài khẳng định không hãnh diện gì khác hơn ngoài thập giá Chúa Kitô?

3. Mỗi khi tôi tuyên xưng mình là Kitô hữu, điều đó có ý nghĩa gì với tôi? Với sự đơn sơ, tôi có đủ can đảm tuyên xưng niềm tin của mình bằng lời nói và hành động trong cuộc sống hằng ngày của tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa mời gọi mọi người chúng ta cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, và trở nên sứ giả đem bình an đến cho muôn dân. Trong tâm tình tri ân cảm tạ, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện.

1. Hội thánh có sứ mạng loan báo tin mừng cứu độ cho mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các vị chủ chăn, luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng qua việc giảng dạy, lời cầu nguyện và gương sáng trong đời sống hằng ngày.

2. Thiên Chúa là nguồn mạch bình an và hạnh phúc đích thực. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ hay gặp gian nan thử thách trong cuộc sống, biết chạy đến với Chúa và đặt hết tin tưởng phó thác vào tình thương quan phòng của Người.

3. “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa của Người”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban ơn thánh hoá, và trợ giúp các nhà truyền giáo cùng hàng linh mục của Chúa, để các ngài chu toàn sứ mạng qui tụ và chăm sóc đoàn chiên mà Chúa đã trao.

4. “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được sống trong bình an đích thực, và biết tích cực dấn thân trong công việc tông đồ, luôn là dấu chỉ sống động của tình thương Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con ý thức thân phận yếu hèn cùng với sứ mạng cao cả mà Chúa ủy thác. Xin Chúa nhận lời chúng con cầu nguyện, và ban ơn nâng đỡ để chúng con chu toàn sứ mạng ấy bằng đời sống bác ái yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.