22/01/2025

Chúa nhật XI TN 2019 – Lễ Chúa Ba Ngôi – C: Tình yêu của Chúa Ba Ngôi

Khi noi gương tình yêu sáng tạo, cứu độ và thần thánh của Chúa Ba Ngôi chúng ta sẽ cảm nhận được sự biến đổi nơi mình và mọi người quanh mình.

 

Lễ Chúa Ba Ngôi – C – 2019

Tình yêu của Chúa Ba Ngôi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì “Chúa Cha đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5), nhờ đó ta có thể diễn tả tình yêu như Chúa Giêsu. Thánh Thần sẽ dạy chúng ta yêu như Người vừa nói với chúng ta: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy, và Thánh Thần sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15).

Trong ít phút này, chúng ta cùng suy niệm về đặc tính của tình yêu Ba Ngôi mà ta được mời gọi thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.

1. Tình yêu mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là gì?

Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16), nghĩa là bản thể của Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa dựng nên ta theo hình ảnh của Ngài nên tình yêu Thiên Chúa cũng được đưa vào trong bản tính con người. Do đó, tình yêu con người không còn chỉ là những cảm xúc tự nhiên. Hơn nữa, tình yêu của Kitô hữu còn là “một nhân đức, nghĩa là một năng lực được thủ đắc bằng huấn luyện (x. Docat, câu số 16). Vì thế, thánh Phaolô giải thích cho ta qua Bài đọc II (x. Rm 5,1-5): qua gian truân, đau khổ, chịu đựng, ta vẫn trung kiên trong niềm trông cậy và trong tình yêu.

Sau hết, tình yêu còn là ân huệ cao quý hơn cả và tồn tại mãi mãi. Ân huệ này chỉ đứng sau ân huệ Con Một Thiên Chúa mà Cha Trên Trời ban cho ta. Tình yêu đó là chính Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho ta khi thổi Thần Khí của Người trên chúng ta để hướng dẫn ta như những người con tự do của Thiên Chúa, chứ không phải là những nô lệ sợ hãi, mà dân Do Thái xưa kia đã cảm nhận, và để chúng ta có thể nói lên hai tiếng “Abba, Cha ơi!” đối với Thiên Chúa (x. Rm 8,14-17).

Con đường tình yêu Ba Ngôi đó cũng là chính Đức Giêsu khi mời gọi chúng ta bước theo Người “anh em hãy theo Thầy”, vì Người chính là con đường dẫn đến sự thật giải thoát và sự sống vĩnh hằng (x. Ga 14,6). Người thúc giục ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Vì thế, tình yêu của Ba Ngôi vừa là một thực tại để chúng ta tôn thờ từng giây phút trong đời sống, đồng thời là một nhân đức để ta luyện tập theo gương tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

2. Những đặc tính của tình yêu Ba Ngôi

Chúng ta sẽ thấy ba đặc tính kỳ diệu của tình yêu mà không một tôn giáo nào khác có thể dạy ta như Kitô giáo. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con và tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

2.1. Tình yêu sáng tạo của Chúa Cha

Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là tình yêu của Chúa Cha. Từ tình yêu đó, Chúa Con đã sinh ra. Cũng nhờ tình yêu đó mà muôn loài muôn vật được tạo thành. Chúng ta thấy muôn loài đều phản ánh tình yêu trong sáng và tốt lành của Cha Trên Trời qua màu sắc của từng bông hoa, cánh bướm, đặc biệt là vẻ đẹp nơi mỗi con người. Chúng biểu lộ đặc tính chân thiện mỹ, hạnh phúc, bình an, niềm vui của tình yêu sáng tạo này.

Vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình để xét xem tình yêu đó có thúc đẩy ta chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho những người nghèo khổ, dốt nát, yếu hèn, bệnh tật? Tình yêu của ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho họ không, hay lại khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn khi chưa yêu ta? Tình yêu của ta có mang đặc tính chân thiện mỹ không hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?

