26/11/2024

Chúa Thánh Thần – Thần Khí sự thật và sự sống

Được ơn ban là Thần Khí, giờ đây, nguyên lý hành động của con người chúng ta không còn dưới ách tội lỗi, mà là Thần Khí ban sự sống. Thần khí này sẽ giúp chúng ta có mối tương quan trong tình con thảo với Thiên Chúa

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – C

(Cv 2,1-11; Rm 8,8-17; Ga 14,15-16.23b-26)

CHÚA THÁNH THẦN – THẦN KHÍ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG

“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác

                                                            đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16)

 

Lễ Ngũ Tuần

    Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo truyền thống Kitô giáo, được gọi là Lễ Ngũ tuần (Pentecoste: ngày thứ 50). Nguyên gốc, đây là một ngày đại lễ của người Do Thái, còn được gọi là lễ mùa gặt (Xh 23,16), lễ các tuần (Xh 34,22; Đnl 16,10), ngày hoa trái đầu mùa (Ds 28,26). Lễ này được người Do Thái cử hành vào ngày thứ 50 sau Lễ Vượt Qua, vào lúc khởi đầu mùa gặt.

    Mục đích nguyên thuỷ của lễ này là để tạ ơn Thiên Chúa vì những hoa mầu ruộng đất mà Người ban cho, và sau này, còn được thêm vào ý nghĩa là tưởng nhớ sự kiện trọng đại mà Thiên Chúa ban Lề luật cho dân tại núi Sinai (Xh 19).

    Ngày lễ này (cùng với Lễ Vượt Qua và Lễ Lều) bao gồm cuộc hành hương của tất cả mọi người về Giêrusalem, mang theo những hy lễ đặc biệt, và mọi công việc đều dừng lại.

    Cho đến nhóm của các môn đệ Chúa Giêsu, ngày lễ Ngũ tuần mang một ý nghĩa mới, đó là ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ. Chính Người như là Lề luật mới mà Thiên Chúa ban cho các tín hữu và đánh dấu ngày khai sinh ra Hội Thánh, bắt đầu từ cộng đoàn ở Giêrusalem (Cv 2,1-12.42-48)

Thần Khí

    Ngay từ những trang Kinh Thánh đầu tiên, “Thần Khí Đức Chúa” đã được nói đến: Thần Khí làm sinh động mọi loài; Thần Khí hướng dẫn các Thủ lãnh; Thần Khí linh hứng các vị Ngôn sứ; Thần Khí được ban cho các vị vua qua nghi thức xức dầu phong vương. Sách Khôn ngoan, cuốn sách được xem là trước tác cuối cùng của Cựu Ước, cũng xác định: “Thần Khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hợp nhất giữa muôn vật muôn loài, thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng” (Kn 1,7).

    Thần Khí theo nghĩa Kinh Thánh có tính huyền nhiệm, bí ẩn, là sự hiện diện linh thánh mà qua đó Thiên Chúa tiếp cận con người. Chỉ tới khi Tân Ước, Thần Khí mới được mạc khải cho chúng ta là Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa ngôi vị; nhưng chúng ta sẽ không thể hiểu cách thấu đáo Thần Khí là gì nếu không quy về Cựu Ước. Từ Tân Ước, chúng ta biết rằng Thần Khí phát xuất từ Chúa Cha, Người ngự trong Chúa Giêsu và mang chúng ta đến với Chúa Giêsu. Đó chính là Thần Khí của Chúa Giêsu. Cũng như nếu chúng ta chỉ hiểu được Chúa Cha qua Chúa Giêsu, thì tương tự, cũng nhờ Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể hiểu được Thần Khí là Đấng nào và mọi điều mà Cựu Ước nói về Người.

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 2,1-11)

    Bài trích sách Công vụ Tông đồ là một trình thuật về Lễ Ngũ tuần của người Do Thái. Trình thuật mang tính kỳ diệu với những tiếng động, tiếng gió mạnh và lưỡi lửa đi kèm, đến nỗi không thể không đánh động các môn đệ “khi đang tề tựu ở một nơi”, thậm chí ngay cả “những người Do Thái sùng đạo từ các dân thiên hạ trở về” và muôn dân nước khắp nơi. Vì thế, sự kiện này không chỉ dành riêng cho một nhóm người, nhưng là một ơn huệ cho tất cả, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tiếng nói, vì tất cả giờ đây đều có thể nghe và biết được những kỳ công của Chúa qua các lời tường thuật của các Tông đồ với khả năng nói được các thứ tiếng lạ được ban cho.

    Điều kỳ diệu trong biến cố này nhắc nhớ người Do Thái về cuộc thần hiện trong biến cố Lễ Ngũ tuần năm xưa, sự kiện vốn đã rất quen thuộc với cha ông họ tại núi Sinai, khi mà Thiên Chúa, qua Môsê, đã ban cho họ một ân huệ lớn lao là Lề luật (x. Xh 1916-25). Giờ đây, qua biến cố này, ơn huệ được ban tặng chính là Lề luật mới, là ơn huệ của Thần Khí, là Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và trong tâm khảm của người tín hữu.

    Thần Khí ngự trên từng người một, như một lần Thiên Chúa đã thực hiện năm xưa, khi “Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông [Môsê] mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn” (Ds 11,25). Nơi đoàn dân mới này, các Tông đồ nhận lãnh Thần Khí của Chúa Giêsu, vị Môsê mới.

