26/12/2024

Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi

Nếu lấy mốc Tân Châu (An Giang) để đo mức lũ thì từ năm 2000 đến nay, ĐBSCL chỉ có 4 năm lũ lớn với mực nước trên 4,5m là năm 2001, 2002, 2003 và năm 2011. Còn năm 2015 lũ cực nhỏ với mực nước chỉ ở mức 2,45m.

 

Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi

Nếu lấy mốc Tân Châu (An Giang) để đo mức lũ thì từ năm 2000 đến nay, ĐBSCL chỉ có 4 năm lũ lớn với mực nước trên 4,5m là năm 2001, 2002, 2003 và năm 2011. Còn năm 2015 lũ cực nhỏ với mực nước chỉ ở mức 2,45m.


 

Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi - Ảnh 1.

Một nhánh sông Mekong chảy qua tỉnh Bến Tre – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

 

Đó là thông tin mà ông Nguyễn Hoàng Hiệp – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – đưa ra tại Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mekong Việt Nam lần thứ nhất năm 2019 tổ chức tại tỉnh Tiền Giang ngày 19-6.

Lượng phù sa giảm 95%

Theo ông Hiệp, sau khi có nhiều nhà máy thủy điện xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, quy luật lũ tại ĐBSCL thay đổi và hầu như không còn lũ lớn và trong thời gian sắp tới càng hiếm có lũ lớn.

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn cũng thay đổi nhiều. Nếu như trước đây tình trạng xâm nhập mặn chỉ xảy ra vào khoảng tháng 4 hằng năm thì thời gian gần đây từ khoảng tháng 2, tháng 3 đã xảy ra.

Theo ông Hiệp, phạm vi xâm nhập mặn cũng đã có sự thay đổi lớn. Điển hình như sông Vàm Cỏ (Long An), bình thường trước đây nước mặn chỉ xâm nhập vào sâu khoảng 60km nhưng hiện nay nước mặn đã lấn sâu vào 90km, thậm chí 130km vào năm 2016.

Còn các cửa sông Mekong, trước đây nước mặn xâm nhập sâu 40km thì thời gian gần đây cũng đã lấn sâu vào 50km, thậm chí 75km.

Một vấn đề nữa là các đập thủy điện trên thượng nguồn tích nước đã ngăn lượng phù sa, tôm cá về phía hạ nguồn sông Mekong. Vẫn theo ông Hiệp, nếu vào năm 2040 đồng loạt các đập thuỷ điện trên sông Mekong hoạt động thì lượng phù sa đổ về vùng ĐBSCL sẽ giảm 95%, hầu như không còn phù sa.

Lượng nước đổ về hạ nguồn cũng sẽ giảm đến 32% nếu một số nước từ thượng nguồn chuyển nước lưu vực.

“Chính những thay đổi này đã gây khó khăn cho việc phân 3 vùng sản xuất ngọt, lợ, mặn tại các địa phương. Những thay đổi về lũ, về tình trạng hạn mặn do ảnh hưởng từ thượng nguồn sông Mekong khiến cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng phải thay đổi cho phù hợp”, ông Hiệp nói.

 

Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị Uỷ ban sông Mekong tổ chức tại tỉnh Tiền Giang ngày 19-6 – Ảnh: THANH TÚ

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng – chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – cho biết tỉnh này là địa phương nằm cuối nguồn sông Mekong, đã và đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức do biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn.

“Đây thực sự là những thách thức đáng lo ngại nhất đối với tỉnh Tiền Giang nói riêng và đối với ĐBSCL nói chung vì các tác động này nằm ngoài phạm vi lãnh thổ và khả năng kiểm soát của chúng ta.

Những tác động này đã làm cho ĐBSCL của Việt Nam có thời điểm thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống người dân, gây thiệt hại không nhỏ như đã từng xảy ra hồi năm 2016″, ông Hưởng nói.

Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi - Ảnh 4.

Hiện một số tỉnh tại khu vực ĐBSCL đã chủ động tích nước. Trong ảnh: hồ chứa nước Ba Tri được xây dựng tại Bến Tre – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

 

Tiếp tục vận động một số quốc gia tham gia Uỷ hội Mekong

Ông Trần Hồng Hà – bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, chủ tịch Uỷ ban sông Mekong Việt Nam – đề nghị địa phương phân công cho sở tài nguyên và môi trường các tỉnh tham gia trực tiếp, liên tục vào công việc quan trắc và báo cáo về Uỷ ban sông Mekong Việt Nam mỗi năm 2 lần.

Theo ông Hà, sự tranh chấp các quyền lợi hiện nay trên dòng sông Mekong là có, tâm thế của Việt Nam là thực hiện các cơ chế phù hợp về hoạt động kinh tế, xã hội, tài nguyên môi trường… về lợi ích giữa các quốc gia liên quan. Trước mắt là vận động một số quốc gia có liên quan chưa tham gia vào Uỷ hội Mekong.

Về vấn đề sạt lở tại khu vực ĐBSCL do khai thác cát quá mức, ông Hà đề nghị các cơ quan hữu quan nhanh chóng nghiên cứu đưa vào thay thế sử dụng vật liệu khác, trong đó chú trọng sử dụng xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện.

Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị – Ảnh: THANH TÚ

 

Mekong là một trong những dòng sông lớn của thế giới, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Vùng hạ lưu sông Mekong (không kể Trung Quốc, Myanmar) có khoảng 65 triệu người, trong đó khoảng 85% phụ thuộc vào nguồn nước sông Mekong.

Lưu vực sông Mekong hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và biến động của tự nhiên như phát triển thuỷ điện, chuyển nước ra lưu vực, gia tăng nhu cầu sử dụng nước, biển đổi khí hậu…

 

MẬU TRƯỜNG – THANH TÚ