2.2. Tình yêu cứu độ của Chúa Con

Đặc tính cứu độ đã được diễn tả bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã làm trong cuộc đời trần thế của Người. Những hành động đó nhắc nhở rằng ta không được yêu chỉ bằng lời lẽ ngoài môi miệng, nhưng bằng những hành động tích cực thông thường trong đời sống. Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã gửi chúng ta lời nhắn nhủ rằng: “Được khích lệ từ lòng bác ái của Đức Kitô, người Kitô hữu chúng ta cảm thấy sự thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. Người đó xem nhu cầu, nỗi đau và niềm vui của tha nhân như của chính mình. Các hoạt động trong mọi lĩnh vực của người tín hữu ấy luôn mang tính nối kết vững chắc với tha nhân. Mỗi hành động của họ đều năng động, rộng lượng và ân cần (x. Thông điệp Mater et Magistra, (1961), số 257; Docat, 2017, tr 28).

Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn qua những con tôm con cá, những ngọn rau, cây giá hy sinh sự sống cho ta. Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy nơi cha mẹ hy sinh cho con cái, như người tình dám chết nhau, như người chiến sĩ hy sinh mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì nó cũng không có tính cách cứu độ muôn loài của Chúa Con.

2.3. Tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần

Thần hoá, nghĩa là làm cho người ta trở thành thần linh, thành con cái Thiên Chúa. Thánh hoá là làm cho họ thánh thiện, trở nên giống như Thiên Chúa là đấng thánh. Vì thế, tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta nâng cao, tôn trọng đối tượng mình yêu, giúp họ trở thành thần thánh như chúng ta, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, do những tham vọng và dục vọng thúc đẩy, ta đã coi thường đối tượng mình yêu, thậm chí biến người yêu thành phương tiện giải trí hoặc bắt họ hành động như con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phải vượt qua những thái độ ấy.

3. Chia sẻ một cảm nghiệm sống động

Khi noi gương tình yêu sáng tạo, cứu độ và thần thánh của Chúa Ba Ngôi chúng ta sẽ cảm nhận được sự biến đổi nơi mình và mọi người quanh mình.

Tôi xin chia sẻ một cảm nghiệm vừa trải qua trong Chúa Nhật lễ Chúa Thánh vừa rồi. Ngày 9/6/2019, chúng tôi dẫn đoàn bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên (khoảng 190 người) đến ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BRVT để khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo khổ. Khoảng 1.300 người dân được khám sức khoẻ tổng quát, khám mắt tai mũi họng, khám chữa cơ xương khớp, khám phụ khoa, chữa bệnh, đo khúc xạ mắt, tặng kính thuốc, chữa răng, siêu âm, điện tim, nhận thuốc… Đoàn của chúng tôi chỉ có khoảng 15% là người Công giáo. Nhưng tình yêu đã quy tụ tất cả để cùng phục vụ những người nghèo khổ thuộc bất cứ tôn giáo nào. Nhờ tình yêu Chúa thúc đẩy nên một gia đình giúp 1300 bánh bao, đem cả nồi hấp bánh để chia sẻ cho mọi người. Có người nhận bánh rồi, không dám ăn, để dành mang về cho con cháu. Một công ty trà phục vụ cả ngàn ly trà hồng tắc. Có ân nhân cho những đôi dép, chiếc áo, gói mì, xà bông, túi sách và gạo. Ai nấy đều cảm thấy mình được tôn trọng, yêu thương. Phép lạ tình yêu làm cho con người có nhiều sáng tạo, được chữa lành, được biến đổi.

Lời kết

Từ những cảm nghiệm ấy, chúng ta mới cảm thấy Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện trong cuộc đời của mình. Xin Chúa Ba Ngôi đổ tràn đầy tình yêu vào lòng ta để ta nói lên được hai tiếng “Cha ơi” với Chúa, cũng như đón nhận tất cả như anh chị em ruột thịt của nhau và yêu thương mọi loài như Chúa Giêsu.