    Ở đây, hai hình ảnh gió và lửa mang đậm tính biểu tượng truyền thống về cuộc thần hiện trong Kinh Thánh. Chúng biểu trưng cho sự sống, hay chính xác hơn là một sức mạnh không gì có thể cưỡng nổi. Vì thế, Thần Khí của Chúa Giêsu mang đầy sức mạnh, xua tan mọi chướng ngại, và lửa sẽ thiêu huỷ mọi thứ xấu xa.

2. Bài đọc II (Rm 8,8-17)

    Được ơn ban là Thần Khí, giờ đây, nguyên lý hành động của con người chúng ta không còn dưới ách tội lỗi (= xác thịt), mà là Thần Khí ban sự sống (8,2). Thần khí này sẽ giúp chúng ta có mối tương quan trong tình con thảo với Thiên Chúa (8,14); nhờ Thần Khí này, chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha, như chính Chúa Giêsu cũng kêu cầu Người là “Abba, Cha ơi”. Thần Khí còn giúp chúng ta đồng thừa kế sự sống vĩnh cửu với Chúa Kitô (8,17), cùng thông dự hoàn toàn trong đời sống của Chúa Kitô và chính sự Phục sinh của Người (8,11).

    Nhưng thực tại thiêng liêng mà chúng ta hưởng nhờ qua ơn ban Thần Khí (5,5) phải là một sự lựa chọn hàng ngày của chúng ta (8,12-13). Thật ra, việc thông phần vào vinh quang của Chúa Kitô bao gồm cả sự thông phần vào cuộc khổ nạn của Người (8,17). Vì thế, cái chết và sự sống của Chúa Kitô phải được thành toàn nơi mỗi người chúng ta.

3. Bài Tin Mừng (Ga 14,15-16.23b-26)

    Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ những lời từ biệt và an ủi rất dài mà Chúa Giêsu gởi đến các môn đệ trước hành trình tới vườn Ghết-sê-ma-ni. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đã đưa ra cho những người yêu mến Người những động lực mới trong hành trình tiếp bước theo Người: Người hứa ban cho các ông một Đấng ptrợ (c.16) mà Người gọi là Thần Khí sự thật (c.17), bởi chính Đấng ấy sẽ là Đấng mạc khải cho họ mọi điều (c.26). Bên cạnh đó Chúa Giêsu còn hứa với họ rằng chính Người với Chúa Cha sẽ đến và ngự trong họ (c.23), và như thế sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người sẽ được thành toàn. Sự kết hợp đó cũng sẽ làm cho sự kết hợp với các anh em được khả thể nhờ việc tuân giữ Lời hay các giới răn của Người (cc.15.24). Một Kitô hữu đích thực không bao giờ dừng lại và an vị với lời nói yêu mến Chúa, nhưng luôn biết biến lời tình yêu đó thành thực tại cụ thể trong đời sống mình qua việc tuân giữ các giới răn để sống như Chúa đã sống. Để đạt được điều nay, chúng ta cần ơn trợ giúp của Thánh Thần, chính Người sẽ mạc khải nơi 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

    Chúng ta thường hay suy gẫm về thần khí, yếu tố làm sinh động, hướng dẫn và chi phối chúng ta trong hầu hết mọi hành động việc làm của mình. Vậy thần khí đó là Thần khí của Chúa Giêsu, Thần khí dẫn đưa đến sự dịu hiền và khiêm hạ, và hướng đến những giá trị và thực tại thiên quốc? Hay đó là thần khí của thế gian và ác thần, thần khí hướng chúng ta đến những điều phù vân, hư ảo, kiêu ngạo, đố kỵ ghen ghét, và nhất là đưa đến sự chết?

    Để có thể chiếm hữu gia nghiệp Nước trời mai sau, chúng ta cần sống theo Thần Khí, và loại trừ những ước muốn theo tính xác thịt của chúng ta.

    Để có thể trở nên đồng thừa tự của Chúa Kitô, Đấng đã chết trên thập giá vì chúng ta, chúng ta cũng cần phải đau khổ với Chúa Kitô và bước đi trong Thần Khí của Chúa Kitô.

    Chúng ta hết lòng ước muốn và cầu xin Chúa Thánh Thần luôn ngự trong tầm hồn chúng ta trong mỗi giây phút của cuộc sống.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô phục sinh đã xin Thiên Chúa Cha ban tặng Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và tất cả những ai tin vào danh của Người. Cộng đoàn chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:

1. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết vâng theo sự hướng dẫn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, trung thành diễn tả dung mạo của Chúa Kitô phục sinh cho thế giới hôm nay.

2. Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế biết quan tâm mưu cầu h bình đích thực cho thế giới qua những hoạt động bảo vệ công lý và phục vụ người nghèo.

3. “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu được Chúa Thánh Thần thánh hoá, và hướng dẫn hầu trở nên những con người mới luôn ý thức và hăng say với sứ vụ truyền giáo trong cuộc sống hằng ngày.

4. “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần”. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết quí trọng và sử dụng ân huệ của Chúa Thánh Thần cách hiệu quả, luôn tích cực xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và bảo vệ sự hp nhất trong Hội Thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện ban xuống trên chúng con tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, giúp chúng con luôn can đảm làm chứng cